Sự kiện bất ngờ là gì?

su-kien-bat-ngo-la-gi

Đôi khi trong cuộc sống xảy ra những bất ngờ mà chính chúng ta cũng không ngờ tới. Trong đó, có những bất ngờ để lại hậu quả nghiêm trọng cho xã hội. Chính vì lẽ đó, pháp luật hình sự đã đưa ra những quy định cụ thể về sự kiện bất ngờ. Bài viết này sẽ làm rõ sự kiện bất ngờ là gì và những vấn đề pháp lý liên quan nhằm giúp bạn đọc tạo dựng nhận thức đúng đắn về sự kiện bất ngờ.

Căn cứ pháp lý

  • Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017;

1. Sự kiện bất ngờ là gì?

Sự kiện bất ngờ là sự kiện phát sinh ngoài dự kiến của chủ thể và chủ thể không thể nhìn thấy trước hậu quả của nó. Cụ thể hơn, sự kiện bất ngờ về mặt pháp lý được quy định tại Điều 20 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 như sau:

Điều 20. Sự kiện bất ngờ

Người thực hiện hành vi gây hậu quả nguy hại cho xã hội trong trường hợp không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Sự kiện bất ngờ là trường hợp đã gây ra hậu quả thiệt hại nhưng người có hành vi gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm hình sự vì họ không buộc phải thấy trước hoặc không thể thấy trước hậu quả thiệt hại của hành vi của mình hay nói cách khác vì họ không có lỗi. Một trường hợp dễ gây nhầm lẫn giữa sự kiện bất ngờ và lỗi vô ý do cẩu thả vì điểm giống nhau giữa hai trường hợp này là chủ thể thực hiện đều không thấy trước hậu quả thiệt hại do hành vi của mình đã gây ra.

Nhưng xét trường hợp lỗi vô ý do cẩu thả có thể nhận thấy, người phạm tội có nghĩa vụ phải thấy trước và có đủ điều kiện để thấy trước hậu quả thiệt hại về hành vi của mình. Người phạm tội đã không thấy trước hậu quả thiệt hại của hành vi mình gây ra là vì cẩu thả. Đối với trường hợp sự kiện bất ngờ, chủ thể không có nghĩa vụ phải thấy trước hậu quả thiệt hại của hành vi mình gây ra hoặc tuy có nghĩa vụ phải thấy trước nhưng không đủ điều kiện để thấy trước hậu quả đó.

Vì vậy, trong trường hợp sự kiện bất ngờ, việc chủ thể không thấy trước hậu quả thiệt hại mà hành vi mình gây ra là do khách quan. Có một trường hợp cần phân biệt rõ nữa là giữa sự kiện bất ngờ và trường hợp bất khả kháng. Chủ thể trong trường hợp bất khả kháng không có cách nào ngăn ngừa được hậu quả thiệt hại mà họ đã thấy trước. Phân tích cụ thể hơn về Điều 20 của Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 về sự kiện bất ngờ rằng:

– Hành vi được nói đến ở đây là hành vi gây hậu quả nguy hại chứ không phải hành vi nguy hiểm cho xã hội, tức nhà làm luật đang chú trọng đến hậu quả nguy hại chứ không chú trọng đến hành vi. Hành vi gây hậu quả nguy hại có thể là hành vi hợp pháp hoặc bất hợp pháp.

Ví dụ: Anh C 30 tuổi có hành vi năng lực dân sự đầy đủ đang lưu thông trên đường và tuân thủ pháp luật giao thông (tức hành vi hợp pháp), nhưng bất chợt chị D xuất hiện trước đầu xe anh C khiến cho anh C không kịp dừng xe và đâm phải chị D khiến chị D tử vong tại chỗ. Ở đây, anh C là người gây thiệt hại, năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

Tuy nhiên, anh C sẽ không chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi gây thương tật cho chị D. Nguyên nhân do anh C không thể biết và không buộc phải biết chị D có mong muốn tự tử nên băng qua đường va vào xe của anh C. Bên cạnh đó, anh C cũng không hề mong muốn việc chị D bị thương xảy ra. Do đó trong tình huống trên là sự kiện bất ngờ mà Bộ luật Hình sự sẽ loại trừ trách nhiệm hình sự với hành vi gây thương tích của anh C với chị D. Đây cũng là minh chứng cho việc hành vi hợp pháp nhưng vẫn có thể gây nguy hại.

– Pháp luật quy định sự kiện bất ngờ không đòi hỏi chủ thể phải thấy trước hậu quả hành vi của mình. Với ví dụ được nêu trên, anh C tham gia giao thông đúng luật nên pháp luật không thể bắt anh C phải lường trước hậu quả khi anh tuân thủ pháp luật.

– Trong trường hợp sự kiện bất ngờ xảy ra, pháp luật không đặt ra yêu cầu chịu trách nhiệm hình sự.

Chính vì vậy, sự kiện bất ngờ là sự kiện không ai mong muốn xảy ra, hậu quả nguy hại hoàn toàn khách quan và không ai có thể lường trước. Tuy nhiên, việc này cũng một phần nhắc nhở các chủ thể cần hành động cẩn trọng, đặc biệt là tuân thủ pháp luật để tránh những hậu quả nguy hại cho xã hội.

Phía trên đã có nhắc đến trường hợp sự kiện bất ngờ và trường hợp lỗi vô ý do cẩu thả là hai trường hợp khác nhau nhưng khá dễ bị nhầm lẫn. Vì đều có điểm chung là người phạm tội không thấy trước được hậu quả do hành vi của mình gây ra nguy hại cho xã hội nên mọi người thường hay nhầm lẫn giữa hai khái niệm này. Tuy nhiên, đây là hai trường hợp khác nhau hoàn toàn và cụ thể khác nhau ở những điểm như sau:

– Về mặt lỗi:

Lỗi vô ý do cẩu thả: sự việc xảy ra do lỗi vô ý của người thực hiện

Sự kiện bất ngờ: sự việc xảy ra không phải do lỗi của người thực hiện

– Về mặt hậu quả:

Lỗi vô ý do cẩu thả: người thực hiện hành vi có thể thấy trước được hậu quả hoặc có đủ điều kiện để pháp luật buộc phải thấy trước hậu quả

Sự kiện bất ngờ: người thực hiện hành vi không thể thấy trước hoặc pháp luật không buộc phải thấy trước hậu quả

– Nguyên nhân gây ra hậu quả:

Lỗi vô ý do cẩu thả: do sự cẩu thả của người thực hiện hành vi

Sự kiện bất ngờ: do hoàn cảnh khách quan tác động đến người thực hiện hành vi

– Trách nhiệm pháp lý:

Lỗi vô ý do cẩu thả: người thực hiện hành vi vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của mình

Sự kiện bất ngờ: người thực hiện hành vi được loại trừ trách nhiệm hình sự về hành vi của mình

2. Những dấu hiệu của sự kiện pháp lý

Một là, chủ thể thực hiện hành vi phải là chủ thể đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự.

Nếu không đáp ứng điều kiện này họ “vô tội” không phải vì yếu tố sự kiện bất ngờ mà vì họ không có năng lực chịu trách nhiệm hình sự.

Hai là, như đã nêu tại phần trên, hành vi phải xâm hại đến lợi ích mà pháp luật hình sự bảo vệ, tức là trong giới hạn “nguy hiểm” mà pháp luật hình sự quy định mà trên thực tế nó phải gây hại cho xã hội.

Ba là, về ý chí của người thực hiện hành vi. Người thực hiện hành vi thực tế không mong muốn hậu quả của hành vi đó xảy ra. Vấn đề này trong Điều 20 không mô tả nhưng đây là một điều kiện để chứng minh rằng mặc dù người thực hiện hành vi nguy hiểm nhưng được miễn trừ trách nhiệm hình sự.

Bốn là, về lý trí của người thực hiện hành vi. Chủ thể không nhận thức rằng khi thực hiện hành vi thì sẽ có hậu quả, hay là không thấy được hậu quả và họ cũng không có nghĩa cụ phải biết điều đó. Trong trường hợp họ có nghĩa vụ phải biết điều đó và có điều kiện để biết điều đó thì họ có thể bị truy cứu vì lỗi vô ý do cẩu thả đối với một tội phạm nào đó tương ứng.

3. Trách nhiệm pháp lý

Sự kiện bất ngờ là trường hợp đã gây ra hậu quả thiệt hại cho xã hội nhưng người có hành vi đó lại không phải chịu trách nhiệm hình sự vì họ không buộc phải thấy trước hoặc không thể hoặc không thể thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi mình gây ra hay nói cách khác vì họ không có lỗi. Sự kiện bất ngờ xảy ra có thể là do hoàn cảnh cụ thể.

Chẳng hạn, E và D đang chơi với nhau tại vỉa hè; trong lúc cười đùa không để ý, E xô nhẹ D xuống đường nhưng không ngờ D khi bị xô lại dẫm phải dầu nhớt trơn trượt ngã xuống, thái dương của D đập vào một viên gạch ở lòng đường và bị trọng thương. Trường hợp có thể thấy rằng E không hề biết trước được khi xô D thì D sẽ bị ngã và bị đập đầu như thế, tức không thấy trước được hậu quả cho hành động của mình. Sự kiện bất ngờ do đặc điểm chủ quan của người thực hiện hành vi. Như việc một chị công nhân mới vào học việc tại nhà máy, được giao nhiệm vụ trông coi máy cho người phụ trách máy đi ra ngoài có việc cần, chị phát hiện một tia lửa tại bộ phận máy nên hoảng hốt vội vàng hãm máy, chính vì bước hãm máy được thực hiện trong sự mất bình tĩnh nên đã không theo đúng trình tự khiến cho máy đó bị hỏng nặng.

Nói một cách cụ thể và rõ ràng hơn thì sự kiện bất ngờ là một trong những trường hợp được loại trừ trách nhiệm hình sự được quy định tại Chương IV của Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 về những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự.

Sau tất cả những phân tích trên có thể thấy rằng để đáp ứng được các tiêu chí về sự kiện bất ngờ thì đó phải là sự kiện nằm ngoài ý chí khách quan của người thực hiện hành vi. Đồng thời họ không thể lường trước được việc xảy ra sự kiện bất ngờ đó.

Ví dụ một người đang lái xe ô tô trên đường theo đúng làn đường, đúng quy định của Luật giao thông đường bộ nhưng có trẻ em đang chơi trên vỉa hè gần đó làm rơi trái bóng nên chạy theo để nhặt và băng qua trước xe ô tô đột ngột dẫn đến việc người lái xe phải bẻ bánh lái, đâm vào ô tô khác gây tai nạn. Trong trường hợp này thì họ không phải chịu trách nhiệm hình sự do đây được xác định là sự kiện bất ngờ. Tuy nhiên, xét ngược lại nếu có căn cứ thể hiện rõ người điều khiển phương tiện ô tô đi lấn làn, vượt đèn đỏ hoặc vi phạm các quy định của pháp luật về an toàn giao thông mà gây tai nạn thì họ phải chịu trách nhiệm hình sự.

Có những sự kiện bất ngờ mang đến niềm vui và sự hạnh phúc nhưng cũng có bất ngờ đem lại hậu quả nguy hại thì trường hợp này hầu như không ai mong muốn. Nhưng chúng ta không thể làm chủ hoàn toàn được cuộc sống nên trường hợp xảy ra sự kiện bất ngờ là việc không ai có thể biết trước được. Pháp luật Việt Nam cũng đã tạo điều kiện cho trường hợp này được loại trừ trách nhiệm hình sự. Mong rằng sau bài phân tích trên của Luật Dương Gia có thể giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về sự kiện bất ngờ và luôn cẩn trọng trong cuộc sống để tránh những trường hợp xấu nhất xảy đến.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Dương Gia về sự kiện bất ngờ. Trường hợp có thắc mắc bạn vui lòng liên hệ theo số hotline 19006586 để được hỗ trợ.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon