Mặc dù pháp luật có quy định về việc cho phép các hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh. Tuy nhiên, các hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh này không đương nhiên bị cấm trong mọi trường hợp. Các doanh nghiệp này chỉ có thể bị xử lý nếu hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh mà họ tham gia thực hiện được xác định thoả thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm. Cùng Luật Dương Gia tìm hiểu các trường hợp để xác định, đánh giá, xử lý các hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm theo quy định của Luật Cạnh tranh 2018, thông qua bài viết sau.
Căn cứ pháp lý
- Luật Cạnh tranh 2018
1. Xác định các hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm
Dựa vào chính các tiêu chí của Điều 12 Luật Cạnh tranh 2018, ta có thể phân loại các hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh được quy định tại Điều 11 Luật này sẽ bị cấm như sau:
– Nhóm 1: Các hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh được quy định tại khoản 1,2,3 Điều 11 Luật này
Các thoả thuận này nếu là thoả thuận giữa các doanh nghiệp trên cùng thị trường liên quan thì đương nhiên sẽ là thoả thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm; nếu các thoả thuận này diễn ra giữa các doanh nghiệp kinh doanh ở các công đoạn khác nhau trong cùng một chuỗi sản xuất, phân phối, cung ứng đối với một loại hàng hóa, dịch vụ nhất định thì chúng sẽ là thoả thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm khi thỏa thuận đó gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường.
– Nhóm 2: Các hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh được quy định tại khoản 4, 5, 6 Điều 11 Luật này
Các thoả thuận này luôn luôn bị xem là thoả thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm không phụ thuộc vào mối quan hệ giữa các doanh nghiệp tham gia thị trường và không cần đánh giá tác động của thoả thuận đến thị trường.
– Nhóm 3: Các hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh được quy định tại khoản 7, 8, 9, 10, 11 Điều 11 Luật này
Để xác định các thoả thuận này có thuộc trường hợp bị cấm hay không luôn đòi hỏi cơ quan cạnh tranh phải đánh giá tác động của hành vi đến thị trường, hay chính xác hơn là luôn cần phải đánh giá liệu các thoả thuận này có gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể hay không.
2. Nội dung đánh giá tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể của thỏa thuận hạn chế cạnh tranh
Các tiêu chí đánh giá này được quy định tại Điều 13 Luật Cạnh tranh 2018 và Điều 11 Nghị định 35/2020/NĐ-CP:
– Theo khoản 1 Điều 11 Nghị định 35/2020/NĐ-CP quy định, Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia là cơ quan có thẩm quyền đánh giá tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể của thỏa thuận hạn chế cạnh tranh.
– Ngoài ra, tại khoản 2 Điều này còn quy định việc đánh giá tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể của thỏa thuận hạn chế cạnh tranh được căn cứ vào một hoặc một số yếu tố. Ví dụ như yếu tố về diễn biến, xu hướng thay đổi mức thị phần của các doanh nghiệp tham gia thỏa thuận được đánh giá trong tương quan với các doanh nghiệp khác là đối thủ cạnh tranh không tham gia thỏa thuận;…
– Mặc dù yếu tố thị phần/thị phần kết hợp không phải là yếu tố tối quan trọng khi đánh giá khả năng gây hạn chế cạnh tranh của các thoả thuận. Tuy nhiên, căn cứ theo khoản 3 Điều 11 Nghị định 35/2020/NĐ-CP, khi xác định các trường hợp mà thỏa thuận hạn chế cạnh tranh được coi là không gây ra hoặc không có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể thì lại dựa hoàn toàn vào yếu tố này.
3. Miễn trừ đối với thoả thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm
Trong một số trường hợp nhất định, các thoả thuận hạn chế cạnh tranh tuy thuộc các trường hợp bị cấm nhưng các chủ thể vẫn sẽ được phép thực hiện nhưng chỉ được thực hiện sau khi được Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia quyết định cho phép hưởng miễn trừ và chỉ trong một thời hạn nhất định.
Cơ chế miễn trừ chỉ được áp dụng cho các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh quy định tại các khoản 1, 2, 3, 7, 8, 9, 10 và 11 Điều 11 Luật Cạnh tranh 2018 bị cấm theo quy định tại Điều 12 của Luật này và các thỏa thuận lao động, thỏa thuận hợp tác trong các ngành, lĩnh vực đặc thù.
4. Hình thức xử lý các hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm
4.1. Trách nhiệm hành chính
– Hình thức xử phạt chính
Hình thức xử phạt chính là phạt tiền, được áp dụng trong các trường hợp sau:
+ Đối với tất cả các hành vi được liệt kê tại Điều 11 Luật Cạnh tranh 2018
- Nếu thuộc trường hợp bị cấm theo Điều 12 Luật Cạnh tranh 2018 và các doanh nghiệp tham gia thoả thuận là các doanh nghiệp trên cùng thị trường liên quan thì sẽ bị áp dụng mức xử phạt tiền từ 01% đến 10% tổng doanh thu trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm thực hiện hành vi vi phạm của từng doanh nghiệp là các bên tham gia thỏa thuận theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 75/2020/NĐ-CP.
- Nếu các doanh nghiệp tham gia thoả thuận là các doanh nghiệp kinh doanh ở các công đoạn khác nhau trong cùng một chuỗi sản xuất, phân phối, cung ứng đối với một loại hàng hóa, dịch vụ nhất định thì mức xử phạt tiền là từ 01% đến 05% tổng doanh thu trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm thực hiện hành vi vi phạm của từng doanh nghiệp là các bên tham gia thỏa thuận theo khoản 1 Điều 7 Nghị định 75/2020/NĐ-CP.
Theo khoản 8 Điều 4 Nghị định 75/2020/NĐ-CP, mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh nói chung và đối với hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm nói riêng là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó.
Khi tính mức trung bình của khung tiền phạt để xác định mức phạt tiền cụ thể cần lưu ý rằng mức phạt tiền tối đa được quy định áp dụng đối với từng hành vi vi phạm cụ thể được quy định tại Chương II của nghị định chỉ được áp dụng đối với hành vi vi phạm của tổ chức; đối với cá nhân có cùng hành vi vi phạm hành chính về cạnh tranh, mức phạt tiền tối đa sẽ chỉ bằng một phần hai mức phạt tiền tối đa đối với tổ chức (khoản 7 Điều 4 Nghị định 75/2020/NĐ-CP).
+ Tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ
- Nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt;
- Nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt.
Đối với mỗi tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng, mức tiền phạt xác định theo quy định tại khoản này được điều chỉnh giảm hoặc tăng tương ứng không quá 15% mức trung bình của khung hình phạt. Các tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng được quy định tại Điều 5 Nghị định 75/2020/NĐ-CP và sẽ được áp dụng chung khi xử phạt tiền đối với tất cả các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh.
Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng, theo khoản 3 Điều 4 Nghị định 75/2020/NĐ-CP, trường hợp tổng doanh thu của doanh nghiệp có hành vi vi phạm trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1 của Điều 4 (tức các hành vi vi phạm quy định về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh) được xác định bằng 0 (không) thì áp dụng mức phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng. Tổng doanh thu trên thị trường liên quan để xác định mức xử phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm quy định về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh được xác định là tổng doanh thu của các doanh nghiệp kinh doanh ở các công đoạn khác nhau trong cùng một chuỗi sản xuất, phân phối, cung ứng đối với một loại hàng hóa, dịch vụ nhất định.
– Hình thức xử phạt bổ sung
Ngoài ra, các doanh nghiệp thực hiện hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm đều có thể bị áp dụng thêm hình thức xử phạt bổ sung tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm và biện pháp khắc phục hậu quả buộc loại bỏ những điều khoản vi phạm pháp luật ra khỏi hợp đồng, thỏa thuận hoặc giao dịch kinh doanh (khoản 2, khoản 3 Điều 6 và khoản 2, khoản 3 Điều 7 Nghị định 75/2020/NĐ-CP.
4.2. Trách nhiệm hình sự
Bên cạnh đó, khoản 4 Điều 6 và khoản 4 Điều 7 Nghị định 75/2020/NĐ-CP còn quy định rõ mối quan hệ giữa hình thức xử lý các hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm theo nghị định này với quy định tương ứng tại Bộ Luật Hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2017); Theo đó mức phạt tiền tối đa đối với tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi quy định tại điểm đ, điểm e khoản 1 Điều 6 và điểm đ, điểm e khoản 1 Điều 7 phải thấp hơn mức phạt tiền thấp nhất tương ứng được quy định trong Bộ luật Hình sự đối với tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi đó.
Trong quá trình xử phạt hành vi vi phạm quy định tại điểm đ, điểm e khoản 1 Điều 6 và điểm đ, điểm e khoản 1 Điều 7, khi phát hiện có dấu hiệu của tội phạm quy định tại Điều 217 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2017), Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có trách nhiệm chuyển một phần hoặc toàn bộ hồ sơ liên quan đến dấu hiệu của tội phạm đến cơ quan tố tụng có thẩm quyền để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Quy định này thống nhất với quy định được nêu tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 75/2020/NĐ-CP.
Ngoài ra, các thoả thuận cạnh tranh bị cấm có thể bị xem là tội phạm theo Điều 217 BLHS 2015 và bị xử lý theo các quy định tương ứng. Trong trường hợp này, trình tự thủ tục để xử lý tội vi phạm quy định về cạnh tranh sẽ phải tuân theo BLTTHS 2015.
Hy vọng bài viết này có thể mang đến cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006568 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.