Quản lý tài sản trí tuệ

quan-ly-tai-san-tri-tue

Một trong những đặc tính quan trọng nhất của tài sản trí tuệ là tạo ra giá trị. Vì vậy, ta cần phải tiến hành Quản lý tài sản trí tuệ mọi sản phẩm của hoạt động sáng tạo, vì tài sản trí tuệ là kết quả của hoạt động quá khứ liên quan đến chính nó và đồng thời là điều kiện để tạo ra tài sản trí tuệ khác trong tương lai.

Căn cứ pháp lý:

1. Khái niệm quản lý tài sản trí tuệ

1.1. Tài sản trí tuệ

Theo quy định tại Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015 thì: “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản; tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai”.

Như vậy, tài sản trí tuệ là tất cả các sản phẩm trí tuệ thuộc các đối tượng của quyền SHTT được sở hữu hợp pháp thông qua hoạt động tự sáng tạo, đầu tư để sáng tạo, nhận chuyển giao, được tặng cho, thừa kế và các hình thức khác do pháp luật quy định.

Tài sản trí tuệ trong lĩnh vực giáo dục là các sản phẩm trí tuệ do cán bộ, công chức, người lao động, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh sáng tạo ra từ một, một số hoặc tất cả các các yếu tố sau:

Một là, sử dụng ngân sách của cơ sở giáo dục hoặc nguồn ngân sách khác thông qua cơ sở giáo dục;

Hai là, sử dụng thời gian làm việc hành chính;

Ba là, sử dụng cơ sở vật chất của cơ sở giáo dục;

Bốn là, cơ sở giáo dục giao nhiệm vụ hoặc ký hợp đồng với tập thể, cá nhân để tạo ra sản phẩm.

1.2. Quản lý tài sản trí tuệ

Khi đề cập đến quản lý tài sản trí tuệ thì bao gồm hai loại: quản lý nhà nước đối với tài sản trí tuệ và quản lý của các chủ thể khác đối với tài sản trí tuệ. Trong phạm vi bài giảng này đề cập đến quản lý của các chủ thể trực tiếp các tài sản trí tuệ để sử dụng hoặc khai thác có hiệu quả nhất tài sản trí tuệ.

Mục tiêu của quản lý tài sản trí tuệ: Khuyến khích hoạt động sáng tạo, thúc đẩy quá trình khai thác, chuyển giao quyền SHTT và bảo vệ tài sản trí tuệ, của các tổ chức và cá nhân trong cơ sở giáo dục.

Nội dung quản lý tài sản trí tuệ:

– Xây dựng quy trình, thủ tục phát hiện, khai báo tài sản trí tuệ; xác lập quyền và khai thác thương mại tài sản trí tuệ;

– Xác định quyền sở hữu đối với tài sản trí tuệ;

– Xây dựng cơ chế và tỷ lệ phân chia thu nhập từ hoạt động khai thác thương mại tài sản trí tuệ;

– Quy định nghĩa vụ và trách nhiệm của các chủ thể tham gia vào hoạt động SHTT và thi hành quy định về quản lý hoạt động SHTT tạo ra tài sản trí tuệ trong cá cơ sở giáo dục;

– Kiểm tra việc thực hiện quyền SHTT trong cơ sở giáo dục;

– Xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp, khen thưởng và xử lý vi phạm;

– Xây dựng cơ chế tài chính khai thác tài sản trí tuệ hiệu quả nhất.

2. Các phương thức chủ yếu quản lý tài sản trí tuệ

2.1. Phát hiện và lập hồ sơ đăng ký xác lập quyền

Việc phát hiện tài sản trí tuệ trong các cơ sở giáo dục dựa trên các nguồn chủ yếu sau đây:

Một là, từ hoạt động KH&CN bao gồm:

– Các chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu khoa học các cấp;

– Các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học (theo nghị định thư, cấp Bộ…);

– Hoạt động nghiên cứu khoa học của người học;

– Các hoạt động KH&CN khác.

Kết quả của hoạt động này được thể hiện dưới hình thức: kết quả nghiên cứu đã được nghiệm thu quy trình, chất thể, vật thể có thể đăng ký bảo hộ sáng chế; quyền tác giả (các bài báo, sách chuyên khảo,…).

Hai là, hoạt động đào tạo.

Hoạt động đào tạo là hoạt động chủ yếu trong các cơ sở giáo dục.

Do đó, trong hoạt động đào tạo nhiều tài sản trí tuệ được tạo ra:

– Khóa luận, đồ án, luận văn, luận án;

– Giáo trình, sách tham khảo;

– Quy trình, vật thể có thể đăng ký bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích trong quá trình thực hiện thí nghiệm.

Ba là, kết quả của các cuộc thi do cơ sở giáo dục tổ chức.

Trong các cơ sở giáo dục rất nhiều cuộc thi hoặc hình thức khác khuyến khích giảng viên và sinh viên tạo ra sản phẩm trí tuệ. Kết quả cuộc thi tạo thành tài sản trí tuệ: cuộc thi sáng tác tranh, cuộc thi giáo viên dạy giỏi, cuộc thi sáng kiến cải tiến kỹ thuật, cuộc thi sáng tác bài hát…

Việc thực hiện thông qua các bước sau:

– Khai báo, thống kê tài sản trí tuệ: Do đầu mối là một đơn vị thực hiện trên cơ sở phối hợp với các đơn vị khác. Việc thống kê theo học kỳ hoặc theo năm học. Thống kê có thể thực hiện dưới hình thức số hóa “cơ sở dữ liệu tài sản trí tuệ” để thực hiện tra cứu khi cần thiết.

Phân loại tài sản trí tuệ: Việc phân loại tài sản trí tuệ nhằm mục đích quản lý tài sản trí tuệ. Việc phân loại căn cứ trên cơ sở các đối tượng của quyền SHTT để thực hiện cho quản lý bao gồm:

+ Các tài sản trí tuệ thuộc quyền tác giả, quyền liên quan;

+ Các tài sản trí tuệ thuộc quyền SHCN;

+ Các tài sản trí tuệ thuộc giống cây trồng.

Trên cơ sở tích hợp và phân loại theo đối tượng của quyền SHTT, có thể phân chia:

– Tài sản trí tuệ có khả năng chuyển giao và tài sản trí tuệ không có khả năng chuyển giao;

– Tài sản trí tuệ phải đăng ký xác lập quyền và tài sản trí tuệ không phải đăng ký xác lập quyền;

Xác định quyền đối với tài sản trí tuệ: trên cơ sở tài sản trí tuệ, xác định quyền đối với tài sản trí tuệ.

– Chủ sở hữu: Là cơ sở giáo dục (tác giả không phải là chủ sở hữu);

– Chủ sở hữu đồng thời là tác giả.

Từ việc lập danh mục xác định quyền sở hữu đối với tài sản trí tuệ để công bố các quyền nhân thân và quyền tài sản theo Điều 19 và Điều 20 của Luật SHTT. Trong các cơ sở giáo dục hiện nay tác giả luôn cho rằng tài sản trí tuệ thuộc sở hữu của mình nên có toàn quyền quyết định, không phụ thuộc vào ngân sách hay hợp đồng giữa tác giả và nhà trường.

– Đăng ký xác lập quyền (đối với các đối tượng của quyền SHTT bắt buộc phải đăng ký).

– Xem xét khả năng thương mại hóa tài sản trí tuệ: Trên cơ sở tài sản trí tuệ của trường, xem xét khả năng những tài sản trí tuệ nào có thể thương mại hóa thông qua việc:

+ Nhận biết, thống kê các đối tượng có khả năng thương mại hóa;

+ Xác định các đối tác có nhu cầu;

+ Bước đầu định giá tài sản trí tuệ;

+ Quảng bá trực tiếp hoặc gián tiếp (tên sản phẩm, kết quả chính, giá trị sử dụng hoặc khả năng áp dụng sản xuất công nghiệp hàng loạt).

2.2. Xây dựng quy chế hoạt động sở hữu trí tuệ

a. Những nội dung cơ bản của quy chế

Cơ chế pháp lý để xây dựng quy chế hoạt động SHTT (kèm theo). Cơ sở để ban hành quy chế hoạt động SHTT trên cơ sở các văn bản pháp luật liên quan.

Mục tiêu của hoạt động SHTT: Khuyến khích hoạt động sáng tạo, thúc đẩy việc thương mại tài sản trí tuệ và bảo vệ quyền SHTT trong các trường đại học, cao đẳng. Như vậy, mục tiêu của hoạt động SHTT nhằm:

Thứ nhất, khuyến khích hoạt động sáng tạo: Đây là mục tiêu rất quan trọng, do vậy phải có các biện pháp khuyến khích cụ thể về tinh thần và vật chất trong các quy định quản lý, phân chia lợi ích cho các chủ thể sáng tạo. Trên cơ sở đó, các chủ thể tiếp tục hoạt động sáng tạo, dưới sự hỗ trợ tài chính, cơ sở vật chất khác của trường. Ngoài ra, cần tạo môi trường làm việc tốt cho các chủ thể thực hiện việc sáng tạo ra các tài sản trí tuệ. Nhiều trường đại học hiện nay tình trạng “lãng phí chất xám” hoặc “chảy máu chất xám” do không có các giải pháp khuyến khích hữu hiệu cho nhân tài.

Thứ hai, thúc đẩy thương mại tài sản trí tuệ: Quy chế đưa ra các nguyên tắc, trên cơ sở đó xây dựng quy định cụ thể về thương mại tài sản trí tuệ thuộc sở hữu của trường.

Thứ ba, bảo vệ quyền SHTT: Đây là một mục tiêu quan trọng trong quy chế hoạt động SHTT. Quy định rõ các biện pháp bảo vệ tài sản trí tuệ thuộc sở hữu của trường khi có hành vi xâm phạm, đồng thời quy định các biện pháp cụ thể xử lý thích đáng cán bộ, viên chức, người học có hành vi xâm phạm quyền SHTT của các chủ thể khác đang được bảo hộ.

Nội dung hoạt động SHTT trong các trường đại học, cao đẳng bao gồm:

Một là, xây dựng và ban hành chiến lược hoạt động SHTT của nhà trường; tuyên truyền, phổ biến kiến thức về SHTT;

Hai là, xây dựng cơ sở dữ liệu SHTT phục vụ công tác quản lý và đáp ứng nhu cầu thông tin của các tổ chức, cá nhân trong đơn vị; trang bị phương tiện tra cứu, khai báo, đăng ký tài sản trí tuệ cho cá nhân, tổ chức trong đơn vị;

Ba là, tổ chức hoạt động tư vấn, hỗ trợ việc xác lập và bảo vệ quyền SHTT cả đơn vị; tổ chức tiếp nhận, khai báo, đánh giá khả năng bảo hộ và tiềm năng thương mại tài sản trí tuệ của cá nhân, đơn vị;

Bốn là, tổ chức việc xác lập quyền SHTT; phân tích đánh giá thị trường thương mại tiềm năng; tổ chức tổng kết chuyển giao tài sản trí tuệ; xây dựng chính sách và các chương trình hỗ trợ phát triển hoạt động sáng tạo nhằm tạo ra tài sản trí tuệ trong đơn vị;

Năm là, đánh giá khả năng thương mại tài sản trí tuệ, tổ chức ươm tạo và phát triển thị trường KH&CN; thực hiện chuyển giao, ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học nhằm tạo ra tri thức mới, công nghệ và giải pháp mới;

Sáu là, hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ vào các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, địa phương và các tổ chức khác trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật;

Bảy là, tổ chức kiểm tra, đánh giá hoạt động SHTT trong trường.

Thẩm quyền thực hiện hoạt động SHTT trong trường: Xác định trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của từng trường phù hợp với điều kiện thực tế. Trên cơ sở đó xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn hoạt động SHTT. Thông qua quy chế đưa ra những nguyên tắc hoạt động hoặc được cụ thể hóa như một quy định để thực hiện ngay.

Tài chính cho hoạt động SHTT: Quy chế xác định tài chính cho hoạt động SHTT từ nguồn ngân sách Nhà nước, nguồn tài trợ, nguồn thu được do hoạt động thương mại tài sản trí tuệ…

b. Kết cấu của quy chế

Kết cấu của quy chế như một văn bản quy phạm pháp luật do Hiệu trưởng hoặc Giám đốc (viện, học viện) ban hành. Kết cấu quy chế theo Chương, Mục, Điều, Khoản…

Thẩm quyền ký quyết định ban hành quy chế là người đại diện theo pháp luật của Trường.

2.3. Tư vấn về sở hữu trí tuệ

Tư vấn về SHTT là hoạt động thường xuyên của những trường đại học, cao đẳng.

Chủ thể tư vấn: Bộ phận quản lý SHTT làm đầu mối và các chuyên gia trong lĩnh vực SHTT, chuyên gia kỹ thuật có kinh nghiệm về các đối tượng của quyền SHTT. Việc tư vấn thông qua đội ngũ tư vấn viên của các trường đại học, cao đẳng. Đội ngũ tư vấn viên chuyên trách và bán chuyên trách.

Tư vấn viên chuyên trách: Các cán bộ giảng viên thuộc Bộ phận quản lý SHTT của Trường (Phòng, Tổ, Ban,…).

Tư vấn viên bán chuyên trách: Các nhà khoa học, các nhà quản lý khác. Tư vấn viên phải đảm bảo các yêu cầu:

(1) Am hiểu về quyền SHTT để có thể đưa ra sự tư vấn chính xác, bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả, của chủ sở hữu quyền SHTT hoặc của người thứ ba tham gia giao dịch;

(2) Có các kỹ năng cần thiết để thực hiện việc tư vấn như: viết đơn đăng ký, mô tả sáng chế…

Đối tượng tư vấn: Là các bộ, viên chức, người học (sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh) có nhu cầu tư vấn.

Nội dung hoạt động tư vấn về ỏ hữu trí tuệ bao gồm:

– Hướng dẫn, hỗ trợ khai báo tài sản trí tuệ;

– Hướng dẫn thủ tục đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ để xác lập quyền hoặc bảo vệ quyền;

– Giải đáp các thắc mắc của tác giả, của chủ sở hữu quyền SHTT trong lĩnh vực khoa học giáo dục;

– Tư vấn về phương pháp định giá tài sản trí tuệ;

– Tư vấn, bước đầu đánh giá tài sản trí tuệ so với các tiêu chuẩn được bảo hộ;

– Nhận biết tài sản trí tuệ thuộc nhóm đối tượng nào;

– Tư vấn xác lập các hợp đồng về quyền SHTT.

2.4. Phát hiện và yêu cầu xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

a. Phát hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

Một là, hành vi xâm phạm quyền SHTT của các cá nhân, tổ chức ngoài cơ sở giáo dục. Đây là hành vi của chủ thể khác xâm phạm quyền SHTT dưới nhiều hình thức khác nhau. Việc nhận biết hành vi xâm phạm quyền tác giả theo từng nhóm đối tượng của quyền SHTT.

Những hành vi xâm phạm quyền tác giả trong lĩnh vực khoa học giáo dục bao gồm:

– Hành vi chiếm đoạt quyền tác giả đối với tác phẩm;

– Hành vi mạo danh tác giả;

– Hành vi sửa chữa, cắt xén, xuyên tạc gây phương hại đến danh dự, uy tín của tác giả;

– Hành vi sao chép tác phẩm, các tác phẩm phái sinh mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả…

Những hành vi xâm phạm quyền liên quan bao gồm:

– Không giới thiệu hoặc giới thiệu sai tên của người biểu diễn khi biểu diễn, khi phát hành, ghi âm, ghi hình, phát sóng cuộc biểu diễn;

– Xâm phạm sự toàn vẹn hình tượng biểu diễn, sửa chữa, cắt xén và xuyên tạc dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến người biểu diễn;

– Sao chép, chích ghép cuộc biểu diễn đã được ghi hình…

– Những hành vi xâm phạm quyền SHCN:

– Hành vi xâm phạm sáng chế;

– Hành vi xâm phạm nhãn hiệu;

Khi phát hiện những hành vi xâm phạm quyền SHTT, bộ phận chuyên trách về SHTT thông báo cho tác giả (đồng thời là chủ sở quyền SHTT) biết và tư vấn các biện pháp bảo vệ theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp, cơ sở giáo dục là chủ sở hữu quyền SHTT như giáo trình, sách chuyên khảo, sáng chế thì thực hiện các biện pháp:

– Có văn bản yêu cầu cá nhân, tổ chức xâm phạm phải chấm dứt hành vi xâm phạm;

– Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử lý hành chính;

– Khởi kiện ra Tòa án yêu cầu chấm dứt hành vi xâm phạm và bồi thường thiệt hại.

Hai là, hành vi xâm phạm của các cá nhân, tổ chức trong cùng một cơ sở giáo dục.

Hành vi xâm phạm của cá nhân, tổ chức đối với quyền SHTT thuộc sở hữu của cán bộ, giảng viên, người học,… mà cơ sở giáo dục đang quản lý thì bộ phận chuyên trách báo cho chủ sở hữu biết và hướng dẫn viết đơn gửi trường. Trên cơ sở đơn yêu cầu của chủ sở hữu quyền SHTT, có các biện pháp:

– Yêu cầu chấm dứt các hành vi xâm phạm quyền SHTT;

– Xác định tỷ lệ % xâm phạm quyền SHTT;

– Thành lập Hội đồng có các biện pháp xử lý như không công nhận kết quả mà tác giả đã có hành vi xâm phạm quyền SHTT (sao chép, mạo danh…);

– Hoàn tất hồ sơ chuyển bộ phận có liên quan xử lý cán bộ vi phạm.

Hành vi xâm phạm của các cá nhân, tổ chức trong cơ sở giáo dục đối với quyền SHTT mà trường là chủ sở hữu. Trong trường hợp này thì bộ phân chuyên trách tư vấn cho Hiệu trường trường báo cho cá nhân, tổ chức có hành vi xâm phạm và tiến hành các biện pháp xử lý theo Quy chế quản lý hoạt động SHTT.

b. Hòa giải các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ giữa cá nhân, tổ chức

Khi có tranh chấp quyền SHTT giữa các cá nhân, tổ chức bộ phận chuyên trách tiếp nhận đơn, hồ sơ kèm theo. Trên cơ sở hồ sơ và ý kiến của các bên tranh chấp tiến hành hòa giải giữa các bên để tìm giải pháp thích hợp. Hòa giải tập trung vào các vấn đề sau đây:

  • Phân tích rõ quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan đến đối tượng của tranh chấp;
  • Hướng các bên cân nhắc và thỏa thuận cho phù hợp với quy định của pháp luật;
  • Phân tích những bất lợi nếu các bên tranh chấp không hòa giải được mà phải khởi tiện ra Tòa án.

3. Các biện pháp chủ yếu khuyến khích hoạt động sở hữu trí tuệ

3.1. Khuyến khích vật chất

Biện pháp khuyến khích vật chất có tác động thúc đẩy sự sáng tạo của các cá nhân trong suốt quá trình lao động tạo ra những tài sản có giá trị. Biện pháp khuyến khích vật chất được quy định ngay trong Quy chế hoạt động SHTT đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên.

Một là, sản phẩm của đề tài, dự án sử dụng kinh phí của Nhà nước sau khi nghiệm thu được chuyển giao (sau khi trừ các chi phí hợp lý) được phân bổ như sau:

  • Nộp ngân sách Nhà nước;
  • Nộp cho cơ sở giáo dục;
  • Dùng để khen thưởng cho tổ chức, cá nhân thực hiện đề tài, dự án. Mức khen thưởng áp theo quy chế hoạt động SHTT của trường quy định.

Hai là, các sản phẩm của đề tài, dự án có khả năng áp dụng vào sản xuất tại địa phương, doanh nghiệp được thực hiện dưới hình thức chuyển giao công nghệ, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật thì tác giả được hưởng lợi ích vật chất chiếm tỷ lệ cao hơn để khuyến khích tác giả sáng tạo.

3.2. Biện pháp khuyến khích tinh thần

Đưa vào tiêu chí vượt trội để xét thi đua, khen thưởng đối với các cá nhân tổ chức tạo ra các tài sản trí tuệ có giá trị.

Khen thưởng định kỳ 1 năm hoặc 5 năm/ lần đối với những cá nhân, tổ chức có thành tích cao trong tạo ra những tài sản trí tuệ có giá trị làm tăng uy tín của cơ sở giáo dục đại học.

Công bố các kết quả nghiên cứ trên các phương tiện thông tin đại chúng, giới thiệu tác giả tham gia các hội đồng chuyên môn sâu liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu.

3.3. Biện pháp khuyến khích tài chính

Khuyến khích tài chính là hình thức thúc đẩy cá nhân, nhóm cá cá nhân tích cực tham gia nghiên cứu tạo ra những tài sản trí tuệ có giá trị trong lĩnh vực khoa học giáo dục. Biện pháp khuyến khích tài chính được chia thành hai loại:

Một là, biện pháp khuyến khích tài chính theo quy định của pháp luật

Hai là, biện pháp khuyến khích tài chính tự nguyện.

Bài viết liên quan

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon