Người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự

nguoi-giam-ho-duong-nhien-cua-nguoi-mat-nang-luc-hanh-vi-dan-su

Người mất năng lực hành vi dân sự là người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan. Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần. Người mất năng lực hành vi dân sự sẽ tham gia vào quan hệ pháp luật dân sự thông qua người đại diện theo pháp luật. Người đại diện theo pháp luật của người mất năng lực hành vi dân sự là người giám hộ của người này. Bài viết này sẽ đi vào phân tích về người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Căn cứ pháp lý:

– Bộ luật Dân sự năm 2015;

1. Thế nào là mất năng lực hành vi dân sự?

Người mất năng lực hành vi dân sự là người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.

Để xác định một người có bị mất năng lực hành vi dân sự hay không thì cần phải xem xét các điều kiện sau đây:

+ Thứ nhất, khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi.

+ Thứ hai, phải có yêu cầu tuyên bố người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi là người mất năng lực hành vi dân sự của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, hữu quan.

+ Thứ ba, phải trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần thì Tòa án ra quyết định tuyên bố một người là người mất năng lực hành vi dân sự. Một người được coi là người mất năng lực hành vi dân sự khi Tòa án tuyên bố người đó là người mất năng lực hành vi dân sự.

2. Giám hộ cho người mất năng lực hành vi dân sự

Giám hộ là việc cá nhân, pháp nhân được quyền giám hộ thực hiện việc chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

Người giám hộ đương nhiên là người có quan hệ thân thích với người được giám hộ và được pháp luật quy định là người giám hộ nếu có đủ điều kiện làm người giám hộ. Như vậy, người mất năng lực hành vi dân sự có quyền có người giám hộ để thực hiện việc chăm sóc, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.

Mọi trường hợp, cá nhân bị mất năng lực hành vi dân sự đều phải có người giám hộ. Người giám hộ của người mất năng lực hành vi dân sự được xác định theo hai chế độ: đương nhiên dựa trên quy định pháp luật và chế độ cử do Toà án cử hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người được giám hộ đang cư trú cử.

Nếu tại thời điểm người mất năng lực hành vi dân sự còn đang ở tình trạng là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, họ lựa chọn người giám hộ cho mình thì khi họ bị mất năng lực hành vi dân sự thì cá nhân, pháp nhân được lựa chọn là người giám hộ.

Ví dụ như, một người được dự đoán sẽ có thể bị rơi vào tình trạng sống thực vật do bệnh tật thì khi còn tỉnh táo, minh mẫn, người này có quyền lựa chọn người giám hộ cho mình. Nếu người được chọn (có thể là cá nhân hoặc pháp nhân) đồng ý thì sau này, khi người mất năng lực hành vi dân sự rơi vào tình trạng này thì cá nhân hoặc pháp nhân đó trở thành người giám hộ.

Nếu cá nhân hoặc pháp nhân được chọn mà không đồng ý thì người giám hộ của người mất năng lực hành vi dân sự được lựa chọn theo thứ tự luật xác định. Trường hợp không có người giám hộ được lựa chọn này thì mới đặt ra vấn đề người giám hộ đương nhiên cho người mất năng lực hành vi dân sự.

Điều 53 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự như sau:

Điều 53. Người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự

Trường hợp không có người giám hộ theo quy định tại khoản 2 Điều 48 của Bộ luật này thì người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự được xác định như sau:

1. Trường hợp vợ là người mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ; nếu chồng là người mất năng lực hành vi dân sự thì vợ là người giám hộ.

2. Trường hợp cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự hoặc một người mất năng lực hành vi dân sự, còn người kia không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con cả là người giám hộ; nếu người con cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con tiếp theo có đủ điều kiện làm người giám hộ là người giám hộ.

3. Trường hợp người thành niên mất năng lực hành vi dân sự chưa có vợ, chồng, con hoặc có mà vợ, chồng, con đều không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì cha, mẹ là người giám hộ.

– Thứ nhất, vợ hoặc chồng của người mất năng lực hành vi dân sự nếu đáp ứng đủ điều kiện của người giám hộ thì sẽ trở thành người giám hộ cho chồng hoặc vợ của mình. Đương nhiên, tại thời điểm cá nhân được xác định là người mất năng lực hành vi dân sự thì phải đang có quan hệ hôn nhân hợp pháp với vợ hoặc chồng của mình.

Trong quan hệ gia đình thì quan hệ hệ vợ chồng là quan hệ bình đẳng. Pháp luật quy định cho vợ chồng có các nghĩa vụ tương ứng với nhau. Khi một bên lâm vào tình trạng không thể tự bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì người đầu tiên có trách nhiệm là người chồng hoặc người vợ của họ. Chỉ khi người cần được giám hộ là người chưa có vợ (chồng), hoặc người đã có vợ (chồng) bị tuyên bố mất tích, bị tuyên bố chết hoặc đã ly hôn thì việc giám hộ mới không được đặt ra với người kia.

– Thứ hai, trường hợp mà vợ hoặc chồng của người mất năng lực hành vi dân sự không đủ điều kiện là người đại diện thì người giám hộ cho người mất năng lực hành vi dân sự sẽ là con cả. Nếu con cả không đủ điều kiện làm người giám hộ sẽ là con thứ của người giám hộ. Đương nhiên, những người con này đều phải thoả mãn về điều kiện của người giám hộ mà pháp luật đã quy định.

Phát huy truyền thống tốt gia đình tốt đẹp của dân tộc ta, không những cha mẹ có nghĩa vụ và trách nhiệm đối với con cái mà con cái cũng phải có nghĩa vụ đối với cha mẹ. Do đó, con là người giám hộ cho cha mẹ trong trường hợp cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự hoặc một người mất năng lực hành vi dân sự còn người kia không đủ điều kiện làm người giám hộ.

– Thứ ba, nếu người mất năng lực hành vi dân sự không có vợ hoặc chồng hoặc có nhưng đủ điều kiện là người giám hộ và không có con hoặc có con nhưng con không đủ điều kiện làm người giám hộ thì lúc này chính cha mẹ lại trở thành người giám hộ cho người con đã thành niên của mình. Nếu cha mẹ cũng không thể là người giám hộ cho con thì người mất năng lực hành vi dân sự sẽ được cử người giám hộ.

Trong trường hợp này cha, mẹ có thể cùng giám hộ cho con theo quy định tại khoản 2 Điều 47 Bộ luật dân sự 2015. Cha mẹ phải thỏa thuận với nhau về việc đại diện cho con trong các giao dịch dân sự vì lợi ích của con hoặc đại diện khi tham gia vào tố tụng.

Theo quy định này, cha và mẹ cùng là người giám hộ thì các giao dịch bằng văn bản đều phải có chữ ký của cha và mẹ, trường hợp một người ký thì phải có giấy ủy quyền bằng văn bản của người kia. Hoặc đối với những giao dịch không bắt buộc bằng văn bản thông thường thì cha hoặc mẹ là người đại diện tham gia giao dịch, nếu có tranh chấp xảy ra mà một người không đồng ý thì giao dịch vô hiệu.

3. Quyền và nghĩa vụ của người giám hộ đương nhiên cho người mất năng lực hành vi dân sự

Người giám hộ có các quyền theo quy định của khoản 1 Điều 58 Bộ luật Dân sự năm 2015, cụ thê:

– Quyền sử dụng tài sản của người được giám hộ để chăm sóc, chi dùng cho những nhu cầu thiết yếu của người được giám hộ:

Người giám hộ có quyền sử dụng tài sản của người được giám hộ để chăm sóc, chỉ dùng cho những nhu cầu thiết yếu của người được giam hộ như nhu cầu ăn uống, chi phí chữa bệnh, chi phí mua đồ dùng học tập … Quy định như vậy của pháp luật dân sự là hợp lý vì người giám hộ không có nghĩa vụ dùng tài sản của mình để chi phí cho việc chăm sóc người được giám hộ.

– Quyền được thanh toán các chi phí hợp lý cho việc quản lý tài sản của người được giám hộ:

Người giám hộ của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự có trách nhiệm quản lý tài sản của người được giám hộ như tài sản của chính mình. Trong quá trình quản lý tài sản của người được giám hộ, nếu người giám hộ phải chi phí cho việc quản lý tài sản của người được giám hộ như chi phí thuê người trông coi tài sản, bảo trì tài sản … thì người giám hộ được thanh toán các chi phí hợp lý cho việc quản lý tài sản của người được giám hộ.

– Quyền đại diện cho người được giám hộ trong việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự và thực hiện các quyền khác theo quy định của pháp luật nhằm hảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ:

Người giám hộ có quyền và nghĩa vụ đại diện cho người được giám hộ tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ trường hợp người được giám hộ là người chưa thành niên có thể tự mình thực hiện giao dịch dân sự đó. Người giám hộ là người đại diện theo pháp luật của người được giám hộ. Do đó, người giám hộ có quyền đại diện cho người được giám hộ để tham gia thực hiện các thủ tục hành chính, các thủ tục tố tụng theo quy định của pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ.

Nghĩa vụ của người giám hộ được quy định tại Điều 55, Điều 56 và Điều 57 của Bộ luật Dân sự năm 2015. Các nghĩa vụ cơ bản gồm:

– Nghĩa vụ chăm sóc, giáo dục và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ:

Người giám hộ có nghĩa vụ đảm bảo các điều kiện chữa bệnh cho người được giám hộ là người mất năng lực hành vi dân sự; có nghĩa vụ bảo vệ quyền lợi, ích hợp pháp của người được giám hộ.

– Nghĩa vụ đại diện cho người được giám hộ:

Người giám hộ có nghĩa vụ đại diện cho người được giám hộ trong các giao dịch dân sự, trừ trường hợp pháp luật quy định người được giám hộ có thể tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Và đại diện cho người được giám hộ tham gia thực hiện các thủ tục hành chính, thủ tục tố tụng dân sự với tư cách là người đại diện theo pháp luật của người được giám hộ.

– Nghĩa vụ đối với tài sản của người được giám hộ:

Người giám hộ có nghĩa vụ quản lý tài sản của người được giám hộ. Người giám hộ không được đem tài sản của người được giám hộ tặng cho người khác. Người giám hộ có trách nhiệm quản lý tài sản của người được giám hộ như tài sản của chính mình. Nhưng không được định đoạt tài sản của người được giám hộ như tài sản của chính mình mà cần phải có sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.

Như vậy, bài viết trên đây đã làm rõ nội dung về người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006586 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon