Hình phạt là gì? Những điểm mới của BLHS năm 2015 về hình phạt

hinh-phat-la-gi-nhung-diem-moi-cua-blhs-nam-2015-ve-hinh-phat

So với BLHS năm 1999, hệ thống hình phạt quy định đối với cá nhân phạm tội trong BLHS năm 2015 không thay đổi, vẫn gồm 07 hình phạt chính và 07 hình phạt bổ sung. Tuy nhiên, về phạm vi áp dụng và phương thức thi hành các hình phạt theo quy định của BLHS năm 2015 có nhiều điểm mới so với BLHS năm 1999. Những điểm mới đó là: (1) Thu hẹp phạm vi hình phạt tử hình, (2) thu hẹp phạm vi hình phạt tù (tù chung thân, tù có thời hạn); (3) mở rộng phạm vi hình phạt tiền; (4) thu hẹp phạm vi tước quyền bầu cử – một trong những quyền bị tước theo hình phạt tước một số quyền công dân; (5) sửa đổi, bổ sung quy định về hình phạt cải tạo không giam giữ nâng cao tính nhân đạo, khả thi, hiệu quả của hình phạt này. Cụ thể như sau:

1. Hình phạt là gì?

Điều 30 BLHS năm 2015 đã quy định khái niệm hình phạt như sau:

Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước được quy định trong Bộ luật này, do Tòa án quyết định áp dụng đối với người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người, pháp nhân thương mại đó”.

Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước, được Nhà nước sử dụng như là công cụ hữu hiệu để bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của xã hội và các lợi ích hợp pháp của công dân. Tính nghiêm khắc của hình phạt được thể hiện ở chỗ người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội có thể bị tước bỏ hoặc bị hạn chế những quyền, lợi ích nhất định. Không chỉ phải chấp hành hình phạt đã tuyên, đối tượng bị kết án còn phải mang án tích trong một thời gian nhất định tùy thuộc vào loại tội phạm và tính chất nguy hiểm của tội do chủ thể đã thực hiện theo quy định của pháp luật.

Trong hệ thống hình phạt, BLHS quy định gồm các hình phạt chính và hình phạt bổ sung. Một người hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một tội phạm bắt buộc phải chấp hành một hình phạt chính nhưng đồng thời họ còn có thể phải chấp hành một hoặc nhiều hình phạt bổ sung khác kèm theo.

Hình phạt được luật hình sự quy định và do tòa án áp dụng. Trong BLHS Việt Nam, hình phạt được quy định ở cả Phần những quy định chung và Phần các tội phạm. Phần những quy định chung quy định những vấn đề có tính nguyên tắc liên quan đến hình phạt như khái niệm hình phạt, mục đích của hình phạt, hệ thống hình phạt, quyết định hình phạt, miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt… Còn Phần các tội phạm quy định các loại hình phạt và mức hình phạt cho từng tội phạm cụ thể.

Trong mọi trường hợp, không được áp dụng một loại hình phạt nào đó nếu hình phạt ấy không được quy định trong hệ thống hình phạt hoặc không được quy định trong chế tài của điều luật mà hành vi bị xử phạt thỏa mãn. Mặc dù, hình phạt thì được quy định trong BLHS nhưng hình phạt cụ thể áp dụng cho từng cá nhân người phạm tội hoặc pháp nhân thương mại phạm tội phải do Tòa án quyết định.

Theo quy định của pháp luật hiện hành thì Tòa án là cơ quan duy nhất có quyên áp dụng loại và mức hình phạt đối với người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội. Tòa án nhân danh Nhà nước xét xử và quyết định một người hoặc pháp nhân thương mại có tội hay không có tội, quyết định mức hình phạt cụ thể đối với đối tượng phạm tội. Thông qua việc xét xử, Tòa án thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình là bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tôn trọng các quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân. Do đó mà ngoài Tòa án thì không có một cơ quan, tổ chức nào có quyền áp dụng hình phạt đối với chủ thể thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội bị coi là tội phạm.

Hình phạt chỉ có thể áp dụng đối với người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội. Ngay cả trong trường hợp người phạm tội trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật thì cũng không thể áp dụng hình phạt đối với các thành viên trong gia đình cũng như những người thân khác của người phạm tội. Dựa trên nguyên tắc này, luật hình sự Việt Nam không cho phép việc chấp hành hình phạt thay cho người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội mặc dù sự chấp hành thay là hoàn toàn tự nguyện. Bởi lẽ, bản thân người phạm tội hoặc pháp nhân thương mại phạm tội là chủ thể đã thực hiện hành vi có tính chất nguy hiểm cho xã hội, hành vi đó xâm hại đến lợi ích nhất định được luật hình sự bảo vệ và như vậy hình phạt thể hiện sự trừng phạt xứng đáng đối với hành vi nguy hiểm đó và nhằm giáo dục chủ thể phạm tội, nên hình phạt phải được áp dụng đối với chính đối tượng phạm tội nhằm làm cho họ nhận ra những sai lầm của mình để từ đó tạo cơ sở để họ cải tạo tốt, trở thành công dân có ích cho xã hội, có ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống xã hội ngăn ngừa họ phạm tội mới.

2. Thu hẹp phạm vi hình phạt tử hình

So với Điều 35 BLHS năm 1999, Điều 40 BLHS năm 2015 sửa đổi theo hướng giảm hình phạt tử hình. Việc giảm giảm hình phạt tử hình được thực hiện trên ba phương diện:

Thứ nhất, giảm tội danh có quy định hình phạt tử hình: BLHS năm 1999 (đến lần sửa đổi, bổ sung năm 2009) có 28 tội danh quy định tại 22 điều luật có hình phạt cao nhất là tử hình (chiếm tỷ lệ 7,3% số điều luật quy định tội phạm). BLHS năm 2015 bỏ hình phạt tử hình ở 08 tội danh quy định tại 07 điều luật, đó là: tội cướp tài sản (Điều 168), tội sản xuất, buôn bán hành giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm (Điều 193); tội tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 249), tội chiếm đoạt chất ma túy (Điều 252), tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia (Điều 303); tội chống mệnh lệnh (Điều 394); tội đầu hàng địch (Điều 399). Đồng thời, BLHS năm 2015 cũng bỏ tội danh hoạt động phỉ có quy định hình phạt tử hình. BLHS năm 2015 còn 19 tội danh quy định trong 18 điều luật có hình phạt cao nhất là tử hình (chiếm tỷ lệ 5,7% số điều luật quy định tội phạm). So với BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) BLHS năm 2015 giảm 09 tội danh, 04 điều luật có hình phạt tử hình.

Thứ hai, mở rộng đối tượng không áp dụng hình phạt tử hình: Ngoài người chưa thành niên (người dưới 18 tuổi) khi phạm tội; phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi phạm tội hoặc khi xét xử như quy định của BLHS năm 1999, BLHS năm 2015 bổ sung quy định người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử cũng không bị áp dụng hình phạt tử hình.

Thứ ba, mở rộng đối tượng không bị thi hành án tử hình: Ngoài trường hợp người bị kết án là phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi như quy định của BLHS năm 1999, BLHS năm 2015 bổ sung 02 trường hợp bị kết án tử hình nhưng không bị thi hành mà chuyển thành tù chung thân, đó là: (1) người bị kết án là người đủ 75 tuổi trở lên; (2) người bị kết án về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư (¾) tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

3. Thu hẹp phạm vi hình phạt tù

+ Thu hẹp phạm vi hình phạt tù chung thân: Quán triệt tinh thần của Hiến pháp năm 2013 đề cao và tăng cường bảo vệ quyền con người, quyền công dân và quan điểm chỉ đạo của Đảng về giảm hình phạt tù, tăng cường chính sách nhân đạo, phần các tội phạm của BLHS năm 2015 đã được sửa đổi theo hướng giảm hình phạt tù chung thân. Đã có 20 tội danh trong Bộ luật này được bỏ hình phạt tù chung thân, thay vào đó hình phạt cao nhất là tù có thời hạn.

Song, cũng là để tăng cường bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013 và nội luật hóa Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người, tội dùng nhục hình, Điều 373 BLHS năm 2015 quy định về tội dùng nhục hình, so với quy định của BLHS năm 1999 đã được sửa tăng hình phạt từ mức cao nhất là 12 năm tù lên tù chung thân (trường hợp phạm tội làm người bị nhục hình chết); Điều 374 BLHS năm 2015 quy định về tội bức cung, so với quy định của BLHS năm 1999 đã được sửa tăng hình phạt từ mức cao nhất là 10 năm tù lên tù chung thân (phạm tội trong các trường hợp làm người bị bức cung chết, dẫn đến làm oan người vô tội, dẫn đến bỏ lọt tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng).

+ Thu hẹp phạm vi hình phạt tù có thời hạn: Nội dung thể hiện tinh thần hạn chế hình phạt tù của BLHS năm 2015 là so với Điều 33 BLHS năm 1999, Điều 38 BLHS năm 2015 được bổ sung quy định (khoản 2): Không áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng do vô ý và có nơi cư trú rõ ràng.

Với việc bổ sung quy định này sẽ giảm đáng kể hình phạt tù trên thực tế. Quy định này là nguyên tắc chỉ đạo, quán xuyến trong xây dựng các điều luật thuộc phần các tội phạm của BLHS năm 2015 (hoạt động lập pháp) và là nguyên tắc phải tuân thủ trong hoạt động áp dụng các quy định của BLHS năm 2015.

Đối với hoạt động lập pháp, bằng quy định này tại phần các tội phạm của BLHS năm 2015, số lượng các điều luật không quy định hình phạt tù tăng từ 06 điều luật theo BLHS năm 1999 lên 26 điều luật, trong số đó có 05 điều luật được bổ sung mới.

Đối với hoạt động áp dụng pháp luật hình sự: Nếu người phạm tội thỏa mãn 04 điều kiện sau đây thì trong mọi trường hợp, Tòa án không được áp dụng hình phạt tù: (1) Phạm tội lần đầu (về bất cứ tội danh nào), (2) tội phạm đã thực hiện là tội ít nghiêm trọng (tội phạm mà mức cao nhất của khung hình phạt quy định đối với tội ấy là phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm), (3) lỗi của tội phạm đã thực hiện là vô ý, (4) người phạm tội có nơi cư trú rõ ràng.

4. Mở rộng phạm vi hình phạt tiền

Điều 35 BLHS năm 2015 được sửa đổi theo hướng mở rộng phạm vi áp dụng hình phạt tiền với tính chất là hình phạt chính, đồng thời quy định rõ các trường hợp phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính (khoản 1). Theo đó, phạt tiền là hình phạt chính không chỉ được áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng như quy định của BLHS năm 1999 mà cả trường hợp phạm tội nghiêm trọng. Riêng đối với nhóm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường, trật tự công cộng, an toàn công cộng và một số tội phạm khác thì phạt tiền là hình phạt chính có thể áp dụng đối với cả tội rất nghiêm trọng. Quy định này đã được cụ thể hoá tại một số điều khoản thuộc phần các tội phạm của BLHS năm 2015.

5. Thu hẹp phạm vi tước quyền bầu cử

Theo Điều 39 BLHS năm 1999 thì một trong những quyền mà công dân Việt Nam bị kết án tù có thể bị tước đó là quyền bầu cử. Tuy nhiên, để tăng cường đảm bảo quyền con người, quyền công dân theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân nhân năm 2015 đã quy định quyền bầu cử chỉ bị hạn chế đối với người bị kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật và đang chấp hành bản án, quyết định của Tòa án. Đối với người đã chấp hành xong bản án, quyết định của Tòa án thì họ vẫn có quyền bầu cử. Vì vậy, Điều 44 BLHS năm 2015 đã bỏ quy định tước quyền bầu cử của người bị kết án tù về tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm khác do BLHS quy định.

6. Sửa đổi, bổ sung quy định về hình phạt cải tạo không giam giữ

Để tăng cường tính nhân đạo và nâng cao tính khả thi, hiệu quả của hình phạt cải tạo không giam giữ, BLHS năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung với nội dung mới là:

Thứ nhất, bổ sung quy định không khấu trừ thu nhập đối với người chấp hành án là người đang thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Thứ hai, bổ sung quy định trường hợp người bị phạt cải tạo không giam giữ không có việc làm hoặc bị mất việc làm trong thời gian chấp hành hình phạt này thì phải thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng trong thời gian cải tạo không giam giữ do Tòa án quyết định. Quy định này thể hiện quan điểm giáo dục, cải tạo người phạm tội thông qua lao động, bảo đảm hiệu quả của hình phạt.

Thứ ba, bổ sung quy định về cách thức việc khấu trừ thu nhập của người bị kết án cải tạo không giam giữ, theo đó, thu nhập của người bị kết án sẽ được khấu trừ hàng tháng với mức do Tòa án quyết định (từ 05% đến 20%).

Thứ tư, Điều 36 BLHS năm 2015 bổ sung quy định người bị kết án cải tạo không giam giữ phải thực hiện những nghĩa vụ quy định tại Luật thi hành án hình sự.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon