Hoàn thiện quy định về điều kiện thực hiện quyền kháng cáo

hoan-thien-quy-dinh-ve-dieu-kien-thuc-hien-quyen-khang-cao

Quyền kháng cáo của người bị buộc tội là một trong những quyền con người được ghi nhận trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị. Việc quy định hành lang pháp lý đối với quyền kháng cáo nhằm tạo dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân, đồng thời góp phần củng cố lòng tin của nhân dân vào hoạt động xét xử của Toà án. Tuy nhiên, thực tế cho thấy quy định về điều kiện thực hiện quyền kháng cáo vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập. Do đó, cần thiết phải nhanh chóng, kịp thời hoàn thiện các quy định trên. Vậy quy định về điều kiện thực hiện quyền kháng cáo có thể được hoàn thiện như thế nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Cơ sở pháp lý:

1. Quyền kháng cáo là gì?

Hiện nay pháp luật không có quy định cụ thể kháng cáo là gì mà chỉ quy định người có quyền kháng cáo. Tuy nhiên dựa theo quy định của pháp luật cũng như trên thực tế chúng ta có thể hiểu một vụ án sẽ được xét xử qua hai cấp: sơ thẩm và phúc thẩm. Sau khi xử sơ thẩm, nếu đương sự không đồng ý với phán quyết của tòa sơ thẩm thì có quyền chống án hay còn gọi là “kháng cáo”, yêu cầu tòa cấp trên xét xử một lần nữa theo trình tự phúc thẩm. Như vậy, người có quyền kháng cáo nếu không đồng tình về các quyết định của Tòa án trong bản án hoặc quyết định sơ thẩm thì có thể đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại bản án hoặc quyết định này. Đó gọi là kháng cáo.

2. Người có quyền kháng cáo

Theo quy định tại Điều 331 Bộ luật hình sự 2015 người có quyền kháng cáo gồm:

  •  Bị cáo, bị hại, người đại diện của họ có quyền kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm.
  •  Người bào chữa có quyền kháng cáo để bảo vệ lợi ích của người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà mình bào chữa.
  •  Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người đại diện của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến việc bồi thường thiệt hại.
  • Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người đại diện của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ.
  • Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự là người dưới 18 tuổi hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người mà mình bảo vệ.
  • Người được Tòa án tuyên không có tội có quyền kháng cáo về các căn cứ mà bản án sơ thẩm đã xác định là họ không có tội.

3. Hoàn thiện quy định về điều kiện thực hiện quyền kháng cáo của người bị buộc tội

Kháng cáo của người bị buộc tội chỉ có hiệu lực khi thoả mãn các điều kiện nhất định, đó là sự hợp pháp của kháng cáo về đối tượng, chủ thể, giới hạn, thời hạn, hình thức và thủ tục. Sự hợp pháp của kháng cáo là điều kiện tiên quyết để Toà án cấp phúc thẩm xem xét và quyết định về nội dung.

3.1. Về chủ thể kháng cáo

Chủ thể kháng cáo với tư cách người bị buộc tội là bị cáo (điểm m khoản 2 Điều 61, khoản 1 Điều 331 Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015), tức là cá nhân hoặc pháp nhân đã bị Tòa án quyết định đưa ra xét xử (khoản 1 Điều 61 Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015). Bị can – cá nhân hoặc pháp nhân bị khởi tố về hình sự không được pháp luật quy định quyền kháng cáo. Việc không quy định quyền kháng cáo của bị can là không hợp lý vì lý do sau:

Trong số những quyết định sơ thẩm là đối tượng của kháng cáo có những quyết định liên quan đến bị can. Đó là quyết định tạm đình chỉ vụ án, đình chỉ vụ án của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa khi chuẩn bị xét xử sơ thẩm đối với bị can (khoản 2 Điều 330 Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015); quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh của Chánh án Tòa án khi chuẩn bị xét xử sơ thẩm đối với bị can (điểm b khoản 2 Điều 44, khoản 2 Điều 453 Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015). Bị can là chủ thể chịu tác động trực tiếp của những quyết định sơ thẩm nói trên nên bị can có lý do để kháng cáo. Cụ thể:

Thứ nhất, bị can có thể kháng cáo về căn cứ của quyết định sơ thẩm. Ví dụ: Bị can không đồng ý với căn cứ được viện dẫn trong quyết định đình chỉ vụ án, mà muốn được đình chỉ vụ án với căn cứ khác có lợi cho họ hơn. Trường hợp này, nếu kháng cáo của bị can có căn cứ và hợp pháp thì Hội đồng phúc thẩm sửa quyết của Tòa án cấp sơ thẩm theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 361 Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015. Mặt khác, việc ghi nhận quyền kháng cáo của bị can về căn cứ của quyết định đình chỉ vụ án bảo đảm công bằng với quy định bị cáo được Tòa án tuyên không có tội có quyền kháng cáo về căn cứ mà bản án sơ thẩm đã xác định là họ không có tội (khoản 6 Điều 331 Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015).

Thứ hai, bị can có thể kháng cáo toàn bộ quyết định sơ thẩm. Ví dụ: Bị can không đồng ý với quyết định tạm đình chỉ vụ án, mà muốn được đình chỉ vụ án; Bị can không đồng ý với quyết định tạm đình chỉ vụ án, quyết định đình chỉ vụ án của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh của Chánh án Tòa án, mà muốn được đưa ra xét xử để tranh tụng tại phiên tòa. Trường hợp này, nếu kháng cáo của bị can hợp pháp và có căn cứ, Hội đồng phúc thẩm hủy quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm để tiếp tục giải quyết vụ án theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 361 Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015.

Từ những phân tích trên, chúng tôi kiến nghị bổ sung quy định về quyền kháng cáo của bị can đối với quyết định sơ thẩm. Cụ thể: khoản 2 Điều 60 Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015 cần sửa đổi, bổ sung như sau: “Bị can có quyền: … Kháng cáo quyết định sơ thẩm ; khoản 1 Điều 331 Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015 cần sửa đổi, bổ sung như sau: Bị can, bị cáo, bị hại, người đại diện của họ có quyền kháng cáo bản án, quyết định sơ thẩm liên quan đến mình hoặc người mà mình đại diện”.

3.2. Về thời hạn kháng cáo

Thời hạn kháng cáo là khoảng thời gian cần thiết theo quy định của pháp luật để chủ thể kháng cáo thực hiện việc kháng cáo. Thời hạn kháng cáo tính từ thời điểm bắt đầu đến thời điểm kết thúc thời hạn kháng cáo. Để xác định thời điểm bắt đầu thời hạn kháng cáo pháp luật quy định ngày được xác định. Theo quy định tại khoản 1 Điều 333 Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015, ngày xác định đối với bị cáo có mặt tại phiên tòa sơ thẩm là ngày tuyên án: “Thời hạn kháng cáo đối với bản án sơ thẩm là 15 ngày kể từ ngày tuyên án”. Tuy nhiên, thời hạn Tòa án giao bản án sơ thẩm cho bị cáo cũng tính từ cùng một thời điểm là ngày tuyên án: “Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày tuyên án, Tòa án cấp sơ thẩm phải giao bản án cho bị cáo…” (khoản 1 Điều 226 Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015). Như vậy, nếu gần hết thời hạn 10 ngày kể từ ngày tuyên án, Toà án cấp sơ thẩm mới giao bản án thì không vi phạm pháp luật nhưng không bảo đảm thời hạn hợp lí cho việc nghiên cứu bản án sơ thẩm và quyết định việc kháng cáo một cách thận trọng. Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc nhấn mạnh: “để thực hiện có hiệu quả quyền được phúc thẩm, cần bảo đảm để người bị kết án có quyền tiếp cận với bản án của Tòa sơ thẩm và cả các hồ sơ khác, ví dụ như biên bản phiên tòa, để họ chuẩn bị cho việc kháng cáo có hiệu quả”.

Từ những phân tích trên, chúng tôi kiến nghị một trong hai phương án:

Thứ nhất, sửa đổi quy định về thời điểm tính thời hạn kháng cáo bản án sơ thẩm đối với chủ thể kháng cáo có mặt tại phiên tòa là từ ngày giao bản án. Cụ thể, khoản 1 Điều 333 Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015 cần sửa đổi như sau: Thời hạn kháng cáo bản án sơ thẩm đối với người kháng cáo có mặt tại phiên tòa là 15 ngày kể từ ngày giao bản án theo quy định tại khoản 1 Điều 226 của Bộ luật này”.

Thứ hai, giữ nguyên quy định về thời điểm tính thời hạn kháng cáo bản án sơ thẩm đối với người kháng cáo có mặt tại phiên tòa kể từ ngày tuyên án, đồng thời rút ngắn thời hạn giao bản án. Cụ thể, khoản 1 Điều 226 Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015 cần được sửa đổi như sau: Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày tuyên án, Tòa án cấp sơ thẩm phải giao bản án cho bị cáo….

3.3. Về hình thức kháng cáo

Hình thức kháng cáo là phương thức theo quy định của pháp luật thể hiện nội dung kháng cáo. Kháng cáo được thực hiện dưới hình thức đơn kháng cáo hoặc trình bày trực tiếp.

Về hình thức đơn kháng cáo, khoản 1 Điều 332 Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015 quy định: “Người kháng cáo phải gửi đơn kháng cáo đến Toà án đã xét xử sơ thẩm hoặc Toà án cấp phúc thẩm. Trường hợp bị cáo đang bị tạm giam, Giám thị Trại tạm giam, Trưởng Nhà tạm giữ phải bảo đảm cho bị cáo thực hiện quyền kháng cáo, nhận đơn kháng cáo và chuyển cho Toà án cấp sơ thẩm đã ra bản án, quyết định bị kháng cáo”.

Về hình thức trình bày trực tiếp, khoản 1 Điều 332 Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015 quy định: “Người kháng cáo có thể trình bày trực tiếp với Toà án đã xét xử sơ thẩm hoặc Toà án cấp phúc thẩm về việc kháng cáo”. Như vậy, người kháng cáo không được trình bày trực tiếp về việc kháng cáo với Giám thị Trại tạm giam, Trưởng Nhà tạm giữ. Quy định này không bảo đảm quyền kháng cáo của người bị tạm giam không biết chữ hoặc không có khả năng làm đơn kháng cáo. Mặt khác, điều luật chỉ quy định việc kháng cáo của “bị cáo đang bị tạm giam” mà không quy định việc kháng cáo của những chủ thể khác như bị can đang bị tạm giam, hoặc bị hại, đương sự đang bị tạm giam về một tội khác là không bảo đảm công bằng.       

Từ những phân tích trên, chúng tôi kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 1 Điều 332 Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015 như sau: “Trường hợp người kháng cáo đang bị tạm giam, Giám thị Trại tạm giam, Trưởng Nhà tạm giữ phải bảo đảm cho họ thực hiện quyền kháng cáo, nhận đơn kháng cáo hoặc lập biên bản về việc kháng cáo và chuyển cho Tòa án cấp sơ thẩm đã ra bản án, quyết định bị kháng cáo”.

Theo quy định tại Điều 335 Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015, kháng cáo quá hạn chỉ được thực hiện dưới hình thức “đơn kháng cáo quá hạn”. Việc không quy định kháng cáo quá hạn dưới hình thức trình bày trực tiếp là không bảo đảm quyền của bị can, bị cáo nói riêng, của chủ thể kháng cáo nói chung không biết chữ, không có khả năng làm đơn kháng cáo. Vì vậy, các khoản 2, 3, 4 của điều luật này cần được sửa đổi theo hướng bỏ từ “đơn” trong cụm từ “đơn kháng cáo quá hạn”, cụ thể:

“2. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được kháng cáo quá hạn, Tòa án cấp sơ thẩm phải gửi kháng cáo, bản tường trình của người kháng cáo về lý do kháng cáo quá hạn và chứng cứ, tài liệu, đồ vật kèm theo (nếu có) cho Tòa án cấp phúc thẩm.

3. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được kháng cáo quá hạn và chứng cứ, tài liệu, đồ vật kèm theo (nếu có), Tòa án cấp phúc thẩm thành lập Hội đồng gồm ba Thẩm phán để xem xét kháng cáo quá hạn. Hội đồng xét kháng cáo quá hạn có quyền ra quyết định chấp nhận hoặc không chấp nhận kháng cáo quá hạn và phải ghi rõ lý do của việc chấp nhận hoặc không chấp nhận trong quyết định.

4. Phiên họp xét kháng cáo quá hạn phải có sự tham gia của Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp. Trong thời hạn 03 ngày trước ngày xét kháng cáo quá hạn, Tòa án cấp phúc thẩm gửi bản sao kháng cáo quá hạn và chứng cứ, tài liệu kèm theo (nếu có) cho Viện kiểm sát cùng cấp. Kiểm sát viên phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về việc xét kháng cáo quá hạn”.    

Trên đây là những phân tích về “Hoàn thiện quy định về điều kiện thực hiện quyền kháng cáo”. Hy vọng qua bài viết của chúng tôi, giúp các bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này. Nếu có bất kỳ thắc mắc về nội dung trên hoặc những vấn đề về pháp luật khác hãy liên hệ hotline 1900.6568 để được chuyên viên tư vấn và hỗ trợ.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon