Trong cuộc sống hôn nhân, không phải lúc nào mọi thứ cũng diễn ra suôn sẻ, thuận lợi. Qua quá trình chung sống lâu dài, các cặp vợ chồng phải đối mặt với vô vàn khó khăn, mâu thuẫn cũng như áp lực từ nhiều vấn đề khác nhau. Những yếu tố này có thể khiến tình cảm giữa họ dần phai nhạt, không còn gắn bó như trước, vì vậy, để tạo điều kiện cho cả hai có thời gian suy ngẫm lại mối quan hệ hôn nhân của mình họ thường dẫn đến quyết định ly thân.
Theo pháp luật Việt Nam, không có quy định cụ thể nào về vấn đề ly thân nhưng dựa trên những căn cứ xoay quanh lĩnh vực hôn nhân gia đình, vấn đề này cũng được ràng buộc bởi những khung pháp lý nhất định. Thông qua bài viết dưới đây, Luật Dương Gia sẽ phân tích chi tiết những thông tin liên quan đến vấn đề “Ly thân”.
Căn cứ pháp lý:
– Luật Hôn nhân & Gia đình 2014
1. Ly thân là gì?
Căn cứ quy định tại Điều 19 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 :
“Tình nghĩa vợ chồng
- Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình.
- Vợ chồng có nghĩa vụ sống chung với nhau, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc do yêu cầu của nghề nghiệp, công tác, học tập, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và lý do chính đáng khác.”
Theo đó, vợ chồng khi đã kết hôn, được pháp luật thừa nhận, bảo vệ thì có nghĩa vụ sống chung với nhau, ít nhất giữa họ luôn phải có mối liên hệ sâu đậm về phương diện sinh hoạt vật chất và thân xác, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc có lý do chính đáng.
Luật Hôn nhân & Gia đình đã đặt ra quy định về nghĩa vụ chung sống với nhau của vợ chồng nhưng không có một văn bản pháp luật nào đề cập đến vấn đề ly thân. Nhưng theo đó, Ly thân có thể hiểu là khi xuất phát những lý do, những nguyên nhân khiến mối quan hệ vợ chồng rạn nứt nhưng không tức nước vỡ bờ đến mức ly hôn thì họ chọn cách không chung sống liên tục trong thời gian dài nhằm mục đích cho nhau những khoảng không gian riêng để suy nghĩ và sắp xếp lại các vấn đề cũng như quan hệ hôn nhân này.
2. Khi ly thân, quan hệ vợ chồng có chấm dứt không?
Căn cứ quy định tại khoản 14 Điều 3, khoản 1 Điều 57, Điều 65 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 :
“ Điều 3. Giải thích từ ngữ
…14. Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
Điều 57. Thời điểm chấm dứt hôn nhân và trách nhiệm gửi bản án, quyết định ly hôn
- Quan hệ hôn nhân chấm dứt kể từ ngày bản án, quyết định ly hôn của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
Điều 65. Thời điểm chấm dứt hôn nhân
Hôn nhân chấm dứt kể từ thời điểm vợ hoặc chồng chết.
Trong trường hợp Tòa án tuyên bố vợ hoặc chồng là đã chết thì thời điểm hôn nhân chấm dứt được xác định theo ngày chết được ghi trong bản án, quyết định của Tòa án.”
Theo đó, quan hệ hôn nhân chấm dứt kể từ:
– Ngày bản án, quyết định ly hôn của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
– Thời điểm vợ hoặc chồng chết.
– Trong trường hợp Tòa án tuyên bố vợ hoặc chồng là đã chết thì thời điểm hôn nhân chấm dứt được xác định theo ngày chết được ghi trong bản án, quyết định của Tòa án.
Như vậy, ngoài ba trường hợp nêu trên thì có thể thấy việc ly thân chỉ là hai vợ chồng tạm thời không sống chung với nhau nhưng quan hệ hôn nhân và gia đình chưa chấm dứt. Do đó, hai người vẫn là vợ chồng trên mặt pháp lý, vẫn phải đảm bảo đầy đủ các quyền và nghĩa vụ liên quan đến đời sống hôn nhân chung theo quy định của pháp luật.
3. Khi ly thân, bên còn lại được quyền chung sống như vợ chồng với người khác không?
Căn cứ tại khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về việc bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình như sau:
“Điều 5. Bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình
..2. Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;”
Theo đó, vì trong thời gian ly thân thì hai người vẫn là vợ chồng hợp pháp nên nếu vợ hoặc chồng có quan hệ tình cảm với một người khác, chung sống như vợ chồng với người khác thì được coi là ngoại tình, vi phạm chuẩn mực đạo đức, vi phạm điều cấm của chế độ hôn nhân và gia đình Việt Nam.
Đồng thời, căn cứ khoản 1 Điều 182 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng như sau:
” Điều 182. Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng
- Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
- a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;
- b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.”
Như vậy, khi đang trong thời gian ly thân mà chung sống như vợ chồng với người khác thì không chỉ bị xử phạt hành chính mà còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng, có thể bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc có thể bị phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
Từ những căn cứ trên, ta thấy hành vi nêu trên không chỉ là sai phạm về mặt đạo đức mà còn là hành vi vi phạm pháp luật, vì vậy khi vợ chồng hợp pháp đang sống ly thân thì việc chung sống với người khác như vợ chồng là không thể.
4. Phân biệt ly thân và ly hôn
+ Điểm giống nhau:
– Về nguyên nhân: Lý do để dẫn đến quyết định ly thân hay ly hôn đều vì mâu thuẫn vợ chồng khiến cho quan hệ hôn nhân lâm vào tình trạng nghiêm trọng, đời sống hôn nhân không thể kéo dài và mục đích hôn nhân không đạt được tuy nhiên xét về mức độ trầm trọng thì chưa đến mức để đôi bên phải ly hôn.
– Về mặt tình cảm: Ở cả hai trường hợp này, tình cảm của hai bên vợ chồng đều đã phai nhạt, không còn mặn nồng đến mức không còn muốn chung sống, gắn bó, chia sẻ để cùng xây dựng cuộc sống cũng như không thể sinh hoạt như cặp vợ chồng khác.
+ Điểm khác nhau:
– Về mặt nhân thân: Ly thân không được pháp luật quy định, không được tòa án chấp thuận hay ra quyết định chính thức nên không làm chấm dứt quan hệ vợ chồng về mặt pháp lý giống như trường hợp ly hôn mà chỉ chấm dứt quan hệ sống chung của hai vợ chồng
– Về mặt thủ tục: Vì không được pháp luật thừa nhận cũng như không có quy định cụ thể như việc như ly hôn nên thủ tục ly thân sẽ do các bên vợ chồng tự thỏa thuận, sắp xếp mà không phải ra Tòa. Trường hợp vợ chồng có nhu cầu phân chia tài sản chung mà trước đó không thể tự thỏa thuận được thì có thể yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.
Như vậy, khi vợ chồng không còn muốn tiếp tục chung sống với nhau thì không cần phải viết đơn xin ly thân cũng như thực hiện thủ tục xin ly thân như khi yêu cầu giải quyết ly hôn và quan hệ hôn nhân giữa họ cũng không chấm dứt như khi giải quyết ly hôn.
Từ những phân tích trên, có thể thấy khi xã hội ngày càng phát triển thì kéo theo đó là những hệ lụy với các mối quan hệ vô cùng phức tạp, điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của mỗi gia đình, do không hài hòa được cuộc sống vợ chồng, nhiều cặp vợ chồng đã chọn giải pháp ly thân để giải quyết mâu thuẫn nhưng Luật Hôn nhân vẫn chưa thật sự ghi nhận chế định ly thân. Do đó, về vấn đề này còn gặp nhiều khó khăn trên thực tiễn.
Trên đây là toàn bộ những nội dung có liên quan đến vấn đề Ly thân. Để được tư vấn thêm vui lòng liên hệ Công ty Luật Dương Gia theo số hotline 1900.6586 để được hỗ trợ, giải đáp.