Tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù

tam-dinh-chi-chap-hanh-hinh-phat-tu
Tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù là việc người phạm tội đang chấp hành hình phạt tù tại các cơ sở giam giữ nhưng vì một trong những lý do khách quan mà người phạm tội được xin tạm ngừng chấp hành hình phạt tù trong một thời gian nhất định. Đây là chế định thể hiện chính sách nhân đạo và khoan hồng của Đảng và Nhà nước. Vậy pháp luật quy định như thế nào về tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù? Các trường hợp tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù? Thời gian tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù là bao lâu? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.

Cơ sở pháp lý

– Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017;

– Bộ luật tố tụng hình sự 2015;

– Luật Thi hành án hình sự năm 2019;

– Thông tư liên tịch số 03/2013/ TTLT-BCA-TANDTC-VKSNDTC-BQP-BYT.

1. Tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù là gì?

Theo Điều 68 Bộ luật Hình sự năm 2015, người đang chấp hành hình phạt tù mà thuộc một trong các trường hợp sau thì có thể được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù:

– Bị bệnh nặng thì được hoãn cho đến khi sức khỏe được hồi phục;

– Phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì được hoãn cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi;

– Là người lao động duy nhất trong gia đình, nếu phải chấp hành hình phạt tù thì gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt, được hoãn đến 01 năm, trừ trường hợp người đó bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

– Bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, do nhu cầu công vụ, thì được hoãn đến 01 năm.

Như vậy, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù là trường hợp người phạm tội đang chấp hành hình phạt tù, nhưng vì một trong những lý do trên mà người phạm tội được xin tạm ngừng chấp hành hình phạt tù trong một thời gian nhất định.

2. Ai có quyền ra quyết định tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù?

Căn cứ theo quy định tại điểm e Khoản 1 Điều 44 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định về Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Chánh án, Phó Chánh án Tòa án như sau:

“1. Chánh án Tòa án có những nhiệm vụ, quyền hạn:

đ) Quyết định hoãn chấp hành án phạt tù;

e) Quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù; 

…”

Như vậy, chỉ có Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi người đang chấp hành án mới có quyền cho tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù trong trường hợp người bị kết án bệnh nặng.

Đồng thời, căn cứ vào Điều 5 Thông tư liên tịch số 03/2013/ TTLT-BCA-TANDTC-VKSNDTC-BQP-BYT có quy định về thẩm quyền đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù

– Chánh án Tòa án cấp tỉnh nơi người bị kết án đang chấp hành hình phạt tù bị bệnh nặng chỉ xem xét, quyết định tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù khi hồ sơ đã có đầy đủ các tài liệu được hướng dẫn tại mục 3 Thông tư  liên tịch số 03/2013/ TTLT-BCA-TANDTC-VKSNDTC-BQP-BYT này. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ khi nhận được hồ sơ, Chánh án Tòa án phải xem xét cho hoặc không cho tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù. Nếu có tài liệu nào chưa đủ hoặc có điểm nào chưa rõ, thì Chánh án Tòa án yêu cầu Ban giám thị trại giam, trại tạm giam bổ sung hoặc làm rõ thêm.

– Trong trường hợp không đồng ý với đề nghị của Ban giám thị trại giam, trại tạm giam, thì Chánh án Tòa án phải trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do về việc không chấp nhận cho người đang chấp hành hình phạt tù bị bệnh nặng tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù cho cơ quan đề nghị biết.

– Trong trường hợp đồng ý với đề nghị của Ban giám thị trại giam, trại tạm giam, thì Chánh án Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao.

– Khi phát hiện văn bản không chấp nhận cho người đang chấp hành hình phạt tù bị bệnh nặng được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù vì lý do không xác đáng hoặc khi phát hiện thấy quyết định tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù trái pháp luật thì Viện kiểm sát có quyền kháng nghị yêu cầu Tòa án xem xét để ra quyết định tạm đình chỉ hoặc hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.

3. Điều kiện tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù

Căn cứ theo Điều 4, Thông tư liên tịch số 03/2013/ TTLT-BCA-TANDTC-VKSNDTC-BQP-BYT ngày 15-5-2013, hướng dẫn thi hành quy định về tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân, quy định điều kiện được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân như sau:
Thứ nhất, Phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại các trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện có thể được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù khi thuộc một trong các trường hợp dưới đây:

– Phạm nhân bị bệnh nặng đến mức không thể tiếp tục chấp hành án phạt tù và nếu phải chấp hành án phạt tù sẽ nguy hiểm đến tính mạng của họ, do đó, cần thiết phải cho họ tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù để có điều kiện chữa bệnh, trừ người không có thân nhân hoặc không có nơi cư trú rõ ràng. Người bị bệnh nặng quy định tại khoản này là người mắc một trong các bệnh hiểm nghèo như: Ung thư giai đoạn cuối, liệt, lao nặng kháng thuốc, xơ gan cổ chướng, suy tim độ III trở lên, suy thận độ IV trở lên, nhiễm HIV đã chuyển giai đoạn AIDS đang có nhiễm trùng cơ hội, không có khả năng tự phục vụ bản thân và có tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao hoặc mắc một trong các bệnh khác được Hội đồng giám định y khoa, bệnh viện cấp tỉnh hoặc cấp quân khu trở lên kết luận bằng văn bản là bệnh hiểm nghèo, nguy hiểm đến tính mạng;

– Nữ phạm nhân có thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi trong trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện, nếu họ bị xử phạt tù lần đầu và có nơi cư trú rõ ràng;

– Phạm nhân là người lao động có thu nhập duy nhất trong gia đình, nếu họ tiếp tục chấp hành án phạt tù thì gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt (không có nguồn thu nhập nào khác, không có ai chăm sóc, nuôi dưỡng những người thân thích là người già, trẻ em hoặc những người khác không có khả năng lao động trong gia đình họ), trừ trường hợp người đó bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng;

– Phạm nhân bị kết án phạt tù về tội ít nghiêm trọng và do nhu cầu công vụ, cần thiết sự có mặt của họ để thực hiện công vụ nhất định.

Thứ hai, Phạm nhân thuộc các trường hợp đã quy định tại điểm a, b khoản 1, điều này, nếu bị kết án về các tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia, chỉ được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù khi được sự đồng ý của Bộ trưởng Bộ Công an hoặc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Thứ ba, Phạm nhân thuộc các trường hợp đã quy định tại điểm a, b khoản 1, điều này, nếu bị kết án về các tội đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia hoặc bị kết án tù chung thân mà chưa được giảm xuống tù có thời hạn, chỉ được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù khi có đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an hoặc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và được sự đồng ý của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao.

4. Thẩm quyền đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù

Theo Khoản 1 Điều 36 Luật Thi hành án hình sự năm 2019, thẩm quyền đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù thuộc về:

+ Trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng;

+ Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu;

+ Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu.

Thủ tục tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù được quy định tại Điều 36 và 37 Luật Thi hành án hình sự năm 2019. Cụ thể như sau:

+ Cơ quan có thẩm quyền nơi phạm nhân đang chấp hành án có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù và chuyển cho Tòa án có thẩm quyền xem xét, quyết định.

+ Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án quân sự cấp quân khu nơi phạm nhân đang chấp hành án phải xem xét, quyết định. Trường hợp không đồng ý tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù thì Chánh án Tòa án phải có văn bản thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp và cơ quan đề nghị tạm đình chỉ, trong đó nêu rõ lý do không chấp nhận.

5. Thời hạn tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù

Có thể hiểu tạm đình chỉ là quyết định tạm dừng mọi hoạt động tố tụng của các cơ quan tố tụng của vụ án đối với bị can, bị cáo trong quá trình tố tụng. Vụ án nếu đã có quyết định tạm đình đình chỉ thì có thể được phục hồi điều tra, truy tố, xét xử khi lý do tạm đình chỉ không còn. Vậy thời hạn tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù được khôi phục khi thuộc các trường hợp sau:

Thứ nhất, Phạm nhân bị bệnh nặng được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù một lần hoặc nhiều lần cho đến khi sức khỏe hồi phục.

Thứ hai, Phạm nhân là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù đến khi con đủ 36 tháng tuổi.

Thứ ba, Phạm nhân là lao động duy nhất trong gia đình hoặc do nhu cầu công vụ được tạm đình chỉ chấp hành án một lần hoặc nhiều lần, nhưng tổng số thời gian được tạm đình chỉ tối đa là một năm.

Căn cứ pháp lý Điều 6 Thông tư liên tịch số 03/2013/ TTLT-BCA-TANDTC-VKSNDTC-BQP-BYT

Trên đây là toàn bộ nội dung liên quan đến “Tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù”. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc xin vui lòng liên hệ số Hotline 190056568 để nhận được sự tư vấn tốt nhất từ chúng tôi.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon