Kê biên tài sản đang cầm cố, thế chấp và những vấn đề pháp lý có liên quan

ke-bien-tai-san-dang-cam-co-the-chap

Để thi hành nghĩa vụ trả tiền, ngoài các biện pháp cưỡng chế như khấu trừ tiền trong tài khoản, thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án, trừ vào thu nhập của người phải thi hành án, khai thác tài sản thì cơ quan, tổ chức thi hành án còn có thể áp dụng biện pháp kê biên tài sản. Tuy nhiên, tài sản của người phải thi hành án có thể đang được thế chấp, cầm cố để đảm bảo thực hiện một nghĩa vụ khác. Trong trường hợp này, cơ quan thi hành án sẽ xử lý như thế nào?

Căn cứ pháp lý:

– Luật THADS năm 2014;

– Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC;

– Nghị định 62/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 07 năm 2015 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS

1. Tài sản cầm cố, thế chấp trước khi bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật

Điều 90 Luật THADS năm 2014 quy định: “Trường hợp người phải thi hành án không còn tài sản nào khác hoặc có tài sản nhưng không đủ để thi hành án, Chấp hành viên có quyền kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án đang cầm cố, thế chấp nếu giá trị của tài sản đó lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm và chi phí cưỡng chế thi hành án”.

Để thực hiện quy định này, Bộ tư pháp, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC quy định một số vấn đề về thủ tục THADS và phối hợp liên ngành trong THADS, theo đó, Điều 4 Thông tư liên tịch quy định: “Trường hợp tài sản cầm cố, thế chấp đủ điều kiện để kê biên, xử lý theo quy định tại Điều 90 Luật THADS mà người nhận cầm cố, thế chấp đang tiến hành xử lý để thu hồi nợ vay theo quy định của pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm thì Chấp hành viên không thực hiện việc kê biên, xử lý đối với tài sản đó nhưng phải có văn bản yêu cầu người xử lý tài sản cầm cố, thế chấp thông báo ngay kết quả xử lý tài sản cho cơ quan THADS, giữ lại số tiền còn lại (nếu có) để cơ quan THADS giải quyết theo quy định của pháp luật. Trường hợp kê biên, xử lý tài sản để đảm bảo thi hành án theo quy định tại Điều 90 Luật THADS mà giá của tài sản sau khi giảm giá không lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm và chi phí cưỡng chế thi hành án thì người có thẩm quyền ra quyết định về thi hành án có trách nhiệm ra ngay quyết định thu hồi quyết định cưỡng chế, kê biên, xử lý tài sản theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 37 Luật THADS. Đồng thời, có văn bản yêu cầu người nhận cầm cố, nhận thế chấp thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều này”.

Như vậy, việc kê biên tài sản đang cầm cố, thế chấp được chấp hành viên tiến hành khi thoả mãn các điều kiện sau đây:

– Hợp đồng cầm cố, thế chấp hợp pháp, có đăng ký giao dịch bảo đảm;

– Bên nhận cầm cố, thế chấp chưa tiến hành xử lý để thu hồi nợ vay theo quy định của pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm (mặc dù các khoản nợ đã đến hạn thanh toán);

– Tài sản cầm cố, thế chấp lớn hơn nghĩa vụ có bảo đảm và các chi phí cưỡng chế thi hành án;

– Người phải thi hành án không còn tài sản nào khác hoặc có tài sản nhưng không đủ để thi hành án.

Trong trường hợp sau khi đã kê biên, xử lý tài sản để đảm bảo thi hành án theo quy định tại Điều 90 Luật THADS năm 2014 (thoả mãn các điều kiện để kê biên nêu trên) mà giá của tài sản sau khi giảm giá không lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm và chi phí cưỡng chế thi hành án thì người có thẩm quyền ra quyết định về thi hành án có trách nhiệm ra ngay quyết định thu hồi quyết định cưỡng chế, kê biên, xử lý tài sản theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 37 Luật THADS năm 2014. Đồng thời, có văn bản yêu cầu người nhận cầm cố, nhận thế chấp tiến hành xử lý để thu hồi nợ vay theo quy định của pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm và thông báo ngay kết quả xử lý tài sản cho cơ quan THADS, giữ lại số tiền còn lại (nếu có) để cơ quan THADS giải quyết theo quy định của pháp luật. Còn trong trường hợp mặc dù tài sản cầm cố, thế chấp đủ điều kiện để kê biên, xử lý theo quy định tại Điều 90 Luật THADS năm 2014 (thoả mãn các điều kiện để kê biên nêu trên) mà người nhận cầm cố, thế chấp đang tiến hành xử lý để thu hồi nợ vay theo quy định của pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm thì Chấp hành viên không thực hiện việc kê biên, xử lý đối với tài sản đó nhưng phải có văn bản yêu cầu người xử lý tài sản cầm cố, thế chấp thông báo ngay kết quả xử lý tài sản cho cơ quan THADS, giữ lại số tiền còn lại (nếu có) để cơ quan THADS giải quyết theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, riêng đối với tài sản đang cầm cố, thế chấp cho các khoản nợ xấu của bên phải thi hành án thì với yêu cầu cấp bách là phải “cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với trọng tâm là xử lý căn bản, triệt để nợ xấu và các tổ chức tín dụng yếu kém bằng các hình thức phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi người gửi tiền và giữ vững ổn định, an toàn hệ thống, bảo đảm các tổ chức tín dụng  tiếp tục phát huy tốt vai trò là kênh dẫn vốn chủ đạo và đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế”[1] nên chấp hành viên căn cứ Điều 11 Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng để xử lý[2]. Theo đó, chấp hành viên không được kê biên tài sản đang cầm cố, thế chấp cho các khoản nợ xấu trừ trường hợp: (i) thi hành bản án, quyết định về cấp dưỡng, bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ; (ii) có sự đồng ý bằng văn bản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu.

2. Tài sản cầm cố, thế chấp sau khi bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật

Đây là trường hợp sau khi có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật thì lúc này người phải thi hành án mới thế chấp, cầm cố tài sản để bảo đảm thực hiện cho nghĩa vụ khác. Về vấn đề này, Điều 24 Nghị định 62/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 07 năm 2015 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS quy định: Kể từ thời điểm bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, nếu người phải thi hành án chuyển đổi, tặng cho, bán, chuyển nhượng, thế chấp, cầm cố tài sản cho người khác mà không sử dụng khoản tiền thu được để thi hành án và không còn tài sản khác hoặc tài sản khác không đủ để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án thì tài sản đó vẫn bị kê biên, xử lý để thi hành án, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Khi kê biên tài sản, nếu có người khác tranh chấp thì Chấp hành viên thông báo cho đương sự, người có tranh chấp thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 75 Luật THADS năm 2014. Trường hợp đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp bảo đảm thi hành án, biện pháp cưỡng chế thi hành án mà tài sản bị chuyển đổi, tặng cho, bán, chuyển nhượng, thế chấp, cầm cố cho người khác thì tài sản đó bị kê biên, xử lý để thi hành án; Chấp hành viên có văn bản yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch đối với tài sản đó vô hiệu hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hủy giấy tờ liên quan đến giao dịch đối với tài sản đó.

Như vậy, sau khi có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật mà người phải thi hành án mới thế chấp, cầm cố tài sản để bảo đảm thực hiện cho nghĩa vụ khác thì chấp hành viên vẫn có quyền kê biên tài sản đang cầm cố, thế chấp.

Sau khi kê biên tài sản đang cầm cố, thế chấp mà phát sinh tranh chấp thì chấp hành viên thông báo cho đương sự, người có tranh chấp về quyền của họ được khởi kiện tại Tòa án hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ mà đương sự, người có tranh chấp khởi kiện tại Tòa án hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì việc xử lý tài sản được thực hiện theo quyết định của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ mà đương sự, người có tranh chấp không khởi kiện tại Tòa án hoặc không đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì Chấp hành viên xử lý tài sản để thi hành án theo quy định của Luật này. Trường hợp có căn cứ xác định giao dịch liên quan đến tài sản thi hành án nhằm trốn tránh nghĩa vụ thi hành án thì Chấp hành viên thông báo cho người được thi hành án để yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hủy giấy tờ liên quan đến giao dịch đó. Hết thời hạn 15 ngày, kể từ ngày được thông báo mà người được thi hành án không yêu cầu thì Chấp hành viên yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hủy giấy tờ liên quan đến giao dịch đó.

Trường hợp trước khi bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (tức là trong quá trình Toà án hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết vụ việc) mà tài sản của người phải thi hành án đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc khi bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và cơ quan thi hành án đã áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án, biện pháp cưỡng chế thi hành án mà tài sản của người phải thi hành án vẫn bị thế chấp, cầm cố cho người khác thì tài sản đó bị kê biên, xử lý để thi hành án. Chấp hành viên có văn bản yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch đối với tài sản đó vô hiệu hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hủy giấy tờ liên quan đến giao dịch đối với tài sản đó.

[1] Thành Chung, Nghị quyết 42 tạo ra niềm tin của xã hội về xử lý nợ xấu.

[2] Điều 11 Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng quy định: Các tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của bên phải thi hành án đang bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu không bị kê biên để thực hiện nghĩa vụ khác theo quy định tại Điều 90 của Luật THADS, trừ trường hợp thi hành bản án, quyết định về cấp dưỡng, bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và trường hợp có sự đồng ý bằng văn bản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon