Các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh bị cấm

cac-hanh-vi-lam-dung-vi-tri-thong-linh-bi-cam

Trong nền kinh tế thị trường, việc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp là điều không thể tránh khỏi. Một doanh nghiệp muốn đạt được và giữ được vị trí thống lĩnh của mình cần phải có những chiến lược cạnh tranh công bằng, lành mạnh với các đối thủ trong cùng thị trường. Việc doanh nghiệp giữ vị trí thống lĩnh hay vị trí thống lĩnh không phải là hành vi phản cạnh tranh và do đó sẽ không bị xem là bất hợp pháp. Tuy nhiên, một khi doanh nghiệp đạt đến ngưỡng thống lĩnh hoặc thống trị, nếu doanh nghiệp sử dụng quyền lực thị trường để bảo vệ quyền lực đó hoặc gây tổn hại lên cạnh tranh, lên thị trường, lên các doanh nghiệp khác, lên người tiêu dùng thì sẽ bị xử lý nghiêm khắc. Luật Cạnh tranh năm 2018 quy định như thế nào về các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh? Cùng tìm hiểu thông qua bài viết sau.

Căn cứ pháp lý

  • Luật Cạnh tranh năm 2018

1. Khái niệm lạm dụng ví trị thống lĩnh

Căn cứ theo khoản 5 Điều 3 Luật Cạnh tranh 2018 quy định:

“Lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền là hành vi của doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh”.

2. Các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh bị cấm

Các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh bị cấm được quy định tại Khoản 1 Điều 27 Luật Cạnh tranh 2018, cụ thể như sau:

2.1. Bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ đối thủ cạnh tranh

Đây là hành vi thường được gọi là hành vi “định giá huỷ diệt”, theo đó, doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh tiến hành bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ với mức giá thấp hơn giá thành toàn bộ và việc định giá này khiến cho các doanh nghiệp đối thủ không thể tồn tại được trên thị trường.

Khi đánh giá liệu hành vi của doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh có thuộc trường hợp được quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 27 Luật Cạnh tranh 2018 hay không, cơ quan cạnh tranh cần xác định rõ các yếu tố sau đây:

  • Thứ nhất, xác định giá bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ của doanh nghiệp thống lĩnh.
  • Thứ hai, xác định giá thành toàn bộ của hàng hoá, dịch vụ.
  • Thứ ba, xác định sự chênh lệch giữa giá bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ và giá thành toàn bộ của hàng hoá, dịch vụ đó.
  • Thứ tư, đánh giá tác động của mức độ chênh lệch này lên đối thủ cạnh tranh.

2.2. Áp đặt giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý hoặc ấn định giá bán lại tối thiểu gây ra hoặc có khả năng gây ra thiệt hại cho khách hàng

Đây là hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh được cấu thành từ ba hành vi bao gồm áp đặt giá mua hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý gây ra hoặc có khả năng gây ra thiệt hại cho khách hàng; áp đặt giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý gây ra hoặc có khả năng gây ra thiệt hại cho khách hàng và hành vi ấn định giá bán lại tối thiểu gây ra hoặc có khả năng gây ra thiệt hại cho khách hàng. Mỗi hành vi tuy đều lạm dụng vị trí thống lĩnh của mình để tác động vào giá cả nhưng điều kiện vi phạm lại có những điểm khác biệt cần lưu ý.

Điều kiện để một hành vi bị xem là áp đặt giá mua hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý gây ra hoặc có khả năng gây ra thiệt hại cho khách hàng bao gồm:

Thứ nhất, hành vi phải mang tính chất “áp đặt”. Thể hiện thông qua việc doanh nghiệp đưa ra mức giá mua hàng hoá, dịch vụ và bắt buộc đối tác của mình phải chấp nhận mà không được phép thoả thuận.

Thứ hai, hành vi phải mang tính “bất hợp lý”. Tính bất hợp lý có thể được thể hiện thông qua việc chất lượng hàng hoá, dịch vụ tuy không kém hơn so với trước đó, tuy không có thiên tai, địch hoạ, khủng hoảng kinh tế hay các biến động bất thường khác tác động vào nhu cầu của thị trường nhưng doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh lại đưa ra mức giá mua thấp hơn giá thành sản xuất hàng hoá, dịch vụ.

Thứ ba, sự áp đặt mức giá mua bất hợp lý này gây ra hoặc có khả năng gây ra thiệt hại cho khách hàng.

– Hành vi áp đặt giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý gây ra hoặc có khả năng gây ra thiệt hại cho khách hàng, các điều kiện cần thoả mãn cũng sẽ bao gồm:

Thứ nhất, có sự tăng giá bán ra của hàng hoá hoặc cung ứng dịch vụ so với trước đó.

Thứ hai, sự tăng giá này thể hiện sự “bất hợp lý”. Cụ thể, doanh nghiệp đưa ra mức giá bán hàng hoá, dịch vụ cao hơn so với trước đó nhưng các chỉ số thị trường cho thấy cầu về hàng hoá, dịch vụ không tăng đột biến tới mức vượt quá công suất thiết kế hoặc năng lực sản xuất của doanh nghiệp và không có các biến động, thiên tai, địch hoạ … khiến cho giá thành sản xuất của hàng hoá, dịch vụ đó tăng lên đủ để giá cả của hàng hoá, dịch vụ tăng theo tương ứng.

Thứ ba, sự gia tăng giá giá bán ra của hàng hoá hoặc cung ứng dịch vụ mang tính chất “áp đặt”.

Thứ tư, sự áp đặt mức giá bán bất hợp lý này gây ra hoặc có khả năng gây ra thiệt hại cho khách hàng.

– Một hành vi sẽ bị xem là vi ấn định giá bán lại tối thiểu gây ra hoặc có khả năng gây ra thiệt hại cho khách hàng nếu thoả mãn các điều kiện sau đây:

Thứ nhất, doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh khống chế không cho phép các nhà phân phối, các nhà bán lẻ bán lại hàng hóa thấp hơn mức giá đã quy định trước. Các nhà phân phối, các nhà bán lẻ phải bán lại hàng hóa với giá cao hơn mức giá này.

Thứ hai, việc khống chế giá tối thiểu của doanh nghiệp thống lĩnh mang tính chất “áp đặt”.

Thứ ba, việc khống chế giá tối thiểu của doanh nghiệp thống lĩnh gây ra hoặc có khả năng gây ra thiệt hại cho khách hàng.

2.3. Hạn chế sản xuất, phân phối hàng hóa, dịch vụ, giới hạn thị trường, cản trở sự phát triển kỹ thuật, công nghệ gây ra hoặc có khả năng gây ra thiệt hại cho khách hàng

Hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 27 Luật Cạnh tranh 2018 được cấu thành từ ba hành vi, bao gồm:

Thứ nhất, hạn chế sản xuất, phân phối hàng hóa, dịch vụ gây ra hoặc có khả năng gây ra thiệt hại cho khách hàng, các dạng biểu hiện có thể là:

  • Cắt, giảm lượng cung ứng hàng hóa, dịch vụ trên thị trường liên quan so với lượng hàng hóa, dịch vụ cung ứng trước đó trong điều kiện không có biến động lớn về quan hệ cung cầu; không có khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa; không có sự cố lớn về kỹ thuật; hoặc không có tình trạng khẩn cấp;
  • Ấn định lượng cung ứng hàng hóa, dịch vụ ở mức đủ để tạo sự khan hiếm trên thị trường;
  • Găm hàng lại không bán để gây mất ổn định thị trường.

Thứ hai, giới hạn thị trường gây ra hoặc có khả năng gây ra thiệt hại cho khách hàng, các dạng biểu hiện có thể là:

  • Chỉ cung ứng hàng hóa, dịch vụ trong một hoặc một số khu vực địa lý nhất định;
  • Chỉ mua hàng hoá, dịch vụ từ một hoặc một số nguồn cung nhất định trừ trường hợp các nguồn cung khác không đáp ứng được những điều kiện hợp lý và phù hợp với tập quán thương mại thông thường do bên mua đặt ra.

Thứ ba, cản trở sự phát triển kỹ thuật, công nghệ gây ra hoặc có khả năng gây ra thiệt hại cho khách hàng, các dạng biểu hiện có thể là:

  • Mua sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp để tiêu hủy hoặc không sử dụng;
  • Đe dọa hoặc ép buộc người đang nghiên cứu phát triển kỹ thuật, công nghệ phải ngừng hoặc hủy bỏ việc nghiên cứu đó.

2.4. Áp dụng điều kiện thương mại khác nhau trong các giao dịch tương tự dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến ngăn cản doanh nghiệp khác tham gia, mở rộng thị trường hoặc loại bỏ doanh nghiệp khác

Đây là hành vi mà doanh nghiệp thống lĩnh hướng đến việc tạo ra sự bất bình đẳng trong cạnh tranh đối với thị trường cấp dưới, tức thị trường của đối tác là nhà phân phối, nhà bán lẻ mà không phải là thị trường của doanh nghiệp thống lĩnh. Cụ thể hơn, đây là hành vi phân biệt đối xử đối với các doanh nghiệp đối tác về điều kiện mua, bán, giá cả, thời hạn thanh toán,… Một số các doanh nghiệp bị đối xử bất bình đẳng có thể không thể tham gia thị trường, không thể mở rộng thị trường hoặc phải rời khỏi thị trường.

2.5. Áp đặt điều kiện cho doanh nghiệp khác trong ký kết hợp đồng mua, bán hàng hóa, dịch vụ hoặc yêu cầu doanh nghiệp khác, khách hàng chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến ngăn cản doanh nghiệp khác tham gia, mở rộng thị trường hoặc loại bỏ doanh nghiệp khác

Về mặt nội dung, hành vi lạm dụng này của doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh có sự tương đồng nhất định với hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh được quy định tại khoản 8 Điều 11 Luật Cạnh tranh 2018, theo đó:

+ Áp đặt cho doanh nghiệp khác điều kiện ký kết hợp đồng mua, bán hàng hoá, dịch vụ là việc đặt điều kiện tiên quyết sau đây trước khi ký kết hợp đồng:

+ Hạn chế về sản xuất, phân phối hàng hoá khác; mua, cung cứng dịch vụ khác không liên quan trực tiếp đến cam kết của bên nhận đại lý theo quy định của pháp luật về đại lý;

+ Hạn chế về địa điểm bán lại hàng hóa, h ạn chế về khách hàng mua hàng hóa để bán lại, trừ những hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng kinh doanh có điều kiện, mặt hàng hạn chế kinh doanh theo quy định của pháp luật;

+ Hạn chế về hình thức, số lượng hàng hoá được cung cấp.

+ Buộc doanh nghiệp khác chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng là hành vi gắn việc mua, bán hàng hoá, dịch vụ là đối tượng của hợp đồng với việc phải mua hàng hoá, dịch vụ khác từ nhà cung cấp hoặc người được chỉ định trước hoặc thực hiện thêm một hoặc một số nghĩa vụ nằm ngoài phạm vi cần thiết để thực hiện hợp đồng.

2.6. Ngăn cản việc tham gia hoặc mở rộng thị trường của doanh nghiệp khác

Đây là dạng hành vi mà doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh hướng đến việc sử dụng quyền lực thị trường của mình để bảo vệ hoặc tăng cường vị trí thống lĩnh của mình bằng cách loại bỏ những đối thủ cạnh tranh tiềm năng hoặc ngăn cản đối thủ mở rộng thị trường. Ví dụ về biểu hiện của hành vi này như sau:

+ Mua, bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ với mức giá đủ để khiến cho các đối thủ tiềm năng từ bỏ ý định gia nhập thị trường hoặc mua, bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ với mức giá đủ để khiến cho các đối thủ hiện hữu không thể mở rộng thị trường nhưng chưa đến mức loại bỏ các doanh nghiệp này ra khỏi thị trường liên quan.

+ Yêu cầu, kêu gọi, dụ dỗ các doanh nghiệp khác không giao dịch với các đối thủ tiềm năng hoặc đối với một số đối thủ hiện hữu. Hành vi mang tính chất “tẩy chay” này sẽ khiến cho các doanh nghiệp này gặp khó khăn trong quá trình gia nhập thị trường hoặc quá trình tiến hành kinh doanh.

+ Yêu cầu, kêu gọi, dụ dỗ, ép buộc các nhà phân phối, nhà bán lẻ hoặc các nguồn cung ứng đầu vào hạn chế hoặc không chấp nhận mua, bán, phân phối cho sản phẩm hàng hoá, dịch vụ của các đối thủ tiềm năng hoặc các đối thủ hiện hữu.

2.7. Hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường bị cấm theo quy định của luật khác

Ngoài các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh được liệt kê, nếu trong các luật chuyên ngành khác có quy định về hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh trong các lĩnh vực chuyên ngành thì cũng sẽ bị kiểm soát và chịu sự xử lý theo quy định của Luật Cạnh tranh 2018.

Hy vọng bài viết này có thể mang đến cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006568 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.

Bài viết liên quan

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon