Yêu cầu lao động nữ ký cam kết không mang thai đúng hay sai?

yeu-cau-lao-dong-nu-khong-mang-thai-dung-hay-sai

Nhiều doanh nghiệp, công ty vì lo thiếu hụt nhân sự, ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh cũng như doanh thu đã yêu cầu người lao động là nữ buộc phải ký cam kết không được mang thai trong một khoảng thời gian nhất định. Thậm chí, có công ty còn nêu rõ trong hợp đồng lao động, thời gian có thể là 06 tháng, 02, 03 năm… kể từ khi bắt đầu làm việc.

Các công ty này thường buộc lao động nữ phải ký cam kết thì mới được nhận vào làm. Đồng thời, quá trình làm việc mà vi phạm sẽ bị buộc thôi việc hoặc có chế tài liên quan tới tài chính khác. Vậy, cam kết không mang thai này là đúng hay sai? Có bị vô hiệu hay không? Hãy cùng tìm hiểu nội dung này trong bài viết dưới đây.

Căn cứ pháp lý

– Bộ luật Lao động 2019;

– Nghị định 12/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

– Pháp lệnh số 08/2008/PL-UBTVQH12 sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh dân số 06/2003/PL-UBTVQH11:

1. Yêu cầu lao động nữ ký cam kết không mang thai đúng hay sai?

Thứ nhất, việc yêu cầu lao động nữ cam kết không mang thai trong thời gian làm việc, bất kể dài hay ngắn là trái quy định pháp luật. Điều này vi phạm đến quyền thực hiện kế hoạch hóa gia đình của công dân tại Pháp lệnh số 08/2008/PL-UBTVQH12 sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh dân số 06/2003/PL-UBTVQH11:

Quyền và nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc thực hiện cuộc vận động dân số và kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản:

Quyết định thời gian và khoảng cách sinh con.

Theo đó, mỗi cặp vợ chồng, cá nhân có quyền tự quyết định thời gian sinh con và khoảng cách sinh con.

Thứ hai, theo quy định tại Bộ luật Lao động năm 2019, cụ thể:

Điều 13. Hợp đồng lao động

Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.

Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.

Điều 15. Nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động

Tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác và trung thực.

Tự do giao kết hợp đồng lao động nhưng không được trái pháp luật, thỏa ước lao động tập thể và đạo đức xã hội.

Như vậy, việc người sử dụng lao động yêu cầu lao động nữ cam kết không mang thai đã can thiệp, cản trở quyền tự do quyết định thời điểm sinh con của cá nhân. Vi phạm nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, thiện chí khi giao kết hợp đồng lao động. Đây là hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người lao động.

Vì vậy, dù người lao động có đồng ý ký vào bản cam kết không mang thai khi làm việc thì văn bản này cũng vô hiệu, không có giá trị pháp lý.

2. Khi người lao động nữ đã ký cam kết mà vẫn mang thai thì có bị đuổi việc hay không?

Theo khoản 3 điều 137 luật lao động quy định:

Điều 137. Bảo vệ thai sản

Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động hoặc bị cơ quan chuyên môn về đăng ký kinh doanh thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.

Theo đó, người lao động không được sa thải hoặc chấm dứt hợp đồng lao động với lao động nữ “vì lý do mang thai”. 

Ngoài ra, như phân tích trên, do bản cam kết này không có giá trị pháp lý nên trong quá trình làm việc, người lao động vẫn có quyền lựa chọn thời điểm mang thai của mình dù trước đó đã ký cam kết.

Trong trường hợp công ty cho rằng việc người lao động có thai là vi phạm cam kết để xử lý kỷ luật, thậm chí cho người lao động nghỉ việc không chỉ vi phạm pháp luật về dân số mà còn vi phạm cả pháp luật lao động.

Bộ luật Lao động đã có những quy định nhằm bảo vệ thai sản cho lao động nữ mang thai. Tại khoản 4 Điều 122 BLLĐ năm 2019, một trong những nguyên tắc quan trọng khi xử lý kỷ luật lao động đó là không tiến hành kỷ luật người lao động đang mang thai.

3. Buộc người lao động đang mang thai phải nghỉ việc bị xử lý thế nào?

Trường hợp Doanh nghiệp cố tình thực hiện hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, doanh nghiệp có thể bị phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng (căn cứ điểm i khoản 2 Điều 28 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).

Hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động vì lý do mang thai theo quy định tại Điều 39 BLLĐ năm 2019 thuộc trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật. Khi đó, người sử dụng lao động có trách nhiệm phải bồi thường cho người lao động.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon