Quyền đưa con ra nước ngoài sau ly hôn

quyen-dua-con-ra-nuoc-ngoai-sau-ly-hon

1. Câu hỏi khách hàng:

Chào Luật sư, tôi muốn được tư vấn về quyền nuôi con và quyền đưa con ra nước ngoài sau khi ly hôn. Tôi hiện đang nuôi dưỡng một con nhỏ sau khi đã hoàn tất thủ tục ly hôn. Tôi có ý định đưa con ra nước ngoài sinh sống, làm việc. Vậy xin hỏi pháp luật Việt Nam có quy định như thế nào về việc này? Tôi có cần sự đồng ý bằng văn bản của chồng cũ không? Cảm ơn Luật sư.

Căn cứ pháp lý:

  • Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014;
  • Luật Xuất cảnh, Nhập cảnh của Công dân Việt Nam năm 2019;
  • Bộ luật Dân sự năm 2015;
  • Quyết định số 95/2021/QĐST-HNGĐ ngày 05/11/2021 của Tòa án nhân dân quận Long Biên, thành phố Hà Nội về việc công nhận kết quả hòa giải thành.

2. Nội dung tư vấn

Chào bạn, đối với nội dung này, Công ty luật TNHH Dương Gia Chi nhánh Đà Nẵng tư vấn như sau:

Theo pháp luật Việt Nam quy định, việc nuôi con, chăm sóc, giáo dục con được căn cứ vào quyền lợi mọi mặt của con. Vì vậy, cha hoặc mẹ khi định cư, sinh sống, làm việc tại nước ngoài nhưng đang chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em đều mong muốn đưa trẻ em ra nước ngoài để đảm bảo việc chăm sóc giáo dục là một việc làm phù hợp với pháp luật và đạo đức xã hội.

Căn cứ theo quy định tại Điều 33, Điều 35 Luật Xuất Cảnh, Nhập cảnh của Công dân Việt Nam năm 2019 về Điều kiện xuất cảnh, Kiểm soát xuất nhập cảnh như sau:

Điều 33. Điều kiện xuất cảnh

1. Công dân Việt Nam được xuất cảnh khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có giấy tờ xuất nhập cảnh còn nguyên vẹn, còn thời hạn sử dụng; đối với hộ chiếu phải còn hạn sử dụng từ đủ 6 tháng trở lên;

b) Có thị thực hoặc giấy tờ xác nhận, chứng minh được nước đến cho nhập cảnh, trừ trường hợp được miễn thị thực;

c) Không thuộc trường hợp bị cấm xuất cảnh, không được xuất cảnh, bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật.

2. Người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ Luật Dân sự người chưa đủ 14 tuổi ngoài các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này phải có người đại diện hợp pháp đi cùng.

Điều 35. Kiểm soát xuất nhập cảnh

1. Công dân Việt Nam khi xuất cảnh, nhập cảnh xuất trình cho người làm nhiệm vụ kiểm soát xuất nhập cảnh hoặc cổng kiểm soát tự động các giấy tờ theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 33, Điều 34 của Luật này, trừ trường hợp đi trên phương tiện quốc phòng, an ninh để ra, vào lãnh thổ Việt Nam thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.

Đối với trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 33 của Luật này, người đại diện hợp pháp phải xuất trình giấy tờ chứng minh việc đại diện hợp pháp.

2. Người làm nhiệm vụ kiểm soát xuất nhập cảnh có trách nhiệm kiểm tra điều kiện xuất cảnh, điều kiện nhập cảnh theo quy định tại Điều 33 và Điều 34 của Luật này, đối chiếu với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và giải quyết như sau:

a) Trường hợp đủ điều kiện thì giải quyết cho xuất cảnh, nhập cảnh;

b) Trường hợp không đủ điều kiện xuất cảnh thì lập biên bản không giải quyết cho xuất cảnh;

c) Trường hợp không đủ điều kiện nhập cảnh thì xử lý theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, sau đó giải quyết cho nhập cảnh;

d) Trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 21 của Luật này thì thực hiện kiểm tra theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

3. Chính phủ quy định chi tiết việc kiểm soát xuất nhập cảnh bằng cổng kiểm soát tự động; quy định việc kiểm soát xuất nhập cảnh đối với người đi trên phương tiện quốc phòng, an ninh để ra, vào lãnh thổ Việt Nam thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.”

Theo đó, người dưới 14 tuổi khi xuất cảnh ngoài các giấy tờ theo quy định, cần phải có người đại diện hợp pháp đi cùng.

Căn cứ theo Điều 136 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về đại diện theo pháp luật của cá nhân bao gồm:

“Điều 136. Đại diện theo pháp luật của cá nhân

1. Cha, mẹ đối với con chưa thành niên.

2. Người giám hộ đối với người được giám hộ. Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người đại diện theo pháp luật nếu được Tòa án chỉ định.

3. Người do Tòa án chỉ định trong trường hợp không xác định được người đại diện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

4. Người do Tòa án chỉ định đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.”

Theo quy định nêu trên, thì đối với trẻ em dưới 14 tuổi thì yêu cầu phải có người đại diện hợp pháp đi cùng bao gồm: cha hoặc mẹ, người giám hộ hoặc người do Tòa án chỉ định trong trường hợp không xác định được người đại diện là cha, mẹ hoặc người giám hộ.

Do đó, trong trường hợp của Tòa án tuyên Cha hoặc Mẹ là người trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng con sau ly hôn thì người giành được quyền nuôi con có quyền đưa con ra nước ngoài cư trú.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý sau đây:

Căn cứ theo quy định tại Khoản 3 Điều 82 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014:

“Điều 82. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.”

Theo quy định nêu trên, sau ly hôn Cha hoặc Mẹ là người trực tiếp nuôi dưỡng con, nhưng người còn lại mặc dù không trực tiếp nuôi dưỡng con nhưng vẫn có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở. Do vậy, việc đưa con ra nước ngoài sinh sống có thể bị phản đối bởi người không trực tiếp nuôi dưỡng, vì ảnh hưởng đến quyền thăm nom con sau ly hôn. Đồng thời, nếu người không trực tiếp nuôi dưỡng con sau ly hôn chứng minh được rằng việc đưa con nhỏ ra nước ngoài là không phù hợp, không đảm bảo tối đa quyền lợi cũng như làm ảnh hưởng đến sự phát triển của con, ảnh hưởng quyền thăm nom thì có thể khởi kiện ra Tòa để yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con theo quy định của pháp luật.

Từ những phân tích trên, việc đưa con ra nước ngoài sau ly hôn là không trái với quy định của pháp luật và cũng không bắt buộc phải có sự đồng ý bằng văn bản của của cả cha lẫn mẹ. Tuy nhiên, việc này có thể làm cản trở quyền, nghĩa vụ thăm nom con của bên còn lại, do đó, bên còn lại có thể khởi kiện ra Tòa để yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con. Vì vậy, người trực tiếp nuôi dưỡng con muốn đưa con ra nước ngoài sau ly hôn nên thuyết phục người còn lại với quyết định này.

Ngoài ra, cũng cần lưu ý đến điều kiện nhập cảnh của Quốc gia dự kiến nhập cảnh, vì một số nước vẫn yêu cầu phải có sự đồng thuận từ cha và mẹ của trẻ, không phụ thuộc vào việc đã ly hôn hay chưa ly hôn.

Trên đây là nội dung Tư vấn về Quyền đưa con ra nước ngoài sau ly hôn của Luật Dương Gia. Quý Khách hàng cần hỗ trợ pháp lý, vui lòng liên hệ theo thông tin sau đây:

CÔNG TY LUẬT TNHHH DƯƠNG GIA - CHI NHÁNH ĐÀ NẴNG

Địa chỉ: 141 Diệp Minh Châu, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng

Điện thoại: 0931548999; 02367300899

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon