Tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại

tinh-tiet-tang-nang-trach-nhiem-hinh-su-doi-voi-phap-nhan-thuong-mai

Các tình tiết tăng nặng hay giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là một trong những căn cứ quan trọng để Tòa án quyết định một mức hình phạt cụ thể đối với các loại tội phạm nói chung hay pháp nhân thương mại phạm tội nói riêng. Quá trình xử lý hình sự đối với chủ thể này là một vấn đề thực tiễn hết sức phức tạp và mới mẻ, vì phải phân tích dựa trên rất nhiều yếu tố như tính chất hành vì, mức độ phạm tội,….

Do đó, việc nghiên cứu và làm rõ những quy định về các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự áp dụng cho pháp nhân thương mại mang ý nghĩa rất quan trọng.

Căn cứ pháp lý:

– Bộ luật Dân sự 2015 (Sửa đổi, bổ sung 2017)

– Bộ luật Hình sự 2015 (Sửa đổi, bổ sung 2017)

– Luật Thương mại 2005

1. Pháp nhân thương mại được quy định như thế nào?

Theo quy định tại Điều 75 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015:

“1. Pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên

2. Pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác.

3. Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt pháp nhân thương mại được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.”

Theo quy định này, để được công nhận là pháp nhân thương mại thì phải thỏa mãn các điều kiện sau:

Một là, trước hết phải là pháp nhân theo quy định tại Điều 74 BLDS 2015. Theo đó, pháp nhân là tổ chức được thành lập hợp pháp, có cơ cấu thống nhất, có tài sản riêng và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình, nhân danh mình tham gia vào các quan hệ pháp luật một cách độc lập.

Hai là, pháp nhân thương mại có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên.

Ba là, PNTM phải là doanh nghiệp hoặc các tổ chức kinh tế khác.

Từ các phân tích nêu trên, có thể thấy rằng pháp nhân thương mại là pháp nhân được thành lập và có cơ cấu tổ chức theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, cụ thể như sau: Có cơ quan điều hành, tổ chức nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan điều hành được quy định trong điều lệ của pháp nhân hoặc trong quyết định thành lập pháp nhân.

Hơn nữa, pháp nhân thương mại, bao gồm: Doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác hoạt động nhằm mục đích sinh lời và lợi nhuận phải được chia có các thành viên khác.

2. Điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại

Căn cứ theo khoản 1 Điều 75 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định pháp nhận thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi có đủ các điều kiện sau:

  • Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại;
  • Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại;
  • Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại;
  • Chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 của Bộ luật này.

3. Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại

Tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là tình tiết làm tăng mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, đồng thời là căn cứ để tăng trách nhiệm hình sự của người phạm tội (trong phạm vi khung hình phạt) so với trường hợp phạm tội tương tự khác nhưng không có tình tiết tăng nặng đó.

Ngoài những tình tiết tăng nặng chung được quy định tại Điều 52 Bộ luật Hình sự 2015 thì tại Điều 85 Bộ luật này đã dành riêng các tình tiết tăng nặng khác chỉ áp dụng đối với pháp nhân thương mại.

Điều 85. Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự áp dụng đối với pháp nhân thương mại

“1. Chỉ các tình tiết sau đây mới là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự:

a) Câu kết với pháp nhân thương mại khác để phạm tội;

b) Cố ý thực hiện tội phạm đến cùng;

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

d) Tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm;

đ) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội;

e) Dùng thủ đoạn tinh vi để phạm tội hoặc nhằm trốn tránh, che giấu tội phạm.

2. Các tình tiết đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng.”

Các tình tiết này được hiểu cụ thể như sau:

Câu kết với pháp nhân thương mại khác để phạm tội: Điều này tương tự với tình tiết phạm tội có tổ chức đối với người phạm tội, nó được hiểu như một hình thức đồng phạm có sự liên kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm. Tuy nhiên, đối với pháp nhân thương mại thì hành vi phạm tội bao giờ cũng có tổ chức nên không cần phải quy định phạm tội có tổ chức là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, thay vào đó, trường hợp này được mở rộng hơn trở thành “câu kết với pháp nhân thương mại khác để phạm tội”. Đây là tình tiết đặc thù mà chỉ có ở các pháp nhân thương mại.

Cố ý thực hiện tội phạm đến cùng: là sự quyết tâm thực hiện bằng được ý định phạm tội và hành vi phạm tội, mặc dù có sự can ngăn của người khác hoặc có những trở ngại khác trong quá trình thực hiện tội phạm. Trường hợp mục đích của người phạm tội không đạt, nhưng chứng minh được người phạm tội đang tìm mọi cách để thực hiện được tội phạm thì vẫn có thể áp dụng tình tiết này nhưng nếu họ có sự lưỡng lự, không dứt khoát thực hiện hành vi thì không thể áp dụng.

– Phạm tội 02 lần trở lên: Được hiểu là người phạm tội đã 02 lần trở lên thực hiện một hành vi vi phạm pháp luật hình sự đối với cùng một tội, trong đó mỗi lần đều đã có đủ yếu tố cấu thành tội phạm, chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự, nay các lần phạm tội đó được xét xử trong cùng một bản án. Tuy nhiên, yếu tố phạm tội 02 lần trở lên ngoài quy định là tình tiết tăng nặng còn được quy định làm tình tiết định khung hình phạt, do đó, cần phải tham khảo những văn bản hướng dẫn khác của cơ quan có thẩm quyền để áp dụng chính xác, đúng quy định pháp luật.

– Tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm: Tình tiết phạm tội này hoàn toàn giống với tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội quy định tại điểm h khoản 1 Điều 52 BLHS năm 2015. Được hiểu là trường hợp đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý hoặc thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do vô ý.

– Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội: Tình tiết phạm tội này hoàn toàn giống với tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội quy định tại điểm l khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự. Dựa theo các khái niệm được định nghĩa trong các văn bản quy phạm pháp luật thì những trường hợp trên được hiểu như sau:

“Tình trạng chiến tranh” là trạng thái xã hội đặc biệt của đất nước được tuyên bố từ khi Tổ quốc bị xâm lược cho đến khi hành vi xâm lược đó được chấm dứt trên thực tế

“Tình trạng khẩn cấp” được quy định chung là khi trong cả nước hoặc nhiều địa phương có thảm họa lớn do thiên nhiên hoặc con người gây ra, có dịch bệnh nguy hiểm lây lan trên quy mô rộng, đe dọa nghiêm trọng đến tài sản của nhà nước và tổ chức, tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân hoặc có tình hình đe dọa nghiêm trọng đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội

“Thiên tai” là hiện tượng tự nhiên bất thường có thể gây thiệt hại về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và các hoạt động kinh tế – xã hội, bao gồm bão, áp thấp nhiệt đới, gió mạnh trên biển, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt; sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy hoặc hạn hán; nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, cháy rừng do tự nhiên, rét hại, mưa đá, sương mù, sương muối, động đất, sóng thần và các loại thiên tai khác.

“Dịch” là sự xuất hiện bệnh truyền nhiễm với số người mắc bệnh vượt quá số người mắc bệnh dự tính bình thường trong một khoảng thời gian xác định ở một khu vực nhất định

“Những khó khăn đặc biệt khác của xã hội” được hiểu là những khó khăn ngoài những khó khăn về chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh gây nên. Ví dụ như tai nạn máy bay, tàu biển, tàu hoả, sập cầu… gây chết nhiều người, hư hại nhiều tài sản mà chưa đến mức tình trạng khẩn cấp.

Một điểm đặc biệt lưu ý, nếu phạm tội trong thời điểm xảy ra những tình huống này mà người phạm tội không lợi dụng sự kiện đó thực hiện hành vi phạm tội thì không được áp dụng làm tình tiết tăng nặng

– Dùng thủ đoạn tinh vi để phạm tội hoặc nhằm trốn tránh, che giấu tội phạm: Mục đích việc dùng thủ đoạn tinh vi là nhằm trốn tránh, che giấu tội phạm. Đặc biệt, khác với các tình tiết giảm nhẹ, đối với các tình tiết tăng nặng chỉ tình tiết nào được BLHS quy định thì Tòa án mới được áp dụng với pháp nhân thương mại phạm tội.

Có thể thấy, để nắm rõ được cách áp dụng các tình tiết vào từng vụ việc là một vấn đề rất khó đối với các cơ quan tiến hành tố tụng. Bởi lẽ, không phải điều luật nào cũng chỉ rõ những tình tiết cấu thành tăng nặng hoặc cấu thành giảm nhẹ, mà tùy thuộc vào mỗi tội phạm và chính sách hình sự của nhà nước trong việc xử lý từng loại tội phạm.

Vì vậy, cần hiểu đúng, đủ nội dung của mỗi tình tiết nói chung cũng như tình tiết tăng nặng nói riêng, đồng thời, phải phân biệt được các tình tiết đó với các dấu hiệu định tội cũng như các dấu hiệu định khung hình phạt, để có thể quyết định một mức hình phạt phù hợp tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội.

Trên đây là nội dung liên quan đến các tình tiết tăng nặng đối với pháp nhân thương mại phạm tội. Nếu có bất cứ thắc mắc nào vui lòng liên hệ Luật Dương Gia theo số hotline 19006568 để được tư vấn và hỗ trợ.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon