Con người được coi là vốn quý của xã hội, sức khỏe và tính mạng chính là vốn quý của con người, nếu muốn bảo vệ con người trước hết là ưu tiên đặt vấn đề tính mạng sức khỏe, sau đó mới có thể quan tâm đến nhân phẩm, danh dự và tự do của họ. Do đó, trong mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam đề ra, luôn chú trọng đến vấn đề này.
Chính vì vậy, trong hệ thống pháp luật nói chung hay pháp luật Hình sự nói riêng, Bộ Luật Hình sự 2015 đã dành một phần riêng để quy định cụ thể về các tội phạm xâm phạm tới quyền sống, quyền được bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người và trách nhiệm hình sự đối với những người thực hiện hành vi sai trái này.
Tuy nhiên, thực tế các hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe diễn ra rất đa dạng cả về diễn biến hành vi, thủ đoạn, tính chất nguy hiểm với nhiều biểu hiện vô cùng phong phú. Đặc biệt, trạng thái tâm lý, tinh thần, nhận thức của tội phạm là vấn đề hết sức phức tạp và rất khó kiểm soát vậy nên số lượng những tội phạm thực hiện hành vi xâm phạm, cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái bị kích động mạnh ngày càng tăng đáng báo động, gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến sự tin cậy cũng như an ninh cộng đồng.
Vậy pháp luật quy định như thế nào về “Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” và người thực hiện hành vi trên có thể bị xử lý như thế nào? Hãy cùng luật Dương Gia tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây:
Căn cứ pháp lý:
1. Quy định pháp luật về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh
Trạng thái tinh thần bị kích động mạnh được hiểu là một trạng thái tâm lý nhất thời, người phạm tội bị ức chế ở mức độ cao dẫn đến hạn chế về nhận thức và giảm khả năng kiểm soát hành vi, nhưng vẫn có thể tự điều khiển hành vi của mình.
Tuy nhiên, Theo quy định tại Điều 135 Bộ luật Hình sự 2015 thì nguyên nhân của trạng thái tinh thần bị kích động mạnh phải xuất phát từ hành vi trái pháp luật của nạn nhân, có thế hiểu là họ đã bị nạn nhân áp bức tương đối nặng nề, lặp đi lặp lại đối với họ hoặc với những người thân thích của họ, và tại thời điểm phạm tội, cảm xúc này bộc phát khiến họ mất tự chủ, không thấy được toàn bộ tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội từ hành vi của mình gây ra
“Điều 135. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh
- Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người.”
Dựa theo quy định của pháp luật về vấn đề này, cần xem xét một cách khách quan trên mọi phương diện hành vi, tâm lý của cả nạn nhân lẫn phạm nhân, để có thể đánh giá chính xác yếu tố trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật của người bị hại gây ra.
2. Cấu thành tội phạm Cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh
Định tội là hình thức hoạt động thể hiện sự đánh giá về mặt pháp lý đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội đang được kiểm tra, xác định trong mối tương quan với các quy phạm pháp luật hình sự. Để định tội cho một hành vi cụ thể, người áp dụng phải căn cứ vào cấu thành tội phạm để phân tích cụ thể hơn về hành vi phạm tội, từ đó lấy làm cơ sở pháp lý duy nhất để xác định trách nhiệm hình sự. Vậy nên, việc làm rõ các dấu hiệu cấu thành tội phạm là một điều rất quan trọng và cần thiết trong mỗi vụ án nói chung cũng như vụ án hình sự nói riêng.
Chủ thế: Đối với những chủ thể thực hiện hành vi này sẽ phải đáp ứng những dấu hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự chung về độ tuổi là từ 16 tuổi trở lên, trừ những đối tượng được quy định tại khoản 2 Điều 18 Bộ luật hình sự 2015
Chủ quan: Chủ thể thực hiện hành vi có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự; chủ thể bị tác động từ hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với chính mình hoặc những người thân thích; vi phạm lỗi cố ý gián tiếp vì khi phạm tội, người phạm tội không nhận thức rõ hậu quả nguy hiểm cho xã hội cụ thể nào sẽ xảy ra từ hành vi của mình và do đó, cũng không thể kết luận họ mong muốn hậu quả nào đó xảy ra.
Khách thể: Người phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần kích động mạnh xâm phạm đến quyền được tôn trọng và bảo vệ về sức khỏe của con người, gây ảnh hưởng đến an toàn trật tự xã hội.
Khách quan:
Chủ thể có hành vi biểu hiện cụ thể ra bên ngoài, trong trạng thái tinh thần kích động mạnh, bộc phát sự tác động về thân thể đối với nạn nhân, làm cho nạn nhân bị thương hoặc tổn hại sức khỏe.
Tuy nhiên, hành vi bộc phát này có nguyên căn từ hành vi trái pháp luật của nạn nhân và phải ở mức độ nghiêm trọng, có tính chất đè nén, áp bức chủ thể phạm tội một cách nặng nề khiến họ mất khả năng tự chủ, khó kiểm soát được hành động thì mới được xem là phạm tội trong trạng thái kích động mạnh, nhưng trạng thái này chỉ xảy ra trong thời gian ngắn và nhanh chóng trở lại bình thường; hậu quả là nạn nhân bị thương hoặc tỷ lệ tổn hại từ 31% trở lên.
3. Hình phạt đối với Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh
Tùy vào tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi và tỷ lệ tổn thương cơ thể của nạn nhân mà người phạm tội sẽ phải chịu những khung hình phạt khác nhau theo quy định của pháp luật. Theo quy định tại Điều 135 Bộ luật Hình sự 2015, có 2 khung hình phạt chính cho loại tội phạm này:
Thứ nhất, tại Khoản 1 Điều 135 Bộ luật Hình sự 2015, tội phạm bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm đối với những trường hợp cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó.
Thứ hai, tại Khoản 2 Điều 135 Bộ luật Hình sự 2015, tội phạm bị phạt tù từ 6 tháng đến 03 năm đối với trường hợp tội phạm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỉ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;hoặc trường hợp nạn nhân có tỉ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người.
Thực tế, việc đánh giá chính xác tội danh xảy ra trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh là rất khó khăn, điều này phần lớn phụ thuộc vào việc yếu tố tinh thần kích động mạnh nhưng trạng thái tâm lý của mỗi người khác nhau. Do đó, phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, xem xét một cách toàn diện các tình tiết của vụ án, nhân thân người phạm tội, quá trình diễn biến của sự việc, nghề nghiệp, trình độ văn hoá, hoạt động xã hội, điều kiện sống, hoàn cảnh gia đình, quan hệ giữa người phạm tội với người bị hại…. cũng như đánh giá tổng thể trên mọi yếu tố liên quan để có sự nhận định đúng đắn nhất về loại tội phạm này.
Trên đây là toàn bộ những nội dung có liên quan đến Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần kích động mạnh. Trường hợp cần hỗ trợ tư vấn hoặc sử dụng dịch vụ luật sư, quý khách vui lòng liên hệ Công ty Luật Dương Gia theo số hotline 1900.6586 để được hỗ trợ, giải đáp.