Thị phần và thị phần kết hợp trong pháp luật cạnh tranh

thi-phan-va-thi-phan-ket-hop-trong-phap-luat-canh-tranh

Trong các quy định của pháp luật cạnh tranh Việt Nam, yếu tố thị phần trong thị trường liên quan có vai trò quyết định tới tính chất của một hành vi kinh tế khi xem xét tính chất vi phạm các quy định pháp luật cạnh tranh, gây tổn hại tới thị trường và các doanh nghiệp cạnh tranh trực tiếp với chủ thể. Do đó, thị phần đóng vai trò quan trọng đối với pháp luật cạnh tranh nói chung và pháp luật về kiểm soát hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế nói riêng. Vậy thị phần là gì? Cách xác định thị phần/ thị phần kết hợp trong pháp luật cạnh tranh? Cùng tìm hiểu thông qua bài viết sau.

Căn cứ pháp lý

  • Luật cạnh tranh năm 2018

1. Khái quát về thị phần

Có thể khái quát rằng thị phần là một đại lượng kinh tế cho phép quan sát và nhận biết được doanh số của một doanh nghiệp đối với một loại sản phẩm nhất định so với doanh số của tất cả các doanh nghiệp khác kinh doanh cùng loại sản phẩm trên thị trường trong một khoảng thời gian nhất định.

Dưới góc độ cạnh tranh và pháp luật cạnh tranh, thị phần là chỉ số biểu hiện cho mối tương quan về khả năng hoặc năng lực cạnh tranh của một doanh nghiệp so với các doanh nghiệp khác trên cùng một thị trường liên quan.

Theo đó, thị phần trong cạnh tranh và pháp luật cạnh tranh sẽ có những đặc điểm sau đây:

Thứ nhất, thị phần là một đại lượng mang tính chất riêng biệt

Đặc điểm này phản ánh mối quan hệ chặt chẽ của thị trường liên quan và thị phần. Thông thường, một doanh nghiệp có thể kinh doanh đồng thời nhiều hàng hoá dịch vụ tại nhiều khu vực địa lý khác nhau và do đó doanh nghiệp sẽ cạnh tranh trên nhiều thị trường liên quan khác nhau. Điều này cũng đồng nghĩa rằng sẽ không tồn tại một thị phần duy nhất của doanh nghiệp cho nhiều thị trường liên quan khác nhau mà ngược lại, đối với mỗi thị trường liên quan khác nhau, doanh nghiệp sẽ có thị phần tương ứng khác nhau. Thị phần, lúc này, sẽ chỉ phản ánh năng lực cạnh tranh và sức mạnh thị trường của doanh nghiệp so với các đối thủ cạnh tranh trong thị trường liên quan đó.

Thứ hai, thị phần là một đại lượng thay đổi theo thời gian

Như đã đề cập, thị phần của doanh nghiệp không phải là một đại lượng độc lập. Thị phần có thể được xem như một “hàm số” và sẽ biến thiên phụ thuộc theo biến số doanh thu/doanh số của doanh nghiệp và doanh thu/doanh số của các doanh nghiệp khác trên thị trường liên quan. Doanh thu/doanh số, đến lượt mình, là một đại lượng liên tục thay đổi và sẽ được thống kê theo từng đơn vị thời gian. Do vậy, thị phần của doanh nghiệp không là bất biến và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp được biểu hiện qua thị phần cũng sẽ thay đổi theo từng đơn vị thời gian.

Thứ ba, thị phần có thể được xác định bằng nhiều phương pháp khác nhau

Trong kinh tế học, thị phần sẽ được tính toán dựa theo doanh số, doanh thu hoặc số đơn vị hàng hoá, dịch vụ cung ứng ở chiều tiêu thụ đầu ra sản phẩm. Tuy nhiên, dưới góc độ của pháp luật cạnh tranh, doanh nghiệp có thể thực hiện các hành vi phản cạnh tranh ở thị trường tiêu thụ (tức thị trường đầu ra) hoặc thị trường thu mua (tức thị trường đầu vào). Do đó, khi xác định thị phần của doanh nghiệp, tuỳ theo tính chất, nội dung của hành vi mà cần sử dụng các chỉ số tương ứng phù hợp nhất.

2. Xác định thị phần và thị phần kết hợp

Theo khoản 1 Điều 10 Luật Cạnh tranh 2018, căn cứ vào đặc điểm, tính chất của thị trường liên quan, thị phần của doanh nghiệp trên thị trường liên quan được xác định theo một trong các phương pháp sau đây:

  • Tỷ lệ phần trăm giữa doanh thu bán ra của doanh nghiệp này với tổng doanh thu bán ra của tất cả các doanh nghiệp trên thị trường liên quan theo tháng, quý, năm;
  • Tỷ lệ phần trăm giữa doanh số mua vào của doanh nghiệp này với tổng doanh số mua vào của tất cả các doanh nghiệp trên thị trường liên quan theo tháng, quý, năm;
  • Tỷ lệ phần trăm giữa số đơn vị hàng hóa, dịch vụ bán ra của doanh nghiệp này với tổng số đơn vị hàng hóa, dịch vụ bán ra của tất cả các doanh nghiệp trên thị trường liên quan theo tháng, quý, năm;
  • Tỷ lệ phần trăm giữa số đơn vị hàng hóa, dịch vụ mua vào của doanh nghiệp này với tổng số đơn vị hàng hóa, dịch vụ mua vào của tất cả các doanh nghiệp trên thị trường liên quan theo tháng, quý, năm.

Thị phần kết hợp là tổng thị phần trên thị trường liên quan của các doanh nghiệp tham gia vào hành vi hạn chế cạnh tranh hoặc tập trung kinh tế (khoản 2 Điều 10 Luật Cạnh tranh 2018).

Trong trường hợp doanh nghiệp hoạt động kinh doanh chưa đủ 01 năm tài chính thì doanh thu, doanh số, số đơn vị hàng hóa, dịch vụ bán ra, mua vào để xác định thị phần được tính từ thời điểm doanh nghiệp bắt đầu hoạt động cho đến thời điểm xác định thị phần (khoản 4 Điều 10 Luật Cạnh tranh 2018).

3. Xác định thị phần của nhóm doanh nghiệp liên kết

Nhóm doanh nghiệp liên kết là một dạng chủ thể đặc biệt của pháp luật cạnh tranh bởi nhóm doanh nghiệp liên kết hay cụ thể hơn là nhóm doanh nghiệp liên kết về tổ chức và tài chính là nhóm các doanh nghiệp cùng chịu sự kiểm soát, chi phối của một hoặc nhiều doanh nghiệp trong nhóm hoặc có bộ phận điều hành chung. Đặc điểm cho thấy rằng sự liên kết này đặt ra yêu cầu khách quan rằng trong hoạt động kinh doanh của mình, các doanh nghiệp này sẽ có sự thống nhất hoặc buộc phải thống nhất trong các quyết định và hành động. Đồng thời, các doanh nghiệp này không cạnh tranh lẫn nhau mà chỉ cạnh tranh với các doanh nghiệp bên ngoài nhóm. Hay nói cách khác, các doanh nghiệp thuộc nhóm doanh nghiệp liên kết là một thể thống nhất không tách rời dưới góc độ của pháp luật cạnh tranh. Do vậy, thị phần của mỗi doanh nghiệp thuộc nhóm doanh nghiệp liên kết chính là thị phần của nhóm doanh nghiệp liên kết đó. Doanh thu bán ra, doanh số mua vào, số đơn vị bán ra, mua vào đối với một loại hàng hóa, dịch vụ của nhóm doanh nghiệp liên kết được xác định như sau:

  • Doanh thu bán ra, doanh số mua vào, số đơn vị bán ra, mua vào đối với một loại hàng hóa, dịch vụ để xác định thị phần của nhóm doanh nghiệp liên kết được tính bằng tổng doanh thu bán ra, doanh số mua vào, số đơn vị bán ra, mua vào đối với loại hàng hóa, dịch vụ đó của tất cả doanh nghiệp trong nhóm doanh nghiệp liên kết;
  • Doanh thu bán ra, doanh số mua vào, số đơn vị bán ra, mua vào đối với một loại hàng hóa, dịch vụ của nhóm doanh nghiệp liên kết không bao gồm doanh thu bán ra, doanh số mua vào, số đơn vị bán ra, mua vào từ việc bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ giữa các doanh nghiệp trong nhóm doanh nghiệp liên kết.

4. Ý nghĩa của thị phần đối với pháp luật cạnh tranh

Thị phần có vai trò rất quan trọng đối với pháp luật cạnh tranh nói chung và pháp luật về kiểm soát hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế nói riêng.

Thứ nhất, đối với kiểm soát thoả thuận hạn chế cạnh tranh

Quá trình thực hiện các hoạt động kinh doanh luôn đòi hỏi doanh nghiệp phải tiến hành các thoả thuận với khác hàng, với đối tác và cả đối với đối thủ cạnh tranh. Đây chính là quyền tự do của doanh nghiệp được pháp luật dân sự và pháp luật doanh nghiệp ghi nhận.

Trong số rất nhiều các dạng thức của thoả thuận của doanh nghiệp, pháp luật cạnh tranh chỉ kiểm soát các hạn chế cạnh tranh. Thoả thuận hạn chế cạnh tranh có thể hiểu là sự thống nhất cùng hành động giữa các doanh nghiệp và có thể biểu hiện dưới mọi hình thức minh thị hoặc không minh thị. Dấu hiệu để nhận diện các thoả thuận hạn chế cạnh tranh chính là yếu tố hậu quả của thoả thuận. Theo đó, các thoả thuận giữa các doanh nghiệp sẽ bị xem là thoả thuận hạn chế cạnh tranh nếu thoả thuận đó gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh. Điều này đặt ra yêu cầu cơ quan thực thi phải đánh giá ảnh hưởng của các thoả thuận khi tiến hành điều tra, xử lý các vụ việc có dấu hiệu của thoả thuận hạn chế cạnh tranh và một trong các tiêu chí quan trọng hàng đầu khi đánh giá tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể của thỏa thuận hạn chế cạnh tranh chính là mức thị phần của các doanh nghiệp tham gia thoả thuận, cụ thể khoản 2 Nghị định 35/2020/NĐ-CP, quy định khi thực thi nhiệm vụ của mình, các chủ thể có thẩm quyền cần phải đồng thời xác định thị phần (từ đó suy ra mức thị phần) của các doanh nghiệp tham gia thoả thuận và doanh nghiêp không tham gia thoả thuận cả trước và sau khi tiến hành thoả thuận để tiến hành đánh giá những thay đổi về mức thị phần. Điều này cho thấy rằng, sự thay đổi, biến chuyển của mức thị phần là một yếu tố rất quan trọng phản ánh sự ảnh hưởng của thoả thuận lên các doanh nghiệp không tham gia thoả thuận và lên cấu trúc thị trường.

Thứ hai, đối với lạm dụng vị trí thống lĩnh, lạm dụng vị trí độc quyền

Thị phần cũng được quy định là tiêu chí được đánh giá, xem xét đến đầu tiên khi xác định liệu doanh nghiệp có đang nắm giữ vị trí chi phối thị trường hay không, vấn đề này được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 12 Nghị định 35/2020/NĐ-CP.

Thị phần là một đại lượng tỉ lệ thuận với sức mạnh thị trường của doanh nghiệp. Tức là thông thường thị phần càng cao thì quy mô của doanh nghiệp trên thị trường liên quan sẽ càng lớn, sức mạnh thị trường của doanh nghiệp cũng càng lớn.

Thứ ba, đối với tập trung kinh tế

Vai trò của thị phần trong kiểm soát tập trung kinh tế được thể hiện xuyên suốt quá trình tiếp nhận hồ sơ thông báo tập trung kinh tế, thẩm định sơ bộ, thẩm định chính thức các vụ việc tập trung kinh tế.

  • Đối với xác định ngưỡng thông báo tập trung kinh tế. Theo điểm d, khoản 1 Điều 13 Nghị định 35/2020/NĐ-CP, nếu thị phần kết hợp của các doanh nghiệp dự định tham gia tập trung kinh tế từ 20% trở lên trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế thì các doanh nghiệp này sẽ phải chuẩn bị hồ sơ thông báo tập trung kinh tế gửi đến Uỷ ban Cạnh tranh quốc gia. Việc không thông báo tập trung kinh tế khi tập trung kinh tế đến ngưỡng sẽ khiến các doanh nghiệp phải gánh chịu các hậu quả pháp lý theo quy định tại Nghị định 75/2019/NĐ-CP.
  • Đối với thẩm định sơ bộ việc tập trung kinh tế. Sau khi tiếp nhận hồ sơ thông báo tập trung kinh tế đầy đủ và hợp lệ của các doanh nghiệp, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có trách nhiệm thẩm định sơ bộ việc tập trung kinh tế. Nội dung thẩm định sơ bộ việc tập trung kinh tế bao gồm:

+ Thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế trên thị trường liên quan;

+ Mức độ tập trung trên thị trường liên quan trước và sau khi tập trung kinh tế;

+ Mối quan hệ của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế trong chuỗi sản xuất, phân phối, cung ứng đối với một loại hàng hóa, dịch vụ nhất định hoặc ngành, nghề kinh doanh của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế là đầu vào của nhau hoặc bổ trợ cho nhau.

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ thông báo tập trung kinh tế đầy đủ, hợp lệ, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia phải ra thông báo kết quả thẩm định sơ bộ việc tập trung kinh tế: tập trung kinh tế được thực hay tập trung kinh tế phải thẩm định chính thức. Theo đó, tập trung kinh tế được thực hiện khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • Thị phần kết hợp của các doanh nghiệp dự định tham gia tập trung kinh tế ít hơn 20% trên thị trường liên quan;
  • Thị phần kết hợp của các doanh nghiệp dự định tham gia tập trung kinh tế từ 20% trở lên trên thị trường liên quan và tổng bình phương mức thị phần của các doanh nghiệp sau tập trung kinh tế trên thị trường liên quan thấp hơn 1.800;
  • Thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế từ 20% trở lên trên thị trường liên quan, tổng bình phương mức thị phần của các doanh nghiệp sau tập trung kinh tế trên thị trường liên quan trên 1.800 và biên độ tăng tổng bình phương mức thị phần của các doanh nghiệp trên thị trường liên quan trước và sau tập trung kinh tế thấp hơn 100;
  • Các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế có quan hệ với nhau trong chuỗi sản xuất, phân phối, cung ứng đối với một loại hàng hóa, dịch vụ nhất định hoặc ngành, nghề kinh doanh của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế là đầu vào của nhau hoặc bổ trợ cho nhau có thị phần thấp hơn 20% trên từng thị trường liên quan.
  • Đối với đánh giá tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể của việc tập trung kinh tế khi thẩm định chính thức việc tập trung kinh tế. Việc đánh giá tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể của việc tập trung kinh tế đòi hỏi phải xem xét đồng thời rất nhiều nội dung. Trong đó, hai nội dung quan trọng hàng đầu được quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 15 Nghị định 35/2020/NĐ-CP cụ thể là thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế trên thị trường liên quan trước và sau tập trung kinh tế cũng như mức độ tập trung trên thị trường liên quan trước và sau khi tập trung được đánh giá để xác định nguy cơ tạo ra hoặc củng cố sức mạnh thị trường của doanh nghiệp, khả năng gia tăng phối hợp, thông đồng giữa các doanh nghiệp trên thị trường liên quan.

Như vậy, có thể thấy rằng bên cạnh thị trường liên quan, thị phần cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng, được vận dụng thường xuyên trong hệ thống các tiêu chí để xác định sức mạnh thị trường đối với lạm dụng vị trí thống lĩnh cũng như đánh giá tác động hoặc khả năng gây tác động của thoả thuận hạn chế cạnh tranh và tập trung kinh tế. Tuỳ bản chất của từng vụ việc, thị phần sẽ được vận dụng linh hoạt theo từng phương diện, vận dụng đơn lẻ hoặc đồng thời với các tiêu chí khác để phục vụ cho các mục đích của các vụ việc đó.

Trên đây là bài viết về thị phần và thị phần kết hợp trong pháp luật cạnh tranh. Hy vọng bài viết này có thể mang đến cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006568 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon