Các cá nhân, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý

cac-ca-nhan-to-chuc-thuc-hien-tro-giup-phap-ly

Công tác TGPL đã trở thành cầu nối giữa chính quyền và nhân dân, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL, thực hiện tốt chính sách nhân đạo, đền ơn đáp nghĩa của Đảng và Nhà nước, đồng thời nâng cáo ý thức pháp luật cho nhân dân, phát huy dân chủ ở cơ sở, tích cực tham gia xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế – xã hội.

Luật TGPL đã có tác động tích cực trong việc thực thi pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống, nhất là đối với người nghèo, người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số và một số đối tượng yếu thế khác. Cùng Luật Dương Gia tìm hiểu về các cá nhân, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý trong bài viết dưới đây.

1. Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý

Tổ chức TGPL theo quy định tại Điều 10 Luật TGPL năm 2017, bao gồm Trung tâm TGPL nhà nước và tổ chức tham gia TGPL.Đây là mô hình tổ chức hỗn hợp gồm nhà nước và xã hội cùng thực hiện.

Ở Trung ương Cục TGPL là đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý nhà nước về công tác TGPL trong phạm vi cả nước, thực hiện quản lý chuyên ngành về TGPL theo quy định của pháp luật, không trực tiếp thực hiện TGPL.

Ở địa phương (cấp tỉnh), đơn vị thực hiện TGPL gồm có Trung tâm TGPL nhà nước và các Chi nhánh. Điều 11 Luật TGPL 2017 quy định về Trung tâm TGPL nhà nước và Chi nhánh như sau:

  1. Trung tâm TGPL nhà nước là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Tư pháp, do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập, có tư cách pháp nhân, có con dấu, trụ sở và tài khoản riêng.
  2. Trung tâm TGPL nhà nước có thể có chi nhánh.

Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của Trung tâm TGPL nhà nước, được thành lập tại các huyện ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, giao thông không thuận tiện đến Trung tâm TGPL nhà nước và chưa có tổ chức hành nghề luật sư hoặc tổ chức tư vấn pháp luật tham gia TGPL. Trung tâm TGPL nhà nước chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của Chi nhánh. Căn cứ nhu cầu và điều kiện thực tế tại địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Chi nhánh của Trung tâm TGPL nhà nước.

Bên cạnh Trung tâm TGPL nhà nước là tổ chức chính và nòng cốt trong hoạt động TGPL hiện nay, thì nhà nước còn khuyến khích các tổ chức xã hội khác tham gia vào hoạt động TGPL nhằm tận dụng nguồn lực xã hội, góp phần đáp ứng nhu cầu TGPL cho nhân dân. Điều 12 Luật TGPL quy định tổ chức tham gia TGPL như sau:

  1. Tổ chức tham gia TGPLgồm tổ chức ký hợp đồng thực hiện TGPL và tổ chức đăng ký tham gia TGPL.
  2. Tổ chức ký hợp đồng thực hiện TGPL bao gồm tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật ký kết hợp đồng thực hiện TGPL với Sở Tư pháp theo quy định của Luật này.
  3. Tổ chức đăng ký tham gia TGPL bao gồm tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luậtđăng ký tham gia TGPL theo quy định của Luật này.

Tổ chức tư vấn pháp luật là các Trung tâm tư vấn pháp luật thuộc tổ chức chính trị – xã hội, chính trị xã hội – nghề nghiệp, xã hội – nghề nghiệp theo quy định của Chính phủ về tổ chức, hoạt động tư vấn pháp luật.

2. Người thực hiện trợ giúp pháp lý

Theo quy định tại khoản 1, Điều 17 Luật trợ giúp pháp lý năm 2017, người thực hiện trợ giúp pháp lý bao gồm 4 nhóm chủ thể như sau:

(i) Trợ giúp viên pháp lý (TGVPL).

(ii) Luật sư (LS) thực hiện TGPL.

(iii) Tư vấn viên pháp luật làm việc tại tổ chức tham gia TGPL.

(iv) Cộng tác viên (CTV) TGPL.

2.1. Người thực hiện TGPL là trợ giúp viên pháp lý

TGVPL được quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 17 Luật TGPL 2017. Đây là chức danh được kế thừa từ Luật TGPL năm 2006 và đã được quy định đồng bộ trong các văn bản pháp luật. Triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, các bộ luật, luật tố tụng đều ghi nhận vai trò của TGVPL.Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015 (tại khoản 2 Điều 75), Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 (tại khoản 2 Điều 72, khoản 2 Điều 83, khoản 2 Điều 84), Bộ Luật tố tụng Hành chính 2015 (khoản 2 Điều 61) đều đã ghi nhận vị trí pháp lý của TGVPL là người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị buộc tội, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, bị hại, đương sự thuộc diện được TGPL.

Để trở thành TGVPL ngoài các tiêu chuẩn về nhân thân, sức khỏe, phầm chất đạo đức như: là công dân Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, có sức khỏe bảo đảm thực hiện TGPL, không đang trong thời gian bị xử lý kỷ luật thì điều kiện bắt buộc về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của TGVPL phải có trình độ cử nhân luật trở lên; đã được đào tạo nghề luật sư hoặc được miễn đào tạo nghề luật sư; đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư hoặc tập sự TGPL.

TGVPL là viên chức Nhà nước làm việc tại Trung tâm TGPL Nhà nước, khi đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định, TGVPL được chủ tịch UBND cấp tỉnh bổ nhiệm và cấp thẻ TGVPL theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp.

Các tiêu chuẩn này được quy định trên cơ sở kế thừa tinh thần quy định tiêu chuẩn của TGVPL tại Điều 21 Luật TGPL 2006 và có sửa đổi, bổ sung trên cơ sở nâng cao điều kiện, tiêu chuẩn của đội ngũ này. Cụ thể, Luật TGPL năm 2017 đã sửa đổi tiêu chuẩn “có bằng cử nhân luật” thành “có bằng cử nhân luật trở lên” nhằm tạo điều kiện cho những người là thạc sỹ, tiến sĩ luật nhưng không có bằng cử nhân luật làmTGVPL, thu hút được những người có kiến thức pháp luật vào công tác này.

Ngoài ra còn bổ sung 01 điểm mới về điều kiện, tiêu chuẩn để trở thànhTGVPL, đó là “đã được đào tạo nghề luật sư hoặc được miễn đào tạo nghề luật sư; đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư hoặc tập sự TGPL” bởi để nâng cao chất lượng dịch vụ TGPL thì trình độ chuyên môn nghiệp vụ và kinh nghiệm của người thực hiện TGPL là điều kiện tiên quyết và quan trọng nhất.

Xét về tính chất nghề nghiệp, hoạt động của TGVPL tương đồng với hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý của luật sư, cần có thời gian thực hành, vận dụng kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp để có thể đảm nhận tốt nhiệm vụ khi được chính thức cấp thẻ TGVPL.

Đối với người tập sự TGPL, Điều 20 Luật TGPL năm 2017 quy định: Viên chức của Trung tâm TGPL nhà nước có Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư hoặc được miễn đào tạo nghề luật sư theo quy định của Luật Luật sư được tập sự TGPL tại Trung tâm TGPL nhà nước.

Thời gian tập sự TGPL là 12 tháng. Trung tâm TGPL nhà nước phân công TGVPL hướng dẫn người tập sự TGPL và xác nhận việc tập sựTGPL. TGVPL hướng dẫn tập sự phải có ít nhất 03 năm kinh nghiệm làmTGPL. Tại cùng một thời điểm, 01 TGVPL không được hướng dẫn tập sự quá 02 người.

Người tập sự TGPL được giúp TGVPL hướng dẫn trong hoạt động nghề nghiệp nhưng không được đại diện, bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL tại phiên tòa; không được ký văn bản tư vấn pháp luật. Người tập sự TGPL được cùng với TGVPL hướng dẫn gặp gỡ người được TGPL và đương sự khác trong vụ việc TGPL khi được người đó đồng ý; giúp TGVPL nghiên cứu hồ sơ vụ việc, thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến vụ việc và các hoạt động nghề nghiệp khác.

TGVPL hướng dẫn tập sự giám sát và chịu trách nhiệm về các hoạt động của người tập sự TGPL. Người thuộc trường hợp được miễn, giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư theo quy định của Luật Luật sư thì được miễn, giảm thời gian tập sự TGPL.

Ngoài ra, để tạo điều kiện cho những người đã được bổ nhiệm làm TGVPL theo Luật TGPL năm 2006 đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định của Luật TGPL năm 2017, khoản 1 Điều 48 Luật TGPL năm 2017 quy định chuyển tiếp như sau:

“Sau 05 năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, người được bổ nhiệm TGVPL không có Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư thì bị thu hồi thẻ TGVPL”.

Hình thức tham gia TGPL của TGVPL. Theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Luật Trợ TGPL năm 2017 thì TGVPL thực hiện TGPL dưới các hình thức: tham gia tố tụng, đại diện tố tụng (với tư cách là người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo để thực hiện việc bào chữa; người bảo vệ quyền lợi của đương sự trong vụ án hình sự; người đại diện hoặc người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính; đại diện ngoài tố tụng cho người được TGPL để thực hiện các vấn đề liên quan đến pháp luật), tư vấn pháp luật.

2.2. Người thực hiện TGPL là luật sư

Điểm b khoản 1 Điều 17 Luật TGPL 2017 quy định, Luật sư thực hiện TGPL theo hai phương thức: (i) theo hợp đồng với Trung tâm TGPL nhà nước và (ii) Theo sự phân công của tổ chức tham gia TGPL.

Luật sư thực hiện TGPL theo hợp đồng với Trung tâm TGPL nhà nước: Với mục tiêu xuyên suốt toàn bộ các quy định của Luật TGPL năm 2017 là nâng cao chất lượng dịch vụ TGPL hướng đến bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL, dịch vụ TGPL phải được thực hiện bởi những chủ thể có năng lực, trình độ và kỹ năng hành nghề.

Do đó căn cứ vào nhu cầu TGPL, nguồn lực thực hiện TGPL tại địa phương, Trung tâm TGPL nhà nước lựa chọn, ký kết hợp đồng thực hiện TGPL với luật đủ các điều kiện: Không đang trong thời gian thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động hành nghề luật sư. Không bị cấm hành nghề hoặc bị hạn chế hoạt động nghề nghiệp theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Không đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Được sự đồng ý bằng văn bản của tổ chức hành nghề luật sư nơi luật sư đang làm việc hoặc cơ quan, tổ chức mà luật sư lý kết hợp đồng lao động.

Luật sư thực hiện TGPL theo phân công của tổ chức tham gia TGPL: luật sư có thể thực hiện TGPL theo phân công của tổ chức đăng ký tham gia TGPL hoặc tổ chức ký hợp đồng thực hiện TGPL. So với Luật TGPL 2006, chức danh này có sự kế thừa quy định người thực hiện TGPL là luật sư làm việc tại các tổ chức đăng ký tham gia TGPL, họ thực hiện TGPL tự nguyện, miễn phí cho người được TGPL và không được Nhà nước hỗ trợ kinh phí để thực hiện vụ việc TGPL. Còn khi luật sư làm việc tại tổ chức ký hợp đồng thực hiện TGPL thì được Nhà nước hỗ trợ kinh phí để thực hiện vụ việc TGPL.

Hình thức TGPL của luật sư bao gồm: Tư vấn pháp luật; tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện hợp pháp để bào chữa cho người cho gười được TGPL là người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, bảo vệ quyền lợi của đương sự trong vụ án hình sự; đại diện cho người được TGPL để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ án dân sự, hành chính; đại diện ngoài tố tụng cho người được TGPL để thực hiện các công việc có liên quan đến pháp luật; thực hiện các hình thức TGPL khác như: tham gia hòa giải, hướng dẫn thủ tục hành chính phù hợp với hình thức TGPL thể hiện trong hợp đồng đã ký kết với Trung tâm TGPL nhà nước.

2.3. Người thực hiện TGPL là tư vấn viên pháp luật

TVVPL được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 17 Luật TGPL năm 2017. Điều kiện để trở thành TVVPL phải có 02 năm kinh nghiệm tư vấn pháp luật trở lên và phải làm việc tại tổ chức tham gia TGPL (bao gồm các tổ chức ký hợp đồng thực hiện TGPL và tổ chức đăng ký tham gia TGPL).

Ngoài ra TVVPL là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam; có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có phẩm chất đạo đức tốt, không phải là người đang truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án mà chưa được xóa án tích, có bằng cử nhân luật. TVVPL được cấp thẻ tư vấn viên pháp luật, được hoạt động trong phạm vi toàn quốc, tham gia TGPL bằng hình thức tư vấn pháp luật và trong phạm vi đã đăng ký với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Nếu TVVPL là thành viên tổ chức đăng ký tham gia TGPL thì thực hiện TGPL tự nguyện, miễn phí cho người được TGPL và không được Nhà nước hỗ trợ kinh phí để thực hiện vụ việc TGPL. Còn nếu là TVVPL làm việc tại tổ chức ký hợp đồng thực hiện TGPL thì tổ chức đó được Nhà nước hỗ trợ kinh phí để thực hiện TGPL.

TVVPL bị thu hồi thẻ tư vấn viên khi thuộc một trong các trường hợp: Không còn đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật; Được tuyển dụng làm công chức trong cơ quan hành chính nhà nước, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân; Có hành vi vi phạm (Xúi giục cá nhân, tổ chức yêu cầu tư vấn pháp luật cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật, khiếu nại, tố cáo, khởi kiện trái pháp luật;

Lợi dụng hoạt động tư vấn pháp luật để trục lợi; Lợi dụng hoạt động tư vấn pháp luật gây mất trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng xấu đến đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; Tư vấn pháp luật cho các bên có quyền lợi đối lập trong cùng một vụ việc, tiết lộ thông tin về vụ việc, về cá nhân, tổ chức yêu cầu tư vấn pháp luật, trừ trường hợp cá nhân, tổ chức yêu cầu tư vấn pháp luật đồng ý hoặc pháp luật có quy định khác).Sở Tư pháp, nơi có Trung tâm tư vấn pháp luật, Chi nhánh mà người có Thẻ TVVPL đang làm việc, thực hiện việc thu hồi Thẻ TVVPL.

2.4. Người thực hiện TGPL là cộng tác viên TGPL

Đây là đối tượng được bàn bạc và cân nhắc nhiều trong quá trình xây dựng Luật TGPL năm 2017, bởi liên quan tới chất lượng và trình độ của đội ngũ CTVTGPL. Tuy nhiên, so với nhu cầu tiếp cận và sử dụng pháp luật của người dân hiện nay thì lực lượng TGVPL còn mỏng, đặc biệt là ở những nơi có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn thì còn không thể đáp ứng được. Để huy động nguồn lực của xã hội cùng với Nhà nước tham gia vào công tác TGPL, pháp luật thừa nhận và cho phép các tổ chức thực hiện TGPL có thể ký kết hợp đồng với CTVTGPL để thực hiện hoạt động TGPL.

Luật TGPL năm 2017 quy định, ở nơi có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, căn cứ nhu cầu TGPL của người dân và điều kiện thực tế tại địa phương, Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước đề nghị Giám đốc Sở Tư pháp cấp thẻ CTVTGPL cho người có đủ các điều kiện:

Những người đã nghỉ hưu, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có phẩm chất đạo đức tốt, có sức khỏe, có nguyện vọng thực hiện TGPL có thể thành cộng tác viên TGPL, bao gồm: TGVPL; thẩm phán, thẩm tra viên ngành Tòa án; kiểm sát viên, thẩm tra viên ngành kiểm sát; điều tra viên; chấp hành viên, thẩm tra viên thi hành án dân sự; chuyên viên làm công tác pháp luật tại các cơ quan nhà nước.

Đây là những người có kiến thức pháp luật, có kinh nghiệm thực tiễn, hơn nữa họ đã nghỉ hưu nên có nhiều thời gian để tham gia các hoạt động TGPL. Việc quy định cụ thể về tiêu chuẩn để trở thành CTVTGPL như vậy nhằm nâng cao chất lượng vụ việc được TGPL. Bởi thực tiễn trước đó cho thấy mặc dù số lượng CTVPL tuy đông nhưng trình độ lại không đồng đều (người không có bằng đại học luật, già làng, trưởng bản… cũng thực hiện TGPL), phần lớn các vụ việc được CTVTGPL tư vấn là giải đáp các vướng mắc pháp luật đơn giản thông qua thực hiện TGPL lưu động.

Ngoài việc quy định điều kiện, tiêu chuẩn củaCTVTGPL, pháp luật cũng quy định về quyền lợi và trách nhiệm của CTVTGPL như: Đối với cộng tác viên không thực hiện TGPL trong thời gian 02 năm liên tục, trừ trường hợp do nguyên nhân khách quan, Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước đề nghị Giám đốc Sở Tư pháp thu hồi thẻ CTVTGPL; trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cấp thẻ, CTVTGPL có trách nhiệm đến Trung tâm để ký hợp đồng thực hiện TGPL, trừ trường hợp có lý do chính đáng;

CTVTGPL ký kết hợp đồng thực hiện TGPL với Trung tâm TGPL nhà nước được hưởng thù lao và chi phí thực hiện vụ việc TGPL theo quy định của pháp luật. CTVTGPL thực hiện TGPL bằng hình thức tư vấn pháp luật. Trong trường hợp CTVTGPL đã thực hiện TGPL bằng hình thức tư vấn pháp luật mà đối tượng có nhu cầu cần cử chính cộng tác viên đó tham gia hòa giải gắn với vụ việc đã tư vấn thì Giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước hoặc trưởng chi nhánh có thể cử CTVTGPL đó tiếp tục thực hiện hòa giải.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon