Quyền hưởng dụng là gì? Đặc điểm pháp lý của quyền hưởng dụng

quyen-huong-dung-la-gi-dac-diem-phap-ly-cua-quyen-huong-dung

Bắt nguồn từ Bộ luật dân sự và được xem là các phân nhánh của quyền sở hữu, các vật quyền chính yếu khác có mức độ quyền năng thấp hơn so với quyền sở hữu vì vậy mà chúng có thể được gọi là vật quyền hạn chế. Khi chủ sở hữu chuyển giao tài sản của mình sang cho chủ thể khác thông qua giao dịch hoặc do pháp luật quy định thì người được chuyển giao tài sản có thể khai thác, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản đó, đó là lúc, người được chuyển giao có một số các quyền năng phát sinh bắt nguồn từ quyền của chủ sở hữu.

1. Quyền hưởng dụng là gì?

Quyền hưởng dụng là một sự vận dụng pháp luật nước ngoài, tuy nhiên không phải là nội dung mới trong hệ thống pháp luật Việt Nam, nó được ghi nhận trong Bộ luật Nam Kỳ, Trung kỳ với tên gọi là quyền dụng ích[1], “Quyền dụng ích là một vật quyền cho phép hưởng dụng và thu lợi một tài sản thuộc quyền sở hữu của người khác trong một thời gian không quá đời sống của người hưởng dụng, với trách vụ giữ nguyên tài sản ấy”(Điều thứ 417 Bộ Dân Luật Sài Gòn 1973).  Theo luật La Mã, ban đầu quyền dụng ích chỉ áp dụng đối với đất đai (đất nông nghiệp và chuyển dần đến đất ở) dần dần được chuyển sang áp dụng đối với các tài sản khác, không những chỉ áp dụng đối với láng giềng mà còn áp dụng đối với những người khác. Ví dụ, một người viết di chúc để lại cho người khác một ngôi nhà là di sản thừa kế đồng thời cho một người thứ ba sử dụng ngôi nhà đó đến khi họ chết. Xuất phát từ đây Servitus (quyền sử dụng tài sản của người khác trong quan hệ này hay quan hệ khác) được chia thành quyền địa dịch và dụng ích cá nhân[2].

Trong bộ luật Napoleon được gọi với tên gọi là usufruct  – là sự tích hợp của hai quyền là quyền sử dụng được ghi nhận trong pháp luật các nước (trong đó nội hàm của quyền sở hữu không giống quy định của pháp luật Việt Nam, bao gồm ba phần là quyền sử dụng, quyền thu hoa lợi và quyền định đoạt), theo đó quyền sở hữu là quyền trọn vẹn cho phép chủ sở hữu có đầy đủ các quyền năng tuyệt đối đối với tài sản. Còn quyền dụng ích được hiểu là sự tách hai thành phần đầu tiên của quyền sở hữu tạo ra một quyền độc lập là quyền sử dụng và quyền thu hoa lợi. Một khi quyền này được tách ra thì chủ sở hữu chỉ giữ lại cho mình quyền định đoạt đối với tài sản còn quyền sử dụng và thu hoa lợi thì thuộc về người khác.

Trong Bộ Luật Dân Sự năm 2015 (BLDS), quyền hưởng dụng được quy định tại Điều 257: “ Quyền hưởng dụng là quyền của chủ thể được khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác trong một thời gian nhất định”. Lần đầu tiên, BLDS ghi nhận thuật ngữ quyền hưởng dụng thay cho cụm từ “quyền của người không phải là chủ sở hữu”. Điều này giúp các quy định của BLDS về quyền hưởng dụng có sự tương đồng hơn đối với pháp luật các quốc gia có hệ thống pháp luật thành văn.

2. Đặc điểm pháp lý của quyền hưởng dụng

Thứ nhất, quyền hưởng dụng cũng giống như quyền địa dịch hay quyền bề mặt là một vật quyền hạn chế dành cho người không phải là chủ sở hữu của tài sản. Có thể nói, quyền hưởng dụng chính là sự kết hợp của hai quyền là quyền khai thác công dụng và quyền hưởng hoa lợi, lợi tức. Quyền sử dụng (quyền khai thác) tài sản cho phép chủ thể hưởng dụng thu được các lợi ích khác nhau của tài sản như nhà để ở, xe máy để đi lại… Quyền hưởng hoa lợi, lợi tức cho phép người đó được thụ hưởng tất cả các giá trị tài sản phái sinh từ tài sản gốc ban đầu, bao gồm sản vật tự nhiên và khoản lợi thu được từ việc khai thác tài sản.

Thứ hai, quyền hưởng dụng được hiểu là một loại vật quyền theo người tức là nó luôn gắn liền với một chủ thể nhất định. Theo đó, khi chủ sở hữu đã trao quyền hưởng dụng cho một người trên tài sản của mình thì chỉ có chủ thể được trao quyền đó mới có quyền hưởng dụng. Quyền hưởng dụng là một vật quyền gắn liền với nhân thân của người hưởng dụng, điều đó có nghĩa khi người có quyền hưởng dụng chết hoặc chấm dứt sự tồn tại thì quyền này cũng chấm dứt.

Thứ ba, vào cùng một thời điểm, không tồn tại đồng thời nhiều chủ thể khác nhau cùng thực hiện quyền hưởng dụng trên một tài sản của một chủ sở hữu. Điều này được lý giải: Nếu đồng thời nhiều chủ thể cùng có quyền hưởng dụng đối với một tài sản nhất định thì chính họ sẽ bị hạn chế quyền của mình trong việc khai thác, sử dụng cũng như hưởng hoa lợi, lợi tức. Do đó, quyền hưởng dụng chỉ có thể thực hiện lần lượt giữa các chủ thể.

Thứ tư, quyền hưởng dụng mang đặc tính thời hạn, gắn bó với chủ thể hưởng dụng không mang tính vĩnh viễn mà chỉ tồn tại trong một thời gian nhất định. Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, thời hạn của quyền hưởng dụng do các bên thỏa thuận hoặc do luật quy định, nhưng tối đa đến hết cuộc đời của người hưởng dụng đầu tiên nếu người hưởng dụng là cá nhân và đến khi pháp nhân chấm dứt tồn tại nhưng tối đa 30 năm nếu người hưởng dụng đầu tiên là pháp nhân (khoản 1 Điều 260). Việc xác định thời hạn theo độ dài cuộc đời của người hưởng dụng đầu tiên được cho là có nguồn gốc từ mối quan hệ giữa quyền này với nhân thân của chủ thể mang quyền. Chính vì vậy, người hưởng dụng có quyền cho thuê quyền hưởng dụng nhưng không được vượt quá thời hạn hưởng dụng.

Trong pháp luật của Pháp, quyền hưởng dụng nếu không trao cho cá nhân thì chỉ kéo dài tối đa 30 năm, nếu quyền hưởng dụng lấy thời hạn là độ tuổi của người thứ ba thì sẽ có hiệu lực cho đến thời điểm đó cho dù người này chết khi chưa đạt đến độ tuổi.[3] Bộ luật Dân sự của Canada cũng quy định quyền hưởng dụng nếu không ấn định thời hạn thì thời hạn được xác định hết cuộc đời của người hưởng dụng là cá nhân. Nếu người hưởng dụng là pháp nhân thì thời hạn đó là 30 năm. Đồng thời, Bộ luật này cũng không cho phép một quyền hưởng dụng nào kéo dài quá 100 năm cho dù nó được cho phép kéo dài thời hạn hoặc trong trường hợp tạo lập một quyền hưởng dụng tiếp theo[4].

Thứ năm, giá trị tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng mang tính bảo toàn. Điều này được thể hiện qua việc hết thời hạn hưởng quyền, người hưởng dụng có nghĩa vụ giữ nguyên giá trị đối tượng của quyền hưởng dụng và trả lại đối tượng này đúng với giá trị ban đầu. Chính vì vậy, đối tượng của quyền hưởng dụng thường là những tài sản không tiêu hao. Tuy nhiên, pháp luật một số nước thừa nhận tài sản tiêu hao cũng có thể là đối tượng của quyền hưởng dụng nếu đảm bảo nguyên tắc bảo toàn giá trị của tài sản khi được hoàn trả. Ví dụ, trong quy định của bang Louisiana (Hoa Kỳ), đối tượng của quyền hưởng dụng có thể là tài sản tiêu hao và sau khi khai thác, sử dụng tài sản thì người hưởng dụng phải có trách nhiệm trả tiền cho giá trị tài sản tiêu hao đó hoặc giao cho chủ sở hữu.

Trong thực tiễn áp dụng các quy định của pháp luật hiện hành về quyền hưởng dụng, chúng tôi nhận thấy phát sinh một số vấn đề cần bàn luận, cụ thể:

3. Có tồn tại xung đột về quyền lợi giữa người hưởng dụng và người thừa kế đối với tài sản thuộc sở hữu của một chủ thể khác không?

Theo quy định của pháp luật hiện hành, thời hạn của quyền hưởng dụng do các bên thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định nhưng tối đa là “một đời” của chủ thể hưởng quyền. Chính vì vậy, sự tồn tại của quyền hưởng dụng phụ thuộc vào sự tồn tại của chủ thể hưởng dụng chứ không phụ thuộc vào chủ sở hữu của tài sản. Bên cạnh đó, khi chủ sở hữu chuyển giao quyền hưởng dụng cho một chủ thể khác thì không đồng nghĩa chủ sở hữu bị mất đi quyền sở hữu vốn có của mình đối với tài sản. Do đó, chủ sở hữu vẫn có quyền định đoạt đối với tài sản độc lập với quyền hưởng dụng của chủ thể hưởng dụng. Chúng ta cùng xem xét một trường hợp sau đây: A (60 tuổi) là chủ sở hữu của một ngôi nhà 4 tầng. A và B thỏa thuận chuyển giao quyền hưởng dụng cho B, theo đó B được quyền khai thác giá trị của ngôi nhà đến suốt cuộc đời của B (B hiện đang 20 tuổi). Trong thời gian B đang thực hiện quyền hưởng dụng của mình, A lập di chúc cho C ( C là con của A), theo đó C được nhận phần di sản thừa kế là ngôi nhà 4 tầng trên đồng thời C phải thực hiện một nghĩa vụ tài sản do A để lại. Vấn đề đặt ra ở đây là khi nào C sẽ có được quyền sở hữu đối với ngôi nhà? Và trong trường hợp ngôi nhà đang do B hưởng dụng thì quyền sở hữu của C đối với ngôi nhà được thực hiện như thế nào? Liệu rằng C có quyền chấm dứt quyền hưởng dụng của B không để thực hiện quyền sở hữu của mình?

 Quan điểm thứ nhất cho rằng: C có quyền sở hữu ngôi nhà khi A chết, do đó đi cùng với quyền sở hữu này, C có toàn quyền trên tài sản bao gồm quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản. Quyền hưởng dụng mà B có được là do sự chuyển giao quyền từ A, do đó khi A không còn quyền sở hữu nữa (A chết) thì quyền hưởng dụng của B không đương nhiên tiếp tục được chuyển giao. Do đó, C có quyền chấm dứt quyền hưởng dụng của B để thực hiện quyền sở hữu của mình.

Quan điểm thứ hai cho rằng: trong trường hợp này, tồn tại đồng thời hai quyền trên ngôi nhà là quyền hưởng dụng của B và quyền sở hữu của C khi A chết. Tuy nhiên, quyền sở hữu của C sẽ phải đảm bảo quyền hưởng dụng của B trong suốt cuộc đời của B, cụ thể C chỉ nắm giữ quyền định đoạt với tài sản trong thời hạn B thực hiện quyền hưởng dụng bởi lẽ C được tiếp nhận quyền sở hữu ngôi nhà từ A trong “tình trạng hiện có”. Là người thừa kế tài sản của A, C hoàn toàn có quyền từ chối nhận di sản nếu đi cùng với hưởng tài sản là nghĩa vụ tài sản do A để lại. Trong trường hợp này, C không từ chối quyền thừa kế của mình, vì vậy C buộc lòng phải tôn trọng quyền hưởng dụng mà B đã có theo thỏa thuận trước đó giữa A và B. C không được chấm dứt quyền hưởng dụng của B để thực hiện quyền sở hữu của mình trừ khi việc thực hiện quyền hưởng dụng của B đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của mình.

Chúng tôi đồng tình với quan điểm thứ hai vì bản chất của quyền hưởng dụng là vật quyền (là quyền trên tài sản) nên nó phụ thuộc vào tài sản mang quyền đó chứ không phụ thuộc vào hành vi của chủ thể trên tài sản đó (trái quyền). Trong luật một số quốc gia cũng ghi nhận quyền của người hưởng dụng không bị thay đổi trong trường hợp tài sản đó bị bán; người hưởng dụng vẫn tiếp tục thực hiện quyền của mình, trừ khi họ từ bỏ quyền đó[5]

[1] PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện trong bài phát biểu tại buổi tọa đàm “Trao đổi các nội dung mới của Bộ Luật Dân sự năm 2015 với các thành viên Tổ biên tập” ngày 4-5/1/2017 tại Đại học Luật Hà Nội

[2] Giáo trình Luật La Mã, Đại học Luật Hà Nội, NXB Công an nhân dân, năm 2003, tr 78.79

[3] “A usufruct which is not granted to private individuals may last only thirty years”, French Civil Code, Art. 619. [Quyền hưởng dụng trao cho người không phải là cá nhân thì kéo dài tối đa là 30 năm, Điều 619 Bộ luật Dân sự Pháp]

“A usufruct granted until a third party reaches a fixed age lasts until that time, even though the third party dies before the fixed age”, French Civil Code, Art. 620. [Quyền hưởng dụng được trao cho người thứ ba cho đến khi người thứ ba đạt đến độ tuổi nhất định thì được xác định đến thời điểm đó cho dù người thứ ba chết trước thời điểm đó, Điều 60, Bộ luật Dân sự Pháp]

[4] “No usufruct may last longer than 100 years even if the act granting it provides a longer term or creates a successive usufruct. Usufruct granted without a term is granted for life or, if the usufructuary is a legal person, for 30 years”. Civil Code Quebec, Art. 1123.

[Thời hạn của quyền hưởng dụng tối đa là 100 năm cho dù được gia hạn hay được tạo lập một quyền hưởng dụng tiếp theo. Quyền hưởng dụng được trao không xác định thời hạn thì được xác định là hết cuộc đời của cá nhân là người hưởng dụng. Nếu người hưởng dụng là pháp nhân thì thời hạn đó là 30 năm. – Điều 1123, Bộ luật dân sự Quebec, Canada]

[5] BLDS Pháp Điều 621.

Art. 621

The sale of a thing subject to usufruct involves no change in the right of the usufructuary; he continues to enjoy his

usufruct unless he has formally waived it

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon