Tòa án nhân dân là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, giữ vai trò bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân, lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân, và chế độ xã hội chủ nghĩa. Theo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024, hệ thống Tòa án gồm: Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án tỉnh/thành phố, Tòa án huyện/quận, Tòa án sơ thẩm chuyên biệt (hành chính, sở hữu trí tuệ, phá sản) và Tòa án quân sự.
Chức danh tư pháp chính trong Tòa án bao gồm: Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, cùng các công chức, viên chức, quân nhân và người lao động khác.
Sau đây, Luật Dương Gia sẽ cung cấp thông tin chi tiết về các chức danh, chức vụ trong Tòa án nhân dân, giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vai trò, nhiệm vụ của từng vị trí theo quy định pháp luật.
1. Chánh án và Phó Chánh án Tòa án nhân dân
– Chánh án Tòa án nhân dân tối cao là người giữ chức vụ đứng đầu Tòa án nhân dân, do Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm theo đề nghị của Chủ tịch nước. Nhiệm kỳ của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khóa mới bầu ra Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ( Điều 76 Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024). Theo Nghị quyết 151/2024/QH15 ngày 26/8/2024, Quốc hội bầu Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Lê Minh Trí, Bí thư Trung ương Đảng.
Chánh án tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ: Tổ chức công tác xét xử của Tòa án nhân dân tối cao; chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện nguyên tắc Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; Chủ tọa phiên họp của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo quy định của luật;.. và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan ( Điều 77 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024).
– Phó chánh án tòa án nhân dân tối cao là người giúp Chánh án thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo sự phân công của Chánh án. Khi Chánh án vắng mặt, một Phó Chánh án được Chánh án ủy nhiệm lãnh đạo công tác của Tòa án. Phó Chánh án chịu trách nhiệm trước pháp luật và Chánh án về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan ( Điều 78 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024).
Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao do Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức. Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao được lựa chọn trong số các Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hoặc các Thẩm phán Tòa án nhân dân đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 96 của Luật này. Trường hợp Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao được lựa chọn từ Thẩm phán Tòa án nhân dân thì Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị Quốc hội phê chuẩn, Chủ tịch nước bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao theo quy định của pháp luật. Nhiệm kỳ của Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao là 05 năm kể từ ngày được bổ nhiệm.
– Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức. Nhiệm kỳ của Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao là 05 năm kể từ ngày được bổ nhiệm ( Điều 79 Luật tổ chức Tòa án năm 2024).
– Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là người giữ chức vụ đứng đầu Tòa án nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức. Nhiệm kỳ của Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là 05 năm kể từ ngày được bổ nhiệm ( Điều 80 Luật tổ chức Tòa án năm 2024).
– Chánh án Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương là chức vụ đứng đầu Tòa án nhân dân cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức. Nhiệm kỳ của Chánh án Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương là 05 năm kể từ ngày được bổ nhiệm ( Điều 81 Luật tổ chức Tòa án năm 2024).
– Chánh án Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức. Nhiệm kỳ của Chánh án Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt là 05 năm kể từ ngày được bổ nhiệm ( Điều 82 Luật tổ chức Tòa án năm 2024).
– Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức. Nhiệm kỳ của Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt là 05 năm kể từ ngày được bổ nhiệm.
Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt giúp Chánh án thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo sự phân công của Chánh án. Khi Chánh án vắng mặt, một Phó Chánh án được Chánh án ủy nhiệm lãnh đạo công tác của Tòa án. Phó Chánh án chịu trách nhiệm trước pháp luật và Chánh án về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao (Điều 83 Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024).
– Chánh án Tòa án quân sự trung ương là Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao do Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức. Nhiệm kỳ của Chánh án Tòa án quân sự trung ương là 05 năm kể từ ngày được bổ nhiệm (Điều 84 Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024).
– Chánh án Tòa án quân sự quân khu và tương đương do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức sau khi thống nhất với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Nhiệm kỳ của Chánh án Tòa án quân sự quân khu và tương đương là 05 năm kể từ ngày được bổ nhiệm (Điều 84 Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024).
– Chánh án Tòa án quân sự khu vực do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức sau khi thống nhất với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Nhiệm kỳ của Chánh án Tòa án quân sự khu vực là 05 năm kể từ ngày được bổ nhiệm (Điều 85 Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024).
– Phó Chánh án Tòa án quân sự trung ương, Tòa án quân sự quân khu và tương đương, Tòa án quân sự khu vực do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức sau khi thống nhất với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Nhiệm kỳ của Phó Chánh án Tòa án quân sự trung ương, Tòa án quân sự quân khu và tương đương, Tòa án quân sự khu vực là 05 năm kể từ ngày được bổ nhiệm.
Phó Chánh án Tòa án quân sự trung ương, Tòa án quân sự quân khu và tương đương, Tòa án quân sự khu vực giúp Chánh án thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo sự phân công của Chánh án. Khi Chánh án vắng mặt, một Phó Chánh án được Chánh án ủy nhiệm lãnh đạo công tác của Tòa án. Phó Chánh án chịu trách nhiệm trước pháp luật và Chánh án về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao (Điều 86 Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024).
Các chức danh tư pháp nêu trên được Nhà nước trao quyền tư pháp, tổ chức công tác xét xử và các công việc khác theo quy định của pháp luật.
2. Thẩm phán
Theo Điều 88 Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024 quy định: Thẩm phán là người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của Luật này được Chủ tịch nước bổ nhiệm để thực hiện nhiệm vụ xét xử và các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Thẩm phán Tòa án nhân dân là một chức danh tư pháp thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo sự phân công của Chánh án Tòa án nhân.
Theo đó, thẩm phán bao gồm 02 ngạch là: Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và Thẩm phán Tòa án nhân dân. Trong đó,
- Chức danh: Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao
Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao là chức danh do Chủ tịch nước bổ nhiệm căn cứ vào nghị quyết phê chuẩn của Quốc hội theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Nhiệm kỳ của Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao được tính từ khi được bổ nhiệm đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác.
- Chức danh: Thẩm phán Tòa án nhân dân
Thẩm phán Tòa án nhân dân là chức danh do Chủ tịch nước bổ nhiệm theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Thẩm phán Tòa án nhân dân được bổ nhiệm lần đầu có nhiệm kỳ là 05 năm kể từ ngày được bổ nhiệm. Thẩm phán Tòa án nhân dân được bổ nhiệm lại có nhiệm kỳ đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác.
3. Thẩm tra viên Tòa án
Theo Điều 111 Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024 quy định Thẩm tra viên Tòa án là người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của Luật này được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao bổ nhiệm để thực hiện nhiệm vụ thẩm tra hồ sơ vụ án, vụ việc và nhiệm vụ khác theo quy định của Luật này.
Tiêu chuẩn để bổ nhiệm chức danh Thẩm tra viên Tòa án: Là công dân Việt Nam, trung thành với Tổ quốc và với Hiến pháp, có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, liêm khiết và trung thực; Có trình độ cử nhân luật trở lên; Là công chức Tòa án; Đã được đào tạo nghiệp vụ Thẩm tra viên Tòa án hoặc nghiệp vụ xét xử; Có thời gian làm công tác pháp luật; Có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao (Điều 112 Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024).
Điều kiện bổ nhiệm chức danh Thẩm tra viên Tòa án: Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 112 của Luật này và thuộc một trong các trường hợp sau đây thì được xem xét bổ nhiệm Thẩm tra viên Tòa án: Đã làm Thư ký Tòa án từ đủ 03 năm trở lên; Có thời gian làm công tác pháp luật từ đủ 03 năm trở lên.
4. Thư ký tòa án
Theo Điều 116 Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024 quy định: Thư ký Tòa án là người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của Luật này được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao bổ nhiệm để thực hiện thủ tục tố tụng, nhiệm vụ hành chính, tư pháp và nhiệm vụ khác theo quy định của Luật này.
Tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm chức danh Thư ký Tòa án: Công dân Việt Nam có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau đây thì được xem xét bổ nhiệm Thư ký Tòa án: Có trình độ cử nhân luật trở lên; Được tuyển dụng làm công chức Tòa án; Được đào tạo nghiệp vụ Thư ký Tòa án ( Điều 117 Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024).
Thư ký Tòa án gồm có các ngạch sau đây: Thư ký viên; Thư ký viên chính; Thư ký viên cao cấp.
5. Ý nghĩa của của các chức danh tư pháp trong Tòa án nhân dân
Mỗi một chức danh tư pháp trong tòa án đều đảm nhận chức năng, nhiệm vụ riêng.
Mỗi một chức danh, chức vụ trong Tòa án nhân dân đều thực hiện quyền tư pháp khác nhau. Các chức danh trong bộ máy Tòa án nhân dân được trao quyền để nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện quyền xét xử, quyết định về các tranh chấp, vi phạm pháp luật, về những vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của luật; bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử. Qua đó, thực thi nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; bằng hoạt động của mình, góp phần giáo dục công dân trung thành với Tổ quốc, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, ý thức đấu tranh phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác.