Quan điểm điều chỉnh các quan hệ hôn nhân và gia đình trong Bộ luật Dân sự năm 2015

quan-diem-dieu-chinh-cac-quan-he-hon-nhan-va-gia-dinh-trong-bo-luat-dan-su

Với sự phát triển về các điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước ta trong tiến trình hội nhập và phát triển, cùng với yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật của Nhà nước ta nói chung, trong đó có hệ thống pháp luật dân sự; sự cần thiết phải hoàn thiện hệ thống pháp luật dân sự mà trước tiên là các quy định của BLDS với tư cách là luật “gốc”, luật “cơ bản”, luật “chung” của hệ thống luật tư ở nước ta hiện nay.

Quá trình xây dựng Dự thảo Bộ luật dân sự (BLDS) (sửa đổi) của Nhà nước ta được các cơ quan chức năng, các nhà khoa học, nghiên cứu, các chuyên gia pháp luật và cả xã hội quan tâm. Thực hiện Nghị quyết số 857/NQ-UBTVQH13 ngày 25/12/2014 của Uỷ ban thường vụ quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi); Thủ tướng Chính phủ đã ban hành kế hoạch của Chính phủ về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo BLDS (sửa đổi) được ban hành kèm theo Quyết định số 01/QĐ-TTg ngày 02/01/2015. Theo đó, 10 vấn đề lớn đã được xin ý kiến nhân dân. Sau thời gian tiếp thu, chỉnh lý, Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) (gọi là BLDS năm 2015) đã được Quốc hội khoá XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 24/11/2015; được Chủ tịch nước ký Lệnh công bố số 20/2015/L-CTN ngày 08/12/2015 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017[1].

Với nhiều quy định mới mang tính đột phá từ kết cấu, kỹ thuật lập pháp và các quy định cụ thể (với nhiều nội dung mới so với BLDS năm 2005) theo từng chế định trong BLDS năm 2015, hy vọng rằng, BLDS năm 2015 là động lực, là cơ sở điều chỉnh các quan hệ dân sự bảo đảm tính khả thi và đạt hiệu quả cao trong thời gian tới.

Bài viết này bàn về quan điểm điều chỉnh các quan hệ hôn nhân và gia đình (HN&GĐ) trong BLDS năm 2015.

1/ Về quan điểm lập pháp: Có nên nhập các quan hệ HN&GĐ vào trong BLDS năm 2015?

Nhìn lại quá trình lập pháp của Nhà nước ta về hệ thống pháp luật dân sự nói chung và BLDS nói riêng, vào đầu những năm tám mươi, chin mươi của thập kỷ hai mươi, với một số Pháp lệnh được Nhà nước ta ban hành (Pháp lệnh về Nhà ở năm 1991, Pháp lệnh bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp năm 1989, Pháp lệnh thừa kế năm 1990, pháp lệnh về Hợp đồng dân sự năm 1991, …) nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội trong giao lưu dân sự. Từ thực tiễn thi hành và áp dụng quy định của các văn bản này, BLDS năm 1995 – BLDS đầu tiên của Nhà nước ta ra đời đã đánh dấu một mốc quan trọng của công tác lập pháp – xây dựng và ban hành BLDS nhằm điều chỉnh các quan hệ tài sản và các quan hệ nhân thân trong lĩnh vực dân sự. Mở ra một thời kỳ mới, một bước phát triển mới của pháp luật dân sự; đáp ứng yêu cầu điều chỉnh quan hệ xã hội trong lĩnh vực dân sự của thời kỳ đổi mới và hội nhập.

Sau mười năm thi hành và áp dụng, nhiều quy định của BLDS năm 1995 đã không thể đáp ứng với tiến trình phát triển của xã hội, của đất nước, BLDS năm 2005 ra đời như một tất yếu khách quan, một bước phát triển dần hoàn thiện của hệ thống pháp luật dân sự ở nước ta.

Quá trình xây dựng hai BLDS này đã có những quan điểm trái chiều về vấn đề có nên nhập các quan hệ HN&GĐ vào trong BLDL?

Theo đó, một số ý kiến, quan điểm cho rằng: Cần phải nhập các quan hệ HN&GĐ vào trong BLDS, bởi một số lý do sau:

Thứ nhất, các quan hệ HN&GĐ suy cho cùng cũng là các quan hệ xã hội trong giao lưu dân sự; cũng đều là các quan hệ nhân thân và tài sản được thực hiện giữa các thành viên gia đình do Luật HN&GĐ điều chỉnh; cũng đều phát sinh và được thực hiện dựa trên các nguyên tắc tự nguyện, thoả thuận và bình đẳng giữa các chủ thể như các nguyên tắc chung của pháp luật dân sự;

Thứ hai, việc nhập các quan hệ HN&GĐ vào trong BLDS hiện nay sẽ  bảo đảm được sự tương thích của pháp luật Việt Nam với pháp luật các nước khác trên thế giới. Theo quan điểm lập pháp truyền thống về BLDS của các nhà nước tư bản, quan hệ HN&GĐ thực chất cũng là các quan hệ dân sự, được điều chỉnh bới các quy phạm pháp luật dân sự thuần tuý. Các quan hệ HN&GĐ được thiết kế như là một chế định của BLDS, nằm trong BLDS (Cộng hoà Pháp, Nhật Bản, Thái Lan, CHLB Đức …);

Thứ ba, việc nhập các quan hệ HN&GĐ vào trong BLDS sẽ tránh được sự chồng chéo, không thống nhất của hệ thống pháp luật khi điều chỉnh về các quan hệ tài sản và các quan hệ nhân thân.

Tuy nhiên, nhiều quan điểm, ý kiến lại cho rằng: Không thể nhập các quan hệ HN&GĐ vào trong BLDS, bởi các lý do sau:

Thứ nhất, xét về bản chất của các quan hệ HN&GĐ không thuần tuý như các quan hệ dân sự. Các quan hệ HN&GĐ luôn chứa đựng yếu tố tình cảm, sự thương yêu, đùm bọc, gắn bó giữa các chủ thể là thành viên của gia đình, luôn là đặc trưng cơ bản của các quan hệ xã hội trong lĩnh vực HN&GĐ. Các quan hệ giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ và con, giữa anh, chị, em với nhau, giữa ông bà với các cháu, giữa cô, dì, cậu, chú, bác ruột với các cháu …luôn là mối quan hệ về tình cảm – mối quan hệ “máu mủ, ruột thịt”. Các quan hệ này luôn có tính chất bền vững suốt đời, không thể xác định thời hạn để thực hiện quyền và nghĩa vụ như các hợp đồng trong giao lưu dân sự. Trong lĩnh vực HN&GĐ, các quan hệ nhân thân lại quyết định tính chất và nội dung của các quan hệ tài sản. Ví dụ, chỉ khi quan hệ nhân thân giữa vợ chồng (hôn nhân) phát sinh (được thừa nhận) thì mới làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ tài sản giữa vợ chồng (quyền và nghĩa vụ cấp dưỡng, quyền đối với sở hữu chung hợp nhất, quyền thừa kế tài sản của nhau giữa vợ chồng …). Như vậy, rất cần thiét phải có một luật riêng – Luật chuyên ngành (Luật HN&GĐ) để điều chỉnh các quan hệ HN&GĐ;

Thứ hai, với truyền thống lập pháp của Nhà nước ta, quan hệ HN&GĐ luôn được coi là một lĩnh vực riêng, một ngành luật riêng; các văn bản pháp luật HN&GĐ luôn được Nhà nước ta quan tâm xây dựng và ban hành đầu tiên, chiếm vị trí quan trọng của hệ thống pháp luật. Với kiểu Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Luật HN&GĐ luôn được xác định tồn tại độc lập với Luật dân sự (hệ thống pháp luật các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu trước đây và một số nước theo xu hướng xây dựng XHCN là một minh chứng).

Thứ ba, trên thế giới, một số nước vừa có BLDS, vừa có Luật HN&GĐ để điều chỉnh các quan hệ nhân thân và tài sản mang tính đặc thù (Cu Ba, Trung Quốc …); bên cạnh BLDS, Luật HN&GĐ, Luật Gia đình, Luật Hôn nhân cũng được Nhà nước ghi nhận và ban hành, không nhất thiết phải nhập các quan hệ HN&GĐ vào trong BLDS.

Với hai quan điểm trái chiều trên đây, nhà lập pháp Việt Nam trong hai BLDS năm 1995 và năm 2005, đã lựa chọn quan điểm (dung hoà): Chỉ ghi nhận các quyền HN&GĐ mang tính chất dân sự về nguyên tắc (quyền tự do kết hôn, quyền bình đẳng của vợ chồng, quyền ly hôn, quyền nhận nuôi con nuôi, quyền được nhận làm con nuôi, quyền nhận cha, mẹ, con[2] …) khi quy định về các quyền nhân thân của cá nhân trong BLDS. Việc quy định điều chỉnh cụ thể các quan hệ HN&GĐ (các quy định về điều kiện kết hôn, đăng ký kết hôn, huỷ việc kết hôn trái pháp luật; quyền và nghĩa vụ giữa vợ chồng, nghĩa vụ và quyền của cha, mẹ và con; quyền và nghĩa vụ giữa các thành viên của gia đình; căn cứ ly hôn và giải quyết các trường hợp ly hôn, hậu quả pháp lý của ly hôn; quyền và nghĩa vụ cấp dưỡng giữa các thành viên của gia đình; quan hệ HN&GĐ có yếu tố nước ngoài…) vẫn do Luật HN&GĐ thực hiện (thông qua Luật HN&GĐ năm 1986, năm 2000 và năm 2014).

Quan điểm về cơ sở lý luận hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng, BLDS được coi là luật “gốc”, luật “chung” của hệ thống luật tư (Luật đất đai, Luật HN&GĐ, Luật doanh nghiệp, Luật thương mại, Luật Lao động, Luật kinh doanh bất động sản… được gọi là luật chuyên ngành). Thực tiễn theo hệ thống pháp luật của Nhà nước ta thì các luật chuyên ngành thường lại được ban hành và thực hiện, áp dụng trước, đồng thời hoặc sau khi ban hành BLDS! Vậy, cần phải quy định, dự liệu cho được các nguyên tắc chung nhằm chi phối, điều chỉnh đồng bộ, thống nhất các luật chuyên ngành ở trong BLDS lần này; bảo đảm được tính khả thi cao trong thực tiến áp dụng khi BLDS được ban hành.

Đối với các quan hệ HN&GĐ, theo thời gian, phụ thuộc vào sự phát triển của các điều kiện về kinh tế-xã hội, truyền thống, phong tục, tập quán và thực tiễn các quan hệ HN&GĐ để Nhà nước ta ban hành các văn bản luật điều chỉnh các quan hệ HN&GĐ trong từng giai đoạn của sự phát triển đất nước.

Nhìn lại quá khứ, sau Cách mạng tháng Tám (1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký hai Sắc lệnh đầu tiên điều chỉnh các quan hệ HN&GĐ (Sắc lệnh số 97-SL ngày 22/05/1950 về sửa đổi một số quy lệ và chế định trong dân luật và Sắc lệnh số 159-SL ngày 17/11/1950 quy định về vấn đề ly hôn). Cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi (1954), đất nước ta vẫn tạm thời bị chia cắt làm hai miền với hai nhiệm vụ chính trị khác nhau. Ở miền Bắc, tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khoá I ngày 29/12/1959 đã chính thức thông qua Luật HN&GĐ năm 1959 (còn gọi là Đạo luật số 13 về HN&GĐ). Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 13/01/1960. Luật gồm 6 chương, 35 điều, quy định các nguyên tắc cơ bản và một số chế định về kết hôn; quyền lợi và nghĩa vụ của vợ chồng;  nghĩa vụ và quyền lợi của cha mẹ và con; ly hôn. Sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất (30/04/1975), tại kỳ họp thứ 12 Quốc hội khoá VII ngày 29/12/1986 đã thông qua Luật HN&GĐ năm 1986, Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 03/01/1987. Luật gồm 10 chương, 57 điều, quy định các nội dung về kết hôn, nghĩa vụ và quyền của vợ chồng, nghĩa vụ và quyền của cha mẹ và con, ly hôn, chế độ đỡ đầu con chưa thành niên, các nguyên tắc cơ bản điều chỉnh quan hệ HN&GĐ có yếu tố nước ngoài. Trong điều kiện kinh tế xã hội phát triển của thời kỳ đổi mới và hội nhập, tại kỳ họp thứ 7 quốc hội khoá X ngày 09/06/2000 đã thông qua Luật HN&GĐ năm 2000; Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2001. Luật gồm 13 chương, 110 điều đã quy định khá đầy đủ các quan hệ HN&GĐ cần điều chỉnh.

Nhằm đáp ứng với sự phát triển về kinh tế – xã hội trong điều kiện của nền kinh tế thị trường; thời gian qua, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản pháp luật, trong đó có nhiều quy định liên quan đến các quan hệ HN&GĐ (BLDS năm 2005, Luật Đất đai năm 2003, sửa đổi năm 2013, Luật Doanh nghiệp năm 2005, sửa đổi năm 2014, Luật Bình đẳng giới năm 2007, Luật Nhà ở năm 2006, sửa đổi năm 2014, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2006…). Để bảo đảm kịp thời điều chỉnh và có sự thống nhất của hệ thống pháp luật trong quá trình điều chỉnh và áp dụng, sau khi xin ý kiến của nhân dân, tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XIII ngày 19/06/2014, Quốc hội đã thông qua Luật số 52/2014/QH13 (gọi là Luật HN&GĐ năm 2014). Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015 (đến nay mới được hơn một năm). Luật gồm 9 chương, 133 điều, đã quy định đầy đủ các quan hệ HN&GĐ cần được điều chỉnh trong tình hình hiện nay. Đặc biệt, Luật đã quy định nhiều vấn đề mới như sửa và bổ sung một số quy định về điều kiện kết hôn (Điều 8); quy định điều chỉnh những trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn, đặc biệt là về hậu quả pháp lý của trường hợp này (Điều 14, 15, 16); ghi nhận chế độ tài sản của vợ chồng theo thoả thuận (hôn ước). Đây là quy định mới, lần đầu tiên được ghi nhận theo hệ thống pháp luật HN&GĐ của Nhà nước ta (Điều 47, 48, 49, 50); mở rộng quyền yêu cầu ly hôn, quy định cho phép cha, mẹ, người thân thích của vợ, chồng cũng có quyền yêu cầu ly hôn (Điều 51), quy định rõ hơn về căn cứ giải quyết ly hôn cho các trường hợp ly hôn (Điều 51, Điều 55, Điều 56); ghi nhận vấn đề mang thai hộ vì mục đích nhân đạo (lần đầu tiên ghi nhận vấn đề này từ Điều 94 đến Điều 99); điều chỉnh cụ thể các quan hệ HN&GĐ có yếu tố nước ngoài (từ Điều 121 đến Điều 130) …

Như vậy, theo thời gian, hệ thống pháp luật về HN&GĐ của Nhà nước ta đến nay đã dần được hoàn thiện; góp phần điều chỉnh ổn định các quan hệ xã hội trong giao lưu dân sự, trong đó có các quan hệ HN&GĐ. Việc nhập các quan hệ HN&GĐ vào trong BLDS là không cần thiết khi BLDS đã dự liệu các nguyên tắc chung để thực hiện và áp dụng thống nhất cho các văn bản pháp luật trong hệ thống luật tư (các luật chuyên ngành của hệ thống pháp luật dân sự.

2/ Quy định điều chỉnh các quan hệ hôn nhân và gia đình trong Bộ luật Dân sự năm 2015

*Trước hết, về các quan hệ nhân thân

Xét về lý thuyết và truyền thống lập pháp của Nhà nước ta, HN&GĐ vẫn là một lĩnh vực riêng, được điều chỉnh bởi một Luật riêng (còn gọi là luật chuyên ngành). Với quan điểm chỉ đạo xây dựng BLDS là luật gốc, luật chung đối với các luật chuyên ngành; Các nguyên tắc cơ bản của BLDS phải quán xuyến, bao trùm và được cụ thể hoá trong các luật chuyên ngành. Nói cách khác, khi xây dựng các luật chuyên ngành điều chỉnh cụ thể nhóm quan hệ xã hội mang tính đặc thù thuộc một lĩnh vực cụ thể (các quan hệ HN&GĐ, đất đai, nhà ở, doanh nghiệp, kinh doanh bất động sản, sở hữu trí tuệ …) thì đều phải tuân thủ nội dung các nguyên tắc cơ bản của BLDS. Có như vậy mới bảo đảm được tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống luật tư.

Tuy nhiên, do nhiều điều kiện khác nhau, trong hệ thống luật tư của Nhà nước ta, các luật chuyên ngành thông thường lại được ban hành và áp dụng trước BLDS, trong đó đã quy định các nguyên tắc cơ bản để thực hiện và áp dụng trong từng lĩnh vực mà luật chuyên ngành điều chỉnh. Chính vì vậy, một trong những giải pháp mà nhà làm luật lựa chọn hiện nay là xây dựng BLDS là luật chung diều chỉnh các quan hệ dân sự (Điều 3, Điều 4 BLDS năm 2015); các luật có liên quan điều chỉnh quan hệ dân sự trong các lĩnh vực cụ thể không được trái với những nguyên tắc cơ bản của BLDS quy định tại chương 1 Phần thứ nhất – những quy định chung của BLDS năm 2015. Trường hợp luật khác có liên quan không quy định hoặc có quy định nhưng vi phạm klhoản 2 Điều 4 BLDS  thì áp dụng quy định của BLDS (khoản 3 Điều 4 BLDS năm 2015) . Chúng tôi cho rằng, BLDS năm 2015 quy định theo hướng như vậy là hợp lý; vừa bảo đảm sự ổn định, vừa bảo đảm được tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật dân sự hiện nay. Quy định này sẽ buộc các luật chuyên ngành phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của BLDS; nếu có nguyên tắc cơ bản nào của luật chuyên ngành mà trái với nội dung các nguyên tắc cơ bản của BLDS thì quy định về nguyên tắc đó sẽ không có hiệu lực; hay nói cách khác, những quy định của luật chuyên ngành mà trái với nguyên tắc cơ bản của BLDS thì áp dụng các quy định của BLDS năm 2015.

Những năm qua, quá trình xây dựng hệ thống pháp luật dân sự ở nước ta, bên cạnh những nội dung tích cực, tiến bộ, đã xuất hiện thực trạng là: Các luật chuyên ngành thường được giao cho các Bộ, Ngành chủ quản chủ trì xây dựng, soạn thảo đã dẫn đến khả năng dự liệu các quy phạm pháp luật trong luật có thiên hướng bảo đảm “những thuận lợi nhiều mặt” cho các Bộ, Ngành chủ quản đó mà thiếu sự đồng bộ của hệ thống pháp luật dân sự. Những quy định này đã dẫn đến những bất cập, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng của hệ tống pháp luật dân sự. Quy định tại Điều 4 BLDS năm 2015 sẽ là một trong những biện pháp hữu hiệu nhằm chấm dứt hiện tượng này.

Đối với các quyền nhân thân của cá nhân (quy định tại Mục 2 Chương I Phần thứ nhất của BLDS năm 2015 – từ Điều 25 đến Điều 39), trong đó có dự liệu điều chỉnh các quan hệ HN&GĐ (Điều 39). Chúng tôi cho rằng: BLDS năm 2015 đã lựa chọn quy định các quyền nhân thân của cá nhân “thuộc lĩnh vực dân sự”, “mang đậm nét dân sự” để quy định thuộc phạm vi điều chỉnh của BLDS là phù hợp về cả lý luận và thực tiễn; tránh sự trùng lặp, chồng chéo của hệ thống pháp luật. Đối với các quyền nhân thân của cá nhân thuộc các lĩnh vực khác (Luật Hiến pháp, Luật Hộ tịch, Luật Hành chính, Luật Quốc tịch …) thì không thể quy định trong BLDS này. Bởi lẽ, những quy định không mang tính chất, đặc điểm của các quan hệ dân sự sẽ thuộc lĩnh vực điều chỉnh của các luật chuyên ngành khác. Với nhận thức và phương thức thể chế hoá các quy định của Hiến pháp năm 2013 không có nghĩa rằng phải quy định lại các quy định của Hiến pháp vào trong BLDS (sửa đổi)! Luật Hộ tịch đã quy định các vấn đề về họ, tên; quyền thay đổi họ, tên; quyền xác định dân tộc; quyền được khai sinh, khai tử, thủ tục đăng ký kết hôn…;  Luật Quốc tịch đã quy định về quyền đối với quốc tịch, quyền xác định, thay đổi, nhập hoặc xin thôi quốc tịch Việt Nam của công dân. Luật Hiến pháp đã quy định về quyền được sống, quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khoẻ, thân thể; quyền bất khả xâm phạm về chổ ở; quyền tự do tín nguỡng, tôn giáo; quyền tự do đi lại, cư trú; quyền lao động; quyền tự do kinh doanh …;     

Như vậy, các quy định này của Hiến pháp và các luật chuyên ngành khác đã bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thể hiện mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân; không cần quy định lại trong BLDS (sửa đổi). Theo đó, quy định với nội dung tại khoản 2 Điều 39 BLDS năm 2015 là phù hợp.

Thực hiện cách tiếp cận trên đây, đối với các quan hệ HN&GĐ, BLDS năm 2015 đã không quy định cụ thể về các quyền HN&GĐ như hai BLDS năm 1995 và BLDS năm 2005, theo chúng tôi, quy định như vậy là hợp lý. Theo Điều 39 BLDS năm 2015 với tiêu đề “Quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình” quy định:

“1. Cá nhân có quyền kết hôn, ly hôn, quyền bình đẳng của vợ chồng; quyền xác định cha, mẹ, con, quyền được nhận làm con nuôi và các quyền nhân thân khác trong quan hệ hôn nhân, quan hệ cha mẹ và con và quan hệ giữa các thành viên gia đình.

Con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha, mẹ đều có quyền và nghĩa vụ như nhau đối với cha, mẹ của mình.

2. Cá nhân thực hiện quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình theo quy định của Bộ luật này, Luật Hôn nhân và gia đình và luật khác có liên quan”.

Nghiên cứu nôi dung điều luật này, chung tôi nhận thấy: Tên tiêu đề và nội dung Điều 39 BLDS năm 2015 là tương đối phù hợp với quan điểm lập pháp hiện nay (như trên đã phân tích). Luật HN&GĐ năm 2014 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015. Luật đã quy định cụ thể các quyền nhân thân giữa các thành viên gia đình; bao gồm các quyền nhân thân trong mối quan hệ giữa vợ và chồng (từ Điều 17 đến Điều 27); giữa cha mẹ và con (từ Điều 68 đến Điều 87; giữa anh, chị, em với nhau (Điều 105); giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu (Điều 104); quyền và nghĩa vụ giữa cô, dì, cậu, chú, bác ruột và cháu ruột (Điều 106); quyền và nghĩa vụ giữa các thành viên khác trong gia đình (Điều 103).

Quy định tại Điều 39 BLDS năm 2015 đã bảo đảm bao quát được các quyền nhân thân mà chủ thể thực hiện trong quan hệ HN&GĐ, trong BLDS và các luật khác có liên quan (Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em …). Nội dung quy định tại Điều 39 BLDS năm 2015 được coi là “nguyên tắc chung” để thực hiện các quyền nhân thân trong quan hệ HN&GĐ.

* Đối với các quan hệ tài sản giữa các chủ thể trong quan hệ HN&GĐ:

Trên cơ sở kế thừa và phát triển các quy định của BLDS năm 1995 và BLDS năm 2005, BLDS năm 2015 vẫn quy định về các quan hệ tài sản trong quan hệ HN&GĐ, mang tính chất dân sự rõ nét, được coi là các nguyên tắc chung chi phối các quy địnhdddieeuf chỉnh quan hệ tài sản của Luật HN&GĐ.

Các quy định về sở hữu, hình thức sở hữu, nội dung quyền sở hữu; quy định về thừa kế theo pháp luật …là cơ sở điều chỉnh các quan hệ tài sản trong quan hệ HN&GĐ. Theo đó, BLDS vẫn quy định về sở hữu chung của các thành viên gia đình; sở hữu chung hợp nhất của vợ chồng; thừa kế theo pháp luật giữa các thành viên gia đình[3]

Đối với chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định (còn gọi là chế độ tài sản pháp định), Điều 210 và Điều 213 BLDS năm 2015 đều quy định sở hữu chung của vợ chồng là sở hữu chung hợp nhất có thể phân chia. Vợ chồng cùng nhau tạo lập, phát triển khối tài sản chung; có quyền ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; Vợ chồng thoả thuận hoặc uỷ quyền cho nhau chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung. Tài sản chung của vợ chồng có thể phân chia theo thoả thuận hoặc theo quyết định của Toà án.

Đặc biệt, Luật HN&GĐ năm 2014 lần đầu tiên trong hệ thống pháp luật về HN&GĐ của Nhà nước ta đã ghi nhận về loại chế độ tài sản của vợ chồng theo thoả thuận (còn gọi là Hôn ước – Chế độ tài sản ước định)[4]. Theo đó, khoản 5 Điều 213 BLDS năm 2015 đã quy định: “Trường hợp vợ chồng lựa chọn chế độ tài sản theo thoả thuận theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình thì tài sản chung của vợ chồng được áp dụng theo chế độ tài sản này”. Tương tự, đối với trường hợp người vợ, chồng bị Toà án quyết định tuyên bố là đã chết; sau khi có quyết định tuyên bố người vợ, chồng chết (quyết định đã có hiệu lực pháp luật) mà vợ, chồng đã bị Toà án tuyên bố là đã chết mà lại trở về) thì hậu quả pháp lý được giải quyết theo quy định tại Điều 72, Điều 73 BLDS năm 2015 và các điều 65, 66, 67 Luật HN&GĐ năm 2014[5].

Tóm lại, với quan điểm coi BLDS là luật “gốc”, luật “chung” của hệ thống pháp luật dân sự, các quy định của BLDS năm 2015 về HN&GĐ mang tính chất dân sự rõ nét. Các quy định của BLDS năm 2015 được coi là các nguyên tắc chung áp dụng cho các quan hệ dân sự nói chung, bao gồm cả các quan hệ HN&GĐ. Theo chúng tôi, BLDS năm 2015 đã quy định về nguyên tắc chung áp dụng các quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản giữa các thành viên gia dình theo quy định của Luật HN&GĐ. Trong trường hợp Luật HN&GĐ không quy định thì áp dụng quy định của BLDS và các luật liên quan. Quy dịnh như vậy đã bảo đảm đầy đủ hơn, phù hợp và bảo đảm tính khả thi thống nhất các quy định của BLDS (với tư cách là luật gốc, luật chung) và Luật HN&GĐ (với tư cách là luật chuyên ngành) điều chỉnh các quan hệ HN&GĐ.

[1]. Xem: Điều 689 BLDS năm 2015

[2]. Xem: Cácđiều 39, 40, 41, 42, 43, 44 BLDS năm 2005.

[3]. Xem: Cácđiều 210, 212, 213, 649, 650, 651, 652, 653, 654 BLDS năm 2015.

[4]. Xem: Cácđiều 47, 48, 49, 50 Luật HN&GĐ năm 2014.

[5]. Xem: Điều 72, 73 BLDS năm 2015; Điều 65, 66, 67 Luật HN&GĐ năm 2014.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon