Quyền sở hữu là một quyền cơ bản của công dân, cũng là vấn đề cốt lõi quan trọng trong mối quan hệ dân sự. Tuy nhiên, việc sở hữu tài sản không phải vĩnh viễn mà khi có sự kiện pháp lý nhất định quyền sở hữu sẽ bị chấm dứt. Vậy dưới góc độ pháp luật, chấm dứt quyền sở hữu được quy định như thế nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Cơ sở pháp lý:
1. Quyền sở hữu là gì? Chấm dứt quyền sở hữu là gì?
1.1. Quyền sở hữu
Quyền sở hữu là quyền duy nhất của chủ sở hữu đối với tài sản. Dưới góc độ khoa học pháp lý, quyền sở hữu được hiểu là một phạm trù pháp lý phản ánh các quan hệ sở hữu trong một chế độ sở hữu nhất định, bao gồm tổng hợp các quy phạm pháp luật về sở hữu nhằm điều chỉnh các quan hệ sở hữu trong đời sống xã hội.
Theo quy định tại Điều 158 Bộ luật Dân sự năm 2015, quyền sở hữu sẽ bao gồm nội dung về quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt. Cụ thể:
- Quyền chiếm hữu là việc chủ thể nắm giữ, chi phối tài sản một cách trực tiếp hoặc gián tiếp như chủ thể có quyền đối với tài sản
- Quyền sử dụng là quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản
- Quyền định đoạt là quyền chuyển giao quyền sở hữu tài sản, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng hoặc tiêu hủy tài sản
Điều 221 quy định các căn cứ xác lập quyền sở hữu bao gồm:
“Quyền sở hữu được xác lập đối với tài sản trong trường hợp sau đây:
1. Do lao động, do hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp, do hoạt động sáng tạo ra đối tượng quyền sở hữu trí tuệ.
2. Được chuyển quyền sở hữu theo thỏa thuận hoặc theo bản án, quyết định của Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác.
3. Thu hoa lợi, lợi tức.
4. Tạo thành tài sản mới do sáp nhập, trộn lẫn, chế biến.
5. Được thừa kế.
6. Chiếm hữu trong các điều kiện do pháp luật quy định đối với tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu; tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy; tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên; gia súc, gia cầm bị thất lạc, vật nuôi dưới nước di chuyển tự nhiên.
7. Chiếm hữu, được lợi về tài sản theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này.
8. Trường hợp khác do luật quy định.”
1.2. Chấm dứt quyền sở hữu
Pháp luật dân sự không chỉ điều chỉnh quy định về quyền sở hữu, căn cứ xác lập quyền sở hữu mà ngược lại còn có quy định về chấm dứt quyền sở hữu và căn cứ chấm dứt quyền sở hữu.
Chấm dứt quyền sở hữu là việc chấm dứt quyền năng về quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt của chủ thể có quyền sở hữu đối với tài sản. Điều này phụ thuộc vào ý chí của chủ sở hữu hoặc bởi những trường hợp do pháp luật quy định.
Theo quy định tại Điều 237 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì căn cứ chấm dứt quyền sở hữu bao gồm:
“Quyền sở hữu chấm dứt trong trường hợp sau đây:
1. Chủ sở hữu chuyển quyền sở hữu của mình cho người khác.
2. Chủ sở hữu từ bỏ quyền sở hữu của mình.
3. Tài sản đã được tiêu dùng hoặc bị tiêu hủy.
4. Tài sản bị xử lý để thực hiện nghĩa vụ của chủ sở hữu.
5. Tài sản bị trưng mua.
6. Tài sản bị tịch thu.
7. Tài sản đã được xác lập quyền sở hữu cho người khác theo quy định của Bộ luật này.
8. Trường hợp khác do luật quy định.”
2. Các trường hợp chấm dứt quyền sở hữu
2.1. Chủ sở hữu chuyển quyền sở hữu của mình cho người khác
Điều 238 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Khi chủ sở hữu chuyển giao quyền sở hữu của mình cho người khác thông qua hợp đồng mua bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, hợp đồng chuyển quyền sở hữu khác theo quy định của pháp luật hoặc thông qua việc để thừa kế thì quyền sở hữu đối với tài sản của người đó chấm dứt kể từ thời điểm phát sinh quyền sở hữu của người được chuyển giao.”
Như vậy, việc chủ sở hữu chấm dứt quyền sở hữu của mình bằng cách chuyển giao quyền sở hữu cho người khác xảy ra theo ý chí của chính chủ sở hữu, thông qua các hợp đồng như mua bán, trao đổi, tặng cho,…
2.2. Chủ sở hữu từ bỏ quyền sở hữu của mình
Điều 239 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về việc từ bỏ quyền sở hữu của mình như sau: “Chủ sở hữu có thể tự chấm dứt quyền sở hữu đối với tài sản của mình bằng cách tuyên bố công khai hoặc thực hiện hành vi chứng tỏ việc mình từ bỏ quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản đó.
Đối với tài sản mà việc từ bỏ tài sản đó có thể gây hại đến trật tự, an toàn xã hội, ô nhiễm môi trường thì việc từ bỏ quyền sở hữu phải tuân theo quy định của pháp luật.”
Việc từ bỏ quyền sở hữu của mình đối với tài sản có thể thực hiện thông qua tuyên bố công khai hoặc bằng một hành vi nào đó cụ thể. Tuy nhiên, trong một số trường hợp việc từ bỏ tài sản gây hại đến trật tự, an toàn xã hội, ô nhiễm môi trường thì việc từ bỏ phải tuân theo quy định của pháp luật và chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm đối với tài sản đó.
2.3. Tài sản được tiêu dùng hoặc bị tiêu huỷ
Tiêu dùng là việc sử dụng những của cải vật chất được sáng tạo, sản xuất ra trong quá trình sản xuất để thoải mãn các nhu cầu của xã hội.
Tiêu huỷ được hiểu là phá cho mất đi. Đối với tài sản là hàng hoá thì việc tiêu huỷ hàng hoá là xử lý một loại hàng hoá nào đó bằng các phương pháp tiêu huỷ đúng theo quy định của pháp luật nhằm đảm bảo hàng hoá không được sử dụng lại với mục đích ban đầu.
Điều 242 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Khi tài sản được tiêu dùng hoặc bị tiêu huỷ thì quyền sở hữu đối với tài sản đó chấm dứt”
2.4. Tài sản bị xử lý để thực hiện nghĩa vụ của chủ sở hữu
Điều 241 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về việc xử lý tài sản để thực hiện nghĩa vụ của chủ sở hữu như sau:
“1. Quyền sở hữu đối với một tài sản chấm dứt khi tài sản đó bị xử lý để thực hiện nghĩa vụ của chủ sở hữu theo quyết định của Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác, nếu pháp luật không có quy định khác.
2. Việc xử lý tài sản để thực hiện nghĩa vụ của chủ sở hữu không áp dụng đối với tài sản không thuộc diện kê biên theo quy định của pháp luật.
3. Quyền sở hữu đối với tài sản bị xử lý để thực hiện nghĩa vụ của chủ sở hữu chấm dứt tại thời điểm phát sinh quyền sở hữu của người nhận tài sản đó.
4. Việc xử lý quyền sử dụng đất được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.”
Theo đó, tài sản không thuộc diện kê biên theo quy định của pháp luật như: Lương thực, vật dụng cần thiết cho người tàn tật, công cụ lao động, đồ thờ cúng thông thường,…
2.5. Tài sản bị trưng mua
Trưng mua tài sản là việc Nhà nước mua tài sản của tổ chức (không bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị vũ trang nhân dân), cá nhân, hộ gia đình thông qua quyết định hành chính trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia. Nhà nước sử dụng có thời hạn tài sản của tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cưthoong qua quyết định hành chính trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia.
Điều 243 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về việc tài sản bị trưng mua. Theo đó, trường hợp Nhà nước trưng mua tài sản theo quy định của luật thì quyền sở hữu đối với tài sản của chủ sở hữu đó chấm dứt kể từ thời điểm quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền có hiệu lực pháp luật.
2.6. Tài sản bị tịch thu
Tịch thu tài sản là tước một phần hoặc toàn bộ tài sản thuộc sở hữu của người bị kết án để nộp vào ngân sách nhà nước. Dưới góc độ hình sự thì tịch thu tài sản chỉ được áp dụng đối với người bị kết án về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tham nhũng hoặc tội phạm khác do Bộ luật Hình sự 2015 quy định.
Đối với tài sản bị tịch thu thì Điều 244 Bộ luật Dân sự quy định, khi tài sản của chủ sở hữu do phạm tội, vi phạm hành chính mà bị tịch thu, sung quỹ nhà nước thì quyền sở hữu đối với tài sản đó chấm dứt kể từ thời điểm bản án, quyết định của Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác có hiệu lực pháp luật.
2.7. Tài sản đã được xác lập quyền sở hữu cho người khác theo quy định của Bộ luật dân sự
Điều 240 Bộ luật dân sự quy định về việc tài sản đã được xác lập quyền sở hữu cho người khác. Cụ thể như sau:
“Tài sản không xác định được chủ sở hữu; tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy; tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên; gia súc, gia cầm bị thất lạc; vật nuôi dưới nước di chuyển tự nhiên đã được xác lập quyền sở hữu cho người khác theo quy định tại các điều từ Điều 228 đến Điều 233 của Bộ luật này thì quyền sở hữu của những người có tài sản đó chấm dứt.
Khi quyền sở hữu của người chiếm hữu, người được lợi về tài sản đã được xác lập theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này hoặc quy định khác của luật có liên quan thì chấm dứt quyền sở hữu của người có tài sản bị chiếm hữu.”
Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì quyền sở hữu được xác lập cho người khác trong một số trường hợp như: tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy; tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên; gia súc, gia cầm bị thất lạc; vật nuôi dưới nước di chuyển tự nhiên,…Nếu trong một khoảng thời gian nhất định tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể do pháp luật quy định, mà không tìm được chủ sở hữu thì quyền sở hữu được xác lập cho người khác. Sau quãng thời gian đó chủ sở hữu mất quyền sở hữu đối với tài sản.
2.8. Trường hợp khác do luật quy định
Xuất phát từ việc quan hệ dân sự có tính đa dạng và phong phú cho nên quy định này đặt ra mang tính chất phòng ngừa.
Trên đây là những phân tích về “Chấm dứt quyền sở hữu”. Hy vọng qua bài viết của chúng tôi, giúp các bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này. Nếu có bất kỳ thắc mắc về nội dung trên hoặc những vấn đề về pháp luật khác hãy liên hệ hotline 1900.6568 để được chuyên viên tư vấn và hỗ trợ.