Hoàn thiện pháp luật về kháng cáo đối với phạm vi, thẩm quyền xét xử phúc thẩm

hoan-thien-phap-luat-ve-khang-cao-doi-voi-pham-vi-tham-quyen-xet-xu-phuc-tham

Quyền kháng cáo của người bị buộc tội là một trong những quyền con người được ghi nhận trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị. Việc quy định hành lang pháp lý đối với quyền kháng cáo nhằm tạo dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân, đồng thời góp phần củng cố lòng tin của nhân dân vào hoạt động xét xử của Toà án. Tuy nhiên, thực tế cho thấy quy định pháp luật về phạm vi xét xử phúc thẩm và thẩm quyền của Hội đồng xét xử phúc thẩm vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập. Do đó, cần thiết phải nhanh chóng, kịp thời hoàn thiện các quy định trên. Vậy quy định về phạm vi xét xử phúc thẩm và thẩm quyền của Hội đồng xét xử phúc thẩm có thể được hoàn thiện như thế nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Cơ sở pháp lý:

1. Quyền kháng cáo là gì?

Hiện nay pháp luật không có quy định cụ thể kháng cáo là gì mà chỉ quy định người có quyền kháng cáo. Tuy nhiên dựa theo quy định của pháp luật cũng như trên thực tế chúng ta có thể hiểu một vụ án sẽ được xét xử qua hai cấp : sơ thẩm và phúc thẩm. Sau khi xử sơ thẩm, nếu đương sự không đồng ý với phán quyết của tòa sơ thẩm thì có quyền chống án hay còn gọi là “kháng cáo”, yêu cầu tòa cấp trên xét xử một lần nữa theo trình tự phúc thẩm. Như vậy, người có quyền kháng cáo nếu không đồng tình về các quyết định của Tòa án trong bản án hoặc quyết định sơ thẩm thì có thể đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại bản án hoặc quyết định này. Đó gọi là kháng cáo.

2. Người có quyền kháng cáo

Theo quy định tại Điều 331 Bộ luật hình sự 2015 người có quyền kháng cáo gồm:

  •  Bị cáo, bị hại, người đại diện của họ có quyền kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm.
  •  Người bào chữa có quyền kháng cáo để bảo vệ lợi ích của người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà mình bào chữa.
  •  Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người đại diện của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến việc bồi thường thiệt hại.
  • Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người đại diện của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ.
  • Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự là người dưới 18 tuổi hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người mà mình bảo vệ.
  • Người được Tòa án tuyên không có tội có quyền kháng cáo về các căn cứ mà bản án sơ thẩm đã xác định là họ không có tội.

3. Hoàn thiện pháp luật tố tụng hình sự về phạm vi xét xử phúc thẩm và thẩm quyền của Hội đồng xét xử phúc thẩm

3.1. Về phạm vi xét xử phúc thẩm

Toà án cấp phúc thẩm thực hiện thẩm quyền trong phạm vi kháng cáo, kháng nghị. Nguyên tắc này được thể hiện trong quy định tại Điều 345 Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015: Tòa án cấp phúc thẩm xem xét phần nội dung của bản án, quyết định bị kháng cáo, kháng nghị. Tuy nhiên, điều luật cũng quy định ngoại lệ, cho phép Toà án cấp phúc thẩm xem xét và quyết định ngoài phạm vi kháng cáo, kháng nghị. Cụ thể: Nếu xét thấy cần thiết, có thể xem xét các phần khác của bản án, quyết định không bị kháng cáo, kháng nghị. Việc xem xét và quyết định ngoài phạm vi kháng cáo, kháng nghị cho phép Toà án cấp phúc thẩm khắc phục ngay sai lầm, vi phạm của Toà án cấp sơ thẩm, tiết kiệm thời gian và chi phí tố tụng. Tuy nhiên, điều luật không quy định thế nào là trường hợp “cần thiết”. Việc không quy định cụ thể các trường hợp Toà án cấp phúc thẩm xem xét ngoài phạm vi kháng cáo, kháng nghị có nguy cơ dẫn đến sự tùy tiện của Toà án cấp phúc thẩm, làm xấu hơn tình trạng của bị can, bị cáo, bị hại và đương sự không kháng cáo, không bị kháng cáo, kháng nghị, vi phạm quyền con người trong tố tụng hình sự. Vì vậy, cần quy định rõ trường hợp Toà án cấp phúc thẩm có thể xem xét các phần khác không bị kháng cáo, kháng nghị của bản án, quyết định sơ thẩm. Theo chúng tôi có hai trường hợp.

Thứ nhất, Toà án cấp phúc thẩm có thể xem xét các phần khác không bị kháng cáo, kháng nghị của bản án, quyết định sơ thẩm vì lợi ích của pháp luật.

Thứ hai, Toà án cấp phúc thẩm có thể xem xét các phần khác không bị kháng cáo, kháng nghị của bản án, quyết định sơ thẩm vì lợi ích của bị can, bị cáo, bị hại, đương sự mà không làm xấu hơn tình trạng của bị can, bị cáo, bị hại, đương sự khác.

Từ những phân tích trên, chúng tôi kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 345 Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015 như sau: Tòa án cấp phúc thẩm xem xét phần nội dung của bản án, quyết định bị kháng cáo, kháng nghị. Tòa án cấp phúc thẩm có thể xem xét các phần khác của bản án, quyết định không bị kháng cáo, kháng nghị trong trường hợp vì lợi ích của pháp luật hoặc vì lợi ích của bị can, bị cáo, bị hại, đương sự mà không làm xấu hơn tình trạng của bị can, bị cáo, bị hại, đương sự khác”.

3.2. Về thẩm quyền của Hội đồng xét xử phúc thẩm

3.2.1. Sửa bản án sơ thẩm

Theo quy định tại khoản 6 Điều 331 Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015, bị cáo được Tòa án tuyên không có tội có quyền kháng cáo về căn cứ mà bản án sơ thẩm đã xác định là họ không có tội. Ví dụ: Tòa án cấp sơ thẩm tuyên bị cáo không có tội vì hành vi của họ không cấu thành tội phạm (khoản 2 Điều 157 Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015) bị cáo có quyền kháng cáo đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xác định họ không có tội vì không có sự việc phạm tội (khoản 1 Điều 157 Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015). Tuy nhiên, Điều 357 Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015 về sửa bản án sơ thẩm chỉ quy định việc sửa quyết định của bản án sơ thẩm, mà không quy định việc sửa căn cứ của bản án sơ thẩm. Như vậy, kháng cáo của bị cáo trở thành vô hiệu.

Từ những phân tích trên, chúng tôi kiến nghị bổ sung khoản 4 Điều 357 Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015 như sau: “4. Trường hợp có căn cứ, Hội đồng xét xử phúc thẩm có thể sửa căn cứ mà bản án sơ thẩm đã xác định là bị cáo không có tội”.

3.2.2. Huỷ bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án

Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015 chưa quy định nếu tội phạm thuộc trường hợp chỉ được khởi tố theo yêu cầu mà bị hại và người đại diện không yêu cầu thì phải đình chỉ vụ án trong giai đoạn xét xử phúc thẩm. Vì vậy, trường hợp bị cáo kháng cáo hoặc chủ thể khác kháng cáo, kháng nghị, tại phiên toà phúc thẩm, nếu xét thấy tội phạm thuộc trường hợp chỉ được khởi tố theo yêu cầu mà bị hại và người đại diện không yêu cầu thì Toà án không được huỷ bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án theo khoản 2 Điều 359 Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015 mà phải huỷ bản án sơ thẩm để điều tra lại theo điểm c khoản 1 Điều 358 Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015 (vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng). Sau khi thụ lý lại hồ sơ vụ án, Cơ quan điều tra mới ra quyết định đình chỉ điều tra theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 230 Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015. Trong khi đó, tại phiên toà giám đốc thẩm, nếu xét thấy tội phạm thuộc trường hợp chỉ được khởi tố theo yêu cầu mà bị hại và người đại diện không yêu cầu thì Hội đồng giám đốc thẩm huỷ bản án đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ vụ án ngay theo Điều 392 Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015. Việc chấm dứt tố tụng ngay lập tức như vậy tiết kiệm thời gian và chi phí tố tụng. Vì vậy, Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015 cần bổ sung theo hướng quy định Tòa án cấp phúc thẩm có quyền đình chỉ vụ án nếu tội phạm thuộc trường hợp chỉ được khởi tố theo yêu cầu mà bị hại và người đại diện không yêu cầu.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 155 Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015, trường hợp vụ án được khởi tố theo yêu cầu mà người đã yêu cầu khởi tố tự nguyện rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ. Tuy nhiên, quy định này không được cụ thể hóa trong giai đoạn xét xử phúc thẩm. Trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án để điều tra lại hoặc xét xử lại thì người đã yêu cầu khởi tố mới có cơ hội làm cho vụ án bị đình chỉ bằng việc rút yêu cầu khởi tố trong giai đoạn điều tra, truy tố hoặc chuẩn bị xét xử sơ thẩm lại. Tuy nhiên, không phải trong mọi trường hợp, Tòa án cấp phúc thẩm đều có căn cứ hủy bản án để điều tra lại hoặc xét xử lại. Chúng tôi tán thành quan điểm “Theo nguyên tắc, mọi người được làm những gì pháp luật không cấm, được thực hiện những quyền mà pháp luật cho phép trong phạm vi luật định, thì theo Điều 155 Bộ luật tố tụng Hình sự, bị hại hoặc người đại diện của bị hại… có quyền lựa chọn, quyết định thực hiện việc rút yêu cầu khởi tố vào thời điểm trước hoặc sau khi mở phiên tòa. Quyền rút yêu cầu khởi tố của người đã yêu cầu khởi tố gắn liền với nghĩa vụ thực hiện việc quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng”. Vì vậy, Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015 cần sửa đổi theo hướng quy định nếu tội phạm thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu mà người đã yêu cầu khởi tố tự nguyện rút yêu cầu thì Hội đồng xét xử phúc thẩm đình chỉ vụ án.

Từ những phân tích trên, chúng tôi kiến nghị bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 359 Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015 như sau: “Khi có một trong các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 155 hoặc các khoản 3, 4, 5, 6, 7 và 8 Điều 157 của Bộ luật này thì Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án”.

Trên đây là những phân tích về “Hoàn thiện pháp luật kháng cáo về phạm vi thẩm quyền xét xử phúc thẩm”. Hy vọng qua bài viết của chúng tôi, giúp các bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này. Nếu có bất kỳ thắc mắc về nội dung trên hoặc những vấn đề về pháp luật khác hãy liên hệ hotline 1900.6568 để được chuyên viên tư vấn và hỗ trợ.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon