Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

toi-lam-dung-tin-nhiem-chiem-doat-tai-san

Trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã đưa nền kinh tế đất nước ta có bước chuyển mình rõ rệt, đời sống nhân dân đã từng bước được nâng cao. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được thì mặt trái của nền kinh tế thị trường cũng làm phát sinh những yếu tố tiêu cực cho đời sống xã hội, tình hình tội phạm diễn biến ngày càng phức tạp.

Trong đó, tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là một trong những tội xâm phạm sở hữu có chiều hướng gia tăng với nhiều thủ đoạn tinh vi xảo quyệt, xâm phạm quyền sở hữu tài sản hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Bài viết dưới đây sẽ đi vào phân tích về tội lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản.

Căn cứ pháp lý:

– Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

1. Cấu thành tội phạm của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

Bộ luật hình sự hiện hành quy định về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản như sau:

Điều 175. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản 

“1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

g) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.

4. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”

1.1. Mặt khách thể của tội phạm

Khách thể của tội lam dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là quan hệ sở hữu mà cụ thể hơn đó là quyền sở hữu về tài sản.

Đối tượng tác động của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là tài sản, trừ những loại tài sản có tính chất và công dụng đặc biệt đã được quy định là đối tượng tác động của các tội phạm khác như ma túy, vũ khí quân dụng,…

1.2. Mặt chủ thể của tội phạm

Đối với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì chủ thể là người có đủ hai dấu hiệu là có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi luật định chịu trách nhiệm hình sự, không thuộc tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 21 BLHS. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi hành vi phạm tội được quy định tại Điều 175 BLHS.

1.3. Mặt khách quan của tội phạm

Hành vi khách quan của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản rất đa dạng được quy định trong Điều 175 BLHS như sau:

“1. Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng:

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản”.

Như vậy, đặc điểm hành vi khách quan của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được thể hiện trước hết ở dấu hiệu: người phạm tội đã nhận được tài sản một cách hợp pháp. Căn cứ của việc nhận tài sản là hợp đồng dân sự, kinh tế như: hợp đồng vay, mượn, thuê tài sản hoặc các hình thức hợp đồng khác. Sau khi có được tài sản trong tay, người phạm tội mới có hành vi chiếm đoạt tài sản được giao. Sự chiếm đoạt đó có thể là tiếp tục chiếm giữ không chịu trả tài sản cho chủ sở hữu (biến thành của riêng), hoặc tự ý sử dụng, định đoạt tài sản không đúng với nghĩa vụ cam kết trong hợp đồng với ý định không muốn trả lại tài sản khi đã hết hợp đồng.

Hành vi chiếm đoạt tài sản trong tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản có thể biểu hiện qua các thủ đoạn như: gian dối, bỏ trốn, đến thời hạn trả dù có đủ điều kiện trả nhưng cố tình không trả hoặc sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản cho chủ sở hữu.

– Hậu quả:

Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là tội có cấu thành vật chất, tức hậu quả thiệt hại về tài sản do hành vi phạm tội gây ra là dấu hiệu bắt buộc. Hậu quả của hành vi phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là việc chiếm đoạt được tài sản của chủ sở hữu đã giao cho mình hoặc không còn khả năng trả lại tài sản cho chủ sở hữu.

Theo quy định tại Điều 175 BLHS, chỉ xử lý hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ 4.000.000đ hoặc dưới 4.000.000₫ nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc các tội cưới tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, tội cưỡng đoạt tài sản, tội cướp giật tài sản, tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, tội trộm cắp tài sản, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của bị hại và gia đình họ thì mới cầu thành tội này.

– Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả của tội phạm được biểu hiện ở việc hành vi chiếm đoạt phải xảy ra trước hậu quả về mặt thời gian và hậu quả là kết quả trực tiếp của hành vi chiếm đoạt.

1.4. Mặt chủ quan của tội phạm

Lỗi của người có hành vi chiếm đoạt là lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức rõ tài sản mình chiếm đoạt là tài sản đang có người quản lý nhưng vẫn mong muốn biến tài sản đó thành tài sản của mình nên đã có hành vi chiếm đoạt.

Trong tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, động cơ là vì vụ lợi. Nhưng động cơ phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Trong tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, mục đích phạm tội là nhằm chiếm đoạt được tài sản. Tuy nhiên, mục đích của tội phạm cũng không phải là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản vì bản thân hành vi chiếm đoạt tài sản trong tội này đã bao hàm mục đích phạm tội.

2. Hình phạt của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

Trong Điều 175 BLHS, tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, ngoài khung cơ bản ở Khoản 1, các dấu hiệu định khung tăng nặng được quy định ở các Khoản 2, 3, 4. Bao gồm các khung tăng nặng:

* Dấu hiệu định khung tăng nặng thứ nhất gồm:

– Có tổ chức: Theo Điều 20 BLHS, phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm. Cũng theo quy định tại điều luật này thì đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm. Người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức đều là những người đồng phạm. Trong tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, người thực hành là người trực tiếp thực hiện hành vi, những thủ đoạn để chiếm đoạt tài sản từ chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản.

– Có tính chất chuyên nghiệp: Được áp dụng khi có đầy đủ các điều kiện sau đây: Cố ý phạm tội từ năm lần trở lên về cùng một tội phạm không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa bị truy cứu trách nhiệm hình nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xoá án tích hoặc người phạm tội đều lấy các lần phạm tội làm nghề sinh sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính.

– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức để lấy đó làm điều kiện để lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản: là trường hợp người phạm tội có chức vụ, quyền hạn nhất định đã lợi dụng quyền hạn này như một phương tiện để thực hiện hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức là trường hợp người phạm tội thông qua cơ quan, tổ chức mà mình là thành viên để lấy đó làm điều kiện để lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

– Dùng thủ đoạn xảo quyệt: Là trường hợp người phạm tội có những mánh khoé, cách thức thâm hiểm, tinh vi, thâm độc để nhằm chiếm đoạt tài sản thông qua hành vi lạm dụng tín nhiệm như dụng hiện tường giả, giả bị mất, bị trộm…

– Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội: Là trường hợp người phạm tội phá vỡ trật tự, kỷ cương của xã hội một cách nghiêm trọng, khiến cho một bộ phận không nhỏ người dân mất niềm tin, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, phá vỡ quy tắc xử sự chung do nhà nước ban hành; xâm phạm những giá trị xã hội, chuẩn mực đạo đức được mọi người tôn trọng, thừa nhận, tuân thủ.

 – Tái phạm nguy hiểm: Đây là tình tiết thuộc về nhân thân của người phạm tội được quy định tài Điều 53 BLHS. Những trường hợp tái phạm nguy hiểm bao gồm: Đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xoá án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý; Đã tái phạm, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội do cố ý.

– Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 50.000.000đ đến dưới 200.000.000đ.

* Dấu hiệu định khung tăng nặng thứ hai:

– Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 200.000.000đ đến dưới 500.000.000đ.

* Dấu hiệu định khung tăng nặng thứ ba:

– Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500.000.000đ trở lên.

* Ngoài ra, người phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản còn có thể  bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Người phạm tội chỉ bị áp dụng hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm một công việc nhất định nếu người phạm tội đã lợi dụng chức vụ , nghề nghiệp hoặc công việc của mình để thực hiện hành vi phạm tội lạm dụng chiếm đoạt tài sản.

Như vậy, bài viết trên đây đã làm rõ nội dung về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006586 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon