Hạn chế áp dụng hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt ngoài tù

han-che-ap-dung-hinh-phat-tu-mo-rong-ap-dung-hinh-phat-ngoai-tu

Thực hiện chủ trương hạn chế áp dụng hình phạt tù, tăng cường áp dụng hình phạt không mang tính giam giữ, phần các quy định chung của BLHS năm 2015 đã có những sửa đổi liên quan các hình phạt không mang tính giam giữ, đó là  hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ nhằm thúc đẩy khả năng áp dụng các  hình phạt này trong thực tiễn xử lý người phạm tội.

Căn cứ pháp lý:

– Bộ luật Hình sự năm 1999;

– Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017;

1. Phạt tiền

So với BLHS năm 1999 thì BLHS năm 2015 đã mở rộng đáng kể phạm vi áp dụng hình phạt tiền là hình phạt. Theo đó, hình phạt tiền sẽ được áp dụng đối với hai loại đối tượng: một là, những người phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng thuộc tất cả các lĩnh vực theo quy định của BLHS mà không hạn chế ở một số lĩnh vực nhất định như BLHS năm 1999 và hai là, những người phạm tội rất nghiêm trọng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường, trật tự công cộng, an toàn công cộng và một số tội phạm khác do BLHS quy định. Quy định này đã được cụ thể hoá tại một số điều khoản thuộc Phần các tội phạm của BLHS năm 2015, theo đó, hình phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với 112/314 tội phạm cụ thể, chiếm tỉ lệ hơn 35%, tập trung vào các tội xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân; các tội xâm phạm sở hữu; các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; các tội phạm về môi trường; các tội xâm phạm an toàn cộng cộng, trật tự công cộng và các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính.

2. Hình phạt cải tạo không giam giữ

Cải tạo không giam giữ là hình phạt hạn chế một phần quyền, lợi ích của người phạm tội thể hiện ở việc người bị kết án phải thực hiện một số nghĩa vụ nhất định tại cộng đồng dưới sự giám sát, giáo dục của cơ quan, tổ chức nơi làm việc hoặc chính quyền địa phương và gia đình cũng như cộng đồng dân cư nơi cư trú và họ bị khấu trừ thu nhập. So với BLHS năm 1999, quy định của BLHS năm 2015 về hình phạt cải tạo không giam giữ có một số điểm mới cơ bản vừa đảm bảo tính hiệu quả, khả thi của hình phạt này, vừa đảm bảo tính hướng thiện sâu sắc, thể hiện ở hai điểm sau:

Thứ nhất, để tăng tính giáo dục, cải tạo của hình phạt cải tạo không giam giữ, Điều 36 BLHS năm 2015 đã bổ sung quy định trường hợp người bị kết án không có việc làm ổn định hoặc mất việc làm trong thời gian chấp hành hình phạt này thì phải thực hiện một số công việc cụ thể phục vụ cộng đồng trong một thời hạn nhất định do Tòa án quyết định. Theo đó, người bị kết án bị buộc lao động không quá 4 giờ/một ngày và 5 ngày/một tuần tùy thuộc vào độ tuổi, tình trạng sức khỏe, khả năng và hoàn cảnh, điều kiện thực tế của người phạm tội để xác định loại công việc và thời gian lao động mà người đó buộc phải thực hiện.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định thì người bị kết án cải tạo không giam giữ sẽ không bị buộc phải lao động phục vụ cộng đồng dù họ không có việc làm ổn định hoặc mất việc làm trong thời gian chấp hành hình phạt này, đó là: (i) phụ nữ đang có thai hoặc đang nuôi con dưới 06 tháng tuổi; (ii) người già yếu; (iii) người bị bệnh hiểm nghèo và (iv) người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng. Quy định này đã thể hiện khá rõ tinh thần hướng thiện trong chính sách xử lý người phạm tội.

Thứ hai, nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch trong quá trình vận dụng pháp luật, Điều 36 BLHS năm 2015 về hình phạt cải tạo không giam giữ cũng xác định rõ trường hợp người bị kết án cải tạo không giam giữ là người đang thực hiện nghĩa vụ quân sự thì sẽ không bị khấu trừ một phần thu nhập (05% đến 20%) như những đối tượng khác bị kết án cải tạo không giam giữ. Bởi lẽ, trong quá trình thực hiện nghĩa vụ quân sự, người đó không có thu nhập (lương) hàng tháng mà chỉ có một khoản phụ cấp tiêu vặt để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt cá nhân (mua bàn chải đánh răng, kem đánh răng, xà phòng…).

3. Hình phạt tù có thời hạn

Theo quy định tại Điều 38 BLHS năm 2015 thì tù có thời hạn là việc buộc người bị kết án phải chấp hành hình phạt tại cơ sở giam giữ trong một thời hạn nhất định. Thời hạn tối thiểu của hình phạt tù là 03 tháng và mức tối đa của hình phạt tù đối với mỗi tội phạm là 20 năm. Như vậy, về bản chất pháp lý thì hình phạt tù quy định tại BLHS năm 2015 không có gì thay đổi so với quy định của BLHS năm 1999.

Tuy nhiên, một điểm mới quan trọng của Điều luật này, thể hiện rõ tính hướng thiện trong chính sách xử lý người phạm tội đó là lần đầu tiên BLHS xác định nguyên tắc không áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng do vô ý và có nơi cư trú rõ ràng (khoản 2 Điều 38). Đây được xem là nguyên tắc định hướng trong quá trình xây dựng những điều luật cụ thể tại phần các tội phạm cũng như trong quá trình vận dụng pháp luật. Theo đó, tại Phần các tội phạm, số lượng các điều luật không quy định hình phạt tù tăng từ 06 điều luật của BLHS năm 1999 lên 26 điều luật của BLHS năm 2015 (26/314 tội phạm cụ thể, chiếm tỉ lệ hơn 08%), trong số 26 điều luật quy định về tội phạm không quy định hình phạt tù là hình phạt chính thì có 05 điều luật được bổ sung mới.

Như vậy, với nguyên tắc này, trong quá trình vận dụng pháp luật, khi quyết định hình phạt, Hội đồng xét xử sẽ cân nhắc tới nhân thân của người phạm tội, trường hợp người đó có đủ 03 điều kiện, đó là (i) phạm tội ít nghiêm trọng do vô ý, (ii) phạm tội lần đầu và (iii) có nơi cư trú rõ ràng thì Hội đồng xét xử sẽ quyết định áp dụng một hình phạt không mang tính giam giữ đối với người phạm tội (cảnh cáo, phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ).

4. Hạn chế áp dụng hình phạt tử hình

Hạn chế áp dụng hình phạt tử hình là chủ trương đã được Đảng và Nhà nước khẳng định tại các Nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp, đặc biệt là Nghị quyết số 49/NQ-TW và bám sát tinh thần nội dung quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền sống của con người. Thực hiện chủ trương này, Điều 40 của BLHS năm 2015 đã khẳng định rõ tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do Bộ luật này quy định với những sửa đổi, bổ sung khá cơ bản và toàn diện, cụ thể:

4.1. Mở rộng đối tượng không áp dụng hình phạt tử hình

Ngoài hai đối tượng không áp dụng hình phạt tử hình theo quy định của BLHS hiện hành là người chưa thành niên và phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, BLHS năm 2015 đã bổ sung thêm đối tượng người từ đủ 75 tuổi trở lên khi xét xử cũng thuộc đối tượng không áp dụng hình phạt tử hình. Việc bổ sung đối tượng này vào diện không áp dụng hình phạt tử hình thể hiện chính sách hình sự nhân đạo đối với một đối tượng được sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước trong số những người cao tuổi.

4.2. Mở rộng phạm vi, điều kiện không thi hành án tử hình và chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân

Để góp phần hạn chế hình phạt tử hình trên thực tế thì một trong những giải pháp quan trọng là mở rộng phạm vi áp dụng cơ chế không thi hành án tử hình và chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân. Theo đó, ngoài hai đối tượng là phụ nữ có thai và phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi thuộc diện không thi hành án tử hình như quy định của BLHS năm 1999 thì BLHS năm 2015 đã bổ sung thêm đối tượng không thi hành án tử hình là người từ đủ 75 tuổi trở lên. Đồng thời, những người khác bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản hoặc tội nhận hối lộ cũng có thể được áp dụng cơ chế không thi hành án tử hình và chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân, nếu họ đáp ứng đủ 02 điều kiện nhất định, đó là: (i) sau khi bị kết án tử hình, người bị kết án đã chủ động giao nộp cho Nhà nước 3/4 tiền, tài sản tham ô, nhận hối lộ; (ii) hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

4.3. Giảm một cách hợp lý số tội danh có quy định hình phạt tử hình trong Phần các tội phạm của BLHS

Căn cứ vào các điều kiện áp dụng hình phạt tử hình cũng như các tiêu chí để xem xét bỏ hay giữ hình phạt tử hình đối với từng tội cụ thể, BLHS năm 2015 đã bỏ hình phạt tử hình ở 07 tội danh:

(1) cướp tài sản;

(2) sản xuất, buôn bán hàng cấm là lương thực, thực phẩm;

(3) tàng trữ trái phép chất ma túy;

(4) chiếm đoạt chất ma túy[1];

(5) phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia;

(6) chống mệnh lệnh;

(7) đầu hàng địch. Như vậy, BLHS năm 2015 vẫn còn duy trì hình phạt tử hình đối với 18 tội danh trong số 314 tội danh được quy định trong BLHS năm 2015 (chiếm tỷ lệ 5,73%) thuộc 07/14 nhóm tội phạm[2], giảm 11 tội danh so với BLHS năm 1999 và giảm 04 tội danh so với BLHS năm 1999 (sửa đổi năm 2009)[3].

[1] Tội tàng trữ trái phép chất ma túy và tội chiếm đoạt chất ma túy được tách ra từ tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy quy định tại Điều 194 của BLHS năm 1999.

[2] 06 tội xâm phạm ANQG: phản bội Tổ quốc; hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; gián điệp; bạo loạn; khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân; phá hoại cơ sở vật chất – kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội.

– 02 tội xâm phạm TMSK: giết người và hiếp dâm người dưới 16 tuổi.

– 01 tội về kinh tế: sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh.

– 03 tội phạm về ma túy: sản xuất trái phép chất ma tuý; vận chuyển trái phép chất ma tuý; mua bán trái phép chất ma tuý.

– 01 tội xâm phạm ATCC: khủng bố.

– 02 tội phạm tham nhũng: tham ô tài sản; nhận hối lộ.

– 03 tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh: phá hoại hoà bình gây chiến tranh xâm lược; chống loài người; tội phạm chiến tranh.

[3] BLHS 1999 có 29/263 tội danh có quy định hình phạt tử hình, chiếm tỷ lệ trên 11% thuộc 09/14 nhóm tội phạm; BLHS 1999 (sửa đổi năm 2009) có 22/272 tội danh có quy định hình phạt tử hình, chiếm tỷ lệ trên 8% thuộc 09/14 nhóm tội phạm.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon