Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội

tu-y-nua-chung-cham-dut-viec-pham-toi

Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là chế định thể hiện tính nhân đạo của Luật Hình sự Việt Nam, thể hiện sự tự nguyện dứt khoát của một người không thực hiện ý định hoặc hành vi phạm tội của mình đến cùng mặc dù họ có khả năng thực hiện và điều kiện khách quan không có gì ngăn cản. Như vậy, trường hợp người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không? Bài viết của Luật Dương Gia sẽ giải đáp những thắc mắc cho bạn về Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội.

Căn cứ pháp lý:

  • Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).

1. Khái quát chung về tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội

Căn cứ theo Điều 16 Bộ luật hình sự năm 2015 định nghĩa về thuật ngữ Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội như sau: Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng, tuy không có gì ngăn cản”. Việc quy định chế định tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với người phạm tội mà còn đối với Nhà nước và xã hội:

Thứ nhất, thể hiện chính sách nhân đạo, khoan hồng của Nhà nước. Xét thấy tính nguy hiểm cho xã hội không nữa thì không cần áp dụng trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội nhưng vẫn đảm bảo được yêu cầu giáo dục người phạm tội để họ trở thành người có ích cho xã hội.

Thứ hai, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho người đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện tội phạm hoặc đã bắt tay vào thực hiện tội phạm nhưng tự nguyện chấm dứt việc phạm tội để được hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước.

Thứ ba, là một chế định nhằm hạn chế những thiệt hại có thể gây ra cho các quan hệ xã hội được Luật hình sự xác lập và bảo vệ. Từ đó, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, góp phần thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của xã hội.

2. Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội theo quy định của Bộ luật Hình sự

2.1. Dấu hiệu 

Dấu hiệu 1: Sự chấm dứt việc phạm tội phải xảy ra trong quá trình một người đã có có hành vi chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện tội phạm hoặc đã bắt đầu thực hiện hành vi phạm tội nhưng chưa thực hiện được tội phạm đến cùng.

“Chưa thực hiện tội phạm đến cùng” là hành vi mà người đó thực hiện chưa thỏa mãn hết các dấu hiệu của một tội phạm cụ thể mà người đó định phạm. Bởi khi tội phạm đã hoàn thành thì không thể có tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được vì khi đó hành vi phạm tội đã có đầy đủ những đặc điểm thể hiện tính chất nguy hiểm cho xã hội của tội phạm đã thực hiện.

Dấu hiệu 2: Việc chấm dứt không tiếp tục thực hiện tội phạm phải do ý chí của người phạm tội một cách là tự nguyện và dứt khoát.

Hành vi chấm dứt việc phạm tội phải là tự nguyện, nghĩa là phải do chính người thực hiện hành vi tự quyết định chấm dứt việc phạm tội mặc dù không có gì ngăn cản việc người đó tiếp tục phạm tội.

Việc chấm dứt không tiếp tục thực hiện tội phạm phải là dứt khoát, nghĩa là phải chấm dứt việc thực hiện tội phạm một cách triệt để, ngừng hẳn hoạt động phạm tội chứ không phải chỉ là tạm thời ngừng lại để tìm những thủ đoạn, phương tiện khác có hiệu quả hơn, hoặc chờ một cơ hội khác thuận lợi hơn sẽ lại tiếp tục phạm tội.

Trên thực tế, việc tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội có thể là do những động cơ khác nhau thúc đẩy như: ăn năn, hối lỗi, lo sợ bị trừng phạt, lo sợ bị phát hiện,… Đồng thời, việc một người chấm dứt không tiếp tục thực hiện tội phạm phải là tự nguyện, nghĩa là việc chấm dứt hành vi phạm tội hoàn toàn xuất phát từ ý định của người đó.

2.2. Trách nhiệm hình sự

Vấn đề trách nhiệm hình sự đối với người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội quy định tại Điều 16 Bộ luật hình sự năm 2015, theo đó:

Điều 16. Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội

Người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm; nếu hành vi thực tế đã thực hiện có đủ yếu tố cấu thành của một tội khác, thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này”.

Như vậy, khi nghiên cứu trách nhiệm hình sự của người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội, phải xem xét trách nhiệm hình sự của họ đối với tội định phạm và đối với tội phạm khác mà hành vi thực tế của họ đã có đủ yếu tố cấu thành tội đó.

Tội phạm khác là tội phạm được quy định trong phần các tội phạm cụ thể của Bộ luật Hình sự ngoài tội định phạm. Người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này nghĩa là tội phạm này phải là tội phạm đã hoàn thành (thỏa mãn các dấu hiệu của một cấu thành tội phạm cụ thể, các quan hệ xã hội được Luật Hình sự xác lập và bảo vệ đã bị xâm hại).

Ví dụ: X và vợ có mâu thuẫn, X mua 1 khẩu súng và lao vào phòng nhằm bắn chết vợ mình, điều kiện khách quan không có gì ngăn cản nhưng X nghĩ lại thấy thương con và mong muốn sau này cho con có một gia đình hạnh phúc. X day dứt trong lòng và cầm khẩu súng và bước ra ngoài. X được miễn trách nhiệm hình sự về Tội giết người nhưng phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội tàng trữ vũ khí quân dụng (Điều 304 Bộ luật Hình sự năm 2015).

3. Trường hợp đặc biệt của tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội

Nếu một người đã thực hiện được hết những hành vi mà người đó cho là cần thiết để thực hiện tội phạm nhưng giữa hành vi mà người đó thực hiện với hậu quả nguy hiểm cho xã hội còn có một khoảng thời gian. Trong khoảng thời gian này, người đó lại có những hành động tích cực ngăn chặn hậu quả nguy hiểm cho xã hội xảy ra và hậu quả đó đã được ngăn ngừa, tội phạm đã không hoàn thành được, thì được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội.

Điều kiện: Trước khi chấm dứt việc phạm tội hành vi mà người đó thực hiện chưa thỏa mãn được tất cả các dấu hiệu của một cấu thành tội phạm cụ thể và sự chấm dứt việc phạm tội khiến cho tội phạm không thực hiện được đến cùng là do người đó tự nguyện quyết định tuy không có gì ngăn cản.

Lưu ý: Trong trường hợp một người đã thực hiện những hành vi mà người đó cho là cần thiết để thực hiện tội phạm, để gây ra hậu quả tội phạm, nhưng hậu quả tội phạm chưa xảy ra, tội phạm chưa hoàn thành do những nguyên nhân khách quan ngoài ý muốn của người đó, thì sau đó mặc dù người ấy nhận thức được là vẫn có thể tiếp tục thực hiện tội phạm, gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội nhưng đã không tiếp tục thực hiện tội phạm nữa thì không được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội.

Ví dụ: A cầm súng bắn B lần 1, đạn không nổ. A kiểm tra lại súng và chắc chắn nếu tiếp tục bắn thì đạn sẽ nổ. Tuy nhiên, A không bắn nữa mà cầm súng bỏ đi. Trường hợp này, A đã thực hiện hành vi phạm tội nhưng tội phạm chưa hoàn thành, chưa có hậu quả xảy ra; ngay sau đó A nhận thức được, nếu bắn lần 2 thì tội phạm sẽ hoàn thành nhưng A không làm điều đó, thì trường hợp này không được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội => A thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt (Tội giết người chưa đạt).

 4. So sánh phạm tội chưa đạt với tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội

  Phạm tội chưa đạt Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội
Cơ sở pháp lý Điều 15 Bộ luật Hình sự năm 2015 Điều 16 Bộ luật Hình sự năm 2015
Khái niệm Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội. Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng, tuy không có gì ngăn cản.
Nguyên nhân chấm dứt thực hiện tội phạm Việc người phạm tội không thực hiện được đến cùng là do những  nguyên nhân khách quan ngoài ý muốn, không phụ thuộc vào ý chí của chủ thể thực hiện hành vi. Việc chủ thể không tiếp tục thực hiện tội phạm nữa xuất phát từ ý chí chủ quan của bản thân người thực hiện, một cách tự nguyện và dứt khoát.
Hậu quả pháp lý

Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt.

Người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm.

Nếu hành vi thực tế đã thực hiện có đủ yếu tố cấu thành của một tội khác, thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.

Ví dụ Người phạm tội hiếp dâm mới thực hiện được hành vi dùng vũ lực nhưng chưa thực hiện được hành vi giao cấu thì bị bố mẹ nạn nhân phát hiện và bắt giữ => Chủ thể không thực hiện hành vi phạm tội đến cùng do nguyên nhân khách quan => Phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội Hiếp dâm chưa đạt. A có ý định giết B, A lao vào đánh đấm B nhưng nhìn thấy B đang nuôi con nhỏ nên tự nguyện vứt dao, và đi đến công an tự thú => A không tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội là do ý chí chủ quan của mình, A dừng lại một cách tự nguyện mặc dù không có gì ngăn cản, sự chấm dứt của A là từ bỏ hẳn ý định thực hiện tội phạm => Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội => A được miễn Trách nhiệm hình sự về tội Giết người.

Tuy nhiên, nếu khám nghiệm tỉ lệ tổn thương cơ thể của B là 15% thì A chịu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích.

Như vậy, để với việc thực hiện tốt nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tội phạm đặt ra yêu cầu phải bảo vệ các quan hệ xã hội trong tất cả các thời điểm khác nhau, đồng thời xác định chính xác từng giai đoạn phạm tội để có đường lối xử lý công bằng và thực hiện việc truy cứu trách nhiệm hình sự có căn cứ, khách quan và đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, tránh làm oan người vô tội.

Trên đây là toàn bộ nội dung liên quan đến “Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội”. Trường hợp có thắc mắc về những vấn đề có liên quan vui lòng liên hệ Luật Dương Gia theo số hotline 1900 6568 để được hỗ trợ và tư vấn.

 

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon