Tài sản không có người nhận thừa kế

tai-san-khong-co-nguoi-nhan-thua-ke

Di sản thừa kế là phần tài sản của người chết để lại cho người thừa kế. Thông thường, người thừa kế sẽ nhận di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Tuy nhiên, trường hợp nếu có di sản nhưng không có người thừa kế hoặc người thừa kế không có quyền nhận di sản thì pháp luật sẽ giải quyết như thế nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Cơ sở pháp lý:

1. Di sản thừa kế là gì?

Theo từ điển Tiếng Việt, “di sản” được hiểu là toàn bộ tài sản có giá trị vật chất hoặc tinh thần cùng một số nghĩa vụ về tài sản khác được pháp luật bảo hộ và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Dưới góc độ xã hội, di sản thừa kế được ghi nhận từ lâu đời từ thời kỳ chiếm hữu nô lệ, phong kiến cho đến hiện tại, bao gồm tài sản và nghĩa vụ tài sản hoặc chỉ bao gồm tài sản trong phạm vi di sản của người chết để lại.

Dưới góc độ pháp luật, di sản thừa kế là toàn bộ tài sản thuộc quyền sở hữu của người chết để lại. Bao gồm: tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong khối tài sản chung với người khác; quyền sử dụng đất là di sản thừa kế theo quy định của pháp luật dân sự và đất đai. Ngoài ra còn có các quyền và nghĩa vụ tài sản của người chết để lại như: quyền đòi nợ; các quyền nhân thân gắn với tài sản như: quyền tác giả, quyền đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp; các khoản nợ,…Di sản thừa kế sẽ được dịch chuyển từ người chết sang cho những người hưởng thừa kế và được Nhà nước thừa nhận, bảo đảm thực hiện.

2. Các trường hợp được nhận thừa kế

Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Thời điểm mở thừa kế sẽ là thời điểm người có tài sản chết. Không chỉ là chết dưới góc độ sinh học mà còn là chết dưới góc độ pháp lý.

Theo quy định tại điều 613 Bộ luật dân sự năm 2015 thì “Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.”

Người thừa kế sẽ được chia di sản theo pháp luật hoặc theo di chúc. Dưới góc độ pháp luật, di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Pháp luật sẽ tôn trọng ý chí cá nhân này nên sẽ ưu tiên chia thừa kế theo di chúc trước. Cần lưu ý là di chúc đó phải hợp pháp, đúng theo quy định của pháp luật.

Đối với chia thừa kế theo pháp luật thì thừa kế sẽ theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định. Các hàng thừa kế bao gồm:

“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”

3. Tài sản không có người nhận thừa kế

3.1. Các trường hợp bị xem là tài sản không có người nhận thừa kế

Thứ nhất, người nhận thừa kế chưa đáp ứng các điều kiện theo luật được nhận di sản thừa kế. Cụ thể, theo điều 613 Bộ luật dân sự năm 2015 thì người thừa kế phải là: Cá nhân còn sống tại thời điểm mở thừa kế; Cá nhân đã thành thai trước khi người để lại di sản chết và còn sống sau thời điểm mở thừa kế; Phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế nếu không phải cá nhân hưởng thừa kế theo di chúc.

Thứ hai, đối với thừa kế theo di chúc, những trường hợp không có người nhận thừa kế theo di chúc như sau: Di chúc không hợp pháp theo quy định tại điều 630 Bộ luật dân sự năm 2015; Người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; Cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không tồn tại vào thời điểm mở thừa kế; Người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản; Trong di chúc, người để lại di sản không chỉ định người thừa kế …

Thứ ba, đối với trường hợp thừa kế theo pháp luật thì không có người thừa kế theo pháp luật có nghĩa là người để lại di sản không còn người nào có mối quan hệ huyết thống, hôn nhân hoặc nuôi dưỡng.

Thứ tư, người thừa kế từ chối nhận thừa kế. Theo quy định tại điều 620 Bộ luật hình sự năm 2015, người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác. Việc từ chối phải lập thành văn bản gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản biết và phải thực hiện trước thời điểm phân chia di sản.

Thứ năm, người không được nhận di sản thừa kế. Theo quy định tại điều 621 Bộ luật hình sự năm 2015, người không được nhận di sản thừa kế bao gồm:

  • Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;
  • Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;
  • Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;
  • Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.

Tuy nhiên, những người trên vẫn nhận được di sản nếu người để lại di sản đã biết hành vi của những người đó, nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc.

3.2. Xử lý trường hợp tài sản không có người nhận thừa kế

Đối với tài sản không có người thừa kế theo di chúc, theo pháp luật hoặc có nhưng không được quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản thì tài sản còn lại sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài sản mà không có người nhận thừa kế thuộc về Nhà nước.

Nghĩa vụ về tài sản bao gồm: chi phí mai táng, bảo quản di sản, bán đấu giá tài sản,..

3.2.1. Thẩm quyền

Căn cứ điểm d, khoản 1 điều 3 Nghị định 29/2018/NĐ-CP thì tài sản là di sản không có người thừa kế sẽ là tài sản thuộc đối tượng được xác lập quyền sở hữu toàn dân.

Căn cứ Điều 7 Nghị định 29/2018/NĐ-CP, thẩm quyền xác lập sở hữu toàn dân bao gồm:

  •  Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc người có thẩm quyền được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phân cấp quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản đối với bất động sản không có người thừa kế.

  •  Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản đối với di sản không phải là bất động sản.

3.2.2. Trình tự, thủ tục

Theo quy định tại điều 11 Nghị định 29/2018/NĐ-CP, trình tự thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với di sản không người thừa kế được thực hiện như sau:

Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản từ chối quyền hưởng di sản của người thừa kế hoặc bản án, quyết định của Tòa án xác định người đó không được quyền hưởng di sản thừa kế theo quy định của pháp luật về dân sự hoặc kể từ ngày hết thời hiệu yêu cầu chia di sản mà không có người chiếm hữu theo quy định của pháp luật dân sự, tổ chức hành nghề công chứng hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi mở thừa kế có trách nhiệm lập 01 bộ hồ sơ gửi Phòng Tài chính Kế hoạch.

Hồ sơ gửi Phòng Tài chính Kế hoạch bao gồm: Báo cáo quá trình mở thừa kế đối với di sản: 01 bản chính; Bảng kê chủng loại, số lượng, khối lượng, hiện trạng của di sản: 01 bản chính; Các hồ sơ, tài liệu liên quan đến quá trình mở thừa kế, văn bản từ chối quyền hưởng di sản, bản án hoặc quyết định của Tòa án xác định người không được quyền hưởng di sản thừa kế (nếu có): 01 bản sao.

Đối với di sản không có người thừa kế thuộc thẩm quyền xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ Phòng Tài chính Kế hoạch có trách nhiệm lập Tờ trình kèm hồ sơ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản.

Đối với di sản không có người thừa kế thuộc thẩm quyền xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc người có thẩm quyền được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phân cấp, trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ, Phòng Tài chính Kế hoạch có trách nhiệm lập Tờ trình kèm hồ sơ gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện để gửi Sở Tài chính trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc người có thẩm quyền được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phân cấp quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản.

Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ do Ủy ban nhân dân cấp huyện gửi, Sở Tài chính trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc người có thẩm quyền được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phân cấp quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản.

Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành Quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản

Trên đây là những phân tích về “Tài sản không có người nhận thừa kế”. Hy vọng qua bài viết của chúng tôi, giúp các bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này. Nếu có bất kỳ thắc mắc về nội dung trên hoặc những vấn đề về pháp luật khác hãy liên hệ hotline 1900.6568 để được chuyên viên tư vấn và hỗ trợ.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon