Vi bằng là gì? Tác dụng của vi bằng

vi-bang-la-gi-tac-dung-cua-vi-bang

Trong đời sống xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu bảo vệ quyền lợi hợp pháp của cá nhân, tổ chức ngày càng trở nên cấp thiết. việc tìm kiếm những công cụ hiệu quả để thực hiện mục tiêu này luôn là mối quan tâm hàng đầu. Một trong những công cụ hữu ích được nhiều người lựa chọn hiện nay là vi bằng.

Vậy vi bằng là gì? Tác dụng của vi bằng trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp? Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn những thông tin chi tiết về vi bằng.

1. Vi bằng là gì?

Theo quy định tại khoản 3, Điều 2 Nghị định 08/2020 về vi bằng như sau: “Vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định của Nghị định này.”

Hay nói cách khác thì Vi bằng là một tài liệu bằng văn bản có hình ảnh, video, âm thanh kèm theo (nếu cần thiết). Trong tài liệu đó, Thừa phát lại sẽ mô tả, ghi nhận lại hành vi, sự kiện lập vi bằng  mà đích thân Thừa phát lại chứng kiến một cách trung thực, khách quan. Tài liệu này có giá trị là nguồn chứng cứ trước Tòa án nếu các bên có phát sinh tranh chấp liên quan đến sự kiện, hành vi lập vi bằng.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, có hai loại vi bằng cơ bản:

  • Vi bằng ghi nhận sự kiện, hành vi: Loại vi bằng này ghi nhận những sự kiện, hành vi cụ thể xảy ra tại một thời điểm, địa điểm nhất định do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến hoặc thu thập được thông tin, tài liệu chứng minh. Ví dụ: vi bằng ghi nhận việc giao nhận tài sản, vi bằng ghi nhận việc vi phạm hợp đồng, vi bằng ghi nhận việc lập biên bản niêm phong tài sản,…
  • Vi bằng ghi nhận hiện trạng: Loại vi bằng này ghi nhận tình trạng cụ thể của một sự vật, hiện tượng tại một thời điểm nhất định. Ví dụ: vi bằng ghi nhận hiện trạng nhà cửa trước khi mua bán, vi bằng ghi nhận hiện trạng ranh giới đất đai, vi bằng ghi nhận hiện trạng việc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép,…

2. Tác dụng của vi bằng

– Cung cấp chứng cứ cho các vụ việc:

  • Vi bằng là chứng cứ pháp lý có giá trị chứng minh cao, giúp bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của đương sự trong các vụ việc tranh chấp, khiếu nại, tố cáo.
  • Vi bằng ghi nhận một cách trung thực, khách quan sự kiện, hành vi xảy ra, có giá trị pháp lý cao, giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết vụ việc mọt cách chính xác, công bằng.
  • Vi bằng giúp cơ quan tiến hành tố tụng thu thập tài liệu, chứng cứ phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử.

– Bảo vệ quyền lợi hợp pháp của cá nhân, tổ chức:

  • Việc lập vi bằng giúp bảo vệ quyền lợi hợp pháp của cá nhân, tổ chức một cách hiệu quả, tránh thiệt hại do tranh chấp, khiếu nại, tố cáo.
  • Vi bằng giúp các cá nhân, tổ chức có căn cứ để khởi kiện, khiếu nại, tố cáo khi quyền lợi hợp pháp của họ bị xâm phạm.
  • Vi bằng giúp các cá nhân, tổ chức bảo vệ quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền nhân thân và các quyền hợp pháp khác của mình.

– Góp phần đảm bảo trật tự xã hội:

  • Việc sử dụng vi bằng góp phần đảm bảo trật tự xã hội, phòng ngừa hành vi vi phạm pháp luật.
  • Vi bằng giúp các cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm pháp luật một cách kịp thời, hiệu quả.
  • Vi bằng góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của công dân.

3. Giá trị pháp lý của vi bằng

Theo  khoản 2 và khoản 3 Điều 36 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại, giá trị pháp lý vi bằng được quy định như sau:

– Vi bằng không thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực, văn bản hành chính khác.

Điều này có nghĩa là vi bằng không thể được sử dụng thay thế cho các văn bản này trong những trường hợp pháp luật quy định phải có các văn bản đó. Ví dụ, vi bằng không thể thay thế cho văn bản công chứng hợp đồng mua bán nhà đất.

– Vi bằng là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật; là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

Việc lập vi bằng trong các giao dịch về dân sự không những là căn cứ để các bên thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, đúng thời hạn các cam kết, thỏa thuận của các bên, mà còn là nguồn chứng cứ quan trọng để Tòa án và các cơ quan có thẩm quyền giải quyết khi có tranh chấp, khiếu kiện xảy ra.

Trong trường hợp cần thiết, Thừa phát lại sẽ tư vấn cho các bên yêu cầu hoặc tham gia lập vi bằng sao cho việc giao dịch, các thỏa thuận, cam kết được minh bạch, chặt chẽ, đúng pháp luật. Vì vậy, vi bằng còn có tác dụng trực tiếp ngăn ngừa, giảm thiểu rủi ro, tranh chấp tiềm ẩn trong các giao dịch dân sự.

Về lâu dài, vi bằng chắc chắn sẽ gián tiếp góp phần  giảm thiểu hồ sơ khiếu kiện và thời gian, công sức xác minh, điều tra, thu thập chứng cứ của các cơ quan tố tụng.

4. Thẩm quyền lập vi bằng

Theo khoản 1 Điều 36 Nghị định 08/2020/NĐ-CP, thừa phát lại được lập vi bằng ghi nhận các sự kiện, hành vi có thật theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi toàn quốc, trừ các trường hợp không lặp vi bằng.

5. Các trường hợp không được lập vi bằng

Các trường hợp không được lập vi bằng được quy định tại Điều 37 Nghị định 08/2020/NĐ-CP bao gồm:

– Các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 4 Nghị định 08/2020/NĐ-CP.

– Vi phạm quy định về bảo đảm an ninh, quốc phòng bao gồm:

+ Xâm phạm mục tiêu về an ninh, quốc phòng;

+ Làm lộ bí mật nhà nước, phát tán tin tức, tài liệu, vật phẩm thuộc bí mật nhà nước;

+ Vi phạm quy định ra, vào, đi lai trong khu vực câm, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn của công trình an ninh, quốc phòng và khu quân sự;

+ Vi phạm quy định về bảo vệ bí mật, bảo vệ công trình an ninh, quốc phòng và khu quân sự.

– Vi phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình theo quy định tại Điều 38 của Bộ luật Dân sự; trái đạo đức xã hội.

– Xác nhận nội dung, việc ký tên trong hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định thuộc phạm vi hoạt động công chứng, chứng thực; xác nhận tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt; xác nhận chữ ký, bản sao đúng với bản chính.

– Ghi nhận sự kiện, hành vi để chuyển quyền sử dụng, quyền sở hữu đất đai, tài sản không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu theo quy định của pháp luật.

– Ghi nhận sự kiện, hành vi để thực hiện các giao dịch trái pháp luật của người yêu cầu lập vi bằng.

– Ghi nhận sự kiện, hành vi của cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân đang thi hành công vụ.

– Ghi nhận sự kiện, hành vi không do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến.

– Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

6. Thỏa thuận về việc lập vi bằng

– Người yêu cầu lập vi bằng phải thỏa thuận bằng văn bản với Trưởng Văn phòng Thừa phát lại về việc lập vi bằng với các nội dung chủ yếu sau đây:

  • Nội dung vi bằng cần lập;
  • Địa điểm, thời gian lập vi bằng;
  • Chi phí lập vi bằng;
  • Các thỏa thuận khác (nếu có).

– Thỏa thuận lập vi bằng được lập thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản.

(Điều 38 Nghị định 08/2020/NĐ-CP)

7. Thủ tục lập vi bằng

– Thừa phát lại phải trực tiếp chứng kiến, lập vi bằng và chịu trách nhiệm trước người yêu cầu và trước pháp luật về vi bằng do mình lập. Việc ghi nhận sự kiện, hành vi trong vi bằng phải khách quan, trung thực. Trong trường hợp cần thiết, Thừa phát lại có quyền mời người làm chứng chứng kiến việc lập vi bằng.

Người yêu cầu phải cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin, tài liệu liên quan đến việc lập vi bằng (nếu có) và chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp pháp của các thông tin, tài liệu cung cấp.

Khi lập vi bằng, Thừa phát lại phải giải thích rõ cho người yêu cầu về giá trị pháp lý của vi bằng. Người yêu cầu phải ký hoặc điểm chỉ vào vi bằng.

– Vi bằng phải được Thừa phát lại ký vào từng trang, đóng dấu Văn phòng Thừa phát lại và ghi vào sổ vi bằng được lập theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định.

– Vi bằng phải được gửi cho người yêu cầu và được lưu trữ tại Văn phòng Thừa phát lại theo quy định của pháp luật về lưu trữ như đối với văn bản công chứng.

– Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc việc lập vi bằng, Văn phòng Thừa phát lại phải gửi vi bằng, tài liệu chứng minh (nếu có) đến Sở Tư pháp nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở để vào sổ đăng ký. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được vi bằng, Sở Tư pháp phải vào sổ đăng ký vi bằng

Sở Tư pháp xây dựng cơ sở dữ liệu về vi bằng; thực hiện đăng ký và quản lý cơ sở dữ liệu về vi bằng theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.

Vi bằng là công cụ pháp lý hữu ích, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và góp phần bảo vệ trật tự an toàn xã hội. Việc sử dụng vi bằng một cách hợp lý, đúng pháp luật sẽ góp phần giải quyết tranh chấp hiệu quả, đảm bảo an toàn cho các giao dịch pháp lý và xây dựng một xã hội văn minh, pháp quyền.

Trên đây là bài viết liên quan đến nội dung về vi bằng là gì? Trường hợp có thắc mắc vui lòng liên hệ Luật Dương Gia theo số hotline: 19006568 để được hỗ trợ và tư vấn.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon