Các học thuyết chính trị ở Tây Âu vào thời kỳ xuất hiện và phát triển của chế độ phong kiến

cac-hoc-thuyet-chinh-tri-o-tay-au-vao-thoi-ky-xuat-hien-va-phat-trien-cua-che-do-phong-kien

Vào thế kỷ V – VI, sau khi đế chế chiếm hữu nô lệ La Mã sụp đổ, trên lãnh thổ Tây Âu đã xuất hiện các nhà nước, và dần dần hình thành chế độ phong kiến. Xã hội lúc này chia thành 2 giai cấp chính: các chúa phong kiến chiếm hữu ruộng đất và người nông dân bị khổ sở vì những tạp dịch phong kiến. Cùng với sự xuất hiện, phát triển của nhà nước phong kiến và sự phân chia giai cấp là sự ra đời các học thuyết chính trị ở Tây Âu.

1. Các học thuyết thần quyền

Dựa vào sức mạnh kinh tế, chính trị và sự thống trị tinh thần của mình, nhà thờ Thiên chúa giáo đã mưu toan bắt các lãnh chúa phong kiến quý tộc lệ thuộc vào mình. Giáo hội truyền bá các học thuyết thần quyền thể hiện ý nguyện của mình muốn thống trị thế giới. Một số học thuyết tiêu biểu để giáo hội thể hiện ý nguyện muốn thống trị thế giới của mình là:

– Học thuyết Mặt trời và Mặt trăng. Trong học thuyết này cho rằng “như mặt trăng tỏa sáng nhờ mặt trời, vương quyền chói lọi nhờ giáo hoàng”.

– Học thuyết giáo lý hai gươm. Đây là một học thuyết khá phổ biến dựa trên sự kết hợp tuỳ tiện và giải thích vũ đoán những đoạn trích dẫn từ kinh Phúc ân mà theo đó nhà vua có được gươm báu của mình, tức là chính quyền, nhờ có giáo hội và do vậy phải phục tùng giáo hội.

Để giành lấy địa vị thống trị nhà thờ đã sử dụng nhiều hình thức lừa bịp khác nhau. Trong đó có “Ân tặng của Cônxtantin” là văn bản giả mạo nhân danh Hoàng đế Cônxtantin I, người dường như vào thế kỷ IV đã trao cho các giáo hoàng La Mã chính quyền của đế chế Tây La Mã.

Mặc dù cuộc đấu tranh giành quyền lực của các giáp hoàng La Mã và các hoàng đế có những gia đoạn sâu sắc. Tuy nhiên, họ có một mục tiêu chung là đồng lòng chống lại phong trào của quần chúng bị áp bức. Nhà thờ Thiên chúa giáo giúp đỡ tầng lớp phong kiến quý tộc đàn áp các cuộc khởi nghĩa nông dân, còn các hoàng đế thì ủng hộ nhà thờ trong cuộc đấu tranh chống các phong trào tà đạo.

2. Tà giáo thế kỷ X – XIII

Sự phản kháng của quần chúng lao động chống sự bóc lột phong kiến vào thời trung cổ được thể hiện dưới hình thức các phong trào tà giáo. Phong trào tà giáo lớn đầu tiên bao trùm toàn bộ Châu Âu bắt đầu vào thời kỷ X ở Bungari. Quyền lợi của nông dân Bungari bị nô dịch được thể hiện trong phong trào tà giáo “thánh thiện” mang tính chất chống phong kiến. Những người thánh thiện thuyết giáo rằng sở hữu phong kiến và quyền của nông nô do “quỷ sứ” và “sức mạnh tàn ác” tạo nên, điều mà họ đánh đồng với sự giàu có. Họ tuyên bố các chúa phong kiến là “kẻ phục vụ cho quỷ sứ”, đó là những kẻ thâu tóm mọi đất đai và nô dịch nông dân.

Dưới ảnh hưởng của học thuyết thánh thiện, vào thế kỷ X – XI đã xuất hiện các phong trào tà giáo của quần chúng lao động ở Bidan tin, Xécbia, Bôxnia, Nga. Giáo lý của các phái tà giáo Tây Âu đến cuối thế kỷ XII đã dẫn tới chỗ là miền Bắc Italia và miền Nam Pháp hầu như tuột khỏi tay giáo hội. Từ đó làm nổ ra những cuộc đàn áp, đấu tranh giữa Thiên chúa giáo và tà giáo.

3. Học thuyết chính trị của Tômat Đacanh

Tômat Đacanh (1225 – 1274) là nhà tư tưởng lớn nhất của Thiên chúa giáo theo dòng Đômi ních. Từ triết học của Arixtốt, Tômat đã vay mượn trước hết là học thuyết duy tâm về “hình thái tích cực” tạo cho “vật chất tiêu cực” sức sống. Theo Tômat, thế giới được xây dựng trên những hình thức tôn ty thánh thần, trong đó các hình thức tối cao tạo sức sống cho hình thức thấp nhất. Đứng đầu tôn ty đó là Chúa, thực thể quy định nguyên tắc phục tùng của đẳng cấp dưới đối với đẳng cấp trên. Cũng theo nguyên tắc này, ông coi xã hội được tổ chức là nơi phân chia kẻ trên lãnh đạo người dưới.

Tômat phân biệt các nhân luật và thần luật. Nhân luật quy định trật tự đời sống xã hội, còn thần luật chỉ những con đường “đạt tới sự khoái lạc chốn thiên đường”.

“Luật vĩnh cửu” được Tômat gọi là “chính trí tuệ của Chúa điều hành thế giới”, và khẳng định rằng luật này là cơ sở cho tự nhiên và xã hội, trật tự toàn thế giới.

“Luật tự nhiên” được coi là “sự phản chiếu của luật vĩnh cửu bằng lý chí con người” và bao gồm mong muốn tự bảo tồn, kế tục dòng giống và quy luật chung sống của con người.

“Nhân luật” (hay luật thành văn) là pháp luật phong kiến hiện hành, được coi là sự phản ánh các đòi hỏi của luật tự nhiên.

Cuối cùng “thần luật hay luật báo ứng” được Tômat dành cho kinh thánh.

Tômat là kẻ thù không khoan nhượng của sự phát triển triết học và khoa học vượt giới hạn của giáo điều Thiên chúa giáo. Đương nhiên, ông ta cũng phê phán và chống lại tà đạo, đòi hỏi phải tiêu diệt họ thẳng tay.

Học thuyết phản động của Tômat cho đến nay vẫn được phổ biến rộng rãi trong các tư tưởng gia của giai cấp bóc lột. Hiện nay, giáo hội vẫn sử dụng một loạt tư tưởng của học thuyết này để đấu tranh chống lại chủ nghĩa Mác. Ở Mỹ và nhiều nước khác tồn tại nhiều người theo Tômat và sáng lập ra “chủ nghĩa Tômat mới”.

4. Sự phát triển thành thị và sự xuất hiện tư tưởng thị dân

Sự phát triển thương mại và thủ công vào thế kỷ XII – XIV đã dẫn tới sự gia tăng các thành phố ở một loạt các nước Tây Âu. Cư dân của nhiều thành phố đã giành được độc lập từ các chúa phong kiến, nhằm tạo những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển thương mại và thủ công, tầng lớp thị dân đã ủng hộ triều đình trung ương trong cuộc đấu tranh chống sự tan rã của chế độ phong kiến và tham vọng tiếm quyền của nhà thờ Thiên chúa giáo.

Vào thế kỷ XII, đã xuật hiện các luật gia – ngữ vị – những người đã lên tiếng ủng hộ triều đình trong cuộc đấu tranh ngày càng tăng chống lại sự cát cứ phong kiến và mưu toan của nhà thờ Thiên chúa giáo thâm nhập vào công việc của chính quyền quý tộc. Ăng ghen vạch rõ: “Cả các ông vua lẫn các thị dân đều tìm một chỗ dựa vững mạnh ở đẳng cấp đang lớn mạnh là các luật gia”.

Quyền lực của tầng lớp thị dân đang lớn mạnh, tầng lớp ủng hộ triều đình, được phản ánh rõ nét nhất trong tác phẩm “Người bảo vệ hòa bình” (1324) của hiệu trưởng trường Đại học tổng hợp Pari Macxili Pađuan (khoảng 1270-1342).

Theo học thuyết của Mácxili, nhà thờ và nhà nước có những mục tiêu và phạm vi hoạt động khác nhau. Phân biệt nhân luật và thần luật, ông cho rằng nhà thờ chỉ có trách nhiệm đối với thần luật mà thôi. Nhà thờ không có quyền thâm nhập vào “công việc đời thường”. Qua học thuyết Mácxili, ta thấy được sự đòi hỏi hết sức tiến bộ của thời đại đó về tự do tín ngưỡng.

Mácxili cũng hết sức cấp tiến trong việc giải quyết vấn đề về nhân luật. Ông viết rằng các đạo luật phải do nhân dân đặt ra và họ là người có quyền lựa chọn vị quân chủ. Hình thức nhà nước hoàn hảo nhất theo Mácxili, là “chế độ quân chủ được bầu”, trong đó nhân dân thông qua các đạo luật và lựa chọn vị quân chủ trị vì suốt đời.

5. Các phong trào tà giáo thế kỷ XIV – XV

Các phong trào tà giáo bị nhà thờ bị Cơ đốc giáo trước đây đàn áp lại bùng nổ với sức mạnh mới vào cuối thế kỷ XIV. Các phong trào thế kỷ XIV và các thế kỷ tiếp theo đã diễn ra trong các điều kiện khác trước. Đặc điểm của Tây Âu thời này là sự phát triển thành thị.

Tà giáo của thị dân thể hiện quyền lợi của dân thành thị và bộ phận tiểu quý tộc đòi hỏi “một giáo hội rẻ tiền” và chủ yếu là nhằm vào bọn giáo sĩ, nó tấn công vào tài sản và địa vị chính trị của chúng. Tà giáo của thị dân đòi hỏi phục hồi chế độ đơn giản của giáo hội Cơ đốc nguyên thủy và bãi bỏ các thầy tu, các giám mục tòa thánh Rô – ma, tóm lại, tất cả mọi thứ đắt tiền trong giáo hội.

Một trong những đại diện đầu tiên của tà giáo thị dân là giáo sư Trường đại học tổng hợp Ốcxpho Giôn Oaiclíp, người vào cuối thế kỷ XIV đã chống lại sự phụ thuộc của nhà thờ ở Anh vào giáo hoàng La Mã và sự thâm nhập của nhà thờ vào công việc nhà nước. Ông phê phán tôn ty đẳng cấp trong giáo hội và sự giàu có của nó, khi khẳng định rằng những điều đó trái với Kinh thánh.

Đồng thời với học thuyết của Oaiclíp ở Anh đã xuất hiện phong trào của những người theo phái Lonlác (Lollard) đòi chuyển giao ruộng đất cho các công xã nông thôn và xóa bỏ chế độ nông nô. Học thuyết của họ đóng vai trò to lớn trong việc chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa nông dân lớn nhất của Uốt Tailơ vào năm 1381, mà trong đó có một vị lãnh tụ là giáo sĩ Anh – Giôn Bôn.

Chỉ ít lâu sau khi đàn áp phong trào của những người phái Lonlác đã bắt đầu phong trào Cải cách tôn giáo ở Tiệp: Mở đầu cuộc Cải cách tôn giáo là sự phản kháng của Ian Gút chống đặc quyền của giáo hội.

Phong trào của Gút ít lâu sau chia ra hai trường phái. Dân thành thị Tiệp và giới quý tộc lập ra phái Trasních với cương lĩnh nhằm xóa bỏ đặc quyền của giới tăng lữ, thủ tiêu chính quyền tối cao của giáo hội, và thế tục hóa (chuyển giao chính quyền quý tộc) tài sản của giáo hội và thừa nhận sự độc lập của giáo hội Tiệp.

Những đòi hỏi của phái Taborít cấp tiến hơn, nó biểu hiện quyền lợi của nông dân, tiểu thị dân và một số bộ phận tiểu quý tộc ở Tiệp. Những người Taborít chống lại nghi lễ nhà thờ Thiên chúa giáo và đẳng cấp giáo hội; đồng thời họ đưa ra một loạt khẩu hiệu chống phong kiến – xóa bỏ đặc quyền của quý tộc Đức cũng như của Tiệp, thủ tiêu chế độ nông nô và tạp dịch phong kiến,… phục hồi những tư tưởng Cơ đốc giáo sơ khai, họ khẳng định rằng sắp tới thời kì “vương quốc ngàn năm”, trong đó tất cả mọi người sẽ bình đẳng và cùng nhau giải quyết công việc chung. Ph.Ăngghen nhận xét rằng ở phái Taborít “đã xuất hiện xu hướng công hòa dưới cái vỏ chính trị thần quyền, xu hướng đó sau này đã được tiếp tục phát triển ở những đại biểu của bình dân Đức vào cuối thế kỉ XV và đầu thế kỉ XVI” .

Lo sợ trước quy mô to lớn của phong trào Taborít, những người phái Trasních đã thỏa hiệp với bọn phong kiến phản động để chống lại họ.

Sự phản bội này và sự thiếu thống nhất trong chính trường phái của mình đã dẫn tới sự thất bại của những người Taborít, song những khẩu hiểu của họ chỉ ít lâu sau được Tômat Mundơ sử dụng trong thời gian Cải cách tôn giáo ở Đức.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon