Chính sách khoan hồng khi vi phạm thỏa thuận hạn chế cạnh tranh

chinh-sach-khoan-hong-doi-voi-dn-thuc-hien-thoa-thuan-han-che-canh-tranh-bi-cam

Bên cạnh những chế tài được pháp luật Việt Nam áp dụng nhằm xử lý các hành vi vi phạm quy định trong việc thực hiện thoả thuận hạn chế cạnh tranh, thì pháp luật Việt Nam còn quy định chính sách khoan hồng nhằm miễn hoặc giảm mức xử phạt bị áp dụng đối với doanh nghiệp có hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh thuộc trường hợp bị cấm. Vậy nội dung, điều kiện, cơ chế áp dụng chính sách khoan hồng này là gì? Cùng tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.

Căn cứ pháp lý

  • Luật Cạnh tranh 2018

1. Khái quát về chính sách khoan hồng

1.1 Nội dung của chính sách khoan hồng

Nội dung chính sách khoan hồng được quy định tại khoản 1 Điều 112 Luật Cạnh tranh 2018, cụ thể:

“Doanh nghiệp tự nguyện khai báo giúp Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia phát hiện, điều tra và xử lý hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm quy định tại Điều 12 của Luật này được miễn hoặc giảm mức xử phạt theo chính sách khoan hồng”. Như vậy, có thể hiểu rằng chính sách khoan hồng là chính sách miễn hoặc giảm mức xử phạt mà Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia áp dụng đối với doanh nghiệp tự nguyện khai báo giúp cơ quan này trong việc phát hiện, điều tra và xử lý các hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm.

1.2 Đặc điểm của chính sách khoan hồng

Thứ nhất, chính sách khoan hồng chỉ áp dụng khi xử lý đối với hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm mà không được áp dụng với các hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh khác.

Thứ hai, chính sách khoan hồng chỉ được áp dụng cho các doanh nghiệp khi đáp ứng được đầy đủ các điều kiện luật định.

Thứ ba, chính sách khoan hồng chỉ được áp dụng đối với một số lượng hạn hữu các doanh nghiệp tham gia thoả thuận.

1.3 Mục đích của chính sách khoan hồng

Thứ nhất, tại Việt Nam, kể từ sau khi điều tra, xử lý đối với hành vi thỏa thuận ấn định phí bảo hiểm vật chất xe ô tô giữa 19 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ và vụ việc thỏa thuận ấn định phí bảo hiểm học sinh giữa 14 doanh nghiệp bảo hiểm tại địa bàn tỉnh Khánh Hòa, từ năm 2012 đến nay, Cơ quan quản lý cạnh tranh chưa phát hiện, điều tra được thêm bất kỳ vụ việc thỏa thuận hạn chế cạnh tranh nào khác.

Thực tiễn cũng cho thấy các cơ chế phát hiện thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trước đây đã không còn nhiều tác dụng vì thỏa thuận hạn chế cạnh tranh đang có xu hướng ngầm hóa do nhận thức của doanh nghiệp về pháp luật cạnh tranh ngày càng cao. Điều này làm cho việc phát hiện và điều tra các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trở nên khó khăn, phức tạp hơn. Vì vậy, chính sách khoan hồng với khả năng doanh nghiệp được miễn hoặc giảm đáng kể mức xử phạt sẽ đủ khả năng khiến các doanh nghiệp chủ động hỗ trợ Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia phát hiện và xử lý các thoả thuận hạn chế cạnh tranh hơn.

Thứ hai, chính sách khoan hồng tại Điều 112 Luật Cạnh tranh 2018 của Việt Nam là một cơ chế mới để phát hiện thỏa thuận hạn chế cạnh tranh mà Cơ quan cạnh tranh có thể sử dụng để việc kiểm soát thoả thuận hạn chế cạnh tranh hiệu quả hơn bởi chính sách khoan hồng sẽ khiến các thỏa thuận phi pháp trở nên rủi ro hơn, có nhiều khả năng bị phá vỡ hơn và buộc các doanh nghiệp phải cân nhắc đến việc liệu có nên tham gia vào các thỏa thuận với những kẻ có khả năng lừa đảo hay không. Hay nói cách khác, chính sách khoan hồng có thể khiến các doanh nghiệp thoái lui và không tham gia vào thoả thuận hạn chế cạnh tranh đầy mạo hiểm.

2. Cơ chế áp dụng chính sách khoan hồng

2.1 Về thẩm quyền

Theo khoản 2 Điều 112, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có quyền quyết định việc cho miễn hoặc giảm mức xử phạt theo chính sách khoan hồng.

2.2 Về điều kiện áp dụng

Khoản 3 Điều 112 Luật Cạnh tranh 2018 quy định 04 điều kiện để được miễn giảm mức xử phạt theo chính sách khoan hồng:

  • Đã hoặc đang tham gia với vai trò là một bên của thỏa thuận hạn chế cạnh tranh
  • Tự nguyện khai báo hành vi vi phạm trước khi cơ quan có thẩm quyền ra quyết định điều tra;
  • Khai báo trung thực và cung cấp toàn bộ các thông tin, chứng cứ có được về hành vi vi phạm, có giá trị đáng kể cho việc phát hiện, điều tra và xử lý hành vi vi phạm;
  • Hợp tác đầy đủ với cơ quan có thẩm quyền trong suốt quá trình điều tra và xử lý hành vi vi phạm.

Trong đó:

Yếu tố tự nguyện khai báo và khai báo trước khi có quyết định điều tra có thẩm quyền ra quyết định điều tra.

Quy định này thể hiện tính linh hoạt cao hơn và tạo cơ hội hơn cho cả doanh nghiệp muốn khai báo và cả cơ quan điều tra cạnh tranh, bởi trong nhiều trường hợp, mặc dù uỷ ban cạnh tranh có thông tin về thỏa thuận nhưng chưa đầy đủ và đảm bảo tính chắc chắn để quyết định điều tra, do đó cần có thêm các thông tin, bằng chứng cụ thể khác và điều đó rất cần từ các đương đơn xin hưởng khoan hồng.

– Yếu tố loại trừ

Theo khoản 4 Điều 112 Luật Cạnh tranh 2018 quy định rõ chính sách khoan hồng sẽ không áp dụng đối với doanh nghiệp có vai trò ép buộc hoặc tổ chức cho các doanh nghiệp khác tham gia thỏa thuận. Quy định này là hoàn toàn phù hợp vì các doanh nghiệp có vai trò ép buộc hoặc tổ chức là những doanh nghiệp có chủ đích vi phạm ngay từ đầu hoặc cố ý thực hiện hành vi vi phạm đến cùng cũng như lôi kéo các doanh nghiệp khác. Nếu cho phép các doanh nghiệp này được hưởng chính sách khoan hồng thì sẽ không đảm bảo được ý nghĩa chính sách khoan hồng, không đảm bảo công bằng với các doanh nghiệp và tạo cơ hội cho các doanh nghiệp đó lợi dụng, sử dụng chính sách pháp luật và quyền lực của cơ quan thực thi như một biện pháp cạnh tranh không chính đáng của mình.

2.3 Về số lượng doanh nghiệp được hưởng chính sách khoan hồng

Tại Khoản 5 Điều 112 Luật Cạnh tranh 2018 quy định chính sách khoan hồng chỉ áp dụng cho tối đa ba doanh nghiệp đầu tiên nộp đơn xin hưởng khoan hồng và đáp ứng đủ điều kiện được quy định tại khoản 3 Điều này

Theo quy định tại khoản 6 Điều này, cơ sở để xác định thứ tự ưu tiên của ba doanh nghiệp đầu tiên là thứ tự khai báo, thời điểm khai báo và mức độ trung thực và giá trị của các thông tin, chứng cứ đã cung cấp. Việc quy định số lượng doanh nghiệp được hưởng khoan hồng tối đa 03 doanh nghiệp một phần nhằm hạn chế số lượng chủ thể vi phạm được hưởng khoan hồng để đảm bảo tính răn đe và nghiêm minh của pháp luật (các doanh nghiệp ngoài 03 doanh nghiệp này sẽ bị xử lý nghiêm minh) đồng thời không hạn chế quá ít doanh nghiệp để có cơ hội thu được nhiều thông tin, tài liệu, bằng chứng có giá trị hơn.

2.4 Về mức miễn giảm

Theo quy định tại khoản 7 Điều 112 Luật Cạnh tranh 2018, doanh nghiệp thứ nhất được miễn 100% mức phạt tiền; doanh nghiệp thứ hai và thứ ba lần lượt được giảm 60% và 40% mức phạt tiền. Quy định này đảm bảo mục tiêu hiệu quả và tính hấp dẫn của chính sách.

Một điểm quan trọng nữa là cùng với quy định chính sách khoan hồng, tại Điều 217 Bộ Luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội vi phạm các quy định về cạnh tranh cũng đã lần đầu tiên quy định xử lý hình sự đối với các tổ chức, cá nhân tham gia thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm, làm tiền đề cho việc thực thi hiệu quả chính sách khoan hồng tại Luật Cạnh tranh 2018.

3. Thẩm quyền xử phạt hành vi vi phạm hành chính về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh

Căn cứ theo Điều 27 Nghị định 75/2019/NĐ-CP quy định về thẩm quyền xử phạt hành vi vi phạm hành chính về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh thì Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh có các thẩm quyền sau đây:

  • Phạt cảnh cáo;
  • Phạt tiền;
  • Áp dụng hình thức xử phạt bổ sung theo quy định tại điểm b, điểm c khoản 2 Điều 3 Nghị định 75/2019/NĐ-CP;
  • Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, c, d, e, h, i và k khoản 3 Điều 3 Nghị định 75/2019/NĐ-CP.

Hy vọng bài viết này có thể mang đến cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006568 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon