So sánh chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp và nhượng quyền thương mại

so-sanh-chuyen-quyen-sung-dung-doi-tuong-so-huu-cong-nghiep-va-nhuong-quyen-thuong-mai

Về căn bản, li-xăng và NQTM đều là phương thức thương mại hoá tài sản SHTT và phát triển doanh nghiệp mà chủ doanh nghiệp sở hữu có thể thực hiện và thu lợi nhuận dễ dàng từ nguồn tài nguyên sẵn có của doanh nghiệp mà không cần dành quá nhiều vốn. Tuy nhiên, do li-xăng đơn thuần chỉ là hình thức chuyển quyền sử dụng (như một loại hình cho “thuê”) một hay là nhiều đối tượng sở hữu công nghiệp, doanh nghiệp có thể tiếp cận/triển khai li-xăng từ những giai đoạn đầu để tạo doanh thu hoặc khi doanh nghiệp là những thương hiệu lớn dễ dàng được nhận diện bởi người tiêu dùng. Trên thực tế, các doanh nghiệp hay thương hiệu lớn chuyên “li-xăng” thường có xu hướng cố gắng thực hiện “li-xăng” càng nhiều càng tốt, để tối đa hóa lợi nhuận, mà không quá quan tâm tới việc bên được nhượng quyền sử dụng hoạt động và triển khai kinh doanh ra sao.

Mặt khác, NQTM thường chỉ thực hiện được khi cả bên nhượng quyền và bên nhận quyền có đầy đủ điều kiện tài chính cũng như khả năng phát triển thành công. Khá tương tự so với hoạt động li-xăng, mấu chốt trong quá trình thương thảo NQTM đó là thương hiệu và mô hình kinh doanh phải có sự thành công chứng thực được. Thương hiệu càng có tiếng thì hợp đồng NQTM càng đắt giá, khiến giá trị tiền nhượng quyền càng cao hơn. Rõ ràng rằng, thương hiệu là công cụ tiếp thị và quảng bá vô cùng quan trọng đối với mọi doanh nghiệp. Vậy khi doanh nghiệp đã thiết lập được thương hiệu có tiếng, quyền sử dụng nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, v.v. được chuyển nhượng cho bên nhận quyền sẽ giúp bên nhận quyền bỏ qua những thao tác khởi nghiệp ban đầu như xây dựng mô hình hoạt động và tạo dựng hình ảnh quảng bá tốn nhiều đầu tư về thời gian và tài chính. Tương tự, để được tuyển chọn NQTM, bên nhận quyền cũng cần có khởi điểm vốn đầu tư cao, cơ sở vật chất để có thể nhận và triển khai quyền thương mại từ bên nhượng quyền. Tại Việt Nam, mô hình NQTM được ưa chuộng cũng bởi cơ hội kinh doanh dễ dàng kèm theo sự tiếp cận và học hỏi từ các thương hiệu uy tín.

1. Phạm vi đối tượng tài sản sở hữu trí tuệ được chuyển quyền sử dụng

Một trong những khác biệt căn bản giữa li-xăng và NQTM đó là phạm vị chuyển

quyền sử dụng cho bên nhận quyền hoặc bên được chuyển quyền. Do NQTM về căn bản là sao nhân toàn bộ mô hình kinh doanh của bên nhượng quyền đối với bên nhận quyền, phạm vi “chuyển giao” thường rộng hơn nhiều so với li-xăng. Tinh thần của NQTM là nhân rộng thương hiệu và mô hình kinh doanh; do vậy, doanh nghiệp của bên nhận quyền sẽ hoạt động như một bản sao của bên nhượng quyền, để đảm bảo sự đồng nhất giữa doanh nghiệp nhượng quyền và nhận quyền với nhau.

Ngược lại, li-xăng đơn thuần chỉ là một hoạt động chuyển quyền sử dụng căn bản và hoạt động kinh doanh của bên được nhận quyền có thể không liên quan tới bên trao quyền (ví dụ như li-xăng để sử dụng đối tượng SHCN như sáng chế, kiểu dáng công nghiệp). Tại thời điểm hiện tại, dễ dàng có thể thấy hoạt động li-xăng diễn ra tương đối phổ biến. Tuy nhiên, khác so với hoạt động nhượng quyền thương mại như đã đề cập ở trên, bên li-xăng thường không kiểm soát và/hoặc không yêu cầu bên nhận li-xăng phải hoạt động dưới một mô hình kinh doanh cụ thể (để đảm bảo sự thống nhất, tương đồng so với hoạt động kinh doanh của bên nhượng quyền thương mại). Đặc điểm khác nhau khiến NQTM phù hợp với những loại hình doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ thiên nhiều hơn về trải nghiệm người dùng (điển hình như kinh doanh khách sạn, chuỗi nhà hàng ăn nhanh, thực phẩm), còn li-xăng sẽ phù hợp với những loại hình doanh nghiệp phát triển chủ yếu dựa trên sản phẩm (ví dụ như phim ảnh, ca nhạc, v.v., mà theo đó bên li-xăng sẽ không cần phải quan tâm quá nhiều tới hoạt động kinh doanh của bên nhận li-xăng). Hơn nữa, NQTM về căn bản là hình thức sao nhân doanh nghiệp, nên không phải bất cứ doanh nghiệp thuộc mô hình, lĩnh vực nào cũng có thể thực hiện thương mại hoá tài sản trí tuệ qua NQTM, ví dụ như những lĩnh vực sáng tạo, những lĩnh vực đòi hỏi chuyên môn đào tạo kỹ thuật cao. 

2. Phạm vi sử dụng đối tượng SHCN

Như những phân tích trên về tính chất cốt lõi của NQTM và li-xăng, phạm vi sử dụng đối tượng SHCN giữa hai loại hình chuyển quyền sử dụng này cũng sẽ có những sự khác biệt rõ ràng. Thứ nhất, do li-xăng có thể tồn tại dưới nhiều loại hình và được sử dụng dành cho nhiều mục đích đa dạng, mức độ của phạm vi sử dụng đối tượng SHCN đối với bên được chuyển quyền có thể đi từ hạn chế tới giống phạm vi sử dụng trong hợp đồng li-xăng của NQTM.

Ví dụ, vì nhiều công sử dụng li-xăng cho từng sản phẩm, hợp đồng li-xăng thường sẽ chỉ cho phép bên được chuyển quyền sử dụng sản phẩm SHTT đó theo một hình thức, phạm vi và thời gian nhất định. Những công ty này sẽ thường có quá trình kiểm toán để đảm bảo bên được chuyển quyền không sử dụng quá quyền hạn và phạm vi sử dụng của mình đối với tài sản SHTT của bên chuyển quyền. Khi li-xăng nhiều đơn vị sản phẩm như vậy với nhiều hợp đồng được ký kết tại thời điểm khác nhau, bên được chuyển quyền sẽ khó lòng nắm bắt được cụ thể các quyền hạn của mình và ắt sẽ gặp nhiều rủi ro vượt khỏi phạm vi quyền sử dụng của mình, từ đó cấu thành hành vi xâm phạm quyền SHTT của chủ sở hữu.

Trái lại, do tài sản SHCN được chuyển sử dụng một cách đồng nhất trong hợp đồng NQTM, và phạm vi hoạt động giới hạn của bên nhận quyền (bên nhận quyền chỉ được sử dụng các đối tượng SHCN trong hoạt động kinh doanh bản sao của bên nhượng quyền), bên nhận quyền sẽ có nhiều kiểm soát hơn trong việc tuân thủ phạm vi sử dụng đối tượng SHCN được đề ra trong gói li-xăng của hợp đồng NQTM.

Mặc dù chủ sở hữu có thể thiết lập nhiều giới hạn trong phạm vi sử dụng của hợp đồng li-xăng, Luật SHTT có cơ chế để đảm bảo khả năng sử dụng và khai thác có lợi cho bên được chuyển quyền và ngăn chặn khả năng lợi dụng chiếm đoạt lao động trí tuệ của bên được chuyển quyền bởi chủ sở hữu. Điều 144.2 Luật SHTT cấm chủ sở hữu thiếp lập những “điều khoản hạn chế bất hợp lý quyền của bên được chuyển quyền” đặc biệt khi “không xuất phát từ quyền của bên chuyển quyền” như sau:

“a) Cấm bên được chuyển quyền cải tiến đối tượng sở hữu công nghiệp, trừ nhãn hiệu; buộc bên được chuyển quyền phải chuyển giao miễn phí cho bên chuyển quyền các cải tiến đối tượng sở hữu công nghiệp do bên được chuyển quyền tạo ra hoặc quyền đăng ký sở hữu công nghiệp, quyền sở hữu công nghiệp đối với các cải tiến đó;

Trực tiếp hoặc gián tiếp hạn chế bên được chuyển quyền xuất khẩu hàng hoá, dịch vụ được sản xuất hoặc cung cấp theo hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp sang các vùng lãnh thổ không phải là nơi mà bên chuyển quyền nắm giữ quyền sở hữu công nghiệp tương ứng hoặc có độc quyền nhập khẩu hàng hoá đó;

Buộc bên được chuyển quyền phải mua toàn bộ hoặc một tỷ lệ nhất định các nguyên liệu, linh kiện hoặc thiết bị của bên chuyển quyền hoặc của bên thứ ba do bên chuyển quyền chỉ định mà không nhằm mục đích bảo đảm chất lượng hàng hoá, dịch vụ do bên được chuyển quyền sản xuất hoặc cung cấp… ”.

Điểm đáng chú ý nhất của Điều 144.2 là sự đảm bảo cơ hội khai thác và cải tiến đối tượng SHCN (trừ nhãn hiệu) và lợi ích kinh tế, lợi nhuận bên được chuyển quyền có thể nhận được từ thành quả lao động trí tuệ của mình mà không bị hạn chế bởi bên chuyển quyền và/hoặc chủ sở hữu.

3. Quyền và nghĩa vụ của các bên

Như đã giải thích ở phần trên, điều khiến NQTM trở thành một loại hình li-xăng đặc biệt so với thông thường đó là khả năng can thiệp, và quán xuyến quản lý của bên nhượng quyền đối với việc sử dụng tài sản SHTT cũng như hoạt động kinh doanh của bên nhận quyền. Quyền can thiệp của bên nhượng quyền đối với bên nhận quyền trở nên quan trọng đặc biệt đối với NQTM bởi dĩ hiệu quả và thành công trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhận quyền có ảnh hưởng trực tiếp đối với thương hiệu không chỉ của doanh nghiệp nhượng quyền mà tất cả doanh nghiệp trong hệ thống nhượng quyền.

a) Quyền kiểm soát của bên nhượng quyền thương mại thể hiện xuyên suốt các điều khoản về NQTM trong Luật TM, bao gồm quyền:

b) Kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất hoạt động của bên nhận quyền nhằm bảo đảm sự thống nhất của hệ thống nhượng quyền thương mại và sự ổn định về chất lượng hàng hoá, dịch vụ.

và bắt buộc bên nhận quyền phải:

c) Đầu tư đủ cơ sở vật chất, nguồn tài chính và nhân lực để tiếp nhận các quyền và bí quyết kinh doanh mà bên nhượng quyền chuyển giao;

d) Chấp nhận sự kiểm soát, giám sát và hướng dẫn của bên nhượng quyền; tuân thủ các yêu cầu về thiết kế, sắp xếp địa điểm bán hàng, cung ứng dịch vụ của thương nhân nhượng quyền;

Điều hành hoạt động phù hợp với hệ thống nhượng quyền thương mại.

Khả năng kiểm soát của bên nhượng quyền đảm bảo việc sử dụng tài sản SHTT trong phạm vi cho phép và hợp lý ví dụ như “giữ bí mật về bí quyết kinh doanh đã được nhượng quyền, kể cả sau khi hợp đồng nhượng quyền thương mại kết thúc hoặc chấm dứt,” cũng như phù hợp để tạo thêm tiếng tăm cho thương hiệu, giúp lợi đường đôi bên. Bên cạnh đó, NQTM còn có thể bao gồm cả đào tạo kỹ thuật và cách tổ chức hoạt động kinh doanh từ bên nhượng quyền đối với bên nhận quyền, từ đó, bên nhận quyền còn nhận được thêm cả những kiến thức quý giá trong lĩnh vực hoạt động và bên nhượng quyền sẽ bảo đảm được uy tín thương hiệu của mình. Cụ thế, đó là quyền của bên nhận quyền và nghĩa vụ của bên nhượng quyền, bao gồm:

a) Cung cấp tài liệu hướng dẫn về hệ thống nhượng quyền thương mại cho bên nhận quyền;

b) Đào tạo ban đầu và cung cấp trợ giúp kỹ thuật thường xuyên cho thương nhân nhận quyền để điều hành hoạt động theo đúng hệ thống nhượng quyền thương mại;

c) Đối xử bình đẳng với các thương nhân nhận quyền trong hệ thống nhượng quyền thương mại.

Mặt khác, trong Luật SHTT đối với các hợp đồng li-xăng, không có quy định nào cụ thể đối với quyền và nghĩa vụ của các bên. Từ đó, có thể thấy rằng, hợp đồng li-xăng do đó sẽ chỉ được điều chỉnh chung bởi luật chung về hợp đồng và các quy định liên quan tới phạm vi sử dụng SHCN như đã phân tích ở phần trên.

Nhượng quyền thương mại Li-xăng
Quyền kiểm soát Kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất hoạt động của bên nhận quyền nhằm bảo đảm sự thống nhất của hệ thống nhượng quyền thương mại và sự ổn định về chất lượng hàng hoá, dịch vụ (Điều 286 Luật TM). Không thường có, ngoại trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác.
Hỗ trợ Hỗ trợ đào tạo ban đầu và cung cấp trợ giúp kỹ thuật thường xuyên cho thương nhân nhận quyền để điều hành hoạt động theo đúng hệ thống nhượng quyền thương mại (Điều 287 Luật TM). Có thể có thỏa thuận giữa hai bên về việc hỗ trợ. Tuy nhiên, thường chỉ hỗ trợ kĩ thuật dưới hình thức cung cấp tài liệu, dữ liệu, kiến thức chuyên môn cho người nhận li xăng.

4. Hiệu lực hợp đồng

Đối tượng SHCN đóng vai trò vô cùng thiết yếu trong hợp đồng li-xăng/NQTM nên do vậy, bên chuyển/nhượng quyền cũng như bên được chuyển/nhượng quyền cần rất lưu ý vấn đề hiệu lực của đối tượng SHCN. Quyền sử dụng đối tượng SHCN cũng chỉ có hiệu lực nếu chủ sở hữu đảm bảo rằng văn bằng bảo hộ đối tượng SHCN còn hiệu lực, và không bị huỷ nếu xuất hiện tranh chấp. Điều 148.3 Luật SHTT điều chỉnh rằng “hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp mặc nhiên bị chấm dứt hiệu lực nếu quyền sở hữu công nghiệp của bên giao bị chấm dứt”. Đối với hoạt động nhượng quyền thương mại, bên nhận quyền cũng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nhượng quyền thương mại trong trường hợp Bên nhượng quyền vi phạm nghĩa vụ quy định tại

Điều 287 của Luật Thương mại, một trong số đó là bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ đối với đối tượng được ghi nhận trong hợp đồng nhượng quyền.

Ngoài hiệu lực đối với đối tượng SHTT, pháp luật Việt Nam cũng có yêu cầu đặc biệt đối với hợp đồng li-xăng và NQTM. Cụ thể, Luật SHTT quy định rằng hợp đồng sử dụng đối tượng SHCN (xác lập trên cơ sở đăng ký, trừ nhãn hiệu) chỉ có giá trị pháp lý đối với bên thứ ba khi hợp đồng được đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền SHCN, cụ thể là Cục SHTT. Đối với NQTM, toàn bộ hoạt động NQTM sẽ cần đăng ký với Bộ Công Thương từ trước khi tiến hành hoạt động NQTM, tuy nhiên điều khoản này chỉ áp dụng với doanh nghiệp nước ngoài NQTM tại Việt Nam, mà không áp dụng cho đối với nhượng quyền trong nước hay nhượng quyền thương mại từ Việt Nam ra nước ngoài.

5. Starbucks vs. McDonald’s: Ranh giới lu mờ giữa li-xăng và NQTM

Năm 2013 và 2014 đánh dấu sự sôi động của thị trường với sự xuất hiện của hai thương hiệu khổng lồ Starbucks và McDonald’s tại Việt Nam. Tưởng chừng, hai thương hiệu này, cũng như bao thương hiệu quốc tế đã có mặt tại Việt Nam, được “đưa về” Việt Nam cùng chung một mô hình vậy nhưng trái với hiểu nhầm phổ biến, mô hình hoạt động của Starbucks không hề có NQTM. Hiện tại, Starbucks phát triển thông qua 50% là các chi nhánh thuộc quyền sở hữu của công ty, trong khi 50% còn lại là các cửa hàng được li-xăng hoạt động. Trong khi đó, McDonald’s là điển hình của mô hình NQTM với 95% hệ thống nhà hàng là NQTM.

McDonald’s Starbucks
Bao gồm – Hệ thống hoạt động; – Thiết kế cửa hàng;
– Đào tạo nhân viên; – Thực đơn;
– Các dịch vụ hỗ trợ. – Thiết bị;

– Đào tạo và thiết bị;

– Chương trình bánh và thức ăn độc quyền Starbucks;

– Gói cà fê và các sản phẩm của Starbucks;

– Quảng bá;

– Tư vấn tại cửa hàng.

Mặc dù hình thức NQTM có thể dễ dàng phân biệt được với li-xăng ở dạng cơ bản nhất như ở trên, thực tế cho thấy rằng hợp đồng li-xăng, tuỳ theo cách soạn thảo của hai bên thoả thuận, có thể trở nên phức tạp, và không khỏi gây nhầm lẫn với NQTM. So sánh giữa các “sản phẩm” trong gói hợp đồng NQTM của McDonald’s và li-xăng của Starbucks là minh chứng rõ ràng cho sự dễ dàng gây nhầm lẫn này.

Có thể thấy rằng mô hình li-xăng của Starbucks đặc biệt ở sự cung cấp các hỗ trợ và đào tạo về mặt vận hành cho cửa hàng li-xăng không khác gì như ở hệ thống nhượng quyền thông thường. Mặc dù là hoạt động li-xăng, thực tiễn sẽ cho thấy rằng Starbucks hoạt động có chặt chẽ hơn đối với thương hiệu của mình, dù ở cửa hiệu chi nhánh hay cửa hiệu li-xăng, bằng cách duy trì một văn hoá hoạt động, đào tạo nhân viên bản bản. [6]

Còn ngược lại, với hệ thống nhượng quyền lớn như của McDonald’s có thể dẫn tới hoạt động hàng ngày khó kiểm soát và khiến thương hiệu có thể bị đi xuống. [7] Ví dụ trên cho thấy rằng, không cứ NQTM hay li-xăng là mô hình chắc chắn cho sự thành công của doanh nghiệp thuộc một lĩnh vực nhất định nào đó, mà sẽ cuối cùng phụ thuộc vào cách doanh nghiệp hoạt động cũng như khai thác tiềm năng tài sản SHTT của mình.

Với giá trị to lớn mà tài sản SHTT có thể đem lại, các doanh nghiệp, đặc biệt những doanh nghiệp nhỏ và vừa, nên đề cao giá trị của quyền SHTT như một tài sản thay vì là phí tổn. Bằng việc đăng ký và định giá tài sản SHTT của mình, các doanh nghiệp bắt đầu có thể xem xét các hình thức chuyển giao quyền sử dụng, cũng như nhiều hình thức thương mại hoá tài sản SHTT khác, như một hoạt động sinh lời hữu dụng góp phần thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon