Ly thân là gì? Sự khác biệt giữa ly thân và ly hôn

ly-than-la-gi-su-khac-biet-giua-ly-than-va-ly-hon

Trong cuộc sống hôn nhân, không phải lúc nào mọi thứ cũng diễn ra suôn sẻ, thuận lợi. Qua quá trình chung sống lâu dài, các cặp vợ chồng phải đối mặt với vô vàn khó khăn, mâu thuẫn cũng như áp lực từ nhiều vấn đề khác nhau. Những yếu tố này có thể khiến tình cảm giữa họ dần phai nhạt, không còn gắn bó như trước, vì vậy, để tạo điều kiện cho cả hai có thời gian suy ngẫm lại mối quan hệ hôn nhân của mình họ thường dẫn đến quyết định ly thân

Theo pháp luật Việt Nam, không có quy định cụ thể nào về vấn đề ly thân nhưng dựa trên những căn cứ xoay quanh lĩnh vực hôn nhân gia đình, vấn đề này cũng được ràng buộc bởi những khung pháp lý nhất định. Thông qua bài viết dưới đây, Luật Dương Gia sẽ phân tích chi tiết những thông tin liên quan đến vấn đề “Ly thân” cũng như làm rõ sự khác nhau giữa ly thân và ly hôn.

1. Ly thân là gì?

Căn cứ theo Điều 19 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định như sau:

“Điều 19. Tình nghĩa vợ chồng

  1. Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình.
  2. Vợ chồng có nghĩa vụ sống chung với nhau, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc do yêu cầu của nghề nghiệp, công tác, học tập, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và lý do chính đáng khác.”

Do đó, vợ chồng khi đã kết hôn, được pháp luật thừa nhận, bảo vệ thì có nghĩa vụ sống chung với nhau, ít nhất giữa họ luôn phải có mối liên hệ sâu đậm về phương diện sinh hoạt vật chất và thân xác, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc có lý do chính đáng. Mặc dù, Luật Hôn nhân & Gia đình quy định về nghĩa vụ chung sống với nhau của vợ chồng nhưng hiện nay, không có một văn bản pháp luật nào đề cập về việc ly thân vì bản chất và hậu quả pháp lý hoàn toàn khác hẳn với ly hôn.

Theo đó, Ly thân có thể hiểu là khi xuất phát những lý do, những nguyên nhân khiến mối quan hệ vợ chồng rạn nứt nhưng không đến mức ly hôn thì họ chọn cách không chung sống liên tục trong thời gian dài nhằm mục đích cho nhau những khoảng không gian riêng để suy nghĩ và sắp xếp lại quan hệ hôn nhân.

2. Ly hôn là gì?

Ly hôn có thể xảy ra trong các trường hợp như: khi vợ chồng không thể chung sống hòa thuận, khi một trong hai bên vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ vợ chồng, hoặc khi một trong các bên có hành vi bạo lực gia đình, lừa dối, hoặc vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của bên kia. Ngoài ra, ly hôn cũng có thể được yêu cầu khi có sự thay đổi trong tình trạng sức khỏe, tài chính hoặc các yếu tố khách quan khác khiến vợ chồng không thể tiếp tục chung sống.

Kết quả của ly hôn là sự chấm dứt quan hệ vợ chồng và các quyền lợi, nghĩa vụ pháp lý giữa hai bên vợ chồng không còn tồn tại theo mối quan hệ hôn nhân trước đó. Tuy nhiên, các vấn đề tài sản và nuôi dưỡng con cái vẫn tiếp tục được giải quyết theo các quy định pháp luật liên quan sau khi ly hôn.

Trên cơ sở đó, căn cứ quy định tại khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, khoản 1 Điều 57 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, Điều 65 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 :

Điều 3. Giải thích từ ngữ

  1. Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.”

Như vậy, ly hôn được định là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án

3. Khi ly thân, quan hệ vợ chồng có chấm dứt không?

Căn cứ quy định tại Điều 57, Điều 65 Luật Hôn nhân và gia đình quy định về thời điểm chấm dứt hôn nhân cũng như xác nhận chấm dứt mối quan hệ vợ chồng thì:

“Điều 57. Thời điểm chấm dứt hôn nhân và trách nhiệm gửi bản án, quyết định ly hôn

Quan hệ hôn nhân chấm dứt kể từ ngày bản án, quyết định ly hôn của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

Điều 65. Thời điểm chấm dứt hôn nhân

Hôn nhân chấm dứt kể từ thời điểm vợ hoặc chồng chết.

Trong trường hợp Tòa án tuyên bố vợ hoặc chồng là đã chết thì thời điểm hôn nhân chấm dứt được xác định theo ngày chết được ghi trong bản án, quyết định của Tòa án.”

Theo đó, quan hệ hôn nhân chấm dứt kể từ:

– Ngày bản án, quyết định ly hôn của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

– Thời điểm vợ hoặc chồng chết.

– Trong trường hợp Tòa án tuyên bố vợ hoặc chồng là đã chết thì thời điểm hôn nhân chấm dứt được xác định theo ngày chết được ghi trong bản án, quyết định của Tòa án.

Như vậy, ngoài ba trường hợp nêu trên thì có thể thấy việc ly thân chỉ là hai vợ chồng tạm thời không sống chung với nhau nhưng quan hệ hôn nhân và gia đình chưa chấm dứt. Do đó, hai người vẫn là vợ chồng trên pháp luật, vẫn phải đảm bảo các quyền và nghĩa vụ liên quan đến đời sống hôn nhân chung theo quy định của pháp luật.

4. Phân biệt ly thân và ly hôn

4.1. Điểm giống nhau

– Căn cứ ly thân và ly hôn: Về cơ bản, căn cứ để có thể đi đến quyết định ly thân của hai vợ chồng đều giống với căn cứ để ly hôn. Khi mâu thuẫn vợ chồng làm cho quan hệ hôn nhân lâm vào tình trạng nghiêm trọng, đời sống hôn nhân không thể kéo dài và mục đích hôn nhân không đạt được tuy nhiên xét về mức độ trầm trọng thì chưa đến mức để đôi bên phải ly hôn.

– Về mặt tình cảm của hai vợ chồng: Cả hai trường hợp này xét về mặt tình cảm của hai bên vợ chồng đều đã không còn mặn nồng với cuộc hôn nhân, đã đến mức không còn muốn chung sống không còn tôn trọng nhau và không muốn sinh hoạt cùng nhau như cặp vợ chồng khác.

4.2. Điểm khác nhau

Tiêu chí Ly thân Ly hôn
Khái niệm Ly thân là tình trạng hai bên vợ chồng vẫn chưa chấm dứt quan hệ hôn nhân và có nghĩa vụ đối với con chung, tài sản chung và những nghĩa vụ khác trong quan hệ hôn nhân, nhưng không còn nghĩa vụ sống chung với nhau. Ly hôn là tình trạng hai vợ chồng đã thực sự chấm dứt quan hệ hôn nhân và không còn nghĩa vụ sống chung, tài sản chung và phải giải quyết nuôi con sau ly hôn.
Thủ tục tiến hành – Không cần tuân theo trình tự thủ tục mà dựa trên sự thỏa thuận của vợ chồng. – Bắt buộc phải tiến hành thủ tục ly hôn theo quy định tại Điều 51, 55, 56  Luật Hôn nhân và gia đình 2014 theo từng trường hợp.

– Trình tự thủ tục được quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Quan hệ nhân thân – Ly thân không làm chấm dứt quan hệ vợ chồng.

– Các quyền và nghĩa vụ nhân thân của vợ chồng vẫn được pháp luật bảo vệ.(không sống cùng nhau hoặc sống cùng nhau nhưng không sinh hoạt chung)

Quan hệ hôn nhân chấm dứt, các quyền và nghĩa vụ về nhân thân bị chấm dứt hoàn toàn.
Quan hệ pháp lý – Vẫn còn quan hệ vợ chồng theo giấy chứng nhận kết hôn.

– Có quyền và nghĩa vụ với nhau như các cặp vợ chồng khác.

Không còn quan hệ vợ chồng sau khi có tuyên bố hoàn thiện thủ tục ly hôn.
Quan hệ tài sản Do vẫn còn tồn tại quan hệ hôn nhân, nếu không có thỏa thuận khác của vợ và chồng thì tài sản phát sinh trong giai đoạn ly thân vẫn là tài sản chung. – Tài sản được chia theo thỏa thuận của vợ chồng hoặc bản án của Tòa án.

– Tài sản sau khi ly hôn là tài sản riêng.

Con chung – Cả vợ chồng  có quyền thỏa thuận ai có quyền nuôi con.

– Tuy nhiên cha mẹ vẫn phải có trách nhiệm châm sóc và giáo dụng con vì vẫn còn trong thời kỳ hôn nhân.

– Khi tiến hành thủ tục ly hôn, con chung sẽ được vợ chồng thỏa thuận ai có quyền trông nom, nuôi dưỡng và giáo dục con.

– Nếu vợ chồng không thỏa thuận được thì sẽ do Tòa án quyết định.

Hậu quả pháp lý – Ly thân không làm chấm dứt quan hệ hôn nhân trước pháp luật.

– Trong giai đoạn ly thân vợ hoặc chồng không có quyền kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác vì họ vẫn là người đang có vợ/có chồng.

– Về mặt pháp luật hai bên vẫn có trách nhiệm và nghĩa vụ với nhau.

 -Khi bản án, quyết định ly hôn của Tòa án có hiệu lực chính là thời điểm phát sinh hệ quả pháp lý.

– Ly hôn làm chấm dứt quan hệ nhân thân của vợ chồng, quan hệ vợ chồng, quyền và nghĩa vụ nhân thân đi kèm chưa tài sản, nuôn con chung và các vấn đề khác có liên quan.

Từ những phân tích này, có thể thấy khi xã hội ngày càng phát triển thì kéo theo đó là những hệ lụy với những mối quan hệ vô cùng phức tạp, điều đó cũng ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của mỗi gia đình, do không hài hòa được cuộc sống vợ chồng, nhiều cặp vợ chồng đã chọn giải pháp ly thân để giải quyết mâu thuẫn. Hiện nay, Luật Hôn nhân và Gia đình nước ta (Luật HN&GĐ năm 2014) vẫn chưa thật sự ghi nhận chế định ly thân.

Vì vậy, cần phải hiểu rõ và phân biệt được ly thân và ly hôn để định hướng cho mối quan hệ vợ chồng một giải pháp phù hợp cũng như hạn chế được hậu quả pháp lý phát sinh nếu có.

Trên đây là những nội dung liên qua đến vấn đề ly thân. Trường hợp có thắc mắc hoặc cần hỗ trợ pháp lý, Luật Dương Gia chính là lựa chọn hoàn hảo dành cho bạn, vui lòng liên hệ Luật Dương Gia theo số hotline: 19006568! Với đội ngũ luật sư tâm huyết, giàu kinh nghiệm của chúng tôi luôn sẵn sàng đồng hành cùng bạn, mang đến cho bạn giải pháp pháp lý phù hợp nhất.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon