Cơ cấu tổ chức quản lý của Doanh nghiệp nhà nước

co-cau-to-chuc-quan-ly-cua-doanh-nghiep-nha-nuoc

Trong quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với sự tham gia của các doanh nghiệp thuộc nhiều thành phần kinh tế khác nhau thì việc nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước là vấn đề được Đảng và Nhà nước quan tâm. Các doanh nghiệp nhà nước cũng là một bộ phận quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, là lực lượng vật chất to lớn giúp Nhà nước giải quyết nhiều vấn đề  kinh tế – xã hội, đem lại nguồn ngân sách lớn cũng như cải thiện đời sống xã hội của nhân dân. Để doanh nghiệp nhà nước hoạt động hiệu quả thì doanh nghiệp cần có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, quản lý đồng bộ. Bài viết dưới đây sẽ đi vào phân tích nội dung về cơ cấu tổ chức quản lý của doanh nghiệp nhà nước.

Căn cứ pháp lý: 

– Luật Doanh nghiệp năm 2020.

1. Cơ cấu tổ chức của Doanh nghiệp nhà nước

Cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định tổ chức quản lý doanh nghiệp nhà nước dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên theo một trong hai mô hình sau đây:

– Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Ban kiểm soát;

– Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Ban kiểm soát.

Tùy thuộc vào loại hình công ty của doanh nghiệp nhà nước để xác định người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2020.

2. Hội đồng thành viên

– Hội đồng thành viên nhân danh công ty thực hiện quyền và nghĩa vụ của công ty theo quy định của Luật doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan. Hội đồng thành viên bao gồm Chủ tịch và các thành viên khác, số lượng không quá 07 người. Thành viên Hội đồng thành viên do cơ quan đại diện chủ sở hữu bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, khen thưởng, kỷ luật.

– Nhiệm kỳ của Chủ tịch và thành viên khác của Hội đồng thành viên không quá 05 năm. Thành viên Hội đồng thành viên có thể được bổ nhiệm lại. Một cá nhân được bổ nhiệm làm thành viên Hội đồng thành viên không quá 02 nhiệm kỳ tại một công ty, trừ trường hợp đã có trên 15 năm làm việc liên tục tại công ty đó trước khi được bổ nhiệm lần đầu.

3. Chủ tịch công ty

– Chủ tịch công ty do cơ quan đại diện chủ sở hữu bổ nhiệm theo quy định của pháp luật. Chủ tịch công ty có nhiệm kỳ không quá 05 năm và có thể được bổ nhiệm lại. Một cá nhân được bổ nhiệm không quá hai nhiệm kỳ, trừ trường hợp người được bổ nhiệm đã có trên 15 năm làm việc liên tục tại công ty đó trước khi được bổ nhiệm lần đầu.

– Tiêu chuẩn, điều kiện và các trường hợp miễn nhiệm, cách chức Chủ tịch công ty được thực hiện theo quy định tại Điều 93 và Điều 94 của Luật doanh nghiệp, tức là phải đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện của thành viên Hội đồng thành viên.

– Tiêu chuẩn, điều kiện của thành viên Hội đồng thành viên:

+ Không thuộc đối tượng không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật doanh nghiệp năm 2020.

+ Có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản trị kinh doanh hoặc trong lĩnh vực, ngành, nghề hoạt động của doanh nghiệp.

+ Không phải là người có quan hệ gia đình của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan đại diện chủ sở hữu; thành viên Hội đồng thành viên; Giám đốc, Phó giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc và Kế toán trưởng của công ty; Kiểm soát viên công ty.

+ Không phải là người quản lý doanh nghiệp thành viên.

+ Trừ Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên khác của Hội đồng thành viên có thể kiêm Giám đốc, Tổng giám đốc công ty đó hoặc công ty khác không phải là doanh nghiệp thành viên theo quyết định của cơ quan đại diện chủ sở hữu.

+ Chưa từng bị cách chức Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Giám đốc, Phó giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc của doanh nghiệp nhà nước.

+ Tiêu chuẩn và điều kiện khác quy định tại Điều lệ công ty.

4. Giám đốc hoặc Tổng giám đốc

– Giám đốc hoặc Tổng giám đốc do Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty bổ nhiệm hoặc thuê theo phương án nhân sự đã được cơ quan đại diện chủ sở hữu chấp thuận. Giám đốc hoặc Tổng giám đốc có nhiệm vụ điều hành các hoạt động hằng ngày của công ty.

– Công ty có một hoặc một số Phó giám đốc hoặc Phó Tổng giám đốc. Số lượng, thẩm quyền bổ nhiệm Phó giám đốc hoặc Phó Tổng giám đốc quy định tại Điều lệ công ty. Quyền và nghĩa vụ của Phó giám đốc hoặc Phó Tổng giám đốc quy định tại Điều lệ công ty, hợp đồng lao động.

– Để trở thành Giám đốc, Tổng giám đốc phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện sau:

+ Không thuộc đối tượng không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật doanh nghiệp năm 2020.

+ Có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản trị kinh doanh hoặc trong lĩnh vực, ngành, nghề kinh doanh của công ty.

+ Không phải là người có quan hệ gia đình của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan đại diện chủ sở hữu; thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty; Phó Tổng giám đốc, Phó giám đốc và Kế toán trưởng của công ty; Kiểm soát viên công ty.

+ Chưa từng bị cách chức Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Phó giám đốc hoặc Phó Tổng giám đốc tại công ty hoặc ở doanh nghiệp nhà nước khác.

+ Không được kiêm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của doanh nghiệp khác.

+ Tiêu chuẩn, điều kiện khác quy định tại Điều lệ công ty.

5. Ban kiểm soát

Căn cứ quy mô của công ty, cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định thành lập Ban kiểm soát có từ 01 đến 05 Kiểm soát viên, trong đó có Trưởng Ban kiểm soát. Nhiệm kỳ Kiểm soát viên không quá 05 năm và có thể được bổ nhiệm lại nhưng không quá 02 nhiệm kỳ liên tục tại công ty đó. Trường hợp Ban kiểm soát chỉ có 01 Kiểm soát viên thì Kiểm soát viên đó đồng thời là Trưởng Ban kiểm soát và phải đáp ứng tiêu chuẩn của Trưởng Ban kiểm soát. Như vậy, trong cơ cấu tổ chức quản lý của doanh nghiệp nhà nước bắt buộc phải có Ban kiểm soát.

– Chế độ làm việc của Ban kiểm soát:

+ Trưởng Ban kiểm soát xây dựng kế hoạch công tác hằng tháng, hằng quý và hằng năm của Ban kiểm soát; phân công nhiệm vụ và công việc cụ thể cho từng Kiểm soát viên.

+ Kiểm soát viên chủ động và độc lập thực hiện nhiệm vụ và công việc được phân công; đề xuất, kiến nghị thực hiện nhiệm vụ, công việc kiểm soát khác ngoài kế hoạch, ngoài phạm vi được phân công khi xét thấy cần thiết.

+ Ban kiểm soát họp ít nhất mỗi tháng một lần để rà soát, đánh giá, thông qua báo cáo kết quả kiểm soát trong tháng trình cơ quan đại diện chủ sở hữu; thảo luận và thông qua kế hoạch hoạt động tiếp theo của Ban kiểm soát.

+ Quyết định của Ban kiểm soát được thông qua khi có đa số thành viên dự họp tán thành. Các ý kiến khác với nội dung quyết định đã được thông qua phải được ghi chép đầy đủ, chính xác và báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu.

– Tiêu chuẩn, điều kiện của Trưởng ban kiểm soát, kiểm soát viên:

+ Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành về kinh tế, tài chính, kế toán, kiểm toán, luật, quản trị kinh doanh hoặc chuyên ngành phù hợp với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và có ít nhất 03 năm kinh nghiệm làm việc; Trưởng Ban kiểm soát phải có ít nhất 05 năm kinh nghiệm làm việc;

+ Không được là người quản lý công ty và người quản lý tại doanh nghiệp khác; không được là Kiểm soát viên của doanh nghiệp không phải là doanh nghiệp nhà nước; không phải là người lao động của công ty;

+ Không phải là người có quan hệ gia đình của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan đại diện chủ sở hữu của công ty; thành viên Hội đồng thành viên của công ty; Chủ tịch công ty; Giám đốc hoặc Tổng giám đốc; Phó giám đốc hoặc Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng; Kiểm soát viên khác của công ty;

+ Tiêu chuẩn và điều kiện khác quy định tại Điều lệ công ty.

6. Phân biệt doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân

Khái niệm “Doanh nghiệp tư nhân” ở đây không phải loại hình doanh nghiệp tư nhân được quy định tại Chương VII Luật Doanh nghiệp 2020. “Doanh nghiệp tư nhân” ở đây là những doanh nghiệp không phải do cơ quan, tổ chức nhà nước nắm giữ vốn điều lệ, cổ phần hoặc nắm giữ một tỷ lệ vốn điều lệ, cổ phần chưa đủ để trở thành doanh nghiệp nhà nước theo pháp luật doanh nghiệp.

Tiêu chí Doanh nghiệp Nhà nước Doanh nghiệp tư nhân
Chủ sở hữu – Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;

– Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

– Do cá nhân hoặc doanh nghiệp tư nhân khác làm chủ sở hữu (bao gồm cả tổ chức, cá nhân nước ngoài);

– Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Hình thức tồn tại – Công ty cổ phần;

– Công ty TNHH 1 thành viên;

– Công ty TNHH 2 thành viên.

– Công ty cổ phần;

– Công ty TNHH 1 thành viên;

– Công ty TNHH 2 thành viên;

– Công ty hợp danh;

– Doanh nghiệp tư nhân (quy định tại Chương VII Luật Doanh nghiệp 2020).

Quy mô Quy mô lớn. Thường được tổ chức theo các hình thức như công ty mẹ – công ty con, tập đoàn kinh tế. Đa dạng về quy mô. Tuy nhiên doanh nghiệp tư nhân chủ yếu là các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ.
Ngành nghề hoạt động

Hoạt động chủ yếu ở các ngành nghề kinh tế then chốt. Một số ngành, nghề kinh doanh độc quyền như:

– Hệ thống truyền tải điện quốc gia;

– Nhà máy thủy điện có quy mô lớn đa mục tiêu, nhà máy điện hạt nhân;

– In, đúc tiền và sản xuất vàng miếng;

– Xổ số kiến thiết;

– Hoạt động trong phạm vi ngành nghề quy định tại Quyết định 27/2018/QĐ-TTg về Ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam.

– Không được kinh doanh các ngành nghề độc quyền dành cho các doanh nghiệp nhà nước.

Như vậy, bài viết trên đây đã làm rõ nội dung về cơ cấu tổ chức quản lý của doanh nghiệp nhà nước. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006586 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon