Thời hạn và hiệu lực của quyền hưởng dụng

thoi-han-va-hieu-luc-cua-quyen-huong-dung

Bộ luật dân sự năm 2015 đã ghi nhận chế định về quyền hưởng dụng. Việc ban hành các quy định cụ thể đã tạo cơ sở pháp lý để các chủ thể giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn, thúc đẩy giao lưu dân sự trên cơ sở tôn trọng các quy luật xã hội cũng như các quy định pháp luật. Qua đó, đã góp phần đảm bảo tốt hơn cho tài sản trong quá trình các chủ thể tham gia các quan hệ dân sự, hạn chế được rủi ro pháp lý, giữ được sự ổn định của các quan hệ dân sự và các quan hệ khác có liên quan. Bài viết dưới đây sẽ đi vào phân tích cụ thể về thời hạn và hiệu lực của quyền hưởng dụng.

Căn cứ pháp lý:

– Bộ luật dân sự năm 2015;

1. Quyền hưởng dụng là gì?

Khái niệm quyền hưởng dụng được ghi nhận tại Điều 257 Bộ luật dân sự như sau:

Điều 257. Quyền hưởng dụng

“Quyền hưởng dụng là quyền của chủ thể được khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác trong một thời hạn nhất định”. 

Quy định theo hướng quyền hưởng dụng là một quyền mà chủ thể có quyền đó được khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức từ vật thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác, với điều kiện việc thực hiện quyền này không được làm thay đổi tính chất, tính năng sử dụng của vật đó.

Theo pháp luật dân sự Việt Nam, hoa lợi là sản vật mà tự bản thân tài sản sinh ra không phụ thuộc vào tác động từ phía con người. Lợi tức là các khoản lợi thu được từ việc khai thác tài sản. Tự bản thân tài sản không thể sinh ra lợi tức nếu không có hành vi khai thác, sử dụng của chủ sở hữu. Việc phân loại tài sản thành tài sản gốc, hoa lợi, lợi tức có ý nghĩa trong việc xác định quyền của người sử dụng, chiếm hữu tài sản nhưng không phải là chủ sở hữu.

2. Hiệu lực của quyền hưởng dụng

Thời điểm có hiệu lực của quyền hưởng dụng là cơ sở pháp lý để xác định thời điểm phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa chủ sở hữu tài sản và bên được hưởng quyền hưởng dụng. Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về hiệu lực của quyền hưởng dụng như sau:

Điều 259. Hiệu lực của quyền hưởng dụng

“Quyền hưởng dụng được xác lập từ thời điểm nhận chuyển giao tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật liên quan có quy định khác.

Quyền hưởng dụng đã được xác lập có hiệu lực đối với mọi cá nhân, pháp nhân, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.”

– Quyền hưởng dụng được xác lập từ thời điểm nhận chuyển giao tài sản. Về nguyên tắc, quyền hưởng dụng được xác lập từ thời điểm nhận chuyển giao tài sản, dù hai bên đã có sự thỏa thuận cụ thể về đối tượng của quyền hưởng dụng, điều kiện và thời hạn, quyền và nghĩa vụ của các bên… nhưng nếu chủ sở hữu chưa giao và người hưởng dụng chưa nhận được tài sản thì chưa phát sinh hiệu lực của quyền hưởng dụng. Như vậy, việc chiếm hữu tài sản thực tế là cơ sở để thực hiện quyền hưởng dụng.

Khi chủ sở hữu chuyển giao tài sản và bên hưởng dụng đã nhận thì hiệu lực của quyền hưởng dụng mới phát sinh. Từ thời điểm này, người hưởng dụng có quyền sử dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ sản hưởng dụng kể từ thời điểm nhận chuyển giao tài sản hưởng dụng.

– Theo thỏa thuận của các bên: Chủ sở hữu tài sản và người hưởng dụng có quyền thỏa thuận về thời điểm xác lập quyền hưởng dụng, thời điểm này phụ thuộc vào ý chí của các bên phù hợp với điều kiện của mỗi bên. Về nguyên tắc, sự thỏa thuận là hợp đồng có hiệu lực tại thời điểm giao kết, nhưng các bên có thể thỏa thuận hợp đồng phát sinh hiệu lực tại một thời điểm khác. Quy định này dựa trên cơ sở nguyên tắc tự do giao dịch. Vì các bên có quyền tự do thỏa thuận nội dung, nên cũng có quyền tự do lựa chọn thời điểm có hiệu lực của sự thỏa thuận. Tất nhiên, các bên có thể thỏa thuận thời điểm có hiệu lực của sự thỏa thuận khác với qui định của pháp luật, nhưng không được trái pháp luật hoặc trái với bản chất của sự thỏa thuận.

– Theo quy định của pháp luật: thời điểm xác lập quyền hưởng dụng theo quy định của pháp luật sẽ phụ thuộc vào ý chí của Nhà nước, và các bên không có quyền được lựa chọn xác định thời điểm khác. Việc xác định thời điểm có hiệu lực của quyền hưởng dụng có ý nghĩa trong việc xác định nghĩa vụ của các bên về nghĩa vụ chuyển giao tài sản, làm phát sinh quyền lợi và nghĩa vụ giữa chủ sở hữu và người được hưởng quyền. Bên cạnh đó, thời điểm phát sinh hiệu lực của quyền hưởng dụng còn là căn cứ xác định thời hạn quyền hưởng dụng, nghĩa vụ hoàn trả tài sản của người hưởng dụng…

Quyền hưởng dụng được xác lập có hiệu lực với không chỉ bên chuyển quyền và bên nhận quyền mà quyền này còn có hiệu lực với mọi chủ thể khác trong xã hội. Quy định này đã tạo cơ sở đề cao quyền hưởng dụng, yêu cầu các chủ thể khác phải tôn trọng, không được phép xâm phạm, cản trở tới quyền của người hưởng dụng trong việc thực hiện các hoạt động khai thác, sử dụng, hưởng lợi ích hợp pháp của họ.

3. Thời hạn của quyền hưởng dụng

Theo Điều 260 Bộ luật dân sự năm 2015, thời hạn của quyền hưởng dụng được quy định như sau:

Điều 260. Thời hạn của quyền hưởng dụng

1. Thời hạn của quyền hưởng dụng do các bên thỏa thuận hoặc do luật quy định nhưng tối đa đến hết cuộc đời của người hưởng dụng đầu tiên nếu người hưởng dụng là cá nhân và đến khi pháp nhân chấm dứt tồn tại nhưng tối đa 30 năm nếu người hưởng dụng đầu tiên là pháp nhân.

2. Người hưởng dụng có quyền cho thuê quyền hưởng dụng trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này.

Theo quy định tại Điều 144 Bộ luật dân sự năm 2015: Thời hạn là một khoảng thời gian được xác định từ thời điểm này đến thời điểm khác. Giới hạn thời gian này để các bên thực hiện nghĩa vụ của mình thông thường do các bên chủ thể thỏa thuận. Tuy nhiên, trong trường hợp pháp luật quy định hoặc quyết định của cơ quan có thẩm quyền ấn định khoảng thời gian này, các bên chủ thể sẽ phải thực hiện theo. Một trong các đặc điểm của quyền hưởng dụng là chỉ mang tính tạm thời. Đối với quyền hưởng dụng, người hưởng dụng được hưởng một quyền rất mạnh (được khai thác công dụng của tài sản và hưởng hoa lợi, lợi tức). Tuy nhiên, quyền này có giới hạn về mặt thời hạn hưởng quyền.

– Theo quy định tại Điều 260 Bộ luật dân sự năm 2015 thì thời hạn hưởng quyền vẫn ưu tiên dựa trên sự thỏa thuận của các bên, tuy nhiên thời hạn vẫn bị giới hạn theo luật quy định: Nếu chủ thể hưởng quyền hưởng dụng là cá nhân thì thời hạn tối đa đến hết cuộc đời của người hưởng dụng đầu tiên. Vì đối với quyền hưởng dụng, có thể có nhiều cá nhân được hưởng dụng trên một tài sản, do đó thời hạn sẽ được tính từ người hưởng dụng đầu tiên. Ví dụ: A được B trao cho quyền hưởng dụng một mảnh vườn trồng hoa. Sau đó A cho C khai thác mảnh vườn đó trong 5 năm, nhưng sau đó A chết, thì quyền hưởng dụng cũng chấm dứt.

– Nếu chủ thể hưởng quyền hưởng dụng là pháp nhân: thời gian hưởng dụng tối đa của pháp nhân cho đến khi pháp nhân chấm dứt tồn tại nhưng tối đa 30 năm. Trường hợp pháp nhân là chủ thể của nhiều ngành luật trong đó có luật dân sự. Hệ thống pháp luật Việt Nam hiện hành không có định nghĩa về pháp nhân, mà chỉ đưa ra các điều kiện để công nhận pháp nhân. Pháp nhân là tổ chức được thành lập một cách hợp pháp, theo cơ cấu tổ chức chặt chẽ, có tài sản độc lập và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình. Ngoài ra, pháp nhân còn nhân danh chính mình tham gia vào các quan hệ pháp luật độc lập. Chấm dứt pháp nhân là việc chấm dứt sự tồn tại của một tổ chức với tư cách là một chủ thể độc lập trong các quan hệ pháp luật mà trước đó tổ chức đó tham gia với tư cách pháp nhân. Vì pháp nhân tạo lập nên các mối quan hệ kinh doanh với các chủ thể khác trong xã hội trong quá trình hoạt động của mình nên việc chấm dứt tồn tại của pháp nhân cũng ảnh hưởng đến quyền lợi của những chủ thể đó.

Theo Điều 96 Bộ luật dân sự năm 2015, pháp nhân chấm dứt tồn tại trong các trường hợp sau:

+ Một là, Hợp nhất, sáp nhập, chia, chuyển đổi hình thức, giải thể pháp nhân theo quy định tại các điều 88, 89, 90, 92 và 93 của Bộ luật dân sự năm 2015;

+ Hai là, Bị tuyên bố phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản.

Pháp nhân chấm dứt tồn tại kể từ thời điểm xóa tên trong số đăng ký pháp nhân hoặc từ thời điểm được xác định trong quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

– Trường hợp người hưởng dụng có quyền cho thuê quyền hưởng dụng: Người hưởng dụng có thể tự mình hoặc cho phép người khác khai thác, sử dụng hoa lợi, lợi tức từ đối tượng của quyền hưởng dụng và cho thuê quyền hưởng dụng đối với tài sản trong thời hạn họ được hưởng quyền mà không cần có sự đồng ý của chủ sở hữu tài sản. Như vậy, người hưởng dụng và chủ thể thuê quyền hưởng dụng có thể thiết lập một giao dịch dân sự mà theo đó người hưởng dụng sẽ trao cho chủ thể thuê quyền hưởng dụng quyền được khai thác, sử dụng hoa lợi, lợi tức từ đối tượng của quyền hưởng dụng, và nhận một khoản tiền thuê từ chủ thể thuê quyền hưởng dụng. Thời hạn cho thuê quyền hưởng dụng phải bằng hoặc ngắn hơn thời hạn mà người hưởng dụng được hưởng dụng.

Hiện nay, quyền hưởng dụng là một trong số những quyền quan trọng của các chủ thể. Quyền này cho phép các chủ thể được hưởng quyền được khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác trong một thời hạn nhất định. Tuy nhiên, khi hết thời hạn này, quyền hưởng dụng đương nhiên sẽ chấm dứt và khi chưa hết thời hạn, quyền hưởng dụng cũng có thể chấm dứt nếu người hưởng dụng và chủ sở hữu của tài sản thỏa thuận chấm dứt hoặc nếu người hưởng dụng tự từ bỏ, không thực hiện quyền của mình.

Như vậy, bài viết trên đây đã làm rõ nội dung về thời hạn và hiệu lực của quyền hưởng dụng. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006586 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon