Nội dung hoạt động trợ giúp pháp lý

noi-dung-hoat-dong-tro-giup-phap-ly

Tại văn bản số 485/CV-VPTW ngày 31/5/1995 của văn phòng Trung ương Đảng, Ban bí thư TW Đảng đã chỉ đạo “… Cần phải mở rộng loại hình tư vấn pháp luật phổ thông, đáp ứng nhu cầu rộng rãi, đa dạng của các tầng lớp nhân dân nhằm góp phần nâng cao ý thức pháp luật và ứng xử pháp luật của công dân trong quan hệ đời sống hàng ngày…; cần nghiên cứu lập hệ thống dịch vụ tư vấn pháp luật không lấy tiền để hướng dẫn nhân dân sống và làm việc theo pháp luật”.

Tại kỳ họp lần thứ 3 (năm 1997), Ban Chấp hành TW Đảng khoá VIII tiếp tục khẳng định cần “tổ chức hình thức tư vấn pháp luật cho các cơ quan, tổ chức và nhân dân, tạo điều kiện cho người nghèo được hưởng dịch vụ tư vấn pháp luật miễn phí…”. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban bí thư TW Đảng, ngày 06/9/1997, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 734/TTg về việc thành lập tổ chức Trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách. Để cụ thể hóa các chính sách về TGPL tại kỳ hợp thứ 9, khóa XI, ngày 29/6/2006 Quốc hội đã thông qua Luật số 69/2006/QH11 (Luật TGPL 2006) và gần đây nhất là Luật TGPL 2017.

Theo đó, hoạt động trợ giúp pháp lý có tầm quan trọng rất lớn. Cùng luật Dương Gia tìm hiểu về nội dung hoạt động trợ giúp pháp lý trong bài viết dưới đây.

1. Về phạm vi trợ giúp pháp lý

Phạm vi TGPL được quy định tại Điều 26 Luật TGPL năm 2017, bao gồm:

(i) Trung tâm TGPL nhà nước thực hiện TGPL thuộc một trong các trường hợp: người được TGPL đang cư trú tại địa phương; vụ việc TGPL xảy ra tại địa phương; vụ việc TGPL do cơ quan có thẩm quyền về TGPL ở Trung ương yêu cầu.

(ii) Tổ chức ký hợp đồng thực hiện TGPL thựchiện TGPL trong phạm vi hợp đồng.

(iii) Tổ chức đăng ký tham gia TGPL thực hiện TGPL trong phạm vi đăng ký.

2. Về nội dung hoạt động trợ giúp pháp lý

2.1. Tham gia tố tụng

TGVPL, luật sư thực hiện TGPL tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL. Khi người được TGPL yêu cầu cử người thực hiện TGPL tham gia tố tụng, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tụ lý vụ việc, tổ chức thực hiện TGPL có trách nhiệm cử người thực hiện TGPL.

Trường hợp người được TGPL là người bị bắt, người bị tạm giữ yêu cầuvcử người thực hiện TGPL, thì trong thời hạn 12 giờ kể từ thời điểm thụ lý, tổ chức thực hiện TGPL có trách nhiệm cử người thực hiện TGPL. Trong thời hạn 12 giờ kể từ thời điểm nhận được yêu cầu TGPL của người bị bắt, người bị tạm giữ hoặc trong thời hạn 24 giờ kể từ thời điểm nhận được yêu cầu TGPL của bị can, bị cáo, người bị hại là người được TGPL theo quy định của pháp luật về tố tụng, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông báo cho Trung tâm TGPL nhà nước tại địa phương. Ngay sau khi nhận được thông báo của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, Trung tâm TGPL nhà nước có trách nhiệm thụ lý và cử người thực hiện TGPL tham gia tố tụng [1].

Việc cử người tham gia tố tụng phải được lập thành văn bản và gửi cho người được TGPL, cơ quan tiến hành tố tụng có liên quan.Khi tham gia tố tụng TGVPL hoặc luật sư phải xuất trình thẻ TGVPL, hoặc thẻ CTVTGPL; Quyết định cử người tham gia tố tụng với người được TGPL và cơ quan tố tụng. Đồng thời phải nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về tố tụng, nội quy, quy chế làm việc của cơ quan tiến hành tố tụng; phối hợp chặt chẽ với cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng để làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ việc; thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm, giữ gìn anh ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội[2].

2.2. Hoạt động tư vấn pháp luật

Luật TGPL năm 2017 quy định. Người thực hiện TGPL tư vấn pháp luật cho người được TGPL bằng việc hướng dẫn, đưa ra ý kiến, giúp soạn thảo văn bản liên quan đến tranh chấp, khiếu nại, vướng mắc pháp luật; hướng dẫn giúp các bên hòa giải, thương lượng, thống nhất hướng giải quyết vụ việc.

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày thụ lý vụ việc hoặc nhận đủ các giấy tờ, tài liệu cần bổ sung, người thực hiện TGPL có trách nhiệm nghiên cứu và trả lời bằng văn bản cho người được TGPL; đối với các vụ việc phức tạp hoặc cần cóthời gian để xác minh thì có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày, trừ trường hợp có thỏa thuận khác với người được TGPL[3].

Trường hợp yêu cầu TGPL là vướng mắc pháp luật đơn giản thì người tiếp nhận, giải đáp, cung cấp thông tin TGPL ngay cho người được TGPL, không lập thành hồ sơ và được thông kê thành việc TGPL trong sổ thực hiện việc TGPL[4].

2.3. Đại diện ngoài tố tụng

TGVPL, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý đại diện ngoài tố tụng cho người được TGPL trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền.Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý vụ việc TGPL, tổ chức thực hiện TGPL có trách nhiệm cử người đại diện ngoài tố tụng cho người được TGPL. Việc cử người đại diện ngoài tố tụng phải được lập thành văn bản và gửi cho người được TGPL[5].

Khi tham gia đại diện ngoài tố tụng, người thực hiện TGPL có quyền được đề nghị cơ quan tố tụng, các cơ quan có liên quan cung cấp tài liệu, thông tin, tạo điều kiện thể thực hiện việc đại diện, được hưởng thù lao TGPL theo quy định, đồng thời có trách nhiệm tuân thủ pháp luật về TGPL như giữ bí mật thông tin, không xúi giục, kích động người được TGPL khiếu nại, tố cáo, khởi kiện trái pháp luật…, chịu trách nhiệm bồi thường nếu gây ra thiệt hại.

3. Các hình thức trợ giúp pháp lý

Hình thức TGPL được quy định tại khoản 2 Điều 27 Luật TGPL 2017, gồm có 03 hình thức: Tham gia tố tụng; tư vấn pháp luật; đại diện ngoài tố tụng.

3.1. Tham gia tố tụng

Khi tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi ích của đương sự trong vụ án hình sự; người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự trong vụ việc dân sự hoặc người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hành chính, người thực hiện TGPL phải thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật tố tụng và pháp luật về TGPL.

3.2. Tư vấn pháp luật

Hình thức tư vấn pháp luật được thực hiện thông qua giải đáp bằng văn bản hoặc tư vấn trực tiếp (tư vấn bằng lời nói). Đây là hình thức TGPL phổ biến được áp dụng hầu hết ở các tổ chức TGPL, thông qua hình thức này người TGPL sẽ cung cấp cho người được TGPL các thông tin pháp luật, hướng dẫn, đưa ra các ý kiến, giúp soạn thảo văn bản liên quan đến tranh chấp, khiếu nại, vướng mắc pháp luật; hướng dẫn giúp các bên hòa giải, thương lượng, thống nhất hướng giải quyết.

3.3. Đại diện ngoài tố tụng

Khi người được TGPL yêu cầu đại diện ngoài tố tụng thì TGVPL, luật sư được cử thực hiện đại diện ngoài tố tụng cho người được TGPL trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi họ không thể tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình (tham gia với vai trò trung gian giúp các bên hòa giải, giải quyết mâu thuẫn, đại diện theo ủy quyền cho người được TGPL trong các tranh chấp dân sự, thực hiện các dịch vụ pháp lý khác…). Việc đại diện ngoài tố tụng được thực hiện trong phạm vi yêu cầu của người được TGPL.

4. Về xử lý vi phạm trong hoạt động trợ giúp pháp lý

Tổ chức thực hiện TGPL, người thực hiện TGPL có trách nhiệm tuân thủ quy tắc nghề nghiệp TGPL. Trong trường hợp người thực hiện TGPL, tổ chức thực hiện TGPL có hành vi vi phạm nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật dân sự, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính (việc xử phạt hành chính được quy định cụ thể tại các Điều 5, 6, 7, 8, 9 và Điều 10 Nghị định số 110/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã) hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật[6].

[1] Điều 31 Luật Trợ giúp pháp lý 2017

[2] Khoản 1 Điều 12 Quyết định số 09/2008/QĐ-BTP ngày 08/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý.

[3] Điều 32 Luật Trợ gúp pháp lý 2017

[4] Khoản 2 Điều 8 Thông tư số 12/2018/TT-BTP, ngày 28/8/2018 hướng dẫn một số hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý và quản lý chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý.

[5] Điều 33 Luật Trợ giúp pháp lý 2017

[6] Điều 17 Quyết định số 09/2008/QĐ-BTP ngày 08/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon