Tảo hôn là một tập tục xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới, thường đi kèm với một phong tục khác là hôn nhân sắp đặt. Đây là một vấn đề nhức nhối, cản trở tiến trình nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng dân số của mỗi người, mỗi gia đình và của toàn đất nước. Do đó, cần thiết phải có những biện pháp nhằm hạn chế, ngặn chặn tình trạng tảo hôn. Vậy dưới góc độ pháp luật tảo hôn là gì? Tội tổ chức tảo hôn bị xử phạt ra sao? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Cơ sở pháp lý:
- Bộ luật hình sự năm 2015
- Luật hôn nhân gia đình 2014
- Nghị định 82/2020/NĐ-CP
1. Tảo hôn là gì? Tổ chức tảo hôn là gì?
Theo quy định tại khoản 8 Điều 3 Luật hôn nhân gia đình năm 2014:
“Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 của Luật này.”
Điểm a khoản 1 Điều 8 Luật hôn nhân gia đình năm 2014 quy định:
“Điều 8. Điều kiện kết hôn
1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:
a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;…”
Như vậy, có thể hiểu tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn. Cụ thể: tuổi kết hôn là nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên.
Ví dụ: Anh A 30 tuổi, quen biết và có tình cảm với chị B 15 tuổi. Biết chuyện tình cảm của đôi trẻ và cũng mong muốn con trai lập và ổn định gia đình, Ông C và bà D là bố mẹ của A đã bàn với bố mẹ B tổ chức đám cưới, tiến hành đăng ký kết hôn. Như vậy, trong trường hợp này Chị B chưa đáp ứng điều kiện kết hôn là từ đủ 18 tuổi. Do đó, trường hợp đồng ý lấy anh A tại thời điểm này các bên sẽ vi phạm pháp luật về tảo hôn.
Tổ chức tảo hôn là tổ chức, tạo điều kiện cho nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng nhưng việc xác lập này trái với quy định của pháp luật, cụ thể là không đủ tuổi kết hôn. Hành vi này thường được thực hiện dưới dạng xác lập quan hệ không có đăng ký kết hôn nhưng có tổ chức lễ cưới.
Tảo hôn là hành vi bị cấm theo điểm b khoản 2 điều 5 Luật hôn nhân gia đình năm 2014 nhằm bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình. Đây không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn có hậu quả rất lớn đối với cá nhân, gia đình xã hội. Theo đó, kết hôn sớm sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến thể chất, tâm sinh lý, và đặc biệt là sức khoẻ sinh sản của người phụ nữ từ đó để lại nhiều di chứng nghiêm trọng cho bố, mẹ và con.
2. Ai có quyền yêu cầu Toà án huỷ việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm quy định về điều kiện độ tuổi kết hôn?
Quyền yêu cầu huỷ việc kết hôn trái pháp luật do vi phạm độ tuổi được quy định tại khoản 2 điều 10 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014. Theo đó:
“2. Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm quy định tại các điểm a, c và d khoản 1 Điều 8 của Luật này:
a) Vợ, chồng của người đang có vợ, có chồng mà kết hôn với người khác; cha, mẹ, con, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật khác của người kết hôn trái pháp luật;
b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
d) Hội liên hiệp phụ nữ.”
3. Trường hợp tảo hôn được công nhận vợ chồng
Mặc dù tảo hôn là hành vi vi phạm pháp luật, bị cấm nhằm bảo vệ quan hệ hôn nhân và gia đình. Tuy nhiên, trường hợp trên vẫn sẽ được công nhận vợ chồng nếu đáp ứng các điều kiện sau:
Thứ nhất, tại thời điểm Tòa án giải quyết yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật mà cả hai bên kết hôn đã có đủ các điều kiện kết hôn theo quy định tại Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014. Trong trường hợp này các bên đã đủ điểu kiện về độ tuổi như: nam từ đủ 20 tuổi, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên.
Thứ hai, hai bên yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân. Điều kiện này bắt buộc phải có, nếu các bên mặc dù đã đủ tuổi để kết hôn, không bị xem là tảo hôn mà sau khi bị xử lý không có yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân thì vẫn không được công nhận vợ chồng.
Quan hệ hôn nhân được xác lập từ thời điểm các bên đủ điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật.
4. Xử lý đối với hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn
Khi tảo hôn sẽ kéo theo nhiều hậu quả pháp lý. Theo đó, trước hết sẽ bị huỷ kết hôn vì trái với quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình. Tiếp đó, có thể bị xử lý về hành chính hoặc thậm chí là hình sự về hành vi tổ chức tảo hôn.
4.1. Xử phạt về hành chính khi tổ chức tảo hôn
Theo quy định tại điều 58 Nghị định 82/2020/NĐ-CP, hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hơn có thể bị xử phạt hành chính như sau:
“1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn.
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án.”
Như vậy, có hai trường hợp bị xử phạt hành chính gồm: hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ độ tuổi kết hôn và hành vi cố ý duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án.
4.2. Xử phạt về hình sự khi tổ chức tảo hôn
Người có hành vi tổ chức tảo hôn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội tổ chức tảo hôn được quy định tại Điều 183 Bộ luật Hình sự năm 2015. Cụ thể:
“Người nào tổ chức việc lấy vợ, lấy chồng cho những người chưa đến tuổi kết hôn, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.”
5. Các yếu tố cấu thành tội phạm tổ chức tảo hôn
Cũng giống các tội phạm khác, có 4 yếu tố cấu thành tội tảo hôn bao gồm: khách thể, chủ thể, mặt khách quan và mặt chủ quan.
5.1. Về mặt chủ thể
Chủ thể của tội tổ chức tảo hôn, tội tảo hôn cần đảm bảo các điều kiện cần và đủ về độ tuổi và năng lực chịu trách nhiệm hình sự. Đối với trường hợp này, vì đây là tội phạm thuộc phân loại ít nghiêm trọng cho nên chủ thể của tội tảo hôn chỉ những người đủ 16 tuổi trở lên. ( Theo quy định tại điều 12, 13 Bộ luật hình sự năm 2015).
Chủ thể của tội phạm này có thể là người thân của người chưa đến độ tuổi kết hôn như: ông bà, bố mẹ, anh chị em,… hoặc thậm chí không phải là người thân của người chưa đến độ tuổi kết hôn.
5.2. Về mặt khách thể
Khách thể của tội phạm này là quan hệ hôn nhân tiến bộ, thuộc các nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình được Luật hôn nhân và gia đình bảo vệ nhưng bị hành vi tổ chức tảo hôn xâm phạm trực tiếp.
5.3. Mặt khách quan của tội phạm tổ chức tảo hôn
Mặt khách quan của tội phạm là mặt bên ngoài của tội phạm, bao gồm: hành vi gây nguy hiểm cho xã hội; hậu quả tác hại do hành vi đó gây ra và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi nguy hiểm và hậu quả.
Về hành vi:
Tội tổ chức tảo hôn có thể thực hiện các hành vi như: chỉ huy, phân công các hoạt động để người chưa đến độ tuổi kết hôn được kết hôn; hoặc tìm người, mai mối cho người chưa đến độ tuổi kết hôn được kết hôn; hoặc chuẩn bị các điều kiện về vật chất, tinh thần cho người chưa đến độ tuổi kết hôn được kết hôn mà trước đó đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà vẫn tiếp tục tái phạm. Theo đó, đây là hành vi tái phạm, tạo điều kiện để thiết lập quan hệ vợ chồng trái pháp luật.
Về hậu quả:
Đối với tội tổ chức tảo hôn, hậu quả của tội này là những thiệt hại do hành vi tổ chức việc kết hôn cho người chưa đến độ tuổi kết hôn. Từ đó duy trì những phong tục tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình. Tội phạm hoàn thành từ khi một hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn xác lập quan hệ hôn nhân.
Về mối quan hệ nhân quả:
Tội phạm thực hiện hành vi tổ chức tảo hôn ( chỉ huy, phân công các hoạt động để người chưa đến độ tuổi kết hôn được kết hôn; hoặc tìm người, mai mối cho người chưa đến độ tuổi kết hôn được kết hôn; hoặc chuẩn bị các điều kiện về vật chất, tinh thần cho người chưa đến độ tuổi kết hôn) trực tiếp dẫn đến hậu quả thiệt hại do tổ chức tảo hôn, duy trì những phong tục tập quán lạc hậu.
5.4. Mặt chủ quan của tội phạm tổ chức tảo hôn
Mặt chủ quan của tội phạm là mặt bên trong của tội phạm. Nó là trạng thái tâm lý, ý chí chủ quan của người phạm tội đối với hành vi gây nguy hiểm cho xã hội mà người đó thực hiện và đối với hậu quả nguy hiểm cho xã hội do hành vi đó gây ra.
Người phạm tội thực hiện hành vi tổ chức tảo hôn tức là đã nhận thức rõ được việc tổ chức kết hôn cho những người chưa đến độ tuổi kết hôn là trái pháp luật, thấy trước được hậu quả xảy ra hoặc có thể xảy ra, mong muốn cho hậu quả xảy ra hoặc bỏ mặc cho hậu quả xảy ra. Đây là lỗi cố ý.
6. Tác hại và ảnh hưởng của việc tảo hôn
Nạn tảo hôn hiện nay vẫn còn đang duy trì, xuất hiện nhiều ở vùng dân tộc thiểu số. Theo đó nhiều trẻ em đã phải bỏ lỡ cơ hội học tập, phát triển và tận hưởng tuổi thơ của mình. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân, gia đình mà rộng hơn còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến xã hội. Cụ thể:
Về sức khoẻ, tinh thần:
Việc kết hôn trước độ tuổi quy định làm gia tăng tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh và tỉ lệ tử vong của các bà mẹ có liên quan đến thai sản. Bên cạnh đó, hệ luỵ về sau của việc sinh con sớm khiến cho phụ nữ gặp nhiều biến chứng nguy hiểm. Những em bé được sinh ra thường sẽ mắc nhiều bệnh hơn các em bé khác như: nhẹ cân, dị tật, chết non,…
Bên cạnh đó, sau khi kết hôn trẻ em không những không đảm bảo được về mặt sức khoẻ lại còn phải đối mặt với nhiều gánh nặng gia đình: cơm áo gạo tiền, nỗi lo toan về tình cảm trong hôn nhân gia đình. Tâm lý được đề cập đến ở đây bao gồm cả bé gái lẫn bé trai.
Về kinh tế – văn hoá, xã hội
Tảo hôn làm mất cơ hội việc làm, năng suất lao động, sản xuất thấp, kinh tế gặp khó khăn dẫn đến xuất hiện mâu thuẫn trong gia đình khiến nhiều gia đình tan vỡ.
Bên cạnh đó việc tảo hôn sẽ làm gia tăng dân số nhanh chóng, khiến chất lượng giáo dục, chăm sóc chịu nhiều ảnh hưởng. Tăng tỷ lệ người thiểu năng về thể chất, trí tuệ, khuyết tật, tạo gánh nặng cho xã hội.
Trên đây là nội dung bài viết của Luật Dương Gia về “Tội tổ chức tảo hôn”. Nếu có bất kì khó khăn hay vướng mắc gì trong quá trình tham khảo và áp dụng quy định trên, hãy liên hệ với chúng tôi theo số Hotline 19006568 để được tư vấn và hỗ trợ sớm nhất.