Các hoạt động bị cấm khi giải thể doanh nghiệp

cac-hoat-dong-bi-cam-khi-giai-the-doanh-nghiep

Những hoạt động bị cấm thực hiện khi có quyết định giải thể được quy định trực tiếp tại Luật Doanh nghiệp 2020. Theo đó, pháp luật ghi nhận các hành động tiêu cực có nguy cơ ảnh hưởng đến các đối tượng cần được bảo vệ khi doanh nghiệp có quyết định giải thể.

Đây là hoạt động pháp lý nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của chủ nợ, khách hàng và người tiêu dùng. Hãy cùng Luật Dương Gia tìm hiểu qua bài viết dưới đây để có cái nhìn đầy đủ và chính xác hơn về những hoạt động này.

Căn cứ pháp lý

Luật Doanh nghiệp 2020

– Bộ luật Dân sự 2015

1. Khái niệm giải thể doanh nghiệp

Mặc dù pháp luật không có định nghĩa rõ ràng về giải thể doanh nghiệp nhưng khái niệm này có thể được hiểu như sau:

Giải thể là việc chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp không còn hoặc không đủ điều kiện để tồn tại như một chỉnh thể nữa. Theo đó chủ doanh nghiệp phải tiến hành thực hiện các thủ tục pháp lý để chấm dứt tư cách pháp nhân các quyền và nghĩa vụ liên quan của doanh nghiệp với Cơ quan đăng ký doanh nghiệp.

Đây không phải là một sự kiện pháp lý mà là một quá trình và quá trình này phải tuân thủ các quy định của pháp luật.

2. Các trường hợp và điều kiện giải thể doanh nghiệp

2.1. Các trường hợp giải thể doanh nghiệp

Căn cứ theo quy định tại Điều 207 Luật Doanh nghiệp 2020 thì có 4 trường hợp doanh nghiệp bị giải thể.

Điều 207. Các trường hợp và điều kiện giải thể doanh nghiệp

1. Doanh nghiệp bị giải thể trong trường hợp sau đây:

a) Kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn;

b) Theo nghị quyết, quyết định của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân, của Hội đồng thành viên đối với công ty hợp danh, của Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần;

c) Công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật này trong thời hạn 06 tháng liên tục mà không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp;

d) Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Luật Quản lý thuế có quy định khác.

Dựa theo đó có thể phân loại việc giải thể thành hai nhóm là giải thể tự nguyện và giải thể bắt buộc.

Giải thể tự nguyện:

Quyết định giải thể này thể hiện sự tự nguyện của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp của mình vì những lý do khác nhau, không còn phù hợp với mục đích kinh doanh đề ra ban đầu, chẳng hạn như thua lỗ kéo dài, lợi nhuận thấp, có mâu thuẫn nội bộ,… và nhiều yếu tố khác thì họ hoàn toàn có quyền quyết định việc giải thể doanh nghiệp theo quyết định của chủ doanh nghiệp với các loại hình doanh nghiệp theo quy định

Trường hợp Điều lệ công ty có quy định về thời hạn hoạt động, khi hết thời hạn hoạt động được ghi trong Điều lệ công ty, nếu các thành viên không muốn xin gia hạn hoạt động, thì công ty phải tiến hành giải thể.

Giải thể bắt buộc:

Khi không có đủ số lượng thành viên tối thiểu để tiếp tục tồn tại, công ty phải kết nạp thêm thành viên cho đủ số lượng thành viên tối thiểu. Nếu trong thời hạn quy định mà công ty không tiến hành kết nạp thêm thành viên thì buộc công ty phải tiến hành thủ tục giải thể doanh nghiệp.

Trường hợp công ty bị thu hồi Giấy chứng nhận doanh nghiệp thì phải triệu tập họp để quyết định giải thể doanh nghiệp.

2.2. Điều kiện giải thể doanh nghiệp

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 207 Luật Doanh nghiệp 2020 thì “Doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác và không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc Trọng tài. Người quản lý có liên quan và doanh nghiệp quy định tại điểm d khoản 1 Điều này cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ của doanh nghiệp.”

Dựa vào đó, một doanh nghiệp khi muốn tiến hành thủ tục giải thể phải đáp ứng được 3 điều kiện

– Giải thể doanh nghiệp chỉ được tiến hành khi có quyết định của chủ sở hữu Công ty hoặc của Cơ quan đăng ký doanh nghiệp.

– Giải thể doanh nghiệp chỉ được tiến hành khi doanh nghiệp hoàn thành mọi nghĩa vụ tài sản và thanh toán hết các khoản nợ.

– Doanh nghiệp đó không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại các cơ quan trọng tài hoặc Tòa án.

3. Các hoạt động bị cấm khi giải thể doanh nghiệp

Tại Điều 211 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định kể từ khi có quyết định giải thể doanh nghiệp, doanh nghiệp, người quản lý doanh nghiệp bị nghiêm cấm thực hiện các hoạt động sau đây:

“Điều 211. Các hoạt động bị cấm kể từ khi có quyết định giải thể

Kể từ khi có quyết định giải thể doanh nghiệp, doanh nghiệp, người quản lý doanh nghiệp bị nghiêm cấm thực hiện các hoạt động sau đây:

a) Cất giấu, tẩu tán tài sản;

b) Từ bỏ hoặc giảm bớt quyền đòi nợ;

c) Chuyển các khoản nợ không có bảo đảm thành các khoản nợ có bảo đảm bằng tài sản của doanh nghiệp;

d) Ký kết hợp đồng mới, trừ trường hợp để thực hiện giải thể doanh nghiệp;

đ) Cầm cố, thế chấp, tặng cho, cho thuê tài sản;

e) Chấm dứt thực hiện hợp đồng đã có hiệu lực;

g) Huy động vốn dưới mọi hình thức.”

3.1. Cất giấu, tẩu tán tài sản

Hành vi này có thể được hiểu là việc che giấu hoặc xác lập các giao dịch giả tạo, các giao dịch thường được lập nhằm mục đích tẩu tán tài sản là giao dịch về mua bán, tặng cho, chuyển nhượng. Mục đích của hành vi là nhằm chiếm đoạt tài sản do mình quản lý.

Tuy nhiên, trên thực tế để chứng minh một hành vi có phải là hành vi tẩu tán tài sản hay không là rất khó. Bởi vì việc tẩu tán tài sản này được thực hiện trá hình thông qua hợp đồng dân sự mà hợp đồng dân sự giao kết dựa trên nguyên tắc tự nguyện, thỏa thuận của các bên nên rất khó có thể thu thập được tài liệu, chứng cứ để chứng minh được sự giao dịch này trên thực tế có giả tạo hay không.

3.2. Từ bỏ hoặc giảm bớt quyền đòi nợ

Quyền đòi nợ là một loại quyền tài sản phát sinh giữa hai chủ thể của giao dịch dân sự gồm bên có quyền và bên có nghĩa vụ trả nợ. Theo đó, bên có quyền có thể yêu cầu bên có nghĩa vụ trả nợ hoặc có quyền yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền buộc bên có nghĩa vụ trả nợ phải thanh toán nợ cho mình. Dưới góc độ quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 đối tượng của quyền đòi nợ là một khoản tiền thanh toán nhất định và từ đó sẽ tồn tại hai chủ thể là bên có quyền đòi nợ và bên có nghĩa vụ trả nợ.

Trường hợp doanh nghiệp đã hoàn tất hết các nghĩa vụ và đang có một số đối tác còn nợ doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp xóa hoặc giảm nợ để chấm dứt hợp đồng với đối tác nhằm hoàn tất việc giải thể thì sẽ vi phạm pháp luật. Hành vi này khiến tài sản doanh nghiệp bị suy giảm, đồng thời làm mất đi sự công bằng giữa các chủ nợ.

3.3. Chuyển các khoản nợ không có bảo đảm thành các khoản nợ có bảo đảm bằng tài sản của doanh nghiệp

Khoản nợ không có bảo đảm có thể được hiểu là khoản nợ không được đảm bảo bằng tài sản hiện vật của doanh nghiệp hoặc của người thứ ba. Khoản nợ có bảo đảm là khoản nợ được bảo đảm thanh toán bằng tài sản của doanh nghiệp, người thứ ba.

Khoản nợ có bảo đảm đã được bảo đảm bằng tài sản, nên khi doanh nghiệp không có khả năng trả nợ thì chủ nợ có thể tịch thu tài sản đó. Việc chuyển những khoản nợ không có đảm bảo thành những khoản nợ có đảm bảo sẽ dẫn đến thứ tự ưu tiên trả nợ bị đảo lộn và như vậy sẽ dẫn đến sự mất công bằng đối với những chủ nợ không có bảo đảm khi mà giá trị của khối tài sản phá sản để trả nợ cho những chủ nợ sẽ bị giảm sút.

3.4. Ký kết hợp đồng mới, trừ trường hợp để thực hiện giải thể doanh nghiệp

Khi tiến hành giải thể doanh nghiệp tức là chủ doanh nghiệp đã quyết định chấm dứt những hoạt động kinh doanh, những hoạt động ký kết hợp đồng mới là không được phép. Đồng thời việc ký kết hợp đồng mới là phát sinh thêm giao dịch, chi phí cho công ty.

Quy định nhằm đề phòng việc doanh nghiệp tẩu tán tài sản bằng phương thức này, trừ trường hợp để thực hiện giải thể doanh nghiệp.

3.5. Cầm cố, thế chấp, tặng cho, cho thuê tài sản

Cầm cố tài sản là việc một bên giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.

Thế chấp tài sản là việc một bên dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia.

Tặng cho tài sản là việc một bên giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận.

Cho thuê tài sản là việc bên cho thuê giao tài sản cho bên thuê để sử dụng trong một thời hạn, bên thuế phải trả tiền thuê.

Khi giải thể, tài sản của doanh nghiệp phải được dùng để đảm bảo thanh toán các khoản nợ, vì thể doanh nghiệp không được thực hiện các hành vi trên.

3.6. Chấm dứt thực hiện hợp đồng đã có hiệu lực

Theo Điều 274 Bộ luật Dân sự năm 2015:

“Nghĩa vụ là việc mà theo đó, một hoặc nhiều chủ thể phải chuyển giao vật, chuyển giao quyền, trả tiền hoặc giấy tờ có giá trị, thực hiện công việc hoặc không được thực hiện công việc nhất định vì lợi ích của một hoặc nhiều chủ thể khác nhau.”

Hiểu một cách đơn giản thì nghĩa vụ là sự ràng buộc giữa hai người hoặc hai tổ chức với nhau, trong đó một bên có trách nhiệm thực hiện hoặc không thực hiện một hoặc nhiều hành vi nhất định theo thỏa thuận đã được thống nhất. Theo đó, thì khi Doanh nghiệp giải thể vẫn phải vụ hoàn thành nghĩa vụ trong hợp đồng đã giao kết có hiệu lực trước khi giải thể.

3.7. Huy động vốn dưới mọi hình thức

Doanh nghiệp huy động vốn tức là sẽ có thêm thành viên, cổ đông ra nhập công ty. Khi đang tiến hành giải thể mà doanh nghiệp huy động vốn sẽ có thể gây thiệt hại cho các thành viên, cổ đông mới.

Tùy theo tính chất và mức độ vi phạm, cá nhân có hành vi vi phạm các trường hợp trên có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Trên đây là bài viết của Luật Dương Gia về những hoạt động bị cấm khi giải thể doanh nghiệp  theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 . Mọi thắc mắc pháp lý, vui lòng liên hệ Tổng đài Luật sư 1900.6568 hoặc Hotline dịch vụ 093.154.8999 để được tư vấn và hỗ trợ.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon