Xuất phát từ mâu thuẫn tình cảm có phải là giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh?

xuat-phat-tu-mau-thuan-tinh-cam-co-phai-la-giet-nguoi-trong-trang-thai-tinh-than-bi-kich-dong-manh

Thời gian gần đây, những vụ án mạng xoay quanh những câu chuyện tình cảm đã trở thành vấn nạn của xã hội, gây xôn xao dư luận. Những mâu thuẫn có thể là mâu thuẫn tình cảm vợ chồng hay từ những đôi lứa yêu nhau. Mâu thuẫn tình cảm dù nhỏ hay lớn, dù bắt nguồn từ đâu thì những thiệt hại về sức khỏe, tính mạng đã xảy ra. Hay chỉ mới hôm qua ngày 24/10, dư luận bàng hoàng trước hai vụ án mạng liên quan đến mâu thuẫn tình cảm xảy ra tại Bắc Ninh và Hải Phòng. Vậy, giết người vì mâu thuẫn tình cảm có phải là giết người trong trạng thái bị kích động mạnh? Bài viết dưới đây của Luật Dương Gia sẽ giúp quý bạn đọc rõ hơn về vấn đề trên.

Căn cứ pháp lý

– Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017);

– Bộ luật Dân sự năm 2015;

1. Thế nào là trạng thái tinh thần bị kích động mạnh?

Hiện nay, không có văn bản nào hướng dẫn cụ thể về “trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”, kể cả trong Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017) cũng không nêu rõ khái niệm này. Hiện nay, chỉ có quy định cụ thể về Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh theo Điều 125 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017) như sau:

Điều 125. Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh

1. Người nào giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội đối với 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

Tuy vẫn chưa có những hướng dẫn cụ thể như thế nào là “trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”, nhưng chúng ta có thể hiểu như sau:

Tình trạng “tinh thần bị kích động mạnh” là tình trạng người phạm tội không hoàn toàn tự chủ, tự kiềm chế được hành vi phạm tội của mình. Hay nói cách khác, sự kích động mạnh đó phải là trạng thái tức thời do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân gây nên sự phản ứng dẫn đến hành vi giết người. Có những trường hợp do hành vi trái pháp luật của nạn nhân có tính chất đè nén, áp bức tương đối nặng nề, lặp đi lặp lại và sự kích động đó đã âm ỷ, kéo dài, đến thời điểm nào đó hành vi trái pháp luật của nạn nhân lại tiếp diễn làm cho người bị kích động không tự kiềm chế được.

Đối với trường hợp người dùng các chất kích thích như rượu, bia hay chất kích thích mạnh khác mà bị say và nhân lúc có hành vi trái pháp luật không nghiêm trọng của nạn nhân mà thực hiện hành vi giết người thì đây không được xem là trường hợp phạm tội do bị kích động mạnh. Phải xem xét hoàn cảnh, tính chất và mức độ sai trái của hành vi do nạn nhân thực hiện cũng như các tình tiết khác của vụ án mà có thể xử lý về tội giết người theo quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017).

2. Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh bị xử lý như thế nào?

Căn cứ theo quy định tại Điều 125 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017), tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh được xử lý với mức hình phạt như sau:

– Khung 1: Người nào giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

– Khung 2: Phạm tội đối với 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

3. Giết người vì mâu thuẫn tình cảm trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh

Tình huống: Tối ngày 24/10, tại Thành phố Bắc Ninh (Bắc Ninh) đã xảy ra vụ án đặc biệt nghiêm trọng khiến hai người tử vong tại chỗ. Trong cơn ghen tuông, nghi phạm H. đã mang hung khí đâm chém liên tiếp vào bạn gái cũ Nguyễn Thị T. (đã chia tay gần 3 tháng) đang ngồi cùng bạn trai mới. Vậy trong trường hợp này H có phạm tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh?

Trả lời: Tình trạng tinh thần bị kích động mạnh là tình trạng người không còn nhận thức đủ về hành vi phạm tội của mình như lúc bình thường, nhưng chưa mất hẳn khả năng nhận thức. Sự kích động mạnh đó phải xảy ra một cách tức thời do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân gây nên dẫn tới hành vi giết người, cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.

Dựa vào tình huống trên, H và T đã chia tay gần 3 tháng, việc T có người yêu mới không thể xem là hành vi trái pháp luật nghiêm trọng đối với H, đây chỉ là những mâu thuẫn tình cảm thường ngày. Hành vi giết người của H không xảy ra ngay tức thì mà đã trải qua sự kiện chia tay xảy ra.

Như vậy, hành vi giết người vì mâu thuẫn tình cảm của H không thể được coi là phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh.

Theo đó, hành vi giết người của H có thể bị khởi tố về tội giết người theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017) như sau:

Điều 123. Tội giết người

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Giết 02 người trở lên;

2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.

Vậy hành vi giết người của H khi giết bạn gái cũ và người yêu mới của bạn gái cũ có thể bị phạt tù với khung hình phạt từ 12 năm đến 20 năm, chung thân hoặc tử hình.

4. Bị hại ngoại tình có phải là tình tiết giảm nhẹ?

Ngoài mâu thuẫn tình cảm của những cặp đôi thì mâu thuẫn tình cảm của những cặp vợ chồng xuất phát từ việc vợ hoặc chồng ngoại tình, có người thứ ba… cũng là nguyên nhân dẫn đến các vụ án mạng thương tâm xảy ra. Vậy việc ngoại tình của vợ hoặc chồng hay người yêu chia tay vì có người mới có phải là tình tiết giảm nhẹ?

Căn cứ theo khoản 1, Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017) quy định về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự bao gồm:

Điều 51. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự

1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:

a) Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm;

b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;

c) Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng;

d) Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;

đ) Phạm tội trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội;

e) Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra;

g) Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra;

h) Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn;

i) Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng;

k) Phạm tội vì bị người khác đe dọa hoặc cưỡng bức;

l) Phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra;

m) Phạm tội do lạc hậu;

n) Người phạm tội là phụ nữ có thai;

o) Người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên;

p) Người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng;

q) Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;

r) Người phạm tội tự thú;

s) Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải;

t) Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án;

u) Người phạm tội đã lập công chuộc tội;

v) Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác;

x) Người phạm tội là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ.

Cũng theo điểm c, khoản 2 Điều 5 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì hành vi ngoại tình được xem là hành vi vi phạm chế độ một vợ một chồng, là một trong những hành vi bị cấm:

“Điều 5. Bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình

2. Cấm các hành vi sau đây:

c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng vớingười khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng vớingười đang có chồng, có vợ;”

Theo đó, việc vợ hoặc chồng ngoại tình là hành vi trái pháp luật. Trong một số trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do chính hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra, cùng với các tình tiết khác của vụ án thì ngoại tình, tùy theo mức độ, tùy thời điểm, hành vi gây ra….có thể được xem là tình tiết giảm nhẹ. Tuy nhiên, ở vụ án nêu trên, kể cả bị hại có hành vi ngoại tình hay không cũng không được xem là tình tiết giảm nhẹ cho người phạm tội.

5. Trách nhiệm bồi thường khi cố ý gây thương tích hoặc giết người

Trong vụ án cố ý gây thương tích, giết người, người thân của người bị hại có quyền yêu cầu bị cáo phải bồi thường thiệt hại.

Theo đó, Điều 585 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về nguyên tắc bồi thường thiệt hại như sau:

Điều 585. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại

1. Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.

3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.

4. Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

5. Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.

Thiệt hại thực tế phải được bồi thường một cách nhanh chóng và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận với nhau về mức bồi thường, hình thức bồi thường bao gồm bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc cụ thể, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần theo quy định của pháp luật.

Căn cứ theo quy định tại Điều 591 Bộ luật dân sự năm 2015 như sau:

Điều 591. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm

1. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:

a) Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này;

b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng;

c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;

d) Thiệt hại khác do luật quy định.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Như vậy, mức bồi thường về tổn thất tinh thần có thể yêu cầu không quá 100 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Ngoài ra, trong trường hợp gia đình người phạm tội không thể bồi thường theo quy định có thể thỏa thuận mức bồi thường với gia đình người bị hại. Tuy nhiên, trong trường hợp gia đình người bị hại không đồng ý thì gia đình người phạm tội vẫn phải bồi thường thiệt hại theo quyết định của Tòa án.

Trên đây là nội dung liên quan đến giết người vì mâu thuẫn tình cảm có phải là giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh không và các vấn đề pháp lý liên quan. Trường hợp có thắc mắc, Quý khách hàng vui lòng liên hệ theo số hotline 19006586 để được hỗ trợ và tư vấn.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon