Tư tưởng chính trị La Mã thời kì Chiếm hữu nô lệ

tu-tuong-chinh-tri-la-ma-thoi-ki-chiem-huu-no-le

Tư tưởng chính trị – pháp luật ở La Mã cổ đại được hình thành trong điều kiện phát triển tột đỉnh của phương thức sản xuất chiếm hữu nô lệ, và sau đó là sự sụp đổ của nó. Vậy trong thời kì này có những tư tưởng chính trị nào? Sự sụp đổ của nó ra sao? Hãy cùng Luật Dương Gia tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

1. Những tư tưởng của nô lệ khởi nghĩa

Sự gia tăng mâu thuẫn giữa nô lệ với chủ nô cũng như đại điền chủ với nông dân phá sản, quý tộc với hiệp sĩ vào thế kỉ II – I tr. CN đã dẫn đến những cuộc khởi nghĩa to lớn lâu dài của nô lệ và phong trào của tầng lớp dân nghèo tự do (thời kỳ nội chiến) ở La Mã.

Các cuộc khởi ở Xixin vào thế kỷ II tr. CN  là cố gắng đầu tiên của những người khởi nghĩa nhằm thiết lập nhà nước của mình. Trong nó lẫn lộn những nét quân chủ và dân chủ. Tư tưởng quân chủ của những người khởi nghĩa phản ánh mong muốn của một ông vua “tốt” biết bảo vệ quyền lợi của nhân dân, tước vị hoàng đế đã tạo cho những người lãnh đạo nô lệ khởi nghĩa ủy tín mà họ rất cần. Những người khởi nghĩa dự định dưới hình thức quân chủ tổ chức một nhà nước của những người bị áp bức và bóc lột.

Đồng thời với cuộc khởi nghĩa đầu tiên của nô lệ ở Xixin đã nổ ra cuộc khởi nghĩa lớn ở Tiểu Á (132 – 129 tr. CN) dưới sự lãnh đạo của Arixtôních, trong đó có tầng lớp nghèo khổ nô lệ tự do và nô lệ tham gia.

Tuy nhiên, những cuộc khởi nghĩa của nô lệ trong thời đại này lại thiếu một mục đích, định hướng rõ ràng dẫn đến việc chúng nhanh chóng thất bại. Song những cuộc đấu tranh của những người nô lệ đã chỉ rõ mong muốn không gì thay đổi của họ là xóa bỏ áp bức và nô dịch.

2. Tư tưởng của nền dân chủ chiếm hữu nô lệ

Khi các đội quân lê dương La Mã chiến đấu chống những người nô lệ ở Xixin, thì ở chính La Mã cũng không yên bình; một phong trào dân chủ mạnh mẽ của nông dân phá sản đã được triển khai dựa trên cơ sở đấu tranh của người tự do sản xuất nhỏ – tiểu nông với đại điền chủ.

Dưới ảnh hưởng của phong trào quần chúng thị dân đã nảy sinh và phát triển những tư tưởng chính trị của anh em Grakhơ gồm Tibêri Grakhơ và Gai Grakhơ. Họ phê phán kịch liệt chế độ quý tộc La Mã cổ đại và đấu tranh chống bất công tài sản quá độ. Quan trọng nhất là đòi hỏi của họ về việc hạn chế đại điền chủ, tịch thu phần đất thừa của đại điền chủ để giao cho nông dân ít ruộng đất hoặc không có ruộng đất.

Tư tưởng của Tibêri về việc trao cho nhân dân quyền tự phân chia đất đai quốc gia bằng cách phân bổ từng phần đã phá vỡ mạnh mẽ chính quyền của quý tộc và cơ quan của nó là nghị viện (senat) điều hành nông nghiệp. Tibêri đã tiến hành sự kiểm soát của nhân dân đối với các quan chức, điều hoàn toàn xa lạ đối với hiến pháp La Mã. Tư tưởng này càng có ý nghĩa lớn lao khi các quan chức không bị thay thế trong suốt nhiệm kỳ được bầu. Giờ đây mở ra khả năng bãi chức bất kỳ quan chức nào trong thời gian đó theo quyết định của hội đồng nhân dân.

Cuối cùng, khi nghe tin về việc thừa kế của Áttan Pécgam đến La Mã, Tibêri đã chống lại quyền quyết định của nghị viện mà việc này theo ông, chỉ có hội đồng nhân dân mới có quyền đó. Tibêri phát triển tư tưởng cho rằng chính cơ quan do nhân dân lựa chọn là có quyền lực cao nhất trong nhà nước.

Đồng thời, Tibêri cũng đánh mạnh vào viện nguyên lão – thành trị của giới quý tộc La Mã bằng việc đặc các quyền lợi của nhân dân cao hơn truyền thống và uy tín của viện nguyên lão.

Những tư tưởng của Tibêri phần nhiều trùng hợp với những tư tưởng chính trị của nền dân chủ chiếm hữu nô lệ Hy Lạp đã được Gai Grakhơ phát triển trong cuộc đấu tranh với viện nguyên lão và đã thành lập khối liên minh rộng lớn giữa nhân dân nông dân và thành thị với các hiệp sĩ.

Tuy nhiên, hành động của anh em Grakhơ đã bị thất bại, vì việc duy trì chế độ tiểu điền chủ cố hữu như là một trong những cơ sở của chế độ cộng hòa là không thể được.

Sau đó, các quan điểm chính trị tiến bộ đã được triết gia vĩ đại, nhà tư tưởng của nền dân chủ chiếm hữu nô lệ Tít Lucrexơ Caruxơ (khoảng 99 – 95 tr. CN) phát triển. Cuộc đấu tranh của Lucrexơ chống tôn giáo có ý nghĩa chính trị to lớn, vì đây là cuộc đấu tranh chống vũ khí tư tưởng của giới quý tộc chủ nô. Song Lucrexơ đã không đặt ra vấn đề về sự cần thiết phải xây dựng lại xã hội tiếp theo Êpiquya, ông kêu gọi từ bỏ đấu tranh chính trị và tuân thủ chính quyền, ẩn dật vào cuộc sống riêng tư.

3. Tư tưởng chính trị của Xixêrông

Người đại diện xuất sắc của trường phái chính trị này là Máccơ Tunli Xixêrông (106 – 43 tr. CN).

Theo học thuyết của ông, những người xuất sắc nhất là các đại điền chủ. Lao động chân tay là công việc hèn hạ và đáng khinh. Theo Xixêrông, nhiệm vụ chính của nhà nước là bảo vệ sở hữu cá nhân, cái được nảy sinh theo ý ông, không phải do tự nhiên, mà do kết quả thực hiện của con người. Xixêrông căm thù nhân dân, ông cho rằng “ chế độ dân chủ là một trong những hình thức thể chế nhà nước xấu xa nhất”.

Khi phân chia các cuộc chiến tranh ra thành chiến tranh chính nghĩa và chiến tranh phi nghĩa, Xixêrông coi chiến tranh chính nghĩa như một thứ công cuộc bào chữa cho chính sách xâm lược và cướp bóc của La Mã thí dụ như, ông đã bào chữa cho các cuộc chiến tranh được tiến hành vì quyền thống trị và sự vinh quang, như vậy ông đã biện minh cho tham vọng bá chủ thế giới của La Mã.

4. Tư tưởng chính trị của các nhà triết học khắc kỷ La Mã

Quan điểm của các nhà triết học khắc kỷ La Mã dựa trên những tư tưởng của Dênông và Khơrixíp.

Đầu tiên Luxiút Anneút Xênêca (khoảng năm 3 tr. CN – 65 CN) đưa ra luận điểm về sự bình đẳng tinh thần của mọi người và tuyên truyền tư tưởng cam chịu, “an ủi” nô lệ bằng thuyết lý rằng họ có phần tuyệt vời nhất là linh hồn – “tự mình là ông chủ bản thân”. Xênêca ngụy biện cho chế độ nô lệ bằng cách dựa vào định mệnh mà không ai có thể thay đổi được.

Tiếp theo là Êpíchtết (khoảng 50 – 138) phê phán chế độ nô lệ coi lối sống xa hoa là điều ác. Mọi người không nên tham gia của cải, không nên sầu não vì cảnh nghèo của mình. Ông đưa ra những tư tưởng khá dũng cảm vào thời đó nhằm chỉ trích kịch liệt chế độ nô lệ. Theo ông, không một con người cao thượng nào lại không cho phép mình giúp đỡ những người nô lệ.

Tuy vậy, sự phản kháng chống lại chế độ nô lệ của Êpíchtết mang đậm tính thụ động. Những tư tưởng tự do tinh thần kết hợp với thuyết định mệnh đã đưa Êpíchtết tới kết luận về sự vô ích của cuộc đấu tranh chống cái ác và dẫn tới thuyết không dùng bạo lực.

5. Tư tưởng chính trị của các nhà luật học La Mã

Các quan điểm chính trị của các nhà luật gia La Mã phản ánh cuộc đấu tranh gay gắt giữa nô lệ và chủ nô, giữa các công dân La Mã và các dân tộc bị họ chinh phục, và phản ánh thời kỳ khủng hoảng tăng lên và tan rã của xã hội La Mã.

Các luật gia La Mã đã chia pháp luật thành tư pháp và công pháp. Việc phân chia hệ thống pháp luật như vậy lần đầu tiên được luật gia lớn của La Mã Unpian tiến hành. Ông coi tư pháp thuộc về quyền của từng cá nhân, còn công pháp thuộc quyền của nhà nước.

Việc các nhà luật học La Mã phân chia tư pháp ra thành quyền tự nhiên (Jus naturale), quyền dân tộc(Jus getium) và quyền công dân (Jus civile) cũng có ý nghĩa chính trị to lớn. Bởi lẽ mục đích của nó là khẳng định chế độ nô lệ và sự bất công giữa các công dân La Mã với các dân tộc bị chinh phục.

Các luật gia La Mã biện hộ cho chính sách xâm lược của mình, họ khẳng định quyền lực không giới hạn của các hoàng đế La Mã.

Định lập luận cho sự bóc lột vô nhân đạo quần chúng bị áp bức, buộc họ phải nhẫn nhục và cam chịu, các luật gia La Mã muốn kéo dài sự tồn tại của chế độ chiếm hữu nô lệ vào thời kỳ khủng hoảng  của đế chế La Mã.

6. Tư tưởng chính trị Thiên chúa giáo

Vào thế kỷ I CN, từ sự xáo trộn tín ngưỡng cổ xưa với triết học Hy Lạp được thị dân hóa đã xuất hiện Thiên chúa giáo.

Trong các tác phẩm sơ khai của giáo lý Thiên chúa giáo “ Khải thị của thánh Gioan” – “Apôcalípxít”, được viết vào những năm 68 -69, và các tác phẩm khác đã nói lên sự căm hờn lũ “hoàng đế – thú vật”, bọn quan chức, nhà giàu và thương nhân.

Song, cương quyết phê phán đế chế chiếm hữu nô lệ ở La Mã, những tín đồ Thiên chúa giáo sơ khai, khi thấy sự thất bại của các cuộc khởi nghĩa nhân dân, chỉ biết tự an ủi bằng hy vọng hão huyền vào sự giúp đỡ của “sứ giả nhà trời” – “mexxia”.

Những người xuất thân từ giai cấp thống trị đã dần dần tiêu diệt tinh thần cách mạng dân chủ của Thiên chúa giáo buổi sơ khai. Từ giữa thế kỷ II, nó ngày càng trở thành tôn giáo của giai cấp thống trị.

Giới cầm đầu giáo hội đã xem xét lại học thuyết của Thiên chúa giáo. Thay cho những tư tưởng Thiên chúa giáo thời kỳ sơ khai, nhà thờ đã đưa ra tư tưởng bịa đặt.

Từ thế kỷ IV, các hoàng đế đã buộc phải chiều lòng giáo hội, thậm chí yêu cầu sự ủng hộ của nó.

7. Tư tưởng chính trị của phong trào tà đạo

Vào nữa sau thế kỷ II, ở Tiểu Á đã xuất hiện giáo phái “môntan”  giáo phái này tuyên truyền sự căm thù “ thế giới tội ác và bạo lực”, “Đấng cứu thế” sắp tới và thiết lập “vương quốc ngàn năm”. Đồng thời với giáo phái môntan đã xuất hiện các giáo phái “ngộ đạo” chống lại giáo hội.

Nhà thờ đã tiến hành cuộc đấu tranh quyết liệt chống lại các giáo phái này, đặc biệt phong trào được đẩy mạnh từ thế kỷ IV, khi nhà thờ ký kết liên minh với chính quyền nhà vua.

Tới thời gian này Bắc Phi xuất hiện phong trào rộng lớn của nô lệ, tù binh và người tự do bần cùng tự xưng là “ những người theo thuyết bất khả tri”. Những người theo thuyết bất khả tri đã giải phóng cho nô lệ và tù binh. Mặc dù bị đàn áp và phải chống chọi với quân lê dương của La Mã, cuộc khởi nghĩa của họ đã kéo dài cho tới thế kỷ VI.

8. Học thuyết chính trị thần quyền của Ôguýtxtanh

Avơrêli Ôguýtxtanh (354-430), giá mục ở Hippôn (Bắc Phi) ông được các giáo sĩ gọi là “Thánh”. Cố chứng minh cho sự bất diệt và trường tồn của chế độ chiếm hữu nô lệ, Ôguýtxtanh khẳng định rằng chế độ nô lệ do Chúa định. Chống lại tự do tín ngưỡng, Ôguýtxtanh đòi các hoàng đế phải ép buộc “những người theo đa thần giáo” phải “tiếp xúc” với Thiên chúa giáo. Học thuyết của Ôguýtxtanh và các giáo sĩ chủ nô khác và việc thiết lập “đế chế thần quyền” với sự thống soái của giáo hội là hết sức phản động.

Vào thời kỳ trung cổ, các giáo hoàng La Mã mong muốn thống trị trong xã hội phong kiến đã không hiếm lần phục hồi những tư tưởng phản động của Ôguýtxtanh. Các giáo sĩ ngày nay cũng sử dụng một loạt tư tưởng của Ôguýtxtanh nhằm chứng minh cho sự vĩnh cửu của chế độ bốc lột.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon