Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bổ sung mới và bãi bỏ những tội danh nào?

bo-luat-hinh-su-nam-2015-da-bo-sung-moi-va-bai-bo-nhung-toi-danh-nao

Hoàn thiện chính sách, pháp luật hình sự và dân sự phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; hoàn thiện các thủ tục tố tụng tư pháp, bảo đảm tính đồng bộ, dân chủ, công khai, minh bạch, tôn trọng và bảo vệ quyền con người” là một trong những phương hướng cải cách tư pháp nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa được khẳng định tại tại Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02 tháng 6 năm 2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Nội dung bài viết sẽ nhận định, phân tích về những tội danh đã được bổ sung mới và bãi bỏ theo Bộ luật Hình sự năm 2015.

Căn cứ pháp lý:

  • Bộ luật Hình sự năm 1999;
  • Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2015;

1. Những tội danh được bổ sung mới

Trong BLHS năm 2015 có 34 tội danh mới được bổ sung đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Bao gồm 18 tội danh mới bổ sung rải đều trong các chương của BLHS năm 2015, được quy định tại các điều luật cụ thể:

– Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm (Điều 147);

– Tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người (Điều 154);

– Tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân (Điều 167);

– Tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại (Điều 187);

– Tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông (Điều 238);

– Tội sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật (Điều 285);

– Tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng (Điều 291);

– Tội sử dụng trái phép tần số vô tuyến điện dành riêng cho mục đích cấp cứu, an toàn, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, quốc phòng, an ninh (Điều 293);

– Tội cố ý gây nhiễu có hại (Điều 294);

– Tội cưỡng bức lao động (Điều 297);

– Tội bắt cóc con tin (Điều 301);

– Tội cướp biển (Điều 302);

– Tội đăng ký hộ tịch trái pháp luật (Điều 336);

– Tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép (Điều 348);

– Tội vi phạm quy định về giam giữ (Điều 388);

– Tội gây rối trật tự phiên tòa (Điều 391);

– Tội ra mệnh lệnh trái pháp luật (Điều 393);

– Tội chiếm đoạt hoặc hủy hoại di vật của tử sĩ (Điều 418).

16 tội danh mới trong các lĩnh vực kinh tế, gồm:

– Tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán (Điều 212);

– Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm (Điều 213);

– Tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp (Điều 214);

– Tội gian lận bảo hiểm y tế (Điều 215);

– Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động (Điều 216);

– Tội vi phạm quy định về cạnh tranh (Điều 217);

– Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp (217a);

– Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản (Điều 218);

– Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí (Điều 219);

– Tội vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 220);

– Tội vi phạm quy định của Nhà nước về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 221);

– Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 222);

– Tội thông đồng, bao che cho người nộp thuế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 223);

– Tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 224);

– Tội vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (Điều 230);

– Tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã (Điều 234).

2. Những tội danh bị bãi bỏ

BLHS 2015 bỏ 11 tội danh trong BLHS 1999. Trong số đó, có tội đã được thay thế bằng các tội danh khác, có tội do quy định lạc hậu, có thể gây trở ngại cho sự phát triển của xã hội và nền kinh tế thị trường. Việc loại bỏ một số tội này để phù hợp với các quy định khác của pháp luật đã điều chỉnh như luật dân sự, luật doanh nghiệp… Cụ thể, các tội sau trong BLHS 1999 bị loại bỏ không quy định trong BLHS 2015:

+ Tội Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165)

Kinh tế đang phát triển mạnh kéo theo rất nhiều hành vi xâm phạm các quan hệ kinh tế ngày càng phức tạp, các tội phạm liên quan tới chức vụ quyền hạn cũng phát triển thành nhiều hình thái khác nhau. Điều này đặt ra yêu cầu phải cụ thể hóa tính chất mức độ của các hành vi khác nhau bằng các tội danh khác nhau tương ứng. BLHS 2015 quy định 9 tội mới thay thế cho tội này trong BLHS 1999:

– Tội vi phạm quy định về cạnh tranh tại Điều 217.

– Tội Vi phạm hoạt động về bán đấu giá tài sản tại Điều 218.

– Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí tại Điều 219.

– Tội vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng tại Điều 220.

– Tội vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng tại Điều 221.

– Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng tại Điều 222.

– Tội thông đồng, bao che cho người nộp thuế gây hậu quả nghiêm trọng tại Điều 223.

– Tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng tại Điều 224.

– Tội vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất tại Điều 230.

+ Tội hoạt động Phỉ (Điều 83)

Tội hoạt động phỉ tại điều 83 BLHS 1999 là hành vi chống chính quyền nhân dân mà hoạt động vũ trang ở vùng rừng núi, vùng biển, vùng hiểm yếu khác, giết người, cướp phá tài sản. Tội danh này không được quy định trong BLHS 2015 bởi quá trình đấu tranh phòng chống tội phạm ở Việt Nam từ khi BLHS 1999 có hiệu lực đến nay cho thấy việc phát hiện và xử lý những đối tượng hoạt động phỉ gần như không có trường hợp nào được đưa ra xét xử hoặc bị truy tố về tội danh này. Mặt khác, các hành vi khách quan của tội đều nằm trong một số tội danh khác đã được quy định. Đến nay, hành vi khách quan của tội phạm này đã rơi vào các tội danh khác có hành vi vi phạm tương tự, quy định tại BLHS 2015:

– Tội bạo loạn tại Điều 112.

– Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân quy định tại Điều 113.

– Tội phá hoại cơ sở vật chất – kỹ thuật của nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quy định tại Điều 114.

– Tội phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế – xã hội, quy định tại Điều 115.

– Tội phá hoại chính sách đoàn kết, quy định tại Điều 116.

– Tội phá rối an ninh, quy định tại Điều 118.

+ Tội tảo hôn (Điều 148)

Xét về mức độ nguy hiểm thì tảo hôn có ảnh hưởng tới đời sống xã hội vì tâm sinh lý con người chưa phát triển hoàn thiện để thực hiện sinh đẻ, lo toan mọi việc trong cuộc sống. Nhưng tảo hôn không phải là nguyên nhân gây mất an ninh trật, an toàn xã hội nên việc xử lý hình sự đối với người chưa đủ tuổi kết hôn rất ít khi được áp dụng. Thực tế, việc này chỉ xảy ra ở một số vùng miền núi xa xôi và thường chính quyền địa phương chỉ tuyên truyền giáo dục pháp luật tại đó. BLHS 2015 chỉ xử lý hình sự đối với hành vi tổ chức tảo hôn, được luật hóa thành một tội danh riêng biệt, quy định tại Điều 183: Tội tổ chức tảo hôn.

+ Tội đăng ký kết hôn trái pháp luật (Điều 149)

Trong các tội phạm tại chương XVII BLHS 2015 về các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình thì đã bãi bỏ tội danh này và không quy định việc xử lý hình sự đối với các hành vi đăng ký kết hôn trái pháp luật trong các tội danh của chương này. Hành vi của tội này đã bị xử lý theo quy định trong Điều 336 Bộ luật hình sự 2015 về Tội đăng ký hộ tịch trái pháp luật. Thực tiễn đấu tranh tội phạm đã cho thấy việc để xử lý về tội đăng ký kết hôn trái pháp luật là gần như không xảy ra, thông thường chỉ dừng ở mức xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính vì hành vi thiếu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ của cán bộ tư pháp có nhiệm vụ đăng ký kết hôn ở địa phương.

+ Tội làm nhục, hành hung người chỉ huy hoặc cấp trên (Điều 319)

Tội danh này được quy định thay thế bằng Tội làm nhục đồng đội (Điều 397 BLHS năm 2015).

+ Tội làm nhục hoặc dùng nhục hình với cấp dưới (Điều 320)

Tội danh này được quy định thay thế bằng Tội hành hung đồng đội (Điều 398 BLHS năm 2015).

+ Tội kinh doanh trái phép (Điều 159)

Bỏ tội này là phù hợp với Hiến pháp 2013, tôn trọng và đảm bảo quyền tự do kinh doanh theo nguyên tắc người dân, doanh nghiệp được đầu tư, kinh doanh những gì pháp luật không cấm. Luật doanh nghiệp 2014 cũng cụ thể hóa tư tưởng này, đó là doanh nghiệp được tự do kinh doanh các ngành nghề mà pháp luật không cấm mà không cần phải xin phép.

+ Tội báo cáo sai trong quản lý kinh tế (Điều 167)

Tội danh này với hành vi vi phạm duy nhất là báo cáo sai, dẫn tới các cơ quan tiến hành tố tụng có thể tùy tiện truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người tiến hành các hoạt động kinh doanh. Điều này cản trở sự phát triển của nền kinh tế, không phù hợp với chủ trương của Nhà nước trong thời kỳ mới và tránh hình sự hóa các hoạt động kinh tế đảm bảo phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế thị trường.

+ Tội vi phạm quy định về cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (Điều 170)

Tội danh trên không còn cơ sở tồn tại do có cơ chế xử lý thay thế hợp lý khác. Trong cơ chế hành chính, khi người có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp mà vi phạm quy định của pháp luật về “cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp”, gây thiệt hại cho các tổ chức, cá nhân thì các chủ thể quyền có thể khởi kiện vụ án hành chính nhằm xem xét tính hợp pháp của các quyết định hành chính và hành vi hành chính trong lĩnh vực này.

+ Tội sử dụng trái phép quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của tổ chức tín dụng (Điều 178)

Bỏ tội này là phù hợp với các quy định của luật chuyên ngành là Luật các tổ chức tín dụng, từ đó không cản trở hoạt động bình thường của các tổ chức tín dụng.

+ Tội không chấp hành các quyết định hành chính của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, quản chế hành chính (Điều 269)

Bỏ tội này do pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đã có cơ chế xử lý triệt để trong các quy định mới được ban hành trong Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành. 

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon