Đăng ký hành nghề thừa phát lại

dang-ky-hanh-nghe-quyen-va-nghia-vu-cua-thua-phat-lai

Tên gọi “thừa phát lại” bắt nguồn từ một thuật ngữ có gốc Hán – Việt và có tính lịch sử. Và  tồn tại ở miền Nam trước năm 1975. Thuật ngữ này được hiểu là một người không phải nhân viên nhà nước nhưng mang trong mình quyền lực nhà nước vì được Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm.

Hiện nay, trong bối cảnh thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện công tác cải cách tư pháp, cải cách hành chính thì việc ra đời tổ chức Thừa phát lại là hoàn toàn phù hợp và đúng đắn. Thừa phát lại tạo ra một nghề mới trong thị trường dịch vụ pháp lý, từng bước khẳng định vị trí, vai trò của mình trong đời sống xã hội và trong hoạt động bổ trợ tư pháp.

Vậy thừa phát lại là gì? Những quy trình, thủ tục khi đăng ký hành nghề Thừa phát lại được thực hiện như thế nào? Bài viết này sẽ cung cấp cho các bạn những thông tin cần thiết về vấn đề

Căn cứ pháp lý

– Nghị định 08/2020/NĐ-CP quy định về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại

1. Thừa phát lại là gì?

Theo khoản 1 Điều 2 Nghị định 08/2020/NĐ-CP, thừa phát lại được hiểu là người có đủ tiêu chuẩn được Nhà nước bổ nhiệm để đảm nhận, triển khai các công việc theo quy định pháp luật :

– Tống đạt (thông báo, giao nhận) tài liệu, hồ sơ, giấy tờ;

– Lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức, cơ quan;

– Xác minh điều kiện thi hành án dân sự;

– Tổ chức thi hành các quyết định, bản án dân sự

Trong đó: 

– Tống đạt là thông báo, giao nhận giấy tờ, hồ sơ, tài liệu do Thừa phát lại thực hiện.

– Vi bằng là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật; là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật, được thể hiện dưới dạng văn bản có hình ảnh, video, âm thanh kèm theo (nếu cần thiết).

Có thể thấy, Thừa phát lại có chức năng rộng hơn thi hành án, trong đó chức năng lập vi bằng đang là xu thế được quan tâm đông đảo nhất. Bởi lẽ, chức năng này không chỉ giúp cho người dân chủ động làm chứng cứ bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình mà còn làm phong phú nguồn chứng cứ cho tòa án, cho cơ quan nhà nước khi xem xét các vụ việc có tranh chấp.

2. Điều kiện đăng ký hành nghề thừa phát lại

Để có thể đăng ký hành nghề thừa phát lại phải đáp ứng được các tiêu chí về mặt chủ thể quy định tại Điều 6 Nghị định 08/2020/NĐ-CP

– Là công dân Việt Nam không quá 65 tuổi, thường trú tại Việt Nam, chấp hành tốt Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt.

– Có bằng tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học chuyên ngành luật.

– Có thời gian công tác pháp luật từ 03 năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức sau khi đã có bằng tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học chuyên ngành luật.

– Tốt nghiệp khóa đào tạo, được công nhận tương đương đào tạo hoặc hoàn thành khóa bồi dưỡng nghề Thừa phát lại quy định tại Điều 7 của Nghị định này.

– Đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Thừa phát lại.

3. Thủ tục đăng ký hành nghề thừa phát lại

3.1. Thủ tục bổ nhiệm thừa phát lại

Mặc dù đã đáp ứng được những điều kiện nêu trên, nhưng nếu muốn đăng ký hành nghề, Thừa phát lại phải được bổ nhiệm theo quy định pháp luật, thủ tục bổ nhiệm Thừa phát lại được quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định 08/2020/NĐ-CP,

Theo đó, chủ thể phải nộp trực tiếp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính 01 bộ hồ sơ đề nghị bổ nhiệm Thừa phát lại đến Sở Tư pháp nơi đăng ký tập sự. Hồ sơ bao gồm:

a) Đơn đề nghị bổ nhiệm Thừa phát lại theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định;

b) Phiếu lý lịch tư pháp được cấp trong thời hạn 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ;

c) Bản sao có chứng thực hoặc bản chụp kèm bản chính bằng tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học chuyên ngành luật để đối chiếu;

d) Giấy tờ chứng minh về thời gian công tác pháp luật bao gồm: Quyết định tuyển dụng, hợp đồng làm việc hoặc hợp đồng lao động kèm theo giấy tờ chứng minh thời gian đóng bảo hiểm xã hội; giấy tờ chứng minh đã miễn nhiệm, thu hồi chứng chỉ hành nghề hoặc thu hồi thẻ hoặc đã nghỉ hưu đối với các trường hợp quy định tại Nghị định này

đ) Bản sao có chứng thực hoặc bản chụp kèm bản chính giấy chứng nhận kết quả kiểm tra tập sự hành nghề Thừa phát lại để đối chiếu.

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp có văn bản đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm Thừa phát lại kèm theo hồ sơ đề nghị bổ nhiệm. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị bổ nhiệm Thừa phát lại của Sở Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, quyết định bổ nhiệm Thừa phát lại; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản có nêu rõ lý do.

3.2. Thủ tục đăng ký hành nghề Thừa phát lại

Theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định 08/2020/NĐ-CP, khi hoàn tất các thủ tục cơ bản nêu trên, để đăng ký hành nghề Thừa phát lại thì Văn phòng Thừa phát lại phải nộp trực tiếp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính 01 bộ hồ sơ đăng ký hành nghề và cấp Thẻ cho Thừa phát lại của Văn phòng mình đến Sở Tư pháp nơi đặt trụ sở. Hồ sơ bao gồm:

a) Giấy đề nghị đăng ký hành nghề và cấp Thẻ Thừa phát lại theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định;

b) Bản sao có chứng thực hoặc bản chụp kèm bản chính Quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại Thừa phát lại để đối chiếu;

c) 01 ảnh chân dung của Thừa phát lại cỡ 2cm x 3cm chụp không quá 06 tháng trước ngày nộp hồ sơ.

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định, Sở Tư pháp ghi tên người được đăng ký hành nghề vào Danh sách Thừa phát lại hành nghề tại địa phương và cấp Thẻ Thừa phát lại; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản có nêu rõ lý do.

Vì thẻ Thừa phát lại là căn cứ cho minh chứng hành nghề, do đó, Thừa phát lại chỉ được phép hành nghề sau khi được đăng ký hành nghề và cấp Thẻ.

4. Quyền và nghĩa vụ của thừa phát lại

Quyền và nghĩa vụ của Thừa phát lại được quy định tại Điều 16 Nghị định 08/2020/NĐ-CP, theo đó, Thừa phát lại phải:

– Trung thực, khách quan khi thực hiện công việc.

– Nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật và Quy tắc đạo đức nghề nghiệp Thừa phát lại.

– Chịu trách nhiệm trước người yêu cầu và trước pháp luật về việc thực hiện công việc của mình.

– Không đồng thời hành nghề tại 02 hoặc nhiều Văn phòng Thừa phát lại.

– Tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ Thừa phát lại hàng năm theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

– Mặc trang phục và thẻ đeo đúng quy định khi hành nghề

– Tham gia tổ chức xã hội – nghề nghiệp của Thừa phát lại (nếu có); chịu sự quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, của Văn phòng Thừa phát lại nơi mình đang hành nghề và tổ chức xã hội – nghề nghiệp của Thừa phát lại mà mình là thành viên.

– Các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan

Ngoài ra, trong khi tổ chức thi hành án, Thừa phát lại còn có các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể như sau:

– Thực hiện kịp thời, đúng nội dung quyết định thi hành án được Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ban hành; áp dụng đúng quy định pháp luật về trình tự, thủ tục thi hành án; đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự cũng như người có quyền và nghĩa vụ liên quan.

– Mời đương sự, người có quyền và nghĩa vụ liên quan để giải quyết việc thi hành án dân sự

– Kiến nghị Thủ Trưởng cơ quan thi hành án dân sự xem xét sửa đổi, bổ sung quyết định thi hành án đã ban hành

– Xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, đề nghị cơ quan, tổ chức, các nhân có liên quan, phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu để xác minh địa chỉ, tài sản của người phải thi hành án

Có thể thấy, hoạt động về nghề kinh doanh thừa phát lại đóng vai trò rất quan trọng trọng thị trường pháp lý ở thời điểm hiên tại. Ngành nghề này đem lại giá trị lớn trong việc tạo lập niềm tin trong quá trình xác lập chứng cứ, tăng thêm sự chủ động cho người dân cũng như giảm tải bớt những quy trình thủ tục cho cơ quan nhà nước, từ đó rút ngắn thời gian thực hiện quá trình tố tụng. Tất cả điều này đã khẳng định những giá trị mấu chốt mà Thừa phát lại đem đến.

Trên đây là tóm tắt các quy định pháp lý cơ bản liên quan đến việc Đăng ký hành nghề Thừa phát lại . Để được tư vấn chi tiết hơn về quy trình thủ tục và giải đáp mọi thắc mắc, quý khách vui lòng liên hệ với Luật Dương Gia qua Email: danang@luatduonggia.vn hoặc hotline 093.154.8999.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon