Trách nhiệm bảo mật và cung cấp thông tin là một yếu tố then chốt trong quá trình giao kết hợp đồng, đảm bảo tính minh bạch và công bằng giữa các bên. Các bên tham gia hợp đồng có nghĩa vụ cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ, đồng thời bảo vệ thông tin của nhau khỏi việc tiết lộ trái phép. Việc không tuân thủ trách nhiệm này có thể dẫn đến hậu quả pháp lý nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hiệu lực của hợp đồng. Do đó, hiểu rõ về trách nhiệm bảo mật trong giao kết hợp đồng là cần thiết để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên.
1. Khái quát về trách nhiệm cung cấp và bảo mật thông tin trong giao kết hợp đồng
Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.
Theo đó, giao kết hợp đồng là một quá trình pháp lý quan trọng nhằm xác lập quyền và nghĩa vụ của các bên. Trong quá trình này, nghĩa vụ cung cấp thông tin và bảo mật thông tin đóng vai trò then chốt trong việc đảm bảo tính minh bạch, công bằng và hợp pháp của giao dịch. Nghĩa vụ này được hình thành từ các nguyên tắc pháp luật cơ bản như nguyên tắc thiện chí, trung thực và bình đẳng giữa các bên tham gia giao kết hợp đồng.
Pháp luật quy định rõ các điều kiện để một giao dịch dân sự có hiệu lực cụ thể như sau: Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập; Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện; Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Vậy, việc cung cấp thông tin một cách đầy đủ, chính xác và trung thực trong giao dịch nhân sự là một trong các yếu tố đảm bảo cho việc giao kết hợp đồng không bị vô hiệu. Đồng thời, lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó. Vậy, khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu ( Điều 127 Bộ luật dân sự 2015).
Căn cứ pháp lý theo Điều 387 Bộ luật dân sự 2015, quy định về bảo mật thông tin trong giao kết hợp đồng như sau “Trường hợp một bên nhận được thông tin bí mật của bên kia trong quá trình giao kết hợp đồng thì có trách nhiệm bảo mật thông tin và không được sử dụng thông tin đó cho mục đích riêng của mình hoặc cho mục đích trái pháp luật khác”. Ngoài ra, bên vi phạm sẽ phải bồi thường theo quy định pháp luật.
2. Trách nhiệm cung cấp thông tin trong quá trình giao kết hợp đồng
2.1. Nghĩa vụ cung cấp thông tin trong quá trình giao kết hợp đồng
Các bên trong hợp đồng có quyền thỏa thuận về nội dung trong hợp đồng. Theo đó, cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác là một nghĩa vụ quan trọng trong quan hệ hợp đồng. Các bên tham gia quan hệ hợp đồng cung cấp thông tin cần đảm bảo tính minh bạch và đầy đủ về các nội dung liên quan đến hợp đồng, bao gồm: Đối tượng của hợp đồng; Số lượng, chất lượng; Giá, phương thức thanh toán; Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng; Quyền, nghĩa vụ của các bên; Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng; Phương thức giải quyết tranh chấp.
Nhằm đảm bảo các bên trong việc giao kết hợp đồng được nắm bắt thông tin một cách đầy đủ, chính xác và kịp thời. Pháp luật quy định trường hợp một bên có thông tin ảnh hưởng đến việc chấp nhận giao kết hợp đồng của bên kia thì phải thông báo cho bên kia biết (Căn cứ pháp lý tại khoản 1 Điều 387 Bộ luật dân sự 2015)
2.2. Trách nhiệm pháp lý khi cung cấp thông tin sai lệch hoặc không đầy đủ
Việc cung cấp thông tin khi giao kết hợp đồng liên quan đến quyết định giao kết hợp đồng nên việc vi phạm nghĩa vụ này được coi là một sai phạm và có thể dẫn đến kết quả là hợp đồng vô hiệu. Ngoài ra, cung cấp thông tin sai lệch hoặc không đầy đủ có thể dẫn đến hậu quả pháp lý nghiêm trọng, được quy định như sau:
Thứ nhất, khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu. Hành vi lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó. Căn cứ pháp lý tại Điều 127 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép, việc lừa dối, cung cấp thông tin sai lệch có thể dẫn đến hậu quả là hợp đồng bị tuyên bố vô hiệu.
Thứ hai, trong trường hợp một bên có thông tin ảnh hưởng đến việc chấp nhận giao kết hợp đồng của bên kia thì phải thông báo cho bên kia biết một cách nhanh chóng và đầy đủ, trong trường hợp bên có thông tin không thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin đầy đủ mà gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định tại Điều 387 Bộ luật Dân sự
3. Trách nhiệm bảo mật thông tin trong giao kết hợp đồng
3.1. Nghĩa vụ bảo mật thông tin trong giao kết hợp đồng
Trong quá trình đàm phán và giao kết hợp đồng, các bên có nghĩa vụ cung cấp những thông tin mật liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng, dữ liệu cá nhân hoặc thông tin tài chính. Do đó, nghĩa vụ bảo mật thông tin là một yêu cầu quan trọng nhằm bảo vệ lợi ích của các bên.
Theo đó, trong quá trình tham gia giao kết hợp đồng, các bên có nghĩa vụ đảm bảo tính minh bạch trong việc cung cấp thông tin, thông tin phải được cung cấp một cách đầy đủ, chính xác để bên còn lại có thể nắm rõ. Theo đó, thông tin cá nhân khi ký kết hợp đồng tư vấn pháp lý hoặc dữ liệu liên quan đến nội dung hợp đồng đều thuộc nhóm thông tin cần được bảo mật. Trong nhiều trường hợp, để tăng cường trách nhiệm bảo mật, các bên còn ký kết thỏa thuận bảo mật thông tin nhằm ngăn chặn việc tiết lộ hoặc sử dụng trái phép thông tin. Chính vì vậy, theo quy định pháp luật, khi một bên tiếp nhận thông tin bí mật từ bên kia trong quá trình giao kết hợp đồng, họ phải có nghĩa vụ bảo mật và không được sử dụng thông tin đó cho mục đích cá nhân hoặc bất kỳ hành vi vi phạm pháp luật nào khác.
Nghĩa vụ bảo mật thông tin có thể được xác lập thông qua các điều khoản bảo mật trong hợp đồng chính, quy định về loại thông tin cần bảo mật, phạm vi bảo mật, thời gian bảo mật. Vấn đề về bảo mật thông tin không chỉ phát sinh khi hợp đồng chính thức được ký kết, trách nhiệm bảo mật thông tin còn áp dụng ngay từ giai đoạn đàm phán. Theo quy định của pháp luật, nghĩa vụ này bắt đầu có hiệu lực từ khi một bên đưa ra đề nghị giao kết hợp đồng, trong đó bên đề nghị có trách nhiệm cung cấp những thông tin cần thiết để bên còn lại xem xét trước khi quyết định ký kết hợp đồng. Do đó, ngay từ thời điểm này, bên được đề nghị đã có thể tiếp cận nhiều thông tin từ bên đề nghị, bao gồm cả thông tin công khai lẫn thông tin bảo mật. Vì vậy, trách nhiệm bảo mật thông tin không chỉ giới hạn trong thời gian thực hiện hợp đồng mà còn có hiệu lực ngay từ khi các bên bắt đầu quá trình giao kết.
3.2. Trách nhiệm pháp lý khi vi phạm nghĩa vụ bảo mật
Nghĩa vụ bảo mật thông tin đóng vai trò quan trọng trong giao kết hợp đồng, đặc biệt khi liên quan đến bí mật kinh doanh, dữ liệu cá nhân hoặc thông tin quan trọng của doanh nghiệp. Việc vi phạm nghĩa vụ bảo mật có thể dẫn đến nhiều hậu quả pháp lý, bao gồm trách nhiệm dân sự, hành chính và hình sự, tùy thuộc vào mức độ vi phạm và hậu quả gây ra.
Theo đó, trong trường hợp một bên vi phạm về nghĩa vụ bảo mật thông tin có thể bị xử phạt theo quy định pháp luật dân sự Việt Nam, cụ thể tại khoản 2 Điều 387 Bộ luật dân sự có quy định “Trường hợp một bên nhận được thông tin bí mật của bên kia trong quá trình giao kết hợp đồng thì có trách nhiệm bảo mật thông tin và không được sử dụng thông tin đó cho mục đích riêng của mình hoặc cho mục đích trái pháp luật khác”. Ngoài ra, bên vi phạm quy định này mà gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định pháp luật.
3.3. Ví dụ về điều khoản bảo mật thông tin trong hợp đồng
Điều X: Bảo mật thông tin
(1) Phạm vi thông tin bảo mật
Các bên cam kết giữ bí mật và không tiết lộ bất kỳ thông tin nào thuộc phạm vi sau:
Thông tin kinh doanh, tài chính, khách hàng, đối tác của các bên.
Bí quyết công nghệ, quy trình sản xuất, phần mềm, thiết kế sản phẩm.
Nội dung trao đổi, thảo luận liên quan đến hợp đồng.
(2) Nghĩa vụ bảo mật
Bên nhận thông tin không được tiết lộ, sao chép, chia sẻ thông tin bảo mật cho bên thứ ba khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của bên cung cấp.
Chỉ sử dụng thông tin bảo mật để thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng.
(3) Thời hạn bảo mật
Nghĩa vụ bảo mật có hiệu lực trong thời gian hợp đồng có hiệu lực
(4) Xử lý vi phạm
Bên vi phạm cam kết bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi tiết lộ hoặc sử dụng sai mục đích thông tin bảo mật.
Bên bị vi phạm có quyền yêu cầu chấm dứt hợp đồng, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả hoặc khởi kiện theo quy định pháp luật.
Trách nhiệm cung cấp thông tin và bảo mật thông tin là hai nghĩa vụ quan trọng trong quá trình giao kết hợp đồng nhằm đảm bảo tính minh bạch, công bằng và hợp pháp trong giao dịch. Việc vi phạm nghĩa vụ này có thể dẫn đến hậu quả pháp lý nghiêm trọng, bao gồm hợp đồng bị vô hiệu hoặc trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Do đó, các bên tham gia giao kết hợp đồng cần nâng cao nhận thức pháp lý và có biện pháp bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình trong các giao dịch dân sự, thương mại.
Trên đây là bài viết của Luật Dương Gia về “Cung cấp và bảo mật thông tin trong quá trình giao kết hợp đồng?”. Trong trường hợp còn đang thắc mắc hoặc cần sử dụng dịch vụ, hãy liên hệ ngay với Luật Dương Gia để được tư vấn nhanh chóng và chính xác nhất.
CÔNG TY LUẬT TNHHH DƯƠNG GIA - CHI NHÁNH ĐÀ NẴNG
Địa chỉ: 141 Diệp Minh Châu, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng
Điện thoại: 0931548999; 02367300899