Quốc tịch là gì? Thủ tục thôi quốc tịch Việt Nam

quoc-tich-la-gi-thu-tuc-thoi-quoc-tich-viet-nam

Khác với những chế độ trước đây, với bước tiến mạnh mẽ từ thời kỳ lịch sử vẻ vang đến thời kỳ đất nước hiện đại hóa như ngày hôm nay quyền con người đã được nâng lên một tầm cao mới. Nhân dân không còn phải chịu những áp bức, bóc lột nặng nề, không còn cảnh quyền lợi cá nhân phải đặt dưới tay của thế lực khác, thay vào đó quyền công dân được đặt lên hàng đầu. Mỗi cá nhân khi sinh ra đời đều được mang trong mình một số quyền nhất định, trong đó phải kể đến đầu tiên là quyền có quốc tịch.

Tuy nhiên, không nhiều công dân biết nhiều thông tin về quốc tịch và các vấn đề xoay quanh quốc tịch kể cả thủ tục thôi quốc tịch Việt Nam. Bài viết sau đây Luật Dương Gia sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về quốc tịch và thủ tịch thôi quốc tịch Việt Nam.

Căn cứ pháp lý:

– Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014)

1. Quốc tịch là gì?

1.1. Khái niệm về quốc tịch

Căn cứ vào quốc tịch có thể xác định một cá nhân là công dân của quốc gia mà họ đang mang quốc tịch, đồng nghĩa với việc họ sẽ có quyền, nghĩa vụ đối với Nhà nước mà họ mang quốc tịch và ngược lại. Trừ khi người đó thay đổi, chấm dứt quốc tịch của quốc gia đó thì họ sẽ không còn quyền và nghĩa vụ nêu trên, mỗi nước sẽ có những quy định khác nhau về việc thay đổi, chấm dứt quốc tịch. Điều này xuất phát từ quá trình hình thành và phát triển của nước đó. Quốc tịch của một nước phụ thuộc vào kiểu nhà nước và hình thái kinh tế – xã hội từ đó dẫn đến nội dung quy định trong các vấn đề liên quan đến quốc tịch có sự khác nhau giữa các nước trên thế giới.

Quốc tịch thể hiện mối quan hệ pháp lý – chính trị giữa cá nhân cụ thể với chính quyền nhà nước nhất định hay nói cách khác quốc tịch là chế định pháp lý có tính chất tổng hợp, quy định mối quan hệ mọi mặt giữa cá nhân với nhà nước.

Như vậy, Quốc tịch là mối quan hệ pháp lý – chính trị có tính chất lâu dài, bền vững, ổn định cao về mặt thời gian, không bị giới hạn về mặt không gian giữa cá nhân cụ thể với chính quyền nhà nước nhất định.

1.2. Đặc điểm của quốc tịch

Từ định nghĩa về quốc tịch và những phân tích nêu trên, ta có thể thấy được một số đặc điểm đáng chú ý về quốc tịch như sau:

Thứ nhất, quốc tịch có tính lâu dài, bền vững, ổn định về không gian và thời gian;

Về mặt không gian, khi mỗi cá nhân đã mang trong mình quốc tịch của quốc gia đó thì họ sẽ có những quyền lợi và phải mang trên mình những trách nhiệm, nghĩa vụ đối với quốc gia đó, dù họ ở bất kì nơi đâu có thể trong lãnh thổ hoặc ngoài lãnh thổ nước và ở nơi họ cư trú thì quyền và nghĩa vụ vẫn như nhau không bị thay đổi. Về mặt thời gian, trong xuyên suốt quá trình họ mang quốc tịch tức là từ thời điểm họ sinh ra đến khi mất đi, vào bất cứ thời điểm nào thì họ vẫn quyền và nghĩa vụ đối với quốc gia họ mang quốc tịch, trừ trường hợp người đó xin thôi quốc tịch, bị tước quốc tịch,…

Thứ hai, Quốc tịch thể hiện mối quan hệ pháp lý có tính hai chiều giữa nhà nước và công dân;

Quốc tịch mang tính pháp lý hai chiều nó vừa thể hiện được quyền lợi, vừa thể hiện nghĩa vụ phải đảm nhiệm của người mang quốc tịch của một nước nào đó. Song, những quyền lợi mà người đó được hưởng cũng là nghĩa vụ mà nhà nước họ mang quốc tịch phải thực hiện nhằm đảm bảo được những lợi ích mà một cá nhân có quyền nhận được và ngược lại những nghĩa vụ của cá nhân mang trong mình là quyền của nhà nước đó.

Thứ ba, Tính cá nhân của quốc tịch;

Sở dĩ nói quốc tịch mang tính cá nhân bởi vì mỗi quốc tịch được cấp cho một cá nhân đều mang tính riêng biệt. Việc cấp quốc tịch tịch cho một người không làm phát sinh quốc tịch đối với người khác hoặc việc thôi hay tước quốc tịch của một cá nhân thì không ảnh hưởng đến quốc tịch của người khác đang có. Tóm lại, mỗi cá nhân có một quốc tịch khác nhau và quyền nghĩa vụ khác nhau.

Thứ tư, Quốc tịch vừa mang tính quốc tế, vừa là đối tượng điều chỉnh của pháp luật quốc gia.

Trong quan hệ quốc tế, quốc tịch là cơ sở pháp lý để nhà nước, cơ quan ngoại giao ở nước ngoài có thể bảo hộ cho công dân của nước mình. Trừ trường hợp có điều ước quốc tế quy định khác, quốc tịch còn là cơ sở để từ chối tiến hành dẫn độ tội phạm đối với công dân mình của quốc gia đó.

1.3. Cách xác định quốc tịch Việt Nam

Quốc tịch có từ khi mỗi cá nhân được sinh ra, có thể hiểu đó là cách xác định quốc tịch cho cá nhân đó. Tuy nhiên, trong quá trình sinh hoạt, làm việc, môi trường sống sẽ có nhiều trường hợp xác định quốc tịch của một cá nhân như sau:

Trường hợp 1: Mang quốc tịch theo huyết thống.

Theo quy định tại điều 15,16,17 của luật quốc tịch Việt Nam 2008 các trường hợp xác định quốc tịch Việt Nam trong quy định cụ thể các trường hợp trẻ em sinh ra trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam có cha mẹ là công dân Việt Nam, chỉ có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam, cả cha và mẹ đều không mang quốc tịch Việt Nam hay chỉ có mẹ là người Việt Nam còn cha không rõ là ai. Các trường hợp trên, trẻ em được sinh ra đều được mang quốc tịch Việt Nam.

Trường hợp 2, gia nhập quốc tịch Việt Nam. Điều kiện và hồ sơ gia nhập quốc tịch Việt Nam được quy định tại Điều 19 và Điều 20 của luật quốc tịch 2008.

Trường hợp 3, trở lại quốc tịch Việt Nam. Tương tự, điều kiện và hồ sơ trở lại quốc tịch Việt Nam được quy định tại Điều 23 và Điều 24 của luật quốc tịch 2008.

2. Thủ tục thôi quốc tịch Việt Nam

Mỗi cá nhân khi sinh ra đều có quyền mang trong mình một quốc tịch nhưng phụ thuộc vào điều kiện để có quốc tịch của mỗi quốc gia, đó là bằng chứng công nhận cá nhân đó là công dân của quốc gia mà họ mang quốc tịch. Và khi được mang trong mình dòng máu ông cha của đất nước Việt Nam 4000 năm văn hiến là một niềm tự hào, tự hào vì là công dân Việt Nam. Tuy nhiên, trong suốt quá trình phát triển, làm ăn, sinh sống hoặc học tập ,… để dễ dàng cho việc cư trú, di chuyển nhiều cá nhân đã chọn thôi quốc tịch Việt Nam. Lúc này, nhiều vấn đề đã đặt ra, liệu thủ tục xin thôi quốc tịch Việt Nam có phức tạp, rắc rối hay không ? Những vấn đề này được quy định cụ thể như sau:

2.1. Khái niệm thôi quốc tịch Việt Nam

Theo quy định tại khoản 1 điều 27 Luật quốc tịch Việt Nam 2008 (sửa đổi, bổ sung 2014) quy định:

“Công dân Việt Nam có đơn xin thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài thì có thể được thôi quốc tịch Việt Nam.”

Như vậy, thôi quốc tịch Việt Nam có thể hiểu là người đang có quốc tịch Việt Nam nhưng có mong muốn nhập quốc tịch nước ngoài thì làm đơn xin thôi quốc tịch Việt Nam tại cơ quan có thẩm quyền thì có thể được thôi quốc tịch Việt Nam sau khi hoàn thành các thủ tục có liên quan.

Tuy nhiên, không phải bất kì công dân Việt Nam nào cũng được xin thôi quốc tịch Việt Nam. Một số đối tượng sau đây sẽ không được xin thôi quốc tịch:

Thứ nhất, Người xin thôi quốc tịch Việt Nam không được thôi quốc tịch Việt Nam, nếu việc đó làm phương hại đến lợi ích quốc gia của Việt Nam (Khoản 3 điều 27 )

Thứ hai, Cán bộ, công chức và những người đang phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam không được thôi quốc tịch Việt Nam (khoản 4 điều 27),  vì việc thôi quốc tịch của những đối tượng trên ảnh hưởng đến những bí mật, thông tin cần được đảm bảo giữ kín, tránh bị tiết lộ ra bên ngoài.

2.2. Thủ tục xin thôi quốc tịch Việt Nam

– Hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam:

Người xin thôi quốc tịch Việt Nam cần chuẩn bị các giấy tờ có liên quan sau đây để tiếp hành nộp xin thôi quốc tịch Việt Nam:

Thứ nhất, đơn xin thôi quốc tịch Việt Nam. Đây là việc làm đầu tiên của công dân Việt Nam muốn xin thôi quốc tịch và việc này cũng đã được nhấn mạnh ngay trong khái niệm tại khoản 1 điều 27 Luật này (điểm a khoản 1 điều 28)

Thứ hai, về nhân thân người xin thôi quốc tịch cần có bản khai lý lịch của chính bản thân mình (điểm b khoản 1 điều 28); bản sao Hộ chiếu Việt Nam, Giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ tùy thân khác quy định tại Điều 11 của Luật này, nhằm xác minh người đó là công dân Việt Nam khi đang trong quá trình chuẩn bị hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam (điểm c khoản 1 điều 28) và phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền Việt Nam đồng thời tính đến ngày nộp phiếu này có thời hạn trong vòng 90 ngày (điểm d khoản 1 điều 28).

Thứ ba, giấy xác nhận công nhân đó đang làm thủ tục nhập quốc tịch nước ngoài. Tuy nhiên, trong trường hợp pháp luật của nước mà họ nhập quốc tịch đó không quy định về việc cấp giấy xác nhận này thì công dân không cần phải nộp. (điểm đ khoản 1 điều 28).

Thứ tư, về trách nhiệm của công dân đối với Việt Nam, trước khi nhập quốc tịch nước ngoài công dân cần nhận giấy xác nhận đã hoàn thành việc nộp thuế do Cục thuế tại nơi công dân đó cư trú cấp (điểm e khoản 1 điều 28).

Thứ năm, đối với người trước đây là cán bộ, công chức, viên chức hoặc phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam đã nghỉ hưu, thôi việc, bị miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức hoặc giải ngũ, phục viên chưa quá 5 năm thì còn phải nộp giấy của cơ quan, tổ chức, đơn vị đã ra quyết định cho nghỉ hưu, cho thôi việc, miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức hoặc giải ngũ, phục viên xác nhận việc thôi quốc tịch Việt Nam của người đó không phương hại đến lợi ích quốc gia của Việt Nam (điểm g khoản 1 điều 28).

– Trình tự, thủ tục giải quyết hồ sơ xin thôi quốc tịch:

Trình tự, thủ tục giải quyết hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam thuộc trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận, xử lý.

Bước một, Nộp hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam:

Người xin thôi quốc tịch Việt Nam nếu cư trú tại Việt Nam thì nộp hồ sơ tại Sở Tư pháp, còn đối với người đó đang ở nước ngoài thì nộp hồ sơ tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước sở tại. Trong trường hợp hồ sơ được nộp không đủ các giấy tờ cần thiết theo quy định trên hoặc không hợp lệ thì cơ quan tiếp nhận thông báo cho người nộp đơn bổ sung, sửa đổi để hoàn thành hồ sơ trong thời hạn sớm nhất.

Bước hai, Thông báo về việc xin thôi quốc tịch Việt Nam:

Trong thời hạn 5 ngày làm việc, nếu nộp đơn trong nước, Sở Tư pháp tiến hành đăng thông báo trên một tờ báo hoặc báo điện tử ở địa phương trong ba số liên tiếp và đăng lên Trang thông tin Bộ Tư pháp. Nếu nộp đơn ở nước ngoài, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phải đăng thông tin lên Trang thông tin điện tử của cơ quan. Thời hạn lưu trữ thông báo trên Trang thông tin điện tử ít nhất 30 ngày.

Bước ba, Xác minh thông tin nhân dân trong hồ sơ:

Đối với hồ sơ được nộp trong nước, sau khi nhận đủ hồ sơ, Sở Tư pháp gửi văn bản đề nghị Công an cấp tỉnh xác minh thông tin về nhân thân của người xin thôi quốc tịch Việt Nam (trong vòng 5 ngày làm việc). Sau đó, Công an kiểm tra, xác minh và gửi thông báo cho Sở Tư pháp (trong vòng 20 ngày làm việc). Tiếp theo, Sở Tư pháp trình hồ sơ lên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh có thẩm quyền (trong thời hạn 5 ngày). Cuối cùng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp hành xem xét và đề xuất ý kiến gửi lại cho Sở Tư pháp.

Đối với hồ sơ được nộp tại nước ngoài, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sau khi nhận được hồ sơ hợp lệ, trong vòng 20 ngày làm việc cơ quan có trách nhiệm thẩm tra và gửi hồ sơ cũng như y kiến đề xuất về việc xin thôi quốc tịch trên về Bộ Ngoại giao để hồ sơ được chuyển đến Bộ Tư pháp tiếp tục xử lý. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp có quyền yêu cầu Bộ Công an tiến hành xác minh nhân thân nếu cần thiết.

Bước bốn, Kiểm tra hồ sơ trước khi trình Chủ tịch nước:

Sau khi nhận được ý kiến đề xuất của 2 cơ quan tại bước trên, Sở Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra lại hồ sơ và nếu xét thấy đủ điều kiện được thôi quốc tịch Việt Nam thì báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ để được trình lên Chủ tịch nước xem xét, quyết định. Thời hạn của Sở Tư pháp là 20 ngày làm việc.

Cuối cùng, Trong vòng 20 ngày làm việc, Chủ tịch nước xem xét và đưa ra quyết định.

Trên đây là toàn bộ những vấn đề liên quan đến thủ tục thôi quốc tịch VIệt Nam. Trường hợp có thắc mắc vui lòng liên hệ Luật Dương Gia theo số hotline 19006568 để được hỗ trợ và tư vấn.

Bài viết liên quan

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon