Một số thay đổi của BLHS năm 2015 về hình phạt

mot-so-thay-doi-cua-blhs-nam-2015-ve-hinh-phat

BLHS năm 2015 nói chung, các quy định về hình phạt và biện pháp tư pháp nói riêng là kết quả nội luật hóa các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, các cam kết quốc tế của Việt Nam và các khuyến nghị có liên quan của các tổ chức quốc tế. Trong quá trình xây dựng BLHS năm 2015, các cơ quan chức năng đã rà soát, nội luật hóa một cách đầy đủ, toàn diện các quy định có liên quan trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, các cam kết quốc tế của Việt Nam và các khuyến nghị của các tổ chức quốc tế. Theo đó, có nhiều thay đổi về hình phạt.

1. Thu hẹp phạm vi hình phạt tù

1.1. Thu hẹp phạm vi hình phạt tù chung thân

Tuy so với Điều 34 của BLHS năm 1999, quy định về phạm vi của hình phạt tù chung thân tại Điều 39 BLHS năm 2015 không thay đổi. Đó là áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, nhưng chưa đến mức bị xử phạt tử hình; không áp dụng hình phạt tù chung thân đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Tuy nhiên, quán triệt tinh thần của Hiến pháp năm 2013 đề cao và tăng cường bảo vệ quyền con người, quyền công và quan điểm chỉ đạo của Đảng về giảm hình phạt tù, tăng cường chính sách nhân đạo, phần các tội phạm của BLHS năm 2015 đã được sửa đổi theo hướng giảm hình phạt tù chung thân.

Đã có 20 tội danh trong Bộ luật này được bỏ hình phạt tù chung thân[1], thay vào đó hình phạt cao nhất là tù có thời hạn. Song, cũng là để tăng cường bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013 và nội luật hóa Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người, tội dùng nhục hình, Điều 373 BLHS năm 2015 quy định về tội dùng nhục hình, so với quy định của BLHS năm 1999 đã được sửa tăng hình phạt từ mức cao nhất là 12 năm tù lên tù chung thân (trường hợp phạm tội làm người bị nhục hình chết);

Điều 374 BLHS năm 2015 quy định về tội bức cung, so với quy định của BLHS năm 1999 đã được sửa tăng hình phạt từ mức cao nhất là 10 năm tù lên tù chung thân (phạm tội trong các trường hợp làm người bị bức cung chết, dẫn đến làm oan người vô tội, dẫn đến bỏ lọt tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng).

1.2. Thu hẹp phạm vi hình phạt tù có thời hạn

Tù có thời hạn là hình phạt rất nghiêm khắc trong trong hệ thống hình phạt, là việc tước tự do của người bị kết án, buộc họ phải cách ly khỏi đời sống xã hội bình thường, chấp hành hình phạt tại cơ sở giam giữ trong một thời hạn nhất định, sống trong môi trường chịu sự chi phối của những quy định rất chặt chẽ và nghiêm ngặt. Người bị áp dụng hình phạt tù đồng thời với việc bị tước quyền tự do thì nhiều quyền con người, quyền công dân khác cũng bị ảnh hưởng. Theo đó, việc giảm hình phạt tù là một biểu hiện cụ thể, thiết thực của tinh thần đề cao, tôn trọng quyền con người, quyền công dân của BLHS năm 2015.

Nội dung thể hiện tinh thần hạn chế hình phạt tù của BLHS năm 2015 là so với Điều 33 BLHS năm 1999, Điều 38 BLHS năm 2015 được bổ sung quy định (khoản 2): Không áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng do vô ý và có nơi cư trú rõ ràng.

Với việc bổ sung quy định này sẽ giảm đáng kể hình phạt tù trên thực tế. Quy định này là nguyên tắc chỉ đạo, quán xuyến trong xây dựng các điều luật thuộc phần các tội phạm của BLHS năm 2015 (hoạt động lập pháp) và là nguyên tắc phải tuân thủ trong hoạt động áp dụng các quy định của BLHS năm 2015.

Đối với hoạt động lập pháp, bằng quy định này tại phần các tội phạm của BLHS năm 2015, số lượng các điều luật không quy định hình phạt tù tăng từ 06 điều luật theo BLHS năm 1999 lên 26 điều luật, trong số đó có 05 điều luật được bổ sung mới.

Đối với hoạt động áp dụng pháp luật hình sự: Nếu người phạm tội thỏa mãn 04 điều kiện sau đây thì trong mọi trường hợp, Tòa án không được áp dụng hình phạt tù: (1) Phạm tội lần đầu (về bất cứ tội danh nào), (2) tội phạm đã thực hiện là tội ít nghiêm trọng (tội phạm mà mức cao nhất của khung hình phạt quy định đối với tội ấy là phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm), (3) lỗi của tội phạm đã thực hiện là vô ý, (4) người phạm tội có nơi cư trú rõ ràng.

2. Mở rộng phạm vi hình phạt tiền

Điều 35 BLHS năm 2015 được sửa đổi theo hướng mở rộng phạm vi áp dụng hình phạt tiền với tính chất là hình phạt chính, đồng thời quy định rõ các trường hợp phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính (khoản 1). Theo đó, phạt tiền là hình phạt chính không chỉ được áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng như quy định của BLHS năm 1999 mà cả trường hợp phạm tội nghiêm trọng. Riêng đối với nhóm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường, trật tự công cộng, an toàn công cộng và một số tội phạm khác thì phạt tiền là hình phạt chính có thể áp dụng đối với cả tội rất nghiêm trọng.

Quy định này đã được cụ thể hoá tại một số điều khoản thuộc phần các tội phạm của BLHS năm 2015. Hình phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với 112/314 tội phạm cụ thể, chiếm tỉ lệ hơn 35%, tập trung vào các tội xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân; các tội xâm phạm sở hữu; các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; các tội phạm về môi trường; các tội xâm phạm an toàn cộng cộng, trật tự công cộng và các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính.

Ví dụ: Đối với tội trốn thuế, theo Điều 161 BLHS năm 1999, hình phạt tiền áp dụng đối với trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng (phạm tội thuộc khoản 1 và khoản 2), nay Điều 200 mở rộng đối với cả trường hợp phạm tội nghiêm trọng (phạm tội thuộc các khoản 1, 2 và 3). Hoặc về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự: Theo Điều 163 BLHS năm 1999, hình phạt tiền áp dụng đối với trường hợp phạm tội thuộc khoản 1, nay Điều 201 mở rộng quy định đối với tất cả các trường hợp phạm tội.

Thu hẹp phạm vi tước quyền bầu cử – một trong những quyền bị tước theo hình phạt tước một số quyền công dân (Điều 44)

Theo Điều 39 BLHS năm 1999 thì một trong những quyền mà công dân Việt Nam bị kết án tù có thể bị tước đó là quyền bầu cử. Tuy nhiên, để tăng cường đảm bảo quyền con người, quyền công dân theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân nhân năm 2015 đã quy định quyền bầu cử chỉ bị hạn chế đối với người bị kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật và đang chấp hành bản án, quyết định của Tòa án. Đối với người đã chấp hành xong bản án, quyết định của Tòa án thì họ vẫn có quyền bầu cử. Vì vậy, Điều 44 BLHS năm 2015 đã bỏ quy định tước quyền bầu cử của người bị kết án tù về tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm khác do BLHS quy định.

3. Hình phạt cải tạo không giam giữ được nâng cao tính nhân đạo, khả thi, hiệu quả

Để tăng cường tính nhân đạo và nâng cao tính khả thi, hiệu quả của hình phạt cải tạo không giam giữ, BLHS năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung với nội dung mới là:

Thứ nhất, bổ  sung quy định không khấu trừ thu nhập đối với người chấp hành án là người đang thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Theo Điều 4 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 thì thực hiện nghĩa vụ quân sự bao gồm phục vụ tại ngũ và phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội nhân dân. Công dân phục vụ trong lực lượng Cảnh sát biển và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân được coi là thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ. Việc bổ sung quy định nêu trên vừa bảo đảm tính khả thi, vừa nâng cao tính nhân đạo của hình phạt.

Thứ hai, bổ sung quy định trường hợp người bị phạt cải tạo không giam giữ không có việc làm hoặc bị mất việc làm trong thời gian chấp hành hình phạt này thì phải thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng trong thời gian cải tạo không giam giữ do Tòa án quyết định. Quy định này thể hiện quan điểm giáo dục, cải tạo người phạm tội thông qua lao động, bảo đảm hiệu quả của hình phạt.

Điều 36 này cũng xác định cụ thể thời gian lao động phục vụ cộng đồng là không quá 4 giờ/một ngày và không quá 5 ngày/một tuần. Trên cơ sở khung thời gian này, Tòa án sẽ quyết định loại công việc và thời gian lao động cụ thể mà người bị kết án phải thực hiện căn cứ vào độ tuổi, tình trạng sức khỏe, khả năng và hoàn cảnh, điều kiện thực tế của người phạm tội.

BLHS năm 2015 cũng quy định không áp dụng biện pháp lao động phục vụ cộng đồng đối với năm đối tượng người bị kết án cải tạo không giam giữ là: (1) phụ nữ đang có thai; (2) phụ nữ đang nuôi con dưới 06 tháng tuổi; (3) người già yếu; (4) người bị bệnh hiểm nghèo; (5) người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng.

Thứ ba, bổ sung quy định về cách thức việc khấu trừ thu nhập của người bị kết án cải tạo không giam giữ, theo đó, thu nhập của người bị kết án sẽ được khấu trừ hàng tháng với mức do Tòa án quyết định (từ 05% đến 20%).

Thứ tư, Điều 36 BLHS năm 2015 bổ sung quy định người bị kết án cải tạo không giam giữ phải thực hiện những nghĩa vụ quy định tại Luật thi hành án hình sự.

Thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng là biện pháp mới trong thi hành hình phạt ở nước ta. Việc quy định biện pháp này là kết quả tiếp thu kinh nghiệm lập pháp về thi hành hình phạt không mang tính giam giữ của một số nước và khắc phục thiếu sót của Bộ luật hình sự năm 1999, nâng cao hiệu quả của hình phạt cải tạo không giam giữ. Theo đó, lao động phục vụ cộng đồng là buộc người bị kết án phải làm một số công việc phục vụ cộng đồng, vì lợi ích chung của xã hội như lao động làm vệ sinh môi trường ở những nơi công cộng; tu sửa, nạo vét, khơi thông hệ thống thoát nước thải; xây dựng, tu sửa các công trình thủy lợi, công trình vui chơi giải trí không vì mục đích kinh doanh… 

Hiện nay, pháp luật của Nhà nước ta chưa có các quy định cụ thể về việc thực hiện biện pháp này và từ trước đến nay chúng ta cũng chưa áp dụng một loại biện pháp chế tài nào tương tự như vậy nên chưa có cơ chế tạo tiền đề cho việc thi hành biện pháp này. Do vậy, cần sớm sửa đổi, bổ sung Luật thi hành án hình sự để bổ sung các quy định liên quan đến việc thi hành biện pháp buộc thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng áp dụng đối với người bị áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ. Theo đó, Luật cần phải quy định cơ quan có trách nhiệm tổ chức thi hành biện pháp này, danh mục các công việc lao động phục vụ cộng đồng…

[1]  Tội trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 121), tội đánh tráo người dưới 01 tuổi (Điều 152), tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi (Điều 153), tội công nhiên chiếm đoạt tài sản (Điều 172), tội trộm cắp tài sản (Điều 173), tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 175), tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (Điều 178), tội buôn lậu (Điều 188), tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành ngân phiếu giả, công trái giả (các tội danh này được ghép vào Điều 208 quy định về tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành công cụ chuyển nhượng giả hoặc các giấy tờ có giá giả khác), Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần (Điều 259), Tội đưa hối lộ (Điều 364), Tội khai báo hoặc tự nguyện làm việc cho địch khi bị bắt làm tù binh (Điều 400), tội bỏ vị trí chiến đấu (nay ghép vào Điều 401 quy định về tội bỏ vị trí chiến đấu hoặc không làm nhiệm vụ trong chiến đấu).   

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon