Từ thời cổ đại cho đến nay, hôn nhân và gia đình luôn đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành, nuôi dưỡng và phát triển nhân cách con người, là nơi hội tụ các giá trị đạo đức, phong tục tập quán truyền thống hiện đại. Bởi sự quan trọng của hôn nhân và gia đình đối với xã hội là rất quan trọng, để xã hội có thể phát triển văn minh, tiên tiến hơn, giảm thiểu những hành vi trái với quy định của pháp luật về hôn nhân thì nhà nước đã đề ra các quy định và các chính sách cụ thể về vấn đề này. Vì vậy, trách nhiệm của Nhà nước và xã hội đối với hôn nhân và gia đình được thể hiện trong các quy định ra sao? Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ làm rõ hơn về nội dung trên.
Căn cứ pháp lý:
– Luật hôn nhân và gia đình năm 2014
1. Tầm quan trọng của Hôn nhân và gia đình
Có thể khẳng định rằng gia đình là tế bào của xã hội. Theo đó Hôn nhân và gia đình đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền tảng xã hội. Hôn nhân và gia đình là nơi sinh ra, nuôi dưỡng và giáo dục các thế hệ tương lai của đất nước, là nơi gìn giữ và phát triển các nét đẹp trong văn hóa của một dân tộc, một quốc gia. Để một xã hội phát triển thì trước hết các tế bào của xã hội phải phát triển khỏe mạnh, ngược lại nếu xuất hiện những tế bào không nguyên vẹn thì xã hội sẽ nhanh chóng suy thoái, những nét đặc trưng văn hóa đã xây dựng nghìn năm nay cũng vì thế bị bào mòn đi.
Khi đời sống hôn nhân được tạo ra dựa trên mục đích là yêu thương, tôn trọng, nuôi dưỡng và giáo dục con cái thì gia đình theo đó cũng được hình thành một cách trọn vẹn, góp phần cho sự phát triển lành mạnh và phồn vinh của xã hội.
Từ đó, chúng ta nhận thấy rằng hôn nhân và gia đình có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Nhận thức được tầm quan trọng đó, Nhà nước và xã hội đã có những quy định cụ thể hơn trong hệ thống pháp luật để đảm bảo hôn nhân và gia đình không phát triển sai mục đích, theo đúng những định hướng mà Nhà nước đã đặt ra, góp phần xây dựng một xã hội ngày càng khỏe mạnh và tiên tiến.
2. Trách nhiệm của nhà nước và xã hội đối với hôn nhân và gia đình?
Căn cứ theo Điều 4 Luật hôn nhân gia đình 2014 quy định, trách nhiệm của Nhà nước và xã hội đối với hôn nhân.
“1. Nhà nước có chính sách, biện pháp bảo hộ hôn nhân và gia đình, tạo điều kiện để nam, nữ xác lập hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng; xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc và thực hiện đầy đủ chức năng của mình; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về hôn nhân và gia đình; vận động nhân dân xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình, phát huy truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp thể hiện bản sắc của mỗi dân tộc.
2. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hôn nhân và gia đình. Các bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện quản lý nhà nước về hôn nhân và gia đình theo sự phân công của Chính phủ. Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan khác thực hiện quản lý nhà nước về hôn nhân và gia đình theo quy định của pháp luật.
3. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giáo dục, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, các thành viên của mình và mọi công dân xây dựng gia đình văn hóa; kịp thời hòa giải mâu thuẫn trong gia đình, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên gia đình. Nhà trường phối hợp với gia đình trong việc giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hôn nhân và gia đình cho thế hệ trẻ.”
Như chúng ta đã biết thì hiện nay gia đình được coi là tế bào sống của xã hội, là cái nôi nuôi dưỡng con người. Đây cũng là những giá trị đã ăn sâu vào văn hóa của nước ta, ngoài ra đây cũng còn là môi trường quan trọng hình thành nên nền giáo dục nhân cách, góp phần vào xây dựng sự nghiệp và ý chí bảo vệ Tổ quốc, hoà bình cho dân tộc ta. Gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt đây cũng là nội dung trong nhiều chính sách của nhà nước và pháp luật nói về hôn nhân.
Dựa trên các quy định của Luật hôn nhân gia đình 2014 chúng ta có thể thấy được nhà nước và pháp luật đã đề cao những vai trò của gia đình trong đời sống xã hội, giữ gìn phát huy truyền thống và những phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, xóa bỏ những phong tục, tập quán lạc hậu về hôn nhân gia đình và đưa những điều tốt đẹp mới mẻ lên hàng đầu.
Nhà nước ta xây dựng nên Luật hôn nhân và gia đình và theo đó các quy định của luật phải góp phần xây dựng, hoàn thiện và bảo vệ chế độ hôn nhân gia đình tiến bộ, xây dựng chuẩn mực pháp lý cho cách ứng xử của các thành viên trong gia đình, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên, kế thừa và phát huy truyền thống đạo đức tốt đẹp của gia đình Việt Nam nhằm xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc bền vững lâu dài.
Theo đó, trách nhiệm của Nhà nước đối với hôn nhân và gia đình được thể hiện như sau:
2.1. Có chính sách, biện pháp bảo hộ hôn nhân và gia đình
Căn cứ theo khoản 1 nêu trên đề cập đến quy định của pháp luật về việc đề ra những chính sách quyết định phát triển việc thực hiện quy định về hôn nhân và gia đình tốt hơn.
Có thể thấy hiện nay tại một số vùng dân tộc thiểu số trên đất nước ta, các hủ tục bắt vợ vẫn còn tồn tại. Điều này có thể xem đã vi phạm những chính sách mà Nhà nước ta đã đặt ra. Vì thế Nhà nước ta đề cao sự tuyên truyền, vận động để có thể nhanh chóng xóa bỏ những hủ tục lạc hậu có khả năng ảnh hưởng đến sự phát triển của gia đình và xã hội.
2.2. Thống nhất quản lý nhà nước về hôn nhân và gia đình
Căn cứ theo khoản 2 về việc quản lý nhà nước về hôn nhân và gia đình chúng ta nhận thấy pháp luật quy định hoàn toàn hợp lý, bởi phát huy sức mạnh để thực hiện quy định và chính sách pháp luật vào thực tiễn tốt hơn thì chúng ta cần bắt đầu từ việc thống nhất quản lý nhà nước về hôn nhân và gia đình và theo đó các cấp theo phân công của cấp trên sẽ có nhiệm vụ và quyền hạn thực hiện theo quy định của pháp luật đề ra.
2.3. Giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật hôn nhân và gia đình
Căn cứ theo khoản 3 thì việc tiếp thu pháp luật về hôn nhân và gia đình được chỉ đạo thực hiện đến từng người dân, từng cơ quan, tổ chức hay thậm chí các thế hệ trẻ – mầm non tương lai của đất nước cũng cần được giáo dục về hôn nhân và gia đình. Quy định càng nhấn mạnh sự quan trọng và cần thiết trong việc giáo dục pháp luật về hôn nhân và gia đình. Bởi không phải ai cũng có thể biết đến và am hiểu pháp luật, sự vận động và tuyên truyền là cần thiết nhằm bảo đảm cho việc thực hiện pháp luật được diễn ra rộng rãi và đúng quy định.
3. Nhà nước và xã hội đã thực hiện phổ biến giáo dục hôn nhân và gia đình như thế nào?
3.1. Những nhiệm vụ đã thực hiện được
– Hiện nay thì nhà nước và pháp luật của Việt Nam cũng đã có những chính sách giáo dục ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện các mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật hiện đại cho học sinh, sinh viên về hôn nhân và gia đình như việc khuyến khích các giáo viên, giảng viên và học sinh sinh viên sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại trong phổ biến, giáo dục pháp luật, tận dụng sự tiện lợi của việc sử dụng rộng rãi internet và các phương tiện truyền thông mới để thúc đẩy phổ biến, giáo dục pháp luật trong lĩnh vực hôn nhân để có thể hiểu biết hơn về quyền và nghĩa vụ trong hôn nhân.
– Đề ra và xây dựng các chuyên mục về pháp luật để học sinh, sinh viên có thể tham gia trao đổi, thảo luận trên các chuyên mục này, tạo diễn đàn pháp lý sôi nổi… từ đó nâng cao ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật về hôn nhân của giáo viên và học sinh, sinh viên.
3.2. Những điều cần thực hiện và phát huy
– Nên có nhiều các hoạt động để thực hiện các hoạt động giáo dục pháp quyền như chính sách hôn nhân và gia đình hay có thể là giáo dục về độ tuổi kết hôn, độ tuổi sinh con…để triển khai các ý chí sâu rộng và các hoạt động chủ đề giáo dục học tập. Như vậy có thể dễ dàng quán triệt nội dung pháp luật có liên quan nhằm tăng cường giáo dục pháp luật cho giáo viên và học sinh làm về lý luận và thực tiễn.
– Ngoài ra nhà nước ta cần đẩy mạnh công tác xây dựng bộ tài liệu tuyên truyền pháp luật có nội dung thống nhất, hình thức thể hiện đa dạng để có thể hoàn thiện và chuẩn hóa nội dung giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên, biên soạn tài liệu giảng dạy về hôn nhân và gia đình có hệ thống, có chất lượng, biên soạn hàng loạt tác phẩm điện ảnh, phim trường, truyền hình về pháp luật, tài liệu hướng dẫn đọc soạn thảo nghiên cứu phù hợp với đặc điểm, nhu cầu của thanh niên về hôn nhân và gia đình. Sách giáo khoa về hôn nhân và gia đình được biên soạn phù hợp, trình độ hiểu biết, khả năng nhận thức của học sinh sinh viên hiện nay.
– Ở các cấp chính quyền địa phương thì cần thực hiện tăng cường bằng nhiều hình thức công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác dân số,thống kê, kế hoạch hóa gia đình, nhân rộng các mô hình can thiệp giảm thiểu tảo hôn và kết hôn cận huyết thống, tuyên truyền kết hợp với các nguồn vốn dự án kịp thời động viên nhân dân, hỗ trợ kinh phí khai hoang phục hóa mở rộng diện tích cây trồng, vật nuôi.
– Tiếp tục xây dựng đời sống văn hóa bảo hộ gia đình theo hướng tiến bộ, trên cơ sở kế thừa và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, từng bước đẩy lùi, xóa bỏ các hủ tục đặc biệt trong việc cưới hỏi, việc tang và lễ hội, tạo điều kiện để người dân có thể tiếp cận với các nguồn vốn, khoa học kỹ thuật, nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh chóng. Dựa trên cơ sở đó, nâng cao mức sống cho người dân đặc biệt là các hộ đồng bào dân tộc ,các vùng dân tộc thiểu số,thuộc các bản xa xôi hẻo lánh.
Theo đó, Nhà nước đã và đang không ngừng nỗ lực để hoàn thiện hệ thống pháp luật về hôn nhân và gia đình, không những vậy các ban ngành từ trung ương đến địa phương cũng được quán triệt để nổ lực tuyên truyền, giáo dục về hôn nhân và gia đình nhằm mục đích góp phần cho xã hội ngày càng phát triển tiến bộ và lành mạnh.
Trên đây là toàn bộ các nội dung liên quan về trách nhiệm của Nhà nước và xã hội đối với hôn nhân và gia đình. Trường hợp có thắc mắc vui lòng liên hệ theo số hotline 19006568 để được hỗ trợ và tư vấn.