Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định về trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ như một hình thức chế tài để áp dụng cho các hành vi vi phạm về quyền và nghĩa vụ mà các bên đã cam kết, thỏa thuận. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia quan hệ hợp đồng, góp phần hạn chế các hành vi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng cũng như là cơ sở áp dụng các biện pháp chế tài khi có hành vi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng xảy ra. Bài viết dưới đây sẽ đi vào phân tích trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Căn cứ pháp lý:
– Bộ luật dân sự năm 2015;
1. Trách nhiệm dân sự, trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ là gì?
-Trách nhiệm dân sự là hậu quả pháp lý bất lợi, áp dụng đối với chủ thể vi phạm pháp luật dân sự để buộc chủ thể này phải khắc phục những tổn thất đã gây ra.
– Trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ hợp đồng được hiểu là trách nhiệm pháp lý do cơ quan nhà nước hoặc chủ thể có thẩm quyền áp dụng đối với bên có hành vi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ hợp đồng phải chịu hậu quả bất lợi về mặt tài sản nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bên bị vi phạm. Trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ mang một số đặc điểm sau:
+ Thứ nhất, trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ hợp đồng luôn gắn với sự tồn tại của một hợp đồng dân sự được ký kết giữa các bên chủ thể tham gia quan hệ hợp đồng. Hợp đồng đó phải hợp pháp và có hiệu lực pháp luật, nói cách khác hợp đồng được xác lập không rơi vào trường hợp bị coi là vô hiệu theo quy định của Bộ luật dân sự 2015.
Sự hiện diện của một hợp đồng chính là cơ sở để áp dụng trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ hợp đồng. Nếu giữa bên gây thiệt hại và bên bị thiệt hại có ký kết hợp đồng, nhưng hợp đồng đó vô hiệu thì coi như không hề tồn tại một quan hệ hợp đồng giữa các bên và trách nhiệm dân sự được áp dụng trong trường hợp đó không phải là trách nhiệm dân sự do vi phạm hợp đồng.
+ Thứ hai, trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa hợp đồng chỉ được áp dụng khi có hành vi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng. Hành vi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng chính là cơ sở để áp dụng trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ hợp đồng. Biểu hiện cụ thể của hành vi phạm nghĩa vụ hợp đồng chính là bên có nghĩa vụ trong quan hệ hợp đồng đã không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ của mình trước bên có quyền và hậu quả của hành vi này đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của bên có quyền.
+ Thứ ba, trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ hợp đồng bao giờ cũng liên quan trực tiếp hoặc gắn liền với tài sản. Khi xác lập quan hệ hợp đồng các bên có thể có những động cơ khác nhau nhưng luôn hướng đến một lợi ích nhất định, chính vì lẽ đó việc vi phạm nghĩa vụ của bên này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của bên kia. Do vậy, trách nhiệm của bên vi phạm nghĩa vụ hợp đồng luôn là phải bù đắp cho bên bị vi phạm những lợi ích vật chất mà họ đã bị thiệt hại do hành vi vi phạm hợp đồng của bên vi phạm gây ra.
+ Thứ tư, mức độ phải gánh chịu hậu quả pháp lý của bên vi phạm không chỉ phụ thuộc vào các quy định của pháp luật, vào thiệt hại thực tế xảy ra mà còn phụ thuộc vào thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng. Khi có sự vi phạm nghĩa vụ hợp đồng, chế tài buộc phải thực hiện, thực hiện đúng nghĩa vụ ngay lập tức sẽ được áp dụng; ngoài ra nếu sự vi phạm nghĩa vụ gây ra thiệt hại cho bên kia thì chế tài bồi thường thiệt hại có thể sẽ được áp dụng.
Trong trường hợp hai bên thỏa thuận về việc phạt hợp đồng thì chỉ cần có sự vi phạm nghĩa vụ hợp đồng, chế tài phạt hợp đồng sẽ được áp dụng. Chế tài phạt hợp đồng chỉ được áp dụng nếu các bên có thỏa thuận về việc phạt vi phạm trong hợp đồng, nói cách khách nó phụ thuộc hoàn toàn vào ý chí của các bên trong quan hệ hợp đồng.
2. Căn cứ phát sinh trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ
– Có hành vi vi phạm hợp đồng: Khi hợp đồng dân sự được giao kết và có hiệu lực pháp luật sẽ phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa các bên. Các bên chỉ có thể thỏa mãn quyền của mình thông qua hành vi thực hiện nghĩa vụ của bên kia. Chính vì vậy, việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ của một bên sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của bên kia, khi đó bên có hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ sẽ phải chịu trách nhiệm dân sự trước bên có quyền bị xâm phạm.
+ Hành vi không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng được hiểu là người có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ trước người có quyền theo quan hệ nghĩa vụ được xác lập trong hợp đồng nhưng người có nghĩa vụ đã không thực hiện nghĩa vụ đó. Hành vi không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng luôn được thể hiện dưới dạng không hành động. Nó được biểu hiện qua các hành vi như: người có nghĩa vụ không thực hiện việc chuyển giao tài sản là đối tượng của hợp đồng; người có nghĩa vụ không thực hiện công việc là đối tượng của hợp đồng mà các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng.
+ Hành vi thực hiện không đúng nghĩa vụ hợp đồng được hiểu là người có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ theo nội dung được xác định cụ thể nhưng đã không thực hiện đúng nội dung của nghĩa vụ đó, nó được biểu hiện qua các hành vi như: thực hiện không đúng đối tượng, không đúng thời hạn, không đúng địa điểm, không đúng phương thức; thực hiện không đúng nội dung công việc là
– Có lỗi của bên vi phạm: Không phải trong mọi trường hợp cứ có hành vi vi phạm hợp đồng thì người vi phạm đều phải gánh chịu trách nhiệm dân sự. Họ chỉ phải gánh chịu trách nhiệm dân sự nếu họ có lỗi khi thực hiện hành vi vi phạm hợp đồng.
Lỗi ở đây được hiểu là trạng thái tâm lý tiêu cực của người có hành vi vi phạm với hậu quả của hành vi mình gây ra, nó phản ánh nhận thức của người đó đối với hành vi và hậu quả của hành vi mà họ thực hiện. Dù lỗi của người có hành vi vi phạm là lỗi cố ý hay lỗi vô ý thì họ đều phải chịu trách nhiệm dân sự nếu không có thỏa thuận và pháp luật không có quy định khác.
+ Lỗi cố ý: Cố ý gây thiệt hại là trường hợp một người nhận thức rõ hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho người khác mà vẫn thực hiện hoặc tuy không mong muốn nhưng để mặc cho thiệt hại xảy ra.
+ Lỗi vô ý: Vô ý gây thiệt hại là trường hợp một người không thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, mặc dù phải biết hoặc có thể biết trước thiệt hại sẽ xảy ra hoặc thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, nhưng cho rằng thiệt hại sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được.
Lỗi trong trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ hợp đồng là lỗi suy đoán. Về nguyên tắc, một người mặc nhiên bị coi là có lỗi khi họ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ theo hợp đồng. Nếu người có hành vi vi phạm muốn thoát khỏi trách nhiệm dân sự thì họ có nghĩa vụ chứng minh mình không có lỗi trong việc vi phạm nghĩa vụ.
– Ngoài ra, đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa cụ chỉ được áp dụng khi có đủ 4 điều kiện là: có hành vi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng; có thiệt hại thực tế xảy ra; có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng với thiệt hại xảy ra và có lỗi của bên vi phạm. Xuất phát từ mục đích của việc áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại là nhằm mục đích khôi phục tình trạng tài sản cho người bị thiệt hại, do đó nếu không có thiệt hại xảy ra thì sẽ không đặt ra vấn đề bồi thường thiệt hại.
3. Nguyên tắc chịu trách nhiệm dân sự
Nguyên tắc của Bộ luật dân sự 2015 là những tư tưởng pháp lý chỉ đạo, định hướng cho việc xây dựng và thực hiện pháp luật dân sự. Một trong các nguyên tắc cơ bản của Bộ luật dân sự 2015 là nguyên tắc chịu trách nhiệm dân sự.
– Cơ sở nguyên tắc:
+ Về cơ sở pháp lý: Nguyên tắc chịu trách nhiệm dân sự được quy định cụ thể tại khoản 5 Điều 3 Bộ luật dân sự 2015 quy định về các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự. Theo đó: Cá nhân, pháp nhân phải tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự.
+ Về cơ sở thực tiễn: trong quan hệ pháp luật dân sự, đặc biệt là các giao dịch dân sự, các bên luôn muốn giành lợi ích về phía mình tức là chỉ muốn nhận quyền mà không muốn thực hiện nghĩa vụ dân sự. Các bên có thể trốn tránh nghĩa vụ dân sự của mình, việc này ảnh hưởng nghiêm trọng tới lợi ích của bên chủ thể còn lại.
– Ý nghĩa của nguyên tắc: Để đảm bảo quyền, lợi ích của các chủ thể trong quan hệ pháp luật thì đòi hỏi các bên tham gia quan hệ pháp luật dân sự đó phải chịu trách nhiệm trước hành vi của mình. Việc quy định nguyên tắc chịu trách nhiệm dân sự là cơ sở để đảm bảo cho các bên trong quan hệ dân sự thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình, đảm bảo được lợi ích của các bên. Đồng thời, nguyên tắc này còn làm cơ sở để cơ quan, chủ thể có thẩm quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế đối với chủ thể có hành vi vi phạm.
– Nội dung của nguyên tắc: Nguyên tắc chủ yếu của nguyên tắc chịu trách nhiệm dân sự bao gồm các nội dung chủ yếu sau:
+ Thứ nhất: các bên phải nghiêm chỉnh thực hiện nghĩa vụ dân sự của mình. Các bên ở đây chính là các chủ thể trong quan hệ dân sự. Trong quan hệ dân sự, đi kèm với quyền luôn là nghĩa vụ. Các chủ thể trong quan hệ, khi một bên chủ thể được hưởng quyền thì đi kèm với nó họ cũng phải thực hiện những nghĩa vụ nhất định đối với phía chủ thể bên kia tức quyền của người này ứng với nghĩa vụ của người kia và ngược lại.
+ Thứ hai, các bên chủ thể trong quan hệ dân sự phải tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Chính các bên trong quan hệ dân sự là những chủ thể được hưởng quyền và cũng chính là những chủ thể thực hiện nghĩa vụ đối với chủ thể bên kia. Vì thế, hơn ai khác chính họ phải là những người chịu trách nhiệm đối với hành vi của mình. Ở đây, pháp luật dân sự quy định cho họ việc họ tự chịu trách nhiệm tức là đề cao sự tự giác, tự nguyện của các chủ thể trong việc thực hiện nghĩa vụ của mình.
+ Thứ ba, nếu các chủ thể không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ của mình thì có thể bị cưỡng chế thực hiện theo quy định của pháp luật. Đây là quy định nhằm tránh tình trạng các bên không tự chịu trách nhiệm của mình. Và vì thế họ sẽ bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế nhất định để buộc thực hiện nghĩa vụ của mình.
Như vậy, bài viết trên đây đã làm rõ nội dung về vấn đề trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006586 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.