Trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay, cùng với việc đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực, sự phát triển kinh tế – xã hội ngày càng được nâng cao. Bên cạnh đó, với sự phát triển của xã hội và giao lưu văn hóa, sự phát triển của internet, mạng xã hội đã kéo theo mặt trái của xã hội là sự xâm nhập của những luồng văn hóa độc hại, làm ảnh hưởng và gia tăng các tội phạm về tình dục, trong đó có tội cưỡng dâm. Bài viết dưới đây sẽ đi vào phân tích cụ thể về tội cưỡng dâm theo quy định của Bộ luật hình sự hiện hành.
Căn cứ pháp lý:
– Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017;
– Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng quy định về các tội xâm hại tình dục trong Bộ luật Hình sự năm 2015.
1. Cấu thành tội phạm
Điều 143. Tội cưỡng dâm
“1. Người nào dùng mọi thủ đoạn khiến người lệ thuộc mình hoặc người đang ở trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu hoặc miễn cưỡng thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Nhiều người cưỡng dâm một người;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Đối với 02 người trở lên;
d) Có tính chất loạn luân;
đ) Làm nạn nhân có thai;
e) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31 % đến 60%;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 18 năm:
a) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;
c) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát.
4. Cưỡng dâm người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này, thì bị xử phạt theo mức hình phạt quy định tại các khoản đó.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Cấu thành tội phạm gồm:
* Mặt khách thể của tội phạm:
– Khách thể của tội cưỡng dâm là quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ và bị tội phạm cưỡng dâm xâm hại – đó là quyền nhân thân của con người, cụ thể là quyền được tôn trọng về nhân phẩm, danh dự.
– Đối tượng tác động của tội phạm cưỡng dâm là người bị lệ thuộc người phạm tội hoặc người đang ở trong tình trạng quẫn bách.
+ Quan hệ lệ thuộc chỉ mối quan hệ mà nạn nhân phải chịu sự phụ thuộc vào người phạm tội. Đó có thể là quan hệ lệ thuộc về mặt công việc, về mặt kinh tế, về mặt tin ngưỡng hay gia đình,…
+ Người đang ở trong tình trạng quẫn bách là người đang ở trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, tự mình không thể hoặc khó có thể khắc phục được mà đòi hỏi phải có sự hỗ trợ của người khác như trường hợp người thân trong gia đình bị mắc bệnh hiểm nghèo nên cần số tiền lớn cho chi phí y tế nhưng lại đang trong tình trạng túng thiếu nghiêm trọng…
* Mặt chủ thể của tội phạm:
– Chủ thể của tội cưỡng dâm là người có năng lực trách nhiệm hình sự – người có năng lực nhận thức, năng lực điều khiển hành vi theo đòi hỏi của xã hội và đạt độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo luật định khi thực hiện hành vi cưỡng dâm.
– Về độ tuổi, người từ đủ 16 tuổi trở lên có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cưỡng dâm, người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi quy định tại khoản 2 và 3 Điều 143 BLHS năm 2015.
* Mặt khách quan của tội phạm:
Theo quy định của Điều 143 BLHS năm 2015 thì hành vi khách quan của tội cưỡng dâm là hành vi dùng mọi thủ đoạn khiến người lệ thuộc mình hoặc người đang ở trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu hoặc miễn cưỡng thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác. Trong đó, hành vi giao cấu hoặc hành vi quan hệ tình dục khác là kết quả của hành vi “khiến”.
Hành vi “khiến” ở tội cưỡng dâm được hiểu là hành vi khống chế tư tưởng bằng việc lợi dụng quan hệ lệ thuộc hoặc hoàn cảnh quẫn bách của nạn nhân để buộc họ phải miễn cưỡng giao cấu hoặc miễn cưỡng thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác theo ý mình. Thủ đoạn mà người phạm tội sử dụng để khống chế nạn nhân cũng có thể đa dạng, như lừa phỉnh, mua chuộc, dụ dỗ, đe dọa hoặc bằng tình cảm, bằng tiền bạc, có khi chỉ là một lời hứa .. Người phạm tội có thể lợi dụng quan hệ lệ thuộc, lợi dụng uy tín của mình đe dọa sẽ gây thiệt hại cho người bị lệ thuộc nếu như không chịu giao cấu hoặc không chịu thực hiện hành vi quan hệ tình dục. Ví dụ: Dọa chuyển nơi làm việc, dọa không nuôi dưỡng nữa, dọa hủy hợp đồng lao động ..
Hành vi đe dọa ở tội cưỡng dâm chưa đến mức làm người bị đe dọa tê liệt ý chí, không dám kháng cự như ở tội hiếp dâm. Người bị đe dọa chỉ bị khống chế tư tưởng, họ vẫn có khả năng phản kháng nhưng đã miễn cưỡng chịu giao cấu hoặc chịu thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác.
Người phạm tội cưỡng dâm cũng có thể lợi dụng quan hệ lệ thuộc, lợi dụng uy thế của mình hoặc lợi dụng nạn nhân đang trong tình trạng quẫn bách hứa hẹn mang lại quyền lợi nào đó cho họ nếu chấp nhận việc giao cấu hoặc chấp nhận thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác. Ví dụ: Hứa tăng lương, thăng chức… Tuy nhiên, sự hứa hẹn phải có tính chất là sự khống chế tư tưởng buộc họ phải miễn cưỡng chấp nhận việc giao cấu hoặc chấp nhận thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác.
– Hành vi giao cấu: Theo quy định tại khoản 1 điều 3 Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng quy định về các tội xâm hại tình dục trong Bộ luật Hình sự nêu định nghĩa giao cấu như sau:
“1. Giao cấu quy định tại khoản 1 Điều 141, khoản 1 Điều 142, khoản 1 Điều 143, khoản 1 Điều 144 và khoản 1 Điều 145 của Bộ luật Hình sự là hành vi xâm nhập của bộ phận sinh dục nam vào bộ phận sinh dục nữ, với bất kỳ mức độ xâm nhập nào.
Giao cấu với người dưới 10 tuổi được xác định là đã thực hiện không phụ thuộc vào việc đã xâm nhập hay chưa xâm nhập.”
Theo quy định trên thì giao cấu được hiểu là một người chủ động dùng bộ phận sinh dục của mình tiếp xúc với các bộ phận khác trên cơ thể của đối phương, bất kể là đồng giới hay khác giới. Giao cấu với người dưới 10 tuổi được xác định là đã thực hiện không phụ thuộc vào việc đã xâm nhập hay chưa xâm nhập.
– Hành vi quan hệ tình dục khác: Hành vi quan hệ tình dục khác là hành vi của những người cùng giới tính hay khác giới tính sử dụng bộ phận sinh dục nam, bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: ngón tay, ngón chân, lưỡi…), dụng cụ tình dục xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ, miệng, hậu môn của người khác với bất kỳ mức độ xâm nhập nào, bao gồm một trong các hành vi sau đây: Đưa bộ phận sinh dục nam xâm nhập vào miệng, hậu môn của người khác; Dùng bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: ngón tay, ngón chân, lưỡi…), dụng cụ tình dục xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ, hậu môn của người khác.
* Mặt chủ quan của tội phạm:
– Đối với tội cưỡng dâm, dấu hiệu lỗi của chủ thể đòi hỏi là lỗi cố ý. Người phạm tội biết nạn nhân là người lệ thuộc mình hoặc biết họ là người đang trong tình trạng quẫn bách, người phạm tội cũng biết hành vi đe dọa hay hứa hẹn của mình là hành vi lợi dụng quan hệ lệ thuộc hoặc là hành vi lợi dụng tình trạng quẫn bách của nạn nhân để buộc họ phải miễn cưỡng cho giao cấu hoặc miễn cưỡng thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác.
– Động cơ phạm tội cưỡng dâm có thể do ham muốn, nhu cầu tình dục hoặc do các động cơ khác. Tuy nhiên, đối với tội cưỡng dâm thì động cơ phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc.
2. Hình phạt của tội cưỡng dâm
– Quy định về hình phạt ở khung cơ bản:
Khung hình phạt cơ bản gồm hai mức tương ứng với hai độ tuổi của nạn nhân: + Đối với trường hợp nạn nhân đủ 18 tuổi trở lên, khung hình phạt cơ bản được quy định tại khoản 1 Điều 143 BLHS năm 2015. Theo đó, mức phạt tù từ 01 năm đến 05 năm cho trường hợp nạn nhân đủ 18 tuổi trở lên.
+ Đối với trường hợp nạn nhân từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, khung hình phạt cơ bản được quy định tại khoản 4 Điều 143 BLHS năm 2015, theo đó, khung hình phạt cơ bản có mức phạt từ 02 năm tù đến 07 năm tù.
– Quy định về hình phạt ở khung tăng nặng thứ nhất:
Khung hình phạt tăng nặng thứ nhất được quy định tại khoản 2 Điều 143 BLHS năm 2015. Theo đó, mức phạt tù từ 03 năm đến 10 năm được quy định cho trường hợp phạm tội có một trong các tình tiết định khung hình phạt tăng nặng: nhiều người cưỡng dâm một người; phạm tội 02 lần trở lên; phạm tội đổi với 02 người trở lên; phạm tội có tính chất loạn luân; phạm tội làm nạn nhân có thai; gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; tái phạm nguy hiểm.
– Quy định về hình phạt ở khung tăng nặng thứ hai:
Khung hình phạt tăng nặng thứ hai được quy định tại khoản 3 Điều 143 BLHS năm 2015. Theo đó, mức phạt tù từ 10 năm đến 18 năm được quy định cho trường hợp phạm tội có một trong các tình tiết định khung hình phạt tăng nặng: gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội; phạm tội làm nạn nhân chết hoặc tự sát.
– Quy định về hình phạt bổ sung:
Khung hình phạt bổ sung được quy định (có thể được áp dụng) là cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Như vậy, đối với tội cưỡng dâm, tòa án có thể tuyên hình phạt bổ sung, buộc người phạm tội không được giữ chức vụ, không được hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm Việc áp dụng hình phạt bổ sung này được xem xét khi người phạm tội lợi dụng chức vụ, nghề nghiệp hoặc công việc nhất định để thực hiện hành vi cưỡng dâm, nhằm tăng cường hình phạt chính và loại bỏ điều kiện để người bị kết án tội cưỡng dâm có thể phạm tội lại.
Như vậy, bài viết trên đây đã làm rõ nội dung về tội cưỡng dâm. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006586 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.