Áp dụng chế định miễn trách nhiệm hình sự

ap-dung-che-dinh-mien-trach-nhiem-hinh-su

Qua nghiên cứu quy định của BLHS năm 2015, đồng thời so sánh những điểm sửa đổi, bổ sung so với BLHS năm 1999, sửa đổi năm 2009, theo chúng tôi, để thi hành đúng, thống nhất, chính xác quy định của BLHS mới về chế định miễn TNHS thì cần giải quyết kịp thời những vấn đề đặt ra trong quá trình áp dụng như sau:

1. Về nội dung

a) Về hậu quả của việc áp dụng chế định miễn TNHS

Hiện nay, căn cứ vào các văn bản pháp luật hình sự Việt Nam có liên quan cho thấy, về cơ bản người được miễn TNHS không phải chịu các hậu quả pháp lý bất lợi của việc phạm tội như: Họ (có thể) không bị truy cứu TNHS, không bị kết tội, không phải chịu hình phạt hoặc biện pháp cưỡng chế về hình sự khác và không bị coi là có án tích… Như vậy, người được miễn TNHS không phải chịu bất kỳ hậu quả gì dưới góc độ pháp lý hình sự. Tuy nhiên, chỉ riêng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn TNHS, thì theo BLHS năm 2015 đã quy định kèm theo việc áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục (khiển trách, hòa giải tại cộng đồng và giáo dục tại xã, phường, thị trấn với một số nghĩa vụ nhất định). Do đó, tính cưỡng chế về mặt hình sự của chế định miễn TNHS khi áp dụng đối với người phạm tội là không có. Tuy nhiên, đối với đối tượng này, họ chỉ phải chịu sự cưỡng chế của các ngành luật khác (không phải hình sự) và sự lên án của dư luận xã hội thể hiện trên ba phương diện sau:

– Phương diện thứ nhất (về xã hội), người được miễn TNHS bị Nhà nước, xã hội và công luận (báo chí, phương tiện truyền thông, internet…) lên án hành vi phạm tội, phân tích vụ việc, hành vi và quá trình điều tra họ vì họ bị coi là người đã thực hiện hành vi phạm tội. Do bị xã hội lên án, nên người được miễn TNHS cũng coi như phải chịu sự tác động, ảnh hưởng đến tâm lý, tinh thần và danh dự của mình và ở một chừng mực nhất định, đã bị hạ thấp trước cơ quan, đơn vị, tổ chức và cộng đồng dân cư.

– Phương diện thứ hai (về pháp lý), người được miễn TNHS không được bồi thường thiệt hại vì họ là người đã có hành vi phạm tội theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009.

– Phương diện thứ ba (về thực tiễn), qua thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử cho thấy, người được miễn TNHS vẫn có thể phải chịu các biện pháp cưỡng chế không phải hình sự thuộc các ngành luật tương ứng như: Các biện pháp ngăn chặn (bắt, tạm giữ, tạm giam…) theo quy định Bộ luật tố tụng hình sự; buộc bồi thường thiệt hại theo quy định Bộ luật dân sự; xử phạt hành chính theo quy định Luật xử lý vi phạm hành chính; xử lý kỷ luật theo quy định Luật cán bộ, công chức; v.v…. Chẳng hạn, nghiên cứu ngẫu nhiên 35 vụ án được áp dụng miễn TNHS trong thực tiễn xét xử cho thấy việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế không phải hình sự còn chưa thống nhất như sau:

Số vụ Biện pháp cưỡng chế không phải hình sự Cơ quan áp dụng
08 Xử lý hành chính Viện kiểm sát
03 Xử lý hành chính Tòa án
03 Buộc bồi thường thiệt hại Tòa án
02 Tạm giữ tang vật Tòa án
03 Không áp dụng biện pháp nào Cơ quan Điều tra
13 Không áp dụng biện pháp nào Viện kiểm sát
03 Không áp dụng biện pháp nào Tòa án

Như vậy, các biện pháp này có thể được coi là hỗ trợ nhằm giáo dục, cải tạo người phạm tội, cũng như thể hiện sự lên án hành vi phạm tội của họ, dù họ không phải chịu hậu quả pháp lý hình sự về hành vi của mình. Do đó, để kịp thời giải quyết vấn đề này trong thực tiễn xét xử và bảo đảm công bằng giữa người phạm tội phải chịu TNHS và người phạm tội được miễn TNHS, cần tiếp tục ghi nhận bổ sung nội dung sau vào chế định miễn TNHS trong BLHS: Trong trường hợp cần thiết, các cơ quan tiến hành tố tụng có thể áp dụng hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức hay người có thẩm quyền áp dụng biện pháp cưỡng chế về tố tụng hình sự, xử lý hành chính hoặc kỷ luật, cũng như giải quyết vấn đề dân sự đối với người được miễn TNHS.

b) Trường hợp miễn TNHS do tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội (Điều 16 BLHS năm 2015)

Trong BLHS năm 1999, sửa đổi năm 2009 và BLHS năm 2015 đều chưa ghi nhận trong Bộ luật này vấn đề miễn TNHS do tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội đối với cả ba người đồng phạm khác bao gồm: người tổ chức, người xúi giục và người giúp sức (tuy nhiên, vấn đề này đã từng được hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/HĐTP ngày 19/4/1989 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao “Hướng dẫn bổ sung việc áp dụng một số quy định của BLHS”), nhưng rõ ràng, cần thiết phải quy định vào BLHS để áp dụng thống nhất hoặc nếu không phải có văn bản hướng dẫn thay thế Nghị quyết (đã nêu) vì Nghị quyết này đã có từ rất lâu và hướng dẫn BLHS năm 1985, đến nay vẫn chưa có văn bản thay thế.

c) Trường hợp miễn TNHS do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa

Để áp dụng đúng quy định này, cần có hướng dẫn do có sự “thay đổi chính sách, pháp luật” được hiểu như thế nào. Cụ thể, điều này nên được hướng dẫn thể hiện ở hai nội dung sau đây: Một là, khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, do có sự thay đổi mà BLHS đã không còn quy định hành vi đó là tội phạm nữa; hai là, khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, mặc dù hành vi phạm tội vẫn còn quy định trong BLHS do thời gian chưa kịp sửa đổi, bổ sung, song văn bản, pháp luật chuyên ngành về lĩnh vực tương ứng đó của Nhà nước đã có sự thay đổi, dẫn đến hành vi đó không còn bị xử lý, không bị nghiêm cấm nữa. 

d) Trường hợp miễn TNHS do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa

Đối với trường hợp này, cần nhận thức thống nhất khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình, có nghĩa là do khách quan  người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Ngoài ra, “điều này cũng không đồng nhất với việc đánh giá về mặt đạo đức – xã hội, góc độ nhân đạo hoặc có tình tiết giảm nhẹ TNHS liên quan đến tội phạm được thực hiện mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội”. Về nội dung này, trước đây thực tiễn xét xử đã khẳng định tại Công văn số 24/1999/KHXX ngày 17/3/1999 của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn rõ hơn về miễn TNHS (mặc dù trước đó hướng dẫn cụ thể tại mục VIII Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 05/01/1986 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao).

Trong Công văn này đã đưa ra ví dụ về trường hợp người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa: Một người trộm cắp tài sản của công dân có giá trị một triệu đồng. Nếu tại thời điểm họ thực hiện hành vi trộm cắp đó, thì họ phải chịu TNHS, thế nhưng sau khi Viện kiểm sát truy tố ra trước Tòa án thì trong thời hạn chuẩn bị xét xử họ đã lập công lớn trong việc dập tắt một đám cháy và đã bị thương tích nặng. Trong trường hợp này, họ có thể được miễn TNHS vì bản thân họ không còn nguy hiểm cho xã hội nữa…

Chúng tôi cho rằng, quan điểm của thực tiễn xét xử cũng chưa thật đầy đủ và chưa chính xác. Bởi lẽ, ví dụ một người trộm cắp tài sản, nếu tại thời điểm họ thực hiện hành vi trộm cắp đó, thì họ phải chịu TNHS, thế nhưng trong thời hạn chuẩn bị xét xử họ đã lập công lớn trong việc dập tắt một đám cháy và đã bị thương tích nặng… (bản thân họ không còn nguy hiểm cho xã hội nữa). Điều này có nghĩa, việc lập công lớn và đã bị thương tích nặng là trường hợp người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Thế nhưng, người phạm tội bị thương tích nặng vẫn hoàn toàn có thể tiếp tục thực hiện tội phạm. Hơn nữa, việc lập công lớn là do chủ quan của người phạm tội chứ không phải sự chuyển biến của tình hình (khách quan) tác động đến mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Do đó, BLHS năm 2015 hoàn toàn hợp lý khi đã phân tách thành hai trường hợp – do khách quan (điểm a khoản 2) và do chủ quan (điểm b khoản 2 Điều 29).

Tóm lại, chúng tôi cho rằng, sự chuyển biến của tình hình phải là bên ngoài đã tác động trực tiếp đến bản thân người phạm tội  người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa chứ không phải là yếu tố tích cực về mặt chủ quan của người phạm tội… 

Đặc biệt, cũng cần lưu ý phân biệt “người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa” để được miễn TNHS với trường hợp “người bị kết án cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn, chưa chấp hành xong hình phạt mà lập công lớn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo và nếu người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa…” thì người phạm tội được miễn chấp hành hình phạt (khoản 1 Điều 57 BLHS năm 1999 và Điều 62 BLHS năm 2015). Theo đó, trường hợp miễn chấp hành hình phạt, cụm từ “người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa” được hiểu là “… Người bị kết án không còn nguy hiểm cho xã hội, được chứng minh bằng việc họ đã hoàn lương, chăm chỉ làm ăn, tham gia các hoạt động xã hội… hoặc do họ mắc bệnh hiểm nghèo không còn hoạt động được…”.

đ) Trường hợp miễn TNHS khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa (điểm a khoản 2 Điều 29 BLHS năm 2015). Đây là trường hợp miễn TNHS mới được bổ sung trong BLHS năm 2015 để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn xét xử và nhân đạo hóa hơn nữa chính sách hình sự của Nhà nước ta. Do đó, cần xác định chính xác “bệnh hiểm nghèo” do Bộ Y tế quy định, đồng thời là trường hợp theo kết luận của bệnh viện cấp tỉnh trở lên thì người bị kết án đang bị những căn bệnh nguy hiểm đến tính mạnh, khó có phương thức chữa trị như: ung thư, bại liệt, suy thận…

e) Trường hợp miễn TNHS người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận.

BLHS năm 2015 đã quy định chặt chẽ hơn, cụ thể, ngoài các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 25 BLHS năm 1999, sửa đổi năm 2009, thì người phạm tội có thể được miễn TNHS còn phải có thêm điều kiện “lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận” mới được xem xét để miễn TNHS (điểm c khoản 2 Điều 29 BLHS năm 2015). “Lập công lớn” đã có hướng dẫn, còn như thế nào “có cống hiến đặc biệt được Nhà nước và xã hội thừa nhận” chưa rõ, do đó, cần hướng dẫn phải cống hiến đối với đất nước ở một trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn học, nghệ thuật, khoa học, công nghệ, quốc phòng, an ninh, ngoại giao hoặc các lĩnh vực khác… được thừa nhận bằng văn bản, đồng thời phải trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, bởi vì có khi sau khi phạm tội, bị truy cứu TNHS và áp dụng hình phạt, đang chấp hành thì những cống hiến mới được Nhà nước và xã hội thừa nhận.

Ngoài ra, về trường hợp này, bên cạnh các điều kiện khác, các nhà làm luật nước ta  hạn chế phạm vi loại tội mà người phạm tội chưa bị phát giác ra tự thú, đó là loại tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng để có sự phân hóa hơn nữa trong chính sách hình sự, cũng như có sự kết hợp để đánh giá cùng với tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội. Vừa qua, theo báo cáo khảo sát, hầu hết các địa phương chỉ áp dụng đối với trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng, chưa có đối với trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng… Hơn nữa, nếu không quy định hạn chế phạm vi loại tội dễ dẫn đến việc lạm dụng để áp dụng đối với cả những trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến tính nghiêm minh của pháp luật, không bảo đảm yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm.

f) Trường hợp miễn TNHS người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác và được người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn TNHS, thì có thể được miễn TNHS.

Đây là trường hợp miễn TNHS mới được bổ sung trong BLHS năm 2015 để đáp ứng yêu cầu thực tiễn xét xử và đáp ứng yêu cầu đấu tranh, xử lý tội phạm, tiết kiệm chi phí tố tụng và hiện nay, pháp luật các nước cũng đã quy định trường hợp này. Tuy nhiên, về khía cạnh tố tụng hình sự cần tính đến trường hợp nếu cơ quan có thẩm quyền quyết định khởi tố vụ án, thì vụ án trải qua giai đoạn điều tra, truy tố, sau đó Cơ quan Điều tra hoặc Viện kiểm sát sẽ ra quyết định đình chỉ điều tra (điểm a khoản 1 Điều 230 và khoản 1 Điều 248 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015), thì đúng trình tự pháp luật nhưng kéo theo thời gian giải quyết vụ án kéo dài và dễ dẫn đến tốn kém, cũng như hiệu quả xử lý, đấu tranh chưa cao. Ngược lại, vì hành vi của người được miễn TNHS này lại đã cấu thành tội phạm, nếu không quyết định khởi tố vụ án, thì chưa có căn cứ pháp lý trong Bộ luật tố tụng hình sự để khỏa lấp. Vì vậy, có thể bổ sung thêm “Khi có căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 29 BLHS” vào nội dung Điều 157 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 về “Căn cứ không khởi tố vụ án hình sự”.

g) Trường hợp có thể được miễn TNHS kèm theo điều kiện đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

Theo đó, Cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án chỉ quyết định miễn TNHS và áp dụng biện pháp khiển trách, hòa giải tại cộng đồng hoặc biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, nếu người dưới 18 tuổi phạm tội hoặc người đại diện hợp pháp của họ đồng ý với việc áp dụng một trong các biện pháp này (Điều 92 BLHS năm 2015). Trong số các biện pháp này, biện pháp “giáo dục tại xã, phường, thị trấn” có bản chất pháp lý là biện pháp tư pháp, nay lại chuyển sang thành biện pháp giám sát, giáo dục, điều này có nghĩa mục đích áp dụng đã khác. Ngoài ra, BLHS năm 2015 vẫn chưa quy định “chế tài” trong trường hợp người dưới 18 tuổi phạm tội bị áp dụng biện pháp khiển trách, hòa giải tại cộng đồng hoặc biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn nhưng không thực hiện các nghĩa vụ quy định tại khoản 3 Điều 93 và điểm a khoản 3 Điều 94 BLHS năm 2015. Về vấn đề này, kinh nghiệm của BLHS Liên bang Nga là đối với trường hợp này, nếu không thực hiện nghĩa vụ, theo yêu cầu của cơ quan chức năng, các biện pháp giám sát, giáo dục sẽ bị hủy bỏ và người đó sẽ bị truy cứu TNHS (khoản 4 Điều 90).

h) Cần bổ sung thêm trường hợp miễn TNHS do hết thời hiệu truy cứu TNHS

Hiện nay, BLHS Việt Nam “để ngỏ” trường hợp hết thời hiệu truy cứu TNHS thì người phạm tội bị áp dụng “chế định gì”. Trong khi đó, BLHS Liên bang Nga năm 1996, sửa đổi năm 2010 quy định hết thời hiệu truy cứu TNHS, thì người phạm tội được miễn TNHS. Theo đó, Điều 78 về “Miễn TNHS do hết thời hiệu” quy định:

Người phạm tội được miễn TNHS, nếu kể từ ngày phạm tội đã qua các thời gian sau đây: a) Hai năm sau khi phạm tội ít nghiêm trọng; b) Sáu năm sau khi phạm tội nghiêm trọng; c) Mười năm sau khi phạm tội rất nghiêm trọng;d) Mười lăm năm sau khi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.

Thời hiệu được tính từ ngày thực hiện tội phạm đến thời điểm bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Trong trường hợp thực hiện tội phạm mới thì các thời hiệu đối với từng tội phạm được tính riêng.

Thời hiệu tạm dừng nếu người phạm tội trốn tránh điều tra hoặc xét xử. Trong trường hợp này thời hiệu được tính lại từ thời điểm người phạm tội bị bắt giữ hoặc ra
đầu thú.

Vấn đề có áp dụng thời hiệu hay không đối với người phạm tội có hình phạt tử hình hoặc tù chung thân do Tòa án quyết định. Nếu Tòa án thấy rằng không thể miễn TNHS cho người phạm tội vì hết thời hiệu, thì cũng không áp dụng hình phạt tử hình hoặc tù chung thân đối với họ.

Đối với những người phạm tội chống hòa bình và nhân loại được quy định tại các Điều 353, 356, 357 và 358 Bộ luật này, thì không áp dụng thời hiệu”.

Do đó, để thuận tiện và có căn cứ pháp lý cho thực tiễn xét xử, các nhà làm luật nước ta cần bổ sung thêm trường hợp miễn TNHS này.

i) Cần phân tách giữa trường hợp miễn TNHS với trường hợp miễn hình phạt

Điều kiện, nội dung áp dụng miễn TNHS và miễn hình phạt là khác nhau. Đặc biệt là hậu quả pháp lý của miễn TNHS cũng khác với hậu quả pháp lý của miễn hình phạt. Theo đó, với miễn TNHS thì đương nhiên không áp dụng bất kỳ hình phạt nào với người phạm tội, có nghĩa là bao hàm cả miễn hình phạt, nhưng miễn hình phạt thì không có nghĩa là không có TNHS, mặc dù người được miễn hình phạt lại đương nhiên được xóa án tích theo quy định của BLHS năm 1999, còn trong BLHS năm 2015 một điểm mới đáng ghi nhận là đối với người bị kết án do lỗi vô ý về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và người được miễn hình phạt “không bị coi là có án tích” (khoản 2 Điều 69). Tuy nhiên, việc phân tách hai chế định này trong BLHS năm 1999 và BLHS năm 2015 về chế định miễn TNHS, miễn hình phạt cũng chưa thật rõ ràng, cụ thể, Điều 54 BLHS năm 2015 quy định người phạm tội có thể được miễn hình phạt… mà đáng được khoan hồng đặc biệt nhưng chưa đến mức được miễn TNHS; hay khoản 2 Điều 390 BLHS năm 2015 quy định người không tố giác tội phạm nếu đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm, thì có thể được miễn TNHS hoặc miễn hình phạt. Do vậy, cần phân hóa rõ ràng và dứt khoát hai chế định này.

2. Về kỹ thuật lập pháp hình sự

Hiện nay, thẩm quyền miễn TNHS thuộc về Cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án khi có căn cứ để miễn TNHS thì ra quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án và miễn TNHS. Tuy nhiên, các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 chưa thống nhất khi điều chỉnh vấn đề này như sau:

Cơ quan Điều tra Viện kiểm sát Tòa án
Cơ quan Điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra trong những trường hợp: a) Có một trong những căn cứ quy định… tại Điều 16 hoặc Điều 29 và khoản 2 Điều 91 của BLHS (điểm a khoản 1 Điều 230 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015) Viện kiểm sát ra quyết định không truy tố và ra quyết định đình chỉ vụ án khi có một trong những căn cứ quy định… tại Điều 16 hoặc Điều 29 và khoản 2 Điều 91 của BLHS (khoản 1 Điều 248 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015)

 

Trong những trường hợp sau đây, Hội đồng xét xử phải tuyên bố trả tự do ngay tại phiên tòa cho bị cáo đang bị tạm giam, nếu họ không bị tạm giam về một tội phạm khác:…

2. Bị cáo được miễn TNHS hoặc miễn hình phạt (Điều 328 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015)

Nếu xét thấy có một trong những căn cứ… quy định tại Điều 16 hoặc Điều 29 và khoản 2 Điều 91 của BLHS, thì Viện kiểm sát rút quyết định truy tố trước khi mở phiên tòa và đề nghị Tòa án đình chỉ vụ án (Điều 285 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015) Tòa án cấp phúc thẩm có quyền sửa bản án sơ thẩm như sau:

a) Miễn TNHS hoặc miễn hình phạt cho bị cáo… (Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015)

 

Nhìn bảng thống kê này cho thấy ngay trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định còn chưa thống nhất. Do vậy, trường hợp nếu bị can được miễn TNHS ở giai đoạn điều tra, truy tố mà không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 16, Điều 29 và khoản 2 Điều 91 BLHS (vì BLHS năm 2015 còn quy định một số trường hợp khác như đã nêu trên) thì Cơ quan Điều tra hay Viện kiểm sát có được ra quyết định đình chỉ điều tra hay đình chỉ vụ án để áp dụng miễn TNHS hay không… Cho nên, vấn đề này cần tiếp tục hoàn thiện theo hướng thống nhất: “Khi thuộc một trong các trường hợp miễn TNHS do BLHS quy định” để bao quát các trường hợp miễn TNHS.

Tóm lại, để thực hiện nghiêm chỉnh chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp mà Nghị quyết 49/NQ-TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020” đã đề ra – “Coi trọng việc hoàn thiện chính sách hình sự và thủ tục tố tụng tư pháp, đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội”, cũng như Hiến pháp năm 2013, BLHS năm 2015 đã có những sửa đổi, bổ sung phản ánh tính tích cực trong việc áp dụng chế định miễn TNHS. Tuy nhiên, để thi hành đúng và có căn cứ, thì việc đề xuất giải pháp tiếp tục hoàn thiện quy định về chế định này trong BLHS (về nội dung) và trong Bộ luật tố tụng hình sự (về hình thức) vẫn là yêu cầu cần thiết và là nhiệm vụ của các nhà khoa học – luật gia hiện nay.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon