Từ thiện là gì? Làm từ thiện như thế nào cho đúng luật?

tu-thien-la-gi-lam-tu-thien-nhu-the-nao-cho-dung-luat

Những năm trở lại đây, cứ về những tháng cuối năm nước ta lại đối mặt với những thiên tai. Miền Trung nơi mà một năm có hàng chục cơn bão “ghé thăm”, sau đó phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề mà nó để lại. Với tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách của con người Việt Nam thì khi thiên tai qua đi mọi người chung tay giúp đỡ những vùng gặp khó khăn, thiệt hại sau bão, lũ. Giúp đỡ, hỗ trợ những người đang gặp khó khăn, hoạn nạn là việc tốt, đáng ghi nhận. Thế nhưng, đã không có ít kẻ lợi dụng hoàn cảnh này để lừa dối, dựng chuyện lấy niềm tin, lòng thương người để làm việc xấu, đem lại lợi ích cho bản thân.

Vậy việc làm từ thiện là gì? Và làm từ thiện như nào cho đúng luật? Bài viết dưới đây của luật Dương Gia sẽ giúp bạn giải đáp về vấn đề trên.

Căn cứ pháp lý:

– Nghị định 93/2021/ NĐ-CP quy định về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện, hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố, hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo;

– Nghị định 144/2013/ NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em;

– Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017;

1. Từ thiện là gì?

Từ thiện theo từ điển tiếng Việt là một hành động trợ giúp người khác khi gặp hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống mà tự họ không thể thay đổi được. Hoạt động từ thiện có thể thông qua hình thức quyên góp, hiến tặng bằng tiền, vật phẩm… nhằm mục đích cứu trợ nhân đạo, xóa đói giảm nghèo…

Các quỹ từ thiện quy định tại Nghị định 93/2019/ NĐ-CP ngày 25 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện (sau đây gọi là quỹ từ thiện) vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố, hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

2. Từ thiện dịch sang tiếng Anh là gì?

Từ thiện dịch sang tiếng Anh là: Charity.

Khái niệm từ thiện dịch sang tiếng Anh có nghĩa là: Charity can be an act of an individual or a collective, a community, through charity organizations to help people with difficult circumstances and disabilities.

Một số thuật ngữ liên quan:

Quyên góp: Donate

Làm từ thiện, tình nguyện: Volunteer

Tổ chức từ thiện: Charity organization

Buổi gây quỹ: Fund raiser

Quỹ từ thiện: Charity fund

Nhà hảo tâm: Benefactor

Tài trợ: Endowment

Thiên tai: Natural disaster

Bão lớn: Hurricane

Bão: Storm

Lũ lụt: Flood

Hội chữ thập đỏ: Red Cross

3. Những quy định khi các cá nhân, tổ chức tham gia làm từ thiện

Chính vì việc làm từ thiện của nhiều cá nhân có dấu hiệu trái quy định, tùy tiện, gây mất lòng tin trong nhân dân, ảnh hưởng tới những người có nhu cầu thực sự, cần được hỗ trợ, Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị định hướng dẫn chi tiết, cụ thể từng nội dung của vấn đề này.

Căn cứ theo nghị định 93/2021/NĐ-CP thì đối tượng tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp thiện nguyện có thể là cá nhân hoặc tổ chức theo Mục 1 và 2 Chương II của Nghị định này.

Các tổ chức ban ngành kêu gọi, vận động đóng góp thiện nguyện như Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

Ngoài ra cá nhân hoặc các quỹ từ thiện, các doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức khác có tư cách pháp nhân khi thực hiện vận động nguồn đóng góp tự nguyện, các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thông báo trên các phương tiện thông tin truyền thông về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, đối tượng hỗ trợ,  tài khoản tiếp nhận (đối với tiền), địa điểm tiếp nhận (đối với hiện vật) và gửi văn bản đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đặt trụ sở chính theo mẫu Thông báo. Ủy ban nhân dân cấp xã sẽ có trách nhiệm lưu trữ để theo dõi và cung cấp thông tin khi có yêu cầu của tổ chức, cá nhân đóng góp hoặc nhận hỗ trợ và cơ quan có thẩm quyền phục vụ công tác hướng dẫn, theo dõi, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm.

Khi vận động từ thiện, các tổ chức, cá nhân mở một tài khoản riêng tại Kho bạc nhà nước hoặc ngân hàng thương mại theo từng cuộc vận động để tiếp nhận, bố trí địa điểm phù hợp để tiếp nhận các khoản đóng góp tự nguyện bằng tiền mặt hay hiện vật, quản lý toàn bộ tiền đóng góp thiện nguyện trong thời gian tiếp nhận, có biên nhận các khoản đóng góp tự nguyện khi tổ chức, cá nhân đóng góp yêu cầu. Không được tiếp nhận thêm các khoản đóng góp tự nguyện sau khi kết thúc thời gian tiếp nhận đã cam kết và có trách nhiệm thông báo đến nơi mở tài khoản về việc dừng tiếp nhận các khoản đóng góp tự nguyện.

Tùy theo diễn biến, yêu cầu thực tế khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố các tổ chức, cơ quan, đơn vị vận động đóng góp tự nguyện để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố nhưng không quá 90 ngày, kể từ ngày bắt đầu phát động cuộc vận động (trừ trường hợp thực hiện theo cam kết với tổ chức, cá nhân đóng góp).

Trong trường hợp cần thiết, Ban vận động từ cấp tỉnh trở lên có thể quyết định kéo dài thời gian tiếp nhận các khoản đóng góp tự nguyện. Thời gian phân phối được thực hiện ngay trong quá trình vận đông, tiếp nhận và kết thúc chậm nhất không quá 20 ngày (trừ trường hợp thực hiện theo cam kết với tổ chức, cá nhân đóng góp), kể từ ngày kết thúc thời gian tiếp nhận.

Căn cứ vào nguồn đóng góp tự nguyện của từng cuộc vận động, tiếp nhận, cá nhân có trách nhiệm phải thông báo với Ủy ban nhân dân nơi tiếp nhận hỗ trợ, trong trường hợp cần thiết, liên hệ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hướng dẫn cụ thể. Chậm nhất để phối hợp xác định phạm vi, đối tượng, mức độ, thời gian hỗ trợ và thực hiện phân phối, sử dụng theo đúng cam kết tại khoản 1 Điều 17 và quy định tại Nghị định này.

Chậm nhất trong 03 ngày làm việc kể từ khi nhận thông báo, Ủy ban nhân dân nơi tiếp nhận hỗ trợ chủ trì, phối hợp với Ban Vận động cùng cấp (nếu có) hướng dẫn doanh nghiệp, hợp tác xã và các tổ chức khác có tư cách pháp nhân về phạm vi, đối tượng, mức hỗ trợ, thời gian thực hiện phân phối nguồn đóng góp tự nguyện và tạo điều kiện, đảm bảo an toàn cho hoạt động hỗ trợ.

Khuyến khích các cá nhân, tổ chức chi từ nguồn đóng góp tự nguyện theo các nội dung quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định này, trừ trường hợp thực hiện theo cam kết với tổ chức,cá nhân đóng góp.

Về quản lý tài chính và công khai nguồn đóng góp tự nguyện thì việc chi phí cho hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện do cá nhân đứng ra vận động chi trả. Trong trường hợp được các cá nhân, tổ chức đóng góp đồng ý thì cá nhân được chi từ nguồn đóng góp tự nguyện, nhưng phải tổng hợp và công khai đầy đủ, kịp thời, chính xác các hoạt động có liên quan khoản chi phí này.

Về hình thức, thời gian hay thời điểm công khai sẽ căn cứ vào khoản 3,4,5 Điều 14 Nghị định này. Có thể công khai trên Trang thông tin điện tử chính thức hoặc trang cá nhân của tổ chức hay cá nhân đó, hoặc niêm yết tại trụ sở làm việc của tổ chức, cơ quan, đơn vị và địa điểm sinh hoạt cộng đồng (thôn, ấp, bản, buồn, sóc, tổ dân phố) trong vòng 30 ngày.

Ngoài ra còn có thể thông báo bằng văn bản đến các cơ quan có liên quan tham gia, thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng trong vòng 03 số liên tiếp báo viết, 03 ngày liên tiếp trên chương trình của đài phát thanh, đài truyền hình. Trường hợp là tổ chức, đơn vị thì hình thức bắt buộc là công khai trên trang thông tin điện tử chính thức của tổ chức, cơ quan, đơn vị đó. Nếu chưa có trang thông tin điện tử thì phải thực hiện niêm yết tại trụ sở làm việc.

Việc công khai cần phải có đầy đủ văn bản về việc kêu gọi, vận động, kết quả của việc vận động đó, phân phối nguồn tiền, đối tượng và chính sách hỗ trợ. Các tổ chức, cơ quan, đơn vị trực tiếp tiếp nhận đóng góp tự nguyện công khai thời gian, địa điểm, cách thức tiếp nhận tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện. Việc công khai sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để các hoạt động từ thiện được diễn ra công khai, minh bạch, rõ ràng.

4. Trường hợp các cá nhân, tổ chức vi phạm quy định về việc quản lý tiền, hàng cứu trợ sẽ bị xử phạt như thế nào?

4.1. Xử phạt hành chính

Cá nhân vi phạm trong việc từ thiện về quản lý tiền, hàng cứu trợ, mức phạt thấp nhất là phạt hành chính căn cứ theo điều 8 Nghị định 144/2013/ NĐ-CP với mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng, bên cạnh đó còn phải khắc phục hậu quả bằng việc buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do việc thực hiện hành vi vi phạm tại điểm c, khoản 1 Điều 8 Nghị định này.

4.2. Xử lý hình sự

Trường hợp cố ý làm trái quy định về phân phối tiền, hàng cứu trợ hình phạt sẽ căn cứ vào Điều 231 Bộ luật hình sự Việt Nam năm 2015 sửa đổi, bổ sung  năm 2017. Cụ thể như sau:

Đối với các cá nhân lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để cố ý làm trái quy định về phân phối tiền, hàng cứu trợ gây thiệt hại hoặc thất thoát tiền, hàng cứu trợ từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng thì có thể bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.

Nếu vi phạm thuộc một trong các trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều này thì sẽ bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Như vậy, việc các cá nhân, tổ chức vi phạm tùy theo mức độ khác nhau có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự như đã nêu trên. Ngoài ra, khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm, mỗi người dân đều có quyền có đơn yêu cầu giải quyết hoặc đơn tố giác tội phạm.

Trên đây là tất cả nội dung liên quan đến việc làm từ thiện như nào cho đúng pháp luật và hình phạt xử phạt khi vi phạm. Trường hợp có thông tin thắc mắc, vui lòng liên hệ Luật Dương Gia theo số hotline 19006586 để được giải đáp.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon