Xác định lại quan hệ cha và con

xac-dinh-lai-quan-he-cha-va-con

Bộ luật tố tụng dân sự quy định các vụ việc trong chế định xác định cha, mẹ, con khi có tranh chấp bao gồm: Tranh chấp về xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ, tranh chấp về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, mang thai hộ về mục đích nhân đạo; Các vụ việc trong chế định xác định cha, mẹ, con khi có yêu cầu, đó là, yêu cầu xác định cha, mẹ cho con hoặc con cho cha, mẹ theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình.

1. Pháp luật Việt Nam hiện hành về xác định lại quan hệ cha và con

Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định những tranh chấp về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền của Toà án:

  • Ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn; chia tài sản sau khi ly hôn.
  • Tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.
  • Tranh chấp về thay đổi người trực tiếp người nuôi con sau khi ly hôn;
  • Tranh chấp về xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ;
  • Tranh chấp về cấp dưỡng;
  • Tranh chấp về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, mang thai hộ về mục đích nhân đạo.
  • Tranh chấp về nuôi con, chia tài sản của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn hoặc khi huỷ kết hôn trái pháp luật.
  • Các tranh chấp khác về hôn nhân và gia đình, trừ trường hợp theo quy định của pháp luật thuộc thẩm quyên giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.

Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định các vụ việc xác định cha, mẹ, con thuộc thẩm quyền giải quyết của toà án, bao gồm:

Việc xác định cha, mẹ, con trong trường hợp có tranh chấp, người được yêu cầu xác định là cha, mẹ, con đã chết, trường hợp có yêu cầu về việc xác định cha, mẹ, con mà người có yêu cầu chết, sau đó, người thân thích của người đó yêu cầu Toà án xác định cha, mẹ, con cho người có yêu cầu đã chết, trường hợp có tranh chấp về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, mang thai hộ (như trường hợp bên mang thai hộ có yêu cầu buộc bên nhờ mang thai hộ nhận con khi bên nhờ mang thai hộ từ chối nhận con, trường hợp bên nhờ mang thai hộ yêu cầu bên mang thai hộ giao con khi bên mang thai hộ từ chối giao con).

Tuy nhiên, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 không quy định cụ thể các trường hợp có tranh chấp trong việc mang thai hộ khi vi phạm điều kiện mang thai hộ hay mang thai hộ vì mục đich thương mại.

Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định ba trường hợp xác định cha, mẹ, con thuộc thẩm quyền của Toà án là không hoàn toàn hợp lý. Đối với trường hợp xác định cha, mẹ, con theo điều 92 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 vẫn có thể xếp vào trường hợp có tranh chấp, bởi vì, lúc ban đầu khi một người xác định một người khác là cha, mẹ, con của mình thì có thể vụ việc đó có tranh chấp giữa các đương sự, nhưng đang giải quyết vụ việc thì người này chết, sau đó, người thân thích của người có yêu cầu chết tiếp tục có yêu cầu xác định cha, mẹ, con cho người đã từng có yêu cầu chết thì vẫn có thể có tranh chấp giữa các đương sự.

Về xác định lại quan hệ cha con, Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: trong trường hợp cha mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được toà án xác định. Điều 89 cũng quy định thêm một người được nhận là cha, là mẹ của một người có thể yêu cầu toà án xác định người đó không phải là con của mình nhưng lại không có quy định một người hiện đang là con của một người có quyền xác định người đó không phải là cha, là mẹ của mình.

Như vậy, việc xác định lại quan hệ cha con được đặt ra khi giữa hai bên đang tồn tại quan hệ cha con thì một trong hai bên nghi ngờ về quan hệ huyết thống nên đã muốn xác định lại quan hệ đó.

2. Trường hợp người vợ sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản

Trong trường hợp người vợ sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thì việc xác định lại quan hệ cha con cũng áp dụng tương tự như điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Đây được coi là một loại tranh chấp mới được bổ sung trong Bộ luật tố tụng dân sự.

Chẳng hạn: việc sinh con bầng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thực hiện trong nội bộ cặp vợ chồng vô sinh nhưng sau khi sinh con, vợ chồng đó đã giám định gen và thấy rằng đứa trẻ không phải là con mình thì họ có quyền xác định lại quan hệ cha mẹ và con. Tuy nhiên, nếu việc sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản với việc xin tinh trùng, xin phôi từ ngân hàng tinh trùng, ngân hàng phôi thì pháp luật nên quy định không cho phép người chồng dược yêu cầu xác định lại quan hệ cha và con mà quan hệ này tồn tại vĩnh viễn.

Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã quy định vấn đề mang thai hộ – xuất phát từ thực tiễn ở nước ta hiện nay, vấn đề mang thai hộ là nhu cầu của rất nhiều cặp vợ chồng. Mang thai hộ đang là vấn đề thực tế và tạo ra nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội. trong khi đó ở nhiều quốc gia trên thế giới, đơn cử là Cộng hòa Liên bang Đức, pháp luật quy định cấm việc mang thai hộ dưới mọi hình thức, với quan điểm, việc làm này đã vi phạm nhân phẩm con người. Bởi tính chất phức tạp của nó sẽ phát sinh nhiều vấn đề trên thực tế.

Tranh chấp về mang thai hộ cũng có thể sau khi nhận con thì cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ yêu cầu xác định đứa trẻ sinh ra từ việc mang thai hộ không phải con của mình như việc mang thai hộ vi phạm mục đích, điều kiện. Chẳng hạn, việc mang thai hộ vì mục đích thương mại chứ không phải vì mục đích nhân đạo, việc mang thai hộ vi phạm điều kiện mang thai hộ như người mang thai hộ không phải là người thân thích cùng hàng, việc mang thai hộ không có sự đồng ý của chồng người mang thai hộ và trong thời gian người mang thai hộ đang mang thai hoặc sau khi đứa trẻ được sinh ra thì có yêu cầu huỷ bỏ việc mang thai hộ; hoặc người nhờ mang thai hộ yêu cầu dừng việc mang thai theo chỉ định của bác sĩ nhưng người mang thai hộ không chịu phá thai và sinh con….

Đây là những loại vụ việc mà Toà án vẫn phải giải quyết cho dù không có điều luật áp dụng theo tinh thần tại điều 4 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Về nguyên tắc, con sinh ra trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là con chung của vợ chồng nhờ mang thai hộ kể từ thời điểm con được sinh ra.

3. Tranh chấp về việc không thừa nhận đứa trẻ sinh ra từ việc mang thai hộ

Như vậy, căn cứ xác định cha, mẹ, con trong trường hợp mang thai hộ dựa trên yếu tố huyết thống, thời kỳ hôn nhân của người nhờ mang thai hộ. Đứa trẻ này có thể thuộc trường hợp con được sinh ra trong thời kỳ hôn nhân nhưng sự kiện sinh đẻ không phải do người vợ thực hiện mà do người khác thực hiện.Nếu có tranh chấp về việc không thừa nhận đứa trẻ sinh ra từ việc mang thai hộ thì sẽ giải quyết như thế nào?

Chẳng hạn, người chồng không thừa nhận con thì thì phải có chứng cứ và phải được toà án xác định. Việc xác định cha, mẹ, con trong trường hợp mang thai hộ được áp dụng tương tự như nguyên tắc suy đoán tại Điều 88 Luật HN&GĐ năm 2014. Trong vấn đề mang thai hộ có thể vì lý do này, lý do khác mà đứa trẻ có thể sinh ra không phải là sự kết hợp của noãn và tinh trùng của cặp vợ chồng vô sinh nhờ mang thai hộ. Do đó, họ có quyền xác định lại quan hệ cha mẹ và con và phải có chứng cứ chứng minh cho yêu cầu đó.

4. Kết luận giám định gen

Đối với tranh chấp xác định lại quan hệ cha con thì chứng cứ chứng minh không có quan hệ cha con là bắt buộc, như kết luận giám định gen, kết luận giám định về tình trạng bất lực sinh lý của người chồng, kết luận của cơ sở y tế về tình trạng vô sinh của người chồng, của người đàn ông đang là cha của đứa con đó. Đối với kết luận gíam định gen – có thể coi là một chứng cứ quan trọng và chính xác để xác định không có quan hệ huyết thống giữa hai bên chủ thể đang có quan hệ cha con về mặt pháp lý.

Đa phần trong các vụ việc này, các đương sự thường tự mình thực hiện việc giám định gen, theo pháp luật hiện hành thì kết quả giám định gen này được gọi là giám định ngoài tố tụng, do đó, chỉ được coi là một tài liệu để Toà án tham khảo, Toà án có quyền trưng cầu giám định lại theo yêu cầu của đương sự hoặc khi Toà án xét thấy cần thiết. Điều này có thể gây ra những phiền phức cho đương sự, họ sẽ mất thời gian, bị thiệt hại về tài chính… Do đó, Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 đã quy định theo hướng chấp nhận kết luận giám định do đương sự tự mình thực hiện:

“1. Đương sự có quyền yêu cầu trưng cầu giám định hoặc tự mình trưng cầu giám định sau khi đã đề nghị Toà án trưng cầu giám định nhưng Toà án từ chối yêu cầu của đương sự. Quyền tự yêu cầu giám định được thực hiện trước khi Toà án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm, quyết định mở phiên toà giải quyết vụ việc dân sự.

2. Trường hợp xét thấy kết luận giám định chưa đầy đủ, rõ ràng hoặc có vi phạm pháp luật thì theo yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy cần thiết, Toà án yêu cầu người giám định giải thích kết luận giám định, triệu tập người giám định đến phiên toà, phiên họp để trực tiếp trình bày về các nội dung cần thiết.

3. Theo yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy cần thiết, Toà án ra quyết định trưng cầu giám định bổ sung trong trường hợp nội dung kết luận gáim định chưa rõ, chưa đầy đủ hoặc khi phát sinh vấn đề mới liên quan đế tình tiết của vụ việc đã được kết luận giám định trước đó.

4. Việc giám định lại được thực hiện trong trường hợp có căn cứ cho rằng kết luận giám định lần đầu không chính xác, có vi phạm pháp luật hoặc trong trường hợp đặc biệt theo quyết định của Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Toà án nhân dân tối cao theo quy định của Luật giám định tư pháp.” (Điều 102 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015).

Quy định như vậy là phù hợp với quá trình xã hội hoá hiện nay, tuy nhiên, chỉ mới dừng lại ở một chừng mực nhất định. Bởi vì, trong các vụ việc về xác định cha, mẹ, con, đặc biệt là khi người chồng nghi ngờ con chung của vợ chồng không phải là con mình thì họ thường tiến hành giám định gen trước khi yêu cầu khởi kiện ra toà chứ không đợi khi yêu cầu trưng cầu giám định của mình bị toà án từ chối.

Nếu áp dụng điều 102 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì kết luận giám định này là không có giá trị pháp lý. Theo quan điểm của chúng tôi, ttrường hợp này cũng tương tự như trường hợp đương sự tự mình trưng cầu giám định sau khi Toà án từ chối yêu cầu giám định và Toà án hoàn toàn có quyền kiểm tra tính xác thực của kết luận gíám định đó theo quy định của pháp luật. Do đó, nên chăng cần chấp nhận cả kết luận giám định mà đương sự đã tự mình thực hiện trước khi khởi kiện để đỡ kinh phí và thời gian của các bên đương sự.

Bên cạnh đó, trường hợp này có thể áp dụng Điều 92 Bộ luật tố tụng dân sự về những tình tiết, sự kiện không phải chứng minh “một bên đương sự thừa nhận hoặc không phản đối những tình tiết, sự kiện, tài liệu, văn bản, kết luận của cơ quan chuyên môn mà bên đương sự kia đưa ra thì bên đương sự đó không cần phải chứng mình; Đương sự có người đại diện tham gia tố tụng thì sự thừa nhận của người đại diện được coi là sự thừa nhận của đương sự nếu không vượt quá phạm vi đại diện” (khoản 2, 3).

Hiện nay, một vấn  đề đặt ra là khi Toà án trưng cầu giám định gen trong vụ việc xác định cha, mẹ, con mà một trong các đương sự không hợp tác thì có giải pháp gì để khắc phục hay không? Luật Giám định tư pháp năm 2012 không có quy định về quyền và nghĩa vụ của các đương sự đối với việc lấy mẫu giám định trong các vụ việc dân sự. Điều này đã gây khó khăn trong việc giải quyết vụ án.

Theo quan điểm của chúng tôi, để đảm bảo cho việc xét xử chính xác và nhanh chóng theo đúng thời gian quy định của pháp luật thì cần có văn bản hướng dẫn cụ thể về trường hợp này theo hướng: khi đương sự từ chối, không hợp tác trong việc lấy mẫu giám định thì tổ chức giám định được quyền giám định qua người thân thích của họ hoặc phải quy định đây là nghĩa vụ của đương sự để có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế nếu thầy cần thiết.

5. Người yêu cầu xác định quan hệ cha con chết trong quá trình giải quyết

Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã quy định xác định cha, mẹ, con trong trường hợp người có yêu cầu chết thì người thân thích của người này có quyền yêu cầu Toà án xác định cha, mẹ, con cho người có yêu cầu đã chết (Điều 92 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014). Nhưng hiện không có quy định nếu một người đang yêu cầu xác định một người không phải là cha, mẹ, con của mình mà chết thì những người thân thích của họ có quyền yêu cầu toà án xác định một người không phải là cha, mẹ, con của người có yêu cầu chết. Và khi người có  yêu  cầu chết thì vụ việc đó xử lý tiếp như thế nào? Theo Bộ luật tố tụng dân sự thì một trong những căn cứ để toà án đình chỉ giải quyết vụ án là

“Nguyên đơn hoặc bị đơn là cá nhân đã chết mà quyền, nghĩa vụ của họ không được thừa kế” (điểm a, khoản 1 điều 217 Bộ luật tố tụng dân sự hăm 2015).

Về mặt lý luận, quyền xác định cha, mẹ, con là quyền nhân thân gắn liền với chủ thể mà không thể chuyển giao cho người khác, tức là quyền này không được thừa kế. Do vậy, trong trường hợp này phải đình chỉ giải quyết vụ án. Sau đó, những người thân thích của người này sẽ khởi kiện việc xác định cha, mẹ, con cho người đã chết theo một vụ án mới?

Hay đây được coi là một trường hợp ngoại lệ, khi người có yêu cầu xác định cha, mẹ, con chết thì người thân thích sẽ tiếp tục tham gia tố tụng trong vụ án đó luôn? Đây là vấn đề mà còn nhiều quan điểm khác nhau. Quan điểm thứ nhất cho rằng, để phù hợp về mặt lý luận, không vi phạm thủ tục tố tụng thì trong trường hợp này phải đình chỉ giải quyết vụ án, sau đó, những người thân thích của người đã từng có yêu cầu chết sẽ được khởi kiện xác định một người là cha, mẹ, con của người đã từng có yêu cầu chết hoặc xác định mọt người khôgn phải là cha, mẹ, con của người đã chết.

Quan điểm thứ hai cho rằng, mục đích của nhà làm luật trong việc thiết kế điều 92 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 là nhằm giản tiện và tiết kiệm chi phí cũng như thời gian cho đương sự và toà án. Do đó, đây phải coi là một trường hợp ngoại lệ để cho người thân thích của người đã từng có yêu cầu nhưng bị chết được tiếp tục tham gia tố tụng trong vụ án đó mà không nên đình chỉ rồi lại yêu cầu khởi kiện thành một vụ án mới. Chúng tôi cũng đồng tính với quan điểm thứ hai với cách lập luận như trên.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon