Lạm dụng vị trí thống lĩnh – lạm dụng vị trí độc quyền

lam-dung-vi-tri-thong-linh-lam-dung-vi-tri-doc-quyen

So với hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh thì hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh, lạm dụng vị trí độc quyền được xem là hành vi gây hậu quả nghiêm trọng, gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh. Nhằm kiểm soát, quản lý việc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, pháp luật về kiểm soát hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh, lạm dụng vị trí độc quyền được ban hành, trực tiếp điều chỉnh các quan hệ nêu trên.

Căn cứ pháp lý

  • Luật Cạnh tranh năm 2018

1. Khái niệm lạm dụng vị trí thống lĩnh, lạm dụng vị trí độc quyền

Căn cứ theo khoản 5 Điều 3 Luật Cạnh tranh 2018 quy định:

“Lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền là hành vi của doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh”.

Theo đó, ta nhận thấy có một bất cập rất rõ ràng đối với chế định kiểm soát hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền trong Luật Cạnh tranh 2018. Cụ thể, Luật Cạnh tranh 2018 tuy lựa chọn cách tiếp cận khái quát hậu quả của hành vi nhưng lại thiếu đi các quy định cụ thể hoá các tiêu chí định lượng tác động của hành vi này. Điều này dẫn đến nhiều khó khăn cho cơ quan thực thi trong nhiệm vụ xác định các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền trong thực tế. Để hạn chế khiếm khuyết nói trên, Luật Cạnh tranh 2018 đã sử dụng đồng thời phương pháp liệt kê để định danh cụ thể các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh, lạm dụng vị trí độc quyền được quy định tại Điều 27 Luật này.

2. Đặc điểm lạm dụng vị trí thống lĩnh, lạm dụng vị trí độc quyền

– Về chủ thể

Chủ thể của hành vi này là những doanh nghiệp có quyền lực thị trường. Một doanh nghiệp sẽ được xem là doanh nghiệp thống lĩnh hoặc độc quyền nếu nó có khả năng hành động một cách độc lập với các đối thủ cạnh tranh, khách hàng, nhà cung cấp và người tiêu dùng cuối cùng. Hay nói cách khác, các doanh nghiệp này có khả năng đưa ra mức giá trên mức cạnh tranh để bán ra các sản phẩm có chất lượng kém hơn hoặc giảm tốc độ đổi mới của mình xuống dưới mức có thể tồn tại trong thị trường cạnh tranh.

– Về tính hợp pháp

Đây là các hành vi luôn bị cấm tuyệt đối.

Ví dụ như trường hợp, một doanh nghiệp khi đạt đến ngưỡng thống lĩnh hoặc thống trị, nếu doanh nghiệp sử dụng quyền lực thị trường để bảo vệ quyền lực đó hoặc gây tổn hại lên cạnh tranh, lên thị trường, lên các doanh nghiệp khác, lên người tiêu dùng thì sẽ bị xử lý nghiêm khác. Luật Cạnh tranh 2018 điều chỉnh các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh, lạm dụng vị trí độc quyền theo nguyên tắc cấm tuyệt đối mà không cần đánh giá thêm yếu tố tác động hay hậu quả của hành vi. Các doanh nghiệp này cũng sẽ không được áp dụng cơ chế miễn trừ hay chính sách khoan hồng tương tự như các thoả thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm.

– Hậu quả pháp lý

Các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh, lạm dụng vị trí độc quyền gây tác động hoặc có khả năng gây tác động làm loại trừ, làm giảm, sai lệch hoặc cản trở cạnh tranh trên thị trường. Đây cũng là dấu hiệu của các hành vi hạn chế cạnh tranh nói chung căn cứ theo khoản 2 Điều 3 Luật Cạnh tranh 2018.

Tuy nhiên, dưới góc độ thực tiễn, các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh, lạm dụng vị trí độc quyền được xem là những hành vi gây hậu quả nghiêm trọng hơn so với các hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh.

3. Xác định vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền trên thị trường theo pháp luật Việt Nam

Khác với phương pháp kiểm soát các hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh, đối với các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh, lạm dụng vị trí độc quyền sẽ luôn bị cấm trong mọi trường hợp và các doanh nghiệp thực hiện hành vi vi phạm đương nhiên không được phép hưởng miễn trừ hay khoan hồng. Bởi, các doanh nghiệp khi hành vi lạm dụng này thì sự lạm dụng đó luôn gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh. Điều này dẫn đến yêu cầu quan trọng, then chốt trong kiểm soát nhóm các hành vi thống lĩnh là cần phải xác định liệu các doanh nghiệp có đang nắm vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền khi thực hiện hành vi hay không?

3.1. Xác định vị trí thống lĩnh

Vị trí thống lĩnh có thể được nắm giữ bởi một doanh nghiệp hoặc một nhóm các doanh nghiệp và do vậy cần tách biệt cách xác định vị trí thống lĩnh trong hai trường hợp này.

– Xác định vị trí thống lĩnh của một doanh nghiệp

Theo khoản 1 Điều 24 Luật Cạnh tranh 2018 quy định doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu có sức mạnh thị trường đáng kể được xác định theo quy định tại Điều 26 của Luật Cạnh tranh 2018 hoặc có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan.

Như vậy, có hai khả năng để một doanh nghiệp có được vị trí thống lĩnh. Khả năng thứ nhất, doanh nghiệp đó có sức mạnh thị trường đáng kể; khả năng thứ hai, thị phần mà doanh nghiệp đó sở hữu là từ 30% trở lên trên thị trường liên quan. Doanh nghiệp chỉ cần thuộc một trong hai trường hợp này thì sẽ được xác định là doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh. Điều này cũng đồng nghĩa với quy định rằng một doanh nghiệp sẽ không được xem là doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh nếu doanh nghiệp đó đồng thời không có sức mạnh thị trường đáng kể và nắm giữ thị phần ít hơn 30% trên thị trường liên quan.

– Xác định vị trí thống lĩnh của nhóm doanh nghiệp

Theo khoản 2 Điều 24 Luật Cạnh tranh 2018 thì nhóm doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu cùng hành động gây tác động hạn chế cạnh tranh và có sức mạnh thị trường đáng kể được xác định theo quy định tại Điều 26 của Luật Cạnh tranh 2018 hoặc có tổng thị phần thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • Hai doanh nghiệp có tổng thị phần từ 50% trở lên trên thị trường liên quan;
  • Ba doanh nghiệp có tổng thị phần từ 65% trở lên trên thị trường liên quan;
  • Bốn doanh nghiệp có tổng thị phần từ 75% trở lên trên thị trường liên quan;
  • Năm doanh nghiệp trở lên có tổng thị phần từ 85% trở lên trên thị trường liên quan.

Quy định tại khoản 2 Điều 24 Luật Cạnh tranh 2018 cần được hiểu rằng yêu cầu phải xác định vị trí thống lĩnh của nhóm doanh nghiệp chỉ đặt ra khi đã có ít nhất một hành động gây tác động hạn chế cạnh tranh xảy ra và hành động này được các doanh nghiệp cùng nhau thực hiện.

+ Yếu tố “cùng hành động” thể hiện sự tham gia thực hiện hành động nhưng cần lưu ý rằng sự tham gia thực hiện hành động này không mang yếu tố của “thoả thuận” bởi nếu các doanh nghiệp này thoả thuận, thống nhất cùng hành động thì hành vi đó sẽ là hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh (nếu đáp ứng đủ điều kiện) mà không phải là hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường của nhóm doanh nghiệp.

+ Yếu tố “cùng hành động gây tác động hạn chế cạnh tranh”, nhóm doanh nghiệp sẽ được xem là có vị trí thống lĩnh nếu thoả mãn thêm một trong hai điều kiện:

  • Có sức mạnh thị trường một cách đáng kể;
  • Tổng thị phần đạt mức luật định.

Theo Luật Cạnh tranh 2018, nếu một nhóm gồm năm doanh nghiệp (hoặc nhiều hơn) cùng thực hiện một hành vi có tác động tiêu cực đến cạnh tranh trên thị trường thì nhóm doanh nghiệp đó sẽ đương nhiên được xác định là không nắm giữ vị trí thống lĩnh và hành vi của nhóm doanh nghiệp cũng sẽ không bị xử lý dù hậu quả hay tác động của hành vi có nghiêm trọng đến đâu.

+ Trường hợp doanh nghiệp có thị phần không đáng kể tham gia vào nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh khi thực hiện hành động gây hạn chế cạnh tranh. Tại khoản 3 Điều 24 Luật Cạnh tranh 2018 quy định như sau:

  • “Nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường không bao gồm doanh nghiệp có thị phần ít hơn 10% trên thị trường liên quan”

Quy định này cần được hiểu rằng nếu trong nhóm doanh nghiệp đã cùng thực hiện hành vi gây tác động hạn chế cạnh tranh và nhóm doanh nghiệp đó được xác định là nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh nhưng có một hoặc nhiều doanh nghiệp sở hữu thị phần dưới 10% trên thị trường liên quan thì cần loại doanh nghiệp đó ra khỏi nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh và doanh nghiệp này sẽ không bị điều tra, xử lý. Quy định này chính là để đảm bảo tính hợp lý và công bằng của pháp luật cạnh tranh bởi lẽ các doanh nghiệp khi sở hữu thị phần dưới 10% trên thị trường liên quan thường thông thường sẽ là những doanh nghiệp không có sức mạnh thị trường đủ lớn thể gây tác động hạn chế cạnh tranh và do đó cũng không thực chất có vị trí thống lĩnh thị trường.

3.2. Xác định vị trí độc quyền của doanh nghiệp

Quy định về cách thức xác định vị trí độc quyền của doanh nghiệp tại Điều 25 Luật Cạnh tranh 2018 không có sự thay đổi so với Điều 12 Luật Cạnh tranh 2004, cụ thể:

“Doanh nghiệp được coi là có vị trí độc quyền nếu không có doanh nghiệp nào cạnh tranh về hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp đó kinh doanh trên thị trường liên quan”.

Như vậy, theo pháp luật cạnh tranh Việt Nam, vị trí độc quyền là vị trí mà chỉ có duy nhất một doanh nghiệp nắm giữ và thị phần của doanh nghiệp đó trên thị trường là 100%.

4. Xác định sức mạnh thị trường đáng kể theo pháp luật Việt Nam

Sức mạnh thị trường có thể được hiểu là mức độ hay khả năng ảnh hưởng của doanh nghiệp lên việc xác định giá cả trên thị trường đối với một hàng hoá, dịch vụ cụ thể hoặc giá cả chung của một ngành hàng.

Sức mạnh thị trường là nội dung lần đầu tiên được quy định trong chế định kiểm soát hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền và cũng chính là nội dung hạt nhân khi xác định vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền trong Luật Cạnh tranh 2018. Để đánh giá sức mạnh thị trường, Uỷ ban Cạnh tranh quốc gia cần phải đánh giá dựa trên nhiều yếu tố được quy định tại khoản 1 Điều 26 Luật Cạnh tranh 2018, bao gồm:

a) Tương quan thị phần giữa các doanh nghiệp trên thị trường liên quan;

b) Sức mạnh tài chính, quy mô của doanh nghiệp;

c) Rào cản gia nhập, mở rộng thị trường đối với doanh nghiệp khác;

d) Khả năng nắm giữ, tiếp cận, kiểm soát thị trường phân phối, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ hoặc nguồn cung hàng hóa, dịch vụ;

đ) Lợi thế về công nghệ, hạ tầng kỹ thuật;

e) Quyền sở hữu, nắm giữ, tiếp cận cơ sở hạ tầng;

g) Quyền sở hữu, quyền sử dụng đối tượng quyền sở hữu trí tuệ;

h) Khả năng chuyển sang nguồn cung hoặc cầu đối với các hàng hóa, dịch vụ liên quan khác;

i) Các yếu tố đặc thù trong ngành, lĩnh vực mà doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh.

Các yếu tố này lần lượt được quy định chi tiết tại khoản 1 Điều 12 Nghị định 35/2020/NĐ-CP trong đó, các điểm a đến điểm i khoản 1 Điều 12 Nghị định 35/2020/NĐ-CP nêu ra mục đích của việc đánh giá các yếu tố hoặc làm rõ các căn cứ cần thiết để đưa ra được kết luận về các yếu tố mà các điểm a đến điểm i khoản 1 Điều 26 Luật Cạnh tranh 2018 đã quy định.

Hy vọng bài viết này có thể mang đến cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006568 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.

Bài viết liên quan

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon