Việt Nam là nước có diện tích rừng và đất rừng lớn, chiếm 42% diện tích lãnh thổ theo thống kê năm 2020. Rừng được xem là nguồn tài nguyên quan trọng giúp phòng chống thiên tai, điều hòa không khí và cung cấp nguyên vật liệu cho con người… Chính vì vậy rừng đã trở thành mục tiêu khai thác và hủy hoại của nhiều tổ chức, cá nhân. Nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng, hệ thống pháp luật hình sự nước ta đã ban hành quy định về “Tội hủy hoại rừng” nhằm bảo vệ rừng khỏi các hoạt động phá hoại của con người. Cụ thể quy đinh về tội phạm này như thế nào, mời quý đọc giải cùng Luật Dương Gia tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Căn cứ pháp lý
Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)
1. Khái niệm tội hủy hoại rừng
Trong những năm gần đây, do biến đổi khí hậu, thiên tai xảy ra cùng với hành vi phá hoại của con người mà chất lượng môi trường ngày càng trở nên xấu đi. Bảo vệ môi trường và ngăn chặn các tội phạm về môi trường trở thành vấn đề hết sức cấp bách và quan trọng đối với mỗi quốc gia.
Theo đó, việc bảo vệ môi trường gắn với việc tăng độ che phủ và bảo vệ rừng. Khoản 3 điều 2 Luật Lâm nghiệp năm 2017 giải thích, rừng là một hệ sinh thái bao gồm các loài thực vật rừng, động vật rừng, nấm, vi sinh vật, đất rừng và các yếu tố môi trường khác, trong đó thành phần chính là một hoặc một số loài cây thân gỗ, tre, nứa, cây họ cau có chiều cao được xác định theo hệ thực vật trên núi đất, núi đá, đất ngập nước, đất cát hoặc hệ thực vật đặc trưng khác; diện tích liên vùng từ 0,3 ha trở lên; độ tàn che từ 0,1 trở lên. Như vậy, rừng không những có vai trò quan trọng trong việc cân bằng, điều hòa không khí, phòng chống thiên tai mà còn là nơi sinh sống của các loài động thực vật và là nguồn nguyên vật liệu cho con người. Vai trò quan trọng là vậy, nhưng hiện nay nhiều cá nhân, tổ chức vẫn có hành vi hủy hoại rừng như cố ý đốt, phá rừng trái phép hoặc có các hành vi khác làm cho rừng bị tan nát, hư hỏng, triệt phá cây rừng bị chết chỉ vì lợi ích cá nhân, dẫn đến diện tích rừng giảm và giá trị lâm sản thiệt hại nghiêm trọng.
Qua các dấu hiệu trên, có thể khái quát về tội hủy hoại rùng như sau: “Tội hủy hoại rừng là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, được thực hiện một cách cố ý như đốt, phá rừng trái phép hoặc hành vi khác làm cho rừng mất hoàn toàn giá trị hoặc giảm giá trị đáng kể, xâm phạm các quan hệ xã hội về bảo vệ rừng của Nhà nước, gây thiệt hại cho môi trường sinh thái.
2. Các dấu hiệu pháp lý của tội hủy hoại rừng
Theo quy định tại Điều 243 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì tội hủy hoại rừng có các dấu hiệu pháp lý như sau:
2.1. Khách thể của tội hủy hoại rừng
Khách thể của tội hủy hoại rừng là quan hệ xã hội được pháp luật hình sự quy định, bảo vệ và các hành vi: Đốt rừng trái phép, phá rừng trái phép, hành vi khác hủy hoại rừng, xâm phạm đến chế độ quản lý, bảo vệ môi trường, xâm phạm đến chế đọo bảo vệ và phát triển rừng của Nhà nước. Đối tượng tác động trực tiếp là rừng tự nhiên hoặc rừng trồng trên đất lâm nghiệp (rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất).
2.2. Chủ thể của tội hủy hoại rừng
Chủ thể của tội hủy hoại rừng quy định tại Điều 243 BLHS năm 2015 là bất kỳ người nào có năng lực TNHS hoặc pháp nhân thương mại đủ điều kiện chịu TNHS. Theo đó, người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu TNHS đối với mọi hành vi được quy định tại Điều 243 và chủ thể là pháp nhân thương mại phải chịu TNHS khi có đủ các điều kiện quy định tại Điều 75 BLHS băm 2015 là: Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại; hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại; hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại; chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 của Bộ luật này.
2.3. Mặt khách quan của tội hủy hoại rừng
– Hành vi: người phạm tội có hành vi đốt, phá rừng trái phép hoặc có hành vi khác hủy hoại rừng. Theo quy định tại các tiểu mục 3.1, 3.2, 3.3 mục 3, phần IV Thông tư 19/2007/TTLT thì đốt rừng trái phép được hiểu là hành vi cố ý làm cháy rừng với bất kỳ mục đích gì mà không được người hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép. Phá rừng trái phép là chặt phá rừng, ken cây và các hành vi khác trái pháp luật khác làm cây rừng bị chết với bất kỳ mục đích gì. Hành vi khác hủy hoại rừng là đào bới, nổ mìn, san ủi, đào, đắp ngăn nước thủy triều, tháo nước hoặc xả chất độc hại vào rừng trái pháp luật…
– Hậu quả: cây rừng bị chết hàng loạt, đất rừng bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến việc phòng chống thiên tai, bảo tồn thiên nhiên, nguồn gen sinh vật rừng, bảo vệ danh lam thắng cảnh, lợi ích của cá nhân có liên quan…
2.4. Mặt chủ quan của tội hủy hoại rừng
Đối với tội hủy hoại rừng, lỗi của người vi phạm là lỗi cố ý, chủ thể phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hộ, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra. Do đó, các trường hợp vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy hoặc vô ý gây cháy rừng chỉ có thể bị truy cứu TNHS về tội vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản quy định tại Điều 232 BLHS năm 2015 chứ không bị truy cứu TNHS về tội hủy hoại rừng.
Động cơ phạm tội và mục đích tội phạm không phải dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này.
3. Khung hình phạt với tội hủy hoại rừng
Điều 243 BLHS năm 2015 và Khoản 63 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự năm 2017 quy định các hành vi tương ứng với các khung hình phạt của tội hủy hoại rừng nhau sau:
Hành vi |
Khung hình phạt |
1. Người nào đốt, phá rừng trái phép hoặc có hành vi khác hủy hoại rừng thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Cây trồng chưa thành rừng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh thuộc rừng chưa có trữ lượng có diện tích từ 30.000 mét vuông (m2) đến dưới 50.000 mét vuông (m2); b) Rừng sản xuất có diện tích từ 5.000 mét vuông (m2) đến dưới 10.000 mét vuông (m2); c) Rừng phòng hộ có diện tích từ 3.000 mét vuông (m2) đến dưới 7.000 mét vuông (m2); d) Rừng đặc dụng có diện tích từ 1.000 mét vuông (m2) đến dưới 3.000 mét vuông (m2); đ) Gây thiệt hại về lâm sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng trong trường hợp rừng bị thiệt hại không tính được bằng diện tích; e) Thực vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA trị giá từ 20.000.000 đồng đến dưới 60.000.000 đồng; thực vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA trị giá từ 40.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng; g) Diện tích rừng hoặc trị giá lâm sản dưới mức quy định tại một trong các điểm a, b, c, d, đ và e khoản này nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. |
Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm |
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Có tổ chức; b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Cây trồng chưa thành rừng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh thuộc rừng chưa có trữ lượng có diện tích từ 50.000 mét vuông (m2) đến dưới 100.000 mét vuông (m2); đ) Rừng sản xuất có diện tích từ 10.000 mét vuông (m2) đến dưới 50.000 mét vuông (m2); e) Rừng phòng hộ có diện tích từ 7.000 mét vuông (m2) đến dưới 10.000 mét vuông (m2); g) Rừng đặc dụng có diện tích từ 3.000 mét vuông (m2) đến dưới 5.000 mét vuông (m2); h) Gây thiệt hại về lâm sản trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng trong trường hợp rừng bị thiệt hại không tính được bằng diện tích; i) Thực vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA trị giá từ 60.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng; thực vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng.
|
Phạt tù từ 03 năm đến 07 năm |
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Cây trồng chưa thành rừng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh thuộc rừng chưa có trữ lượng có diện tích 100.000 mét vuông (m2) trở lên; b) Rừng sản xuất có diện tích 50.000 mét vuông (m2) trở lên; c) Rừng phòng hộ có diện tích 10.000 mét vuông (m2) trở lên; d) Rừng đặc dụng có diện tích 5.000 mét vuông (m2) trở lên;
đ) Gây thiệt hại về lâm sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên trong trường hợp rừng bị thiệt hại không tính được bằng diện tích; e) Thực vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA trị giá 100.000.000 đồng trở lên; thực vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA trị giá 200.000.000 đồng trở lên.”; |
Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm |
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này |
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng; b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng; c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 5.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm; d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn; đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm. |
Ngoài các khung hình phạt trên, Khoản 4 điều này quy định, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Trên đây là những quy định cơ bản về Tội hủy hoại rừng mà Luật Dương Gia – Chi nhánh Đà Nẵng gửi đến quý khách hàng. Trường hợp cần được tư vấn khác vui lòng liên hệ theo số hotline 1900.6568 để được hỗ trợ.